Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Tiểu sử sư Tuệ Tĩnh

01/12/2023

LGT: Bài này đăng theo nguyên bản in trong Đặc san Đông y dược, xuất bản tại Sài gòn tháng 10-1957. Người sưu tầm biên tập chỉ sữa một vài lỗi chính tả hỏi ngã và in nghiêng vài cụm từ thấy cần thiết. Quý bạn đọc nào thấy có điểm gì đáng ngờ trong bản tiểu sử này, xin hãy tham gia phản hồi thảo luận trên chuyên mục Tuệ Tĩnh đường cùng chúng tôi.(P.C.T)

Sư Tuệ-Tĩnh (cũng đọc là Huệ-Tịnh) họ Nguyễn, con nông dân quê ở làng Nghĩa-phú, tổng Thượng-hồng (tổng Văn-thai, huyện Cẩm-giàng ngày nay), tỉnh Hải-dương. Sau có hiệu là Hồng-nghĩa-đường.

Lên sáu, cụ phải chịu cảnh mồ côi, vào nương tự trong một ngôi chùa. Nhờ thiên tư dĩnh ngộ, nên nhơn đó cụ theo học tập với đại sĩ mà mở huệ-tánh huệ-tâm. Sau đó có một cao tăng ở chùa Giao-thuỷ (chùa Keo bây giờ) đem cụ về làm môn đệ. Sư-ông là tay hay chữ, sẵn lòng chăm nom chỉ bảo cho Tuệ-Tĩnh. Ngoài kinh-kệ, hai thầy trò còn cùng nghiên cứu cả ngoại thơ: kinh, sử, tử, tập. Tuệ-Tĩnh thông minh, lỗi lạc lắm, cho nên về sau văn tài còn hoạt bát hơn thầy. Sư-ông sẵn có bụng lân tài, cho cụ ra học tập nơi các trường nho, cụ thường hơn cả chúng bạn.

Năm 1351 (Tân-mão), niên hiệu Thiệu-phong thứ 10, đời Trần-Dụ-Tôn, Tuệ-Tĩnh thi đậu Hoàng-giáp. Nhà vua định bổ dụng cụ, cụ không nhận chức xin lui về ẩn tu, vì chán nản việc triều chính suy đồi. Thậm chí nhà hiền triết Chu-Văn-An (Văn Trinh) làm đến chức Quốc-tử-giám tế tửu, dâng sớ xin chém bảy người gian nịnh mà không được, rốt cuộc rồi phải cáo quan về ẩn ở núi Chí-linh (Phượng-hoàng) gần chỗ nhau-rún của Tuệ-Tĩnh. Gương chí sĩ cũng có ảnh hưởng đến cụ.

Một bậc đại nho khoa giáp, tinh thông thiên lý, đầy đủ từ tâm, lấy sự độ thế cứu dân làm trách nhiệm, thích nhơn nghĩa, ưa từ bi và khi ở học tại chùa Giao-thuỷ, thấy cái gương cứu khổ cứu nạn bằng phép, bằng thuốc của ông Lý-Khổng-Lồ, nổi tiếng tới bên Tàu, nên rất mến đức-trạch ấy, lại nhân lúc cuối đời Trần, quân Minh hay sang nhiễu loạn trở ngại nẻo giao thông, thành ra thuốc Bắc cao giá, nhân dân nước Nam phải một phen khổ vì bịnh, Tuệ-Tĩnh liền quyết tâm thọ nghiệp Hiên-Kỳ, tìm đến chỗ tinh tuý, gom những điều linh nghiệm để cứu độ sanh linh và gia công nghiệm xét những vị thuốc Nam đặng thay thế cho thuốc Bắc, hiệp cùng với thuốc Bắc, hay là chỉ lập riêng ra những phương thang bằng thuốc Nam, cho bớt dùng những thứ thuốc mắc mỏ của nước ngoài.

Về mặt bố thí, Tuệ-Tĩnh lần lượt dựng 24 ngôi chùa để làm chỗ giảng tu và thí thuốc. Về mặt truyền bá, cụ có dạy nhiều học trò để giúp sự chế luyện thuốc và chữa bịnh  cho người ta. Bây giờ còn một ngôi chùa của cụ ở làng Yến-trang, huyện Cẩm-giàng, tỉnh Hải-dương.

Sau một thời kỳ nghiên cứu và thí nghiệm, cụ tham hợp y lý và dược lý Bắc-Nam, đứng về mặt vật liệu bổn xứ, viết 2 bộ sách rất có giá trị, xương minh được nghề thuốc của tổ tiên.

Ban đầu soạn ra bộ Hồng-nghĩa giác tư y thư có quyển thượng và hạ, chép ghi được 630 vị thuốc Nam, 13 bài thuốc chữa bịnh theo phép Nam, với 37 bài trị cảm theo phép cũ của Tàu mà có canh cải và gia giảm cho thích hạp với tính chất của người Việt-nam.

Đầu quyển thượng có bài phú thuốc Nam, có một câu đoán quyết rằng: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Và có những câu lý thú như: “Thiên thư riêng định cõi Nam, thổ sản khác nhiều đất Bắc”. Trong ấy lại có thêm những bài khảo về những vị thuốc Nam có tên theo chữ Hán.Văn thì xưa, nhưng trôi chảy dễ học. Lúc đầu, sách chỉ sao tay mà lưu truyền. Vào khoảng tháng 6 năm Lê Vĩnh-Thịnh 13 (1717), hàng sách Liễu-chàng có dâng bộ sách này cho chúa Trịnh xem. Chúa truyền các quan trong viện xét kỹ lại và dạy in ra cho phổ cập.

Lại muốn chỉnh đốn nghề thuốc bổn xứ, Tuệ-Tĩnh căn cứ vào thuốc Nam và người Nam, viết thành bộ Nam dược thần hiệu gồm có mười quyển. Quyển đầu nói về tính chất  các vị thuốc Nam đặt ra thành thơ ca cho dễ học, dễ nhớ. Còn 9 cuốn sau nói về các phép chữa đủ mọi thứ bịnh, gồm các khoa (như chư trúng, khí chứng, huyết chứng, chư thống, v.v…) đều dùng thuốc Nam.

Sách này, sau Bản Lai hoà thượng đề tựa – ngày tháng 9 năm Tân tỵ, niên hiệu Lê Kiến Hưng (1762).

Pho sách này là pho sách ruột rất có giá trị của Tuệ-Tĩnh, cho nên cụ bắt đồ đệ học thuộc lòng cả, một là muốn truyền bá rộng, hai là sợ thất lạc đi mà việc ấn loát thì khó khăn hao tốn quá. Cho nên về sau bị quân Minh thâu đoạt về Kim-lăng vẫn còn có người sao chép lại được đủ, chớ không đến nỗi mất mát như thuốc gia truyền khác chỉ dấu diếm trong một tập cỏn con.

Đã có kiến thức mới mà lại chú trọng ở thiệt hiện cho nên nhiều khi cụ chỉ dùng ròng những vị thuốc bổn xứ, chớ không cần tìm tới mấy vị xa lạ của nước ngoài. Xử phương giản đơn mà đích đáng. Lý luận gọn gàng, chỉ dùng những câu cần thiết chớ không có bàn tán viễn vông. Hễ xét đoán kỹ lưỡng, kinh nghiệm chắc chắn là chỉ bảo để thi trị. Thật rõ rất dễ học. Hiềm vì văn chữ cụ dùng có nhiều chỗ xưa quá sau không hiểu hết được để cho khỏi phụ công phu của vị y-tổ ấy.

Tương truyền, hoàng hậu của Minh Thái Tổ, lúc đầu vì chứng khó sanh gần chết mà phải rước tới Trúc Điền Xương Khánh, một bậc đại danh y Nhựt, qua chữa lành bịnh, và nhà vua phong cho ông này làm An-quốc-công. Sau nữa, bà vua ấy lại bị sản hậu mà các thầy Tàu, Nhựt lại không trị nổi, người Tàu nhơn đọc sách đã đoạt của phái Tuệ-Tĩnh, biết tiếng vị đại y này, nên nhà vua cho người sang hỏi thăm quan đô hộ bên nước Nam (vì quân Minh đã chiếm cứ một phần). Rồi có chiếu triệu cụ Tuệ-Tĩnh sang Kim-lăