Tìm hiểu năm sinh và thử phác họa niên biểu Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
06/10/2023
(Tham luận Hội thảo quốc gia “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – thân thế , sự nghiệp và tầm ảnh hưởng” do Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 2/8/2022)
Hải Thượng Lãn Ông (HTLÔ) là một ngôi sao sáng chói trong trong lịch sử y dược học cổ truyền Việt Nam. Cuộc đời sự nghiệp của Lãn Ông là tấm gương tiêu biểu cho người thầy thuốc Y học cổ truyền chân chính. Không chỉ tích cực chữa bệnh cho người đương thời, Lãn Ông còn miệt mài nghiên cứu biên soạn sách thuốc giảng dạy cho học trò và để lại cho đời sau.
Tác phẩm “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” (HTYTTL, nguyên tựa tác giả gọi là “Lãn Ông tâm lĩnh”) là bộ bách khoa toàn thư về y dược cổ truyền có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ thầy thuốc Y học cổ truyền và nền Y học Việt Nam trong gần 250 năm qua.
Ngày 11-12-1970, tại Hà Nội đã tổ chức trọng thể kỷ niệm lầng thứ 250 ngày sinh HTLÔ Lê Hữu Trác và sau đó, ở các tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) quê nội và Hà Tĩnh quê ngoại của Lê Hữu Trác cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm đó. [5]
Hiện nay chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của HTLÔ. Tuy nhiên, theo chúng tôi một vấn đề đặt ra là cần tổ chức Hội thảo khoa học xác định lại chính xác ngày tháng năm sinh cũng như một số cột mốc trong niên biểu của HTLÔ để việc tổ chức các sự kiện thêm phần ý nghĩa.
- Về ngày tháng năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông
Trong tiểu sử của (HTLÔ), về ngày tháng năm mất thì hầu hết các tài liệu đều ghi nhận thống nhất là Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (17-2-1791), tuy nhiên về ngày tháng năm sinh trong các tài liệu lưu hành ở nước ta vẫn còn tồn tại hai quan điểm về năm sinh của (HTLÔ) Lê Hữu Trác là 1720 và 1724.
Ngay trong phần giới thiệu tiểu sử tác giả trong bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, bản dịch của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Đông y Hà Nội, cũng bất nhất trong các lần ấn hành: như bản do Nhà xuất bản Y học in năm 2005 (bộ 4 tập) ghi sinh 12 tháng 11 năm Canh Tý (1720), bản tái bản của Hội Y học Dân tộc TP.HCM, 1987, ghi sinh ngày 12-11-1724. [7], [8].
Khảo sát một số tài liệu khác chúng tôi nhận thấy:
* Tài liệu viết Hải Thượng Lãn Ông sinh năm 1720 có:
– Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông, Lê Trần Đức, NXB Y học, Hà Nội, in lần đầu 1966, tái bản 1970.
– Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Bộ Y tế, NXB Y học, Hà Nội, 1971
– Lược khảo Lịch sử ngành dược thế giới, Trương Xuân Nam, NXB Y học, Chi nhánh TP. HCM, 1987
– Sơ thảo lịch sử Y học cổ truyền Việt Nam, Lê Trần Đức chủ biên, NXB Y học, Hà Nội, 1995.
– Thượng kinh ký sự, bản dịch của Phan Võ, NXB Văn học, Hà Nội, 1959.
– Từ điển bách khoa, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002.
– Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (in lần thứ năm, có sửa chữa và bổ sung), NXB Văn hóa, 1999.
– Bài giảng Y học cổ truyền và nhiều giáo trình khác của các nhóm tác giả Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội, NXB Y học, tái bản liên tục.
* Tài liệu viết Hải Thượng Lãn Ông sinh năm 1724 có:
– Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, Trần Văn Giáp, NXB Văn hóa, Hà Nội, in lần lần đầu 1971, tái bản 1984.
– Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp chủ biên, Tập 1, NXB Sử học, 1962; NXB Văn học, in lần 3, trọn bộ, 2000.
– Văn bia họ Lê Hữu, Nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội), 1994.
– Đông y dược học hóa toát yếu, Phạm Văn Điều, Tạp chí Đông y dược xuất bản, Sài Gòn, 1957 (NXB Long An tái bản, 1992).
– Đông y lược khảo, Đỗ Đình Tuân, Nhà sách Hoa Lư, Sài Gòn, 1971 (NXB Mũi Cà Mau, tái bản 1998).
– Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, Nguyễn Văn Thang, do NXB Văn hóa và Thông tin (Hà Nội), 2001.
Đáng chú ý theo khảo cứu của Phạm Văn Điều (1957), Trần Văn Giáp (1962), Đỗ Đình Tuân (1971), Nguyễn Văn Thang (2001) đều thống nhất ngày tháng năm sinh của HTLÔ là ngày 12-11 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 27-12-1724).
Theo cuốn Văn bia họ Lê Hữu thì ngày sinh của người anh ruột cùng cha cùng mẹ với HTLÔ là Lê Hữu Tán (con thứ 7 của cụ Lê Hữu Mưu, nhưng nếu chỉ kể về con trai là con thứ tư) là giờ Tý, ngày 14 tháng 2 năm Canh Tý (1720) mà HTLÔ là con trai thứ 7 của cụ Lê Hữu Mưu nên gọi là Chiêu Bảy (nếu kể cả trai và gái thì HTLÔ là con thứ 11). Vậy có thể có sự nhầm lẫn giữa cậu Chiêu Bảy với người anh thứ 7, nên có sách cho là HTLÔ sinh năm Canh Tý (1720) chăng? [6].
Theo bài viết “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm nào?” của Lê Hữu Châu đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 269 (10/2006), thì hiện tại tất cả các tài liệu và gia phả của dòng họ còn lưu truyền về năm sinh của HTLÔ Lê Hữu Trác đều ghi chép là năm Giáp Thìn – 1724. Điều đó cũng đã được viết rất rõ trong các sách: Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, (trang 9, 10, 11 và 14) và Văn bia họ Lê Hữu, trang 155.
Với tư cách là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Lê gốc Liêu Xá, tác giả bài báo (Lê Hữu Châu) thay mặt dòng họ Lê Liêu Xá, đã “trích dẫn như trên một số chứng cứ có tính chất lịch sử liên quan đến năm sinh của Lãn Ông nhằm giúp cho các cơ quan đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng và những ai quan tâm sẽ tránh được những hiểu biết không chính xác như trước đây”.
Thiết tưởng đó không chỉ là ước nguyện của hậu duệ dòng họ Lê Liêu Xá mà còn là của tất cả những người dân mến mộ tác giả, tác phẩm của HTLÔ: Cần đính chính, ghi nhận chính xác ngày sinh của Danh y ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 27-12-1724 trên các tài liệu có liên quan, nhất là các tài liệu y dược cổ truyền.
Cần lưu ý một số sách dẫn đã đính chính năm sinh HTLÔ là 1724, nhưng về ngày vẫn giữ theo ngày sinh âm lịch 12-11 theo gia phả là không chính xác.
- Thử phác họa niên biểu Hải Thượng Lãn Ông
Trong tác phẩm HTYTTL tác giả không cho biết chính xác mình sinh năm nào, nhưng qua một số chi tiết rải rác trong các phần lời Tự tựa đầu bộ sách, phần Y nghiệp thần chương, Thượng kinh ký sự, nhất là trong một số bài Tiểu dẫn đầu các tập có ghi rõ một số mốc thời gian, qua đó kết hợp những dữ liệu được ghi trong các cuốn Văn Xá Lê tộc thế phả và Văn bia họ Lê Hữu có cho biết năm sinh, năm mất của ông nội, cha, mẹ, anh em của HTLÔ, chúng ta có thể xác lập một số mốc thời gian để xây dựng niên biểu cho HTLÔ.
Trong bài Tự tựa viết vào thời điểm năm 1770, khi hoàn thành các tập cơ bản của bộ sách, HTLÔ có kể lại: Lãn Ông vốn con nhà trâm anh thế phiệt, thuở nhỏ chăm chỉ sách đèn, chỉ là muốn làm nên sự nghiệp to lớn. Ngờ đâu khi tuổi vừa mới lớn (nguyên văn “cập quan chi niên”, bản nhà sách Khai Trí dịch là “lúc 15 tuổi”, bản nhà xuất bản Y học có bản dịch là “năm 20 tuổi”, có bản hiệu chỉnh lại là “khi tuổi vừa mới lớn”), thì ông thân sinh từ trần, đau đớn vì thiếu lời dạy dỗ của người cha… Văn Xá Lê tộc thế phả cho biết Lãn Ông còn có tên Lê Hữu Chẩn, tên húy là Trác, năm 20 tuổi (Quý Hợi, 1743), đi thi đỗ tam trường, không đỗ đại khoa. Sau biến cố này, gặp thời loạn lạc giặc giã nổi lên, Lãn Ông lưu lạc giang hồ, học thuật âm dương, binh thư, độn giáp, rồi tòng quân, chinh chiến. Đây phải chăng là thời điểm bắt đầu của giai đoạn “thập niên ma nhất kiếm” (mười năm mài gươm) mà Lãn Ông đã trải qua. [7], [8], [9], [11].
Trong Thượng kinh ký sự, Lãn Ông cho biết vào thời gian ở Kinh đô (1782), có tranh thủ về thăm quê cha ở Liêu Xá, lúc đó ông ngậm ngùi kể: “Tôi xa cách quê nhà cách nay bấm đốt đã ba mươi năm…” chứng tỏ Lãn Ông xa quê nội từ năm 1753, sau khi nhận tin anh mất về quê ngoại nuôi mẹ.
Cũng trong lời Tự tựa này cho biết khi người anh thứ 5 mất, Lãn Ông “vứt cung cởi giáp” về chịu tang và thay anh phụng dưỡng mẹ ở độ tuổi “thất tuần” (tức 70). Công việc gánh vác nhiều nên Ông đổ bệnh dây dưa vài năm, tìm đến ông lang Trần Độc ở núi Thành chữa bệnh và bắt đầu đọc sách thuốc Cẩm nang của Phùng thị.
Trong Y nghiệp thần chương, HTLÔ viết: “Từ năm 30 tới 40 mới biết về nghề thuốc”. Trong Tiểu dẫn tập Vận khí bí điển viết năm 1786, HTLÔ nói: “Tôi thuở trẻ gặp thời binh loạn phải ẩn náu giang hồ, sau lánh tới Hoan Châu, làm nhà ở Hương Sơn, đóng cửa đọc sách gần sáu bảy năm tròn”.
Trong giai đoạn học thuốc mà chưa thành nghề này, có một sự kiện đau lòng khiến Ông càng quyết tâm hơn để học thuốc. Đó là trong Tiểu dẫn tập Mộng trung giác đậu, không ghi thời điểm viết nhưng HTLÔ có kể: “Con 5 tuổi của tôi ở huyện Hoài An, xã Nguyễn Xá, ngày 9 tháng 3 năm Mậu Dần (1758) bị lên đậu… đến ngày 25 thì con tôi mất.”
Trong Tiểu dẫn tập Y trung quan kiện, HTLÔ viết năm 1780 có nói: “Tôi chữa bệnh đã hai mươi năm nay, kinh nghiệm đã nhiều…”.
Trong Tiểu dẫn tập Y hải cầu nguyên, HTLÔ viết năm 1782 có nói: “Tôi bỏ học nho sang học thuốc hơn hai mươi năm…”
Các dẫn liệu này xác tín Lãn Ông chính thức học nghề làm thuốc từ năm 30 tuổi và “sau sáu, bảy năm đóng cửa đọc sách” đã bắt đầu giai đoạn chính thức hành nghề làm thuốc, nhận học trò, biên soạn sách thuốc từ khoảng năm 1760 (37 tuổi). Để rồi mười năm sau Ông chính thức viết đề tựa cho tập “Lãn Ông tâm lĩnh” cơ bản hoàn thành vào năm 1770 (47 tuổi).
Tuy nhiên, sự nghiệp nghiên cứu soạn sách của HTLÔ chưa kết thúc ở đây, 21 năm còn lại của cuộc đời, đã soạn thêm ít nhất 4 tập sách (Y trung quan kiện, Y hải cầu nguyên, Thượng kinh ký sự và Vận khí bí điển, đó là chưa kể các tập Vệ sinh yếu quyết và Nữ công thắng lãm) bổ sung vào bộ HTYTTL để rồi hơn 100 năm sau mới được khắc in và gần 100 năm sau nữa mới được dịch xong ra chữ quốc ngữ để cống hiến cho ngành Y dược học cổ truyền nước nhà.
Căn cứ các mốc thời gian chính tác giả HTLÔ nêu trong tác phẩm của mình, cũng như các tài liệu liên quan tiểu sử đã nói ở trên, chúng tôi thử phác họa dựng lại niên biểu cho HTLÔ và bộ sách HTYTTL như dưới đây (chúng tôi đối chiếu niên hiệu và năm can chi âm lịch ra năm dương lịch theo sách Thế thứ các triều vua Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục in năm 2007, và tính theo tuổi ta, tuổi âm lịch, nghĩa là sinh ra đã là 1 tuổi).
NIÊN BIỂU HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC (1724-1791)
Năm | Tuổi | Niên hiệu | Niên biểu HTLÔ và bộ sách HTYTTL |
1724
… |
1 | Bảo Thái thứ 5
(Giáp Thìn) |
Sinh ngày 12/11 năm Giáp Thìn (27/12/1724) ở quê mẹ, còn có tên Lê Hữu Chẩn. Con Tiến sĩ Lê Hữu Mưu (1685-1739) và kế thất là bà Bùi Thị Thưởng (1685-1760). Lúc nhỏ sống ở quê nội, lớn lên theo cha lên Kinh đô chăm chỉ sách đèn, vừa mài gươm vừa đọc sách. |
1739 | 16 | Vĩnh Hựu 5
(Kỷ Mùi) |
Cha mất khi tuổi vừa mới lớn (cập quan chi niên), đau xót vì thiếu sự chỉ dạy của người cha, lại gặp buổi giặc giã loạn lạc, nên không còn chú tâm việc học hành khoa cử |
1743
… |
20 | Cảnh Hưng 4
(Quý Hợi) |
Đi thi chỉ đỗ Tam trường, không đỗ đại khoa. Khi loạn lạc giặc giã khiến gia đình phải lánh nạn nhiều nơi, bắt đầu giai đoạn 10 năm lang bạt giang hồ học binh thư và thuật âm dương độn toán với một ẩn sĩ ở Đặng Xá, Hoài An, rồi tòng quân, lập nhiều chiến công hiển hách. |
1753 | 30 | Cảnh Hưng 14
(Quý Dậu) |
Nghe tin anh thứ 5 mất, bèn vứt cung cởi giáp về quê ngoại chịu tang anh, nuôi mẹ già. Nhân đau ốm dây dưa nên tìm đến ông lang Trần Độc ở núi Thành chữa bệnh hơn một năm. Nhân rảnh rỗi đọc sách Phùng thị Cẩm nang, bắt đầu tìm hiểu nghề thuốc. Mặc dầu được một vị tướng quân đương thời đưa lễ vật tới triệu mời với hứa hẹn bái tướng phong hầu, nhưng ông đã từ chối để quyết chí học nghề y. Ông đi lại học thêm với một ông lang họ Trần khác ở làng Đậu Xá gần đó thêm vài năm. |
1756 | 33 | Cảnh Hưng 17
(Bính Tý) |
Sau ba năm tích lũy được một số vốn liếng kiến thức y học ở quê mẹ, ông lên kinh đô tìm thầy, vô duyên không gặp bậc cao minh, nên lại về núi cũ, đóng cửa đọc sách thuốc. |
1758 | 35 | Cảnh Hưng 19
(Mậu Dần) |
Con gái 5 tuổi bị bệnh đậu chết sau khi mời nhiều lang băm chữa không khỏi (đang sống ở quê vợ làng Nguyễn Xá, huyện Hoài An, nay thuộc Ứng Hòa, Hà Tây) |
1760 | 37 | Cảnh Hưng 21
(Canh Thìn) |
Mẹ mất. Bắt đầu hành nghề làm thuốc, nhận học trò và biên soạn sách |
1770 | 47 | Cảnh Hưng 31
(Canh Dần) |
Hoàn thành những tập sách cơ bản và viết lời tự tựa cho bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh”, với ý định trước mắt truyền riêng cho con cháu trong nhà. |
1780 | 57 | Cảnh Hưng 41
(Canh Tý) |
Soạn xong tập Y trung quan kiện |
1782 | 59 | Cảnh Hưng 43
(Nhâm Dần)
|
Soạn xong tập Y hải cầu nguyên.
Hành trình lên kinh chữa bệnh cho phủ Chúa từ 18/1 đến 2/11 về đến nhà. Gặp một học trò ở Thăng Long vốn sao chép bản thảo sách của Lãn Ông để học tập có nhiều thấu ngộ nên đã lập bàn thờ, thờ sống thầy. |
1783 | 60 | Cảnh Hưng 44
(Quý Mão) |
Hoàn thành tập Thượng kinh ký sự tháng 11. |
1786 | 63 | Cảnh Hưng 47
(Bính Ngọ) |
Soạn xong Vận khí bí điển |
1791 | 68 | Quang Trung 4
(Tân Hợi) |
Mất ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (17/2/1791) tại quê mẹ, an táng tại chân núi Minh Từ (Rú Cồn Dài), trên bờ khe Nước Cắn, mé tả ngạn sông Ngàn Phố, gần huyện lỵ Phố Châu, Hà Tĩnh. |
1866 | Tự Đức 20
(Bính Dần) |
Đường My Vũ Xuân Hiên viết lời thuyết minh về việc sưu tập di thư pho “Tâm lĩnh”, Tiến sĩ Lê Cúc Linh viết lời giới thiệu. | |
1885 | Hàm Nghi nguyên niên (Ất Dậu) | Nhà sư Thanh Cao trụ trì chùa Đồng Nhân, xã Đại Tráng, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh khảo lại bản khắc và viết lời giới thiệu, hoàn thành việc in sau 6 năm ròng (1879-1885). | |
1959 -1975 | Viện Nghiên cứu Đông y (27 người) dịch duyệt và Nhà xuất bản Y học, Hà Nội xuất bản lần lượt các tập bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” tại Miền Bắc từ 1959-1974.
Dịch giả Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch và Nhà sách Khai Trí xuất bản trọn bộ Hải Thượng y tôn tâm lĩnh (5 tập) tại Sài Gòn từ 1972-1975. |
- Kiến nghị
Thông qua việc xác định lại năm sinh và phác họa niên biểu tương đối hợp lý của HTLÔ trong bài này, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng như Vụ Khoa giáo – văn – xã thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc như Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện YHCT TƯ, Khoa YHCT các trường Đại học cùng phối hợp với các cơ quan liên quan như Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam, các nhà nghiên cứu trong ngoài nước… trong năm 2019 nên gấp rút tổ chức một Hội thảo khoa học để thống nhất kết luận về ngày sinh cũng như niên biểu của Lãn Ông.
Nếu được chính thức công nhận HTLÔ sinh năm 1724, chúng ta có cơ sở đề nghị tổ chức một loạt các sự kiện cấp quốc gia trong vòng 5 năm (2020-2024) sắp tới: Kỷ niệm 230 năm ngày mất (1791-2021); 250 ngày hoàn thành cơ bản bộ sách (1770-2020); và đặc biệt 300 năm ngày sinh (1724-2024); qua đó thúc đẩy có nhiều công trình nghiên chuyên sâu, toàn diện hơn nữa về Y tổ Hải Thượng Lãn Ông và bộ sách HTYTTL trong thời gian đến. /.
Đà Nẵng, tháng 11/2018
Nguyễn Văn Ánh – Phan Công Tuấn
(Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Văn Điều (1957), Đông y dược học hóa toát yếu, Tạp chí Đông y dược xuất bản, Sài Gòn, 1957 (NXB Long An tái bản, 1992).
- Lê Trần Đức chủ biên (1995), Sơ thảo lịch sử Y học cổ truyền Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội.
- Trần Văn Giáp (1984), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, NXB Văn hóa, Hà Nội, in lần thứ hai.
- Trần Văn Giáp chủ biên (2000), Lược truyện các tác gia Việt Nam, NXB Văn học, in lần 3, 2000.
- Trương Xuân Nam (1987), Lược khảo Lịch sử ngành dược thế giới, NXB Y học, Chi nhánh TP. HCM.
- Nguyễn Văn Thang (2001), Hải Thượng Lãn Ông – nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2005), Hải Thượng y tông tâm lĩnh (toàn bộ 4 tập), nhiều người dịch, NXB Y học, Hà Nội, tái bản.
- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1987), Hải Thượng y tông tâm lĩnh (toàn bộ 6 tập), nhiều người dịch, Hội YHDT TP. HCM, tái bản.
- Lãn Ông Lê Hữu Trác (1972), Hải Thượng y tôn tâm lĩnh (toàn bộ 5 tập), Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
- Đỗ Đình Tuân, (1971), Đông y lược khảo, Nhà sách Hoa Lư, Sài Gòn,1971 (NXB Mũi Cà Mau, tái bản 1998).
- 新镌海上醫宗心領全帙 (Tân thuyên Hải thượng tâm lĩnh toàn trật, bản khắc gỗ 1885).
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093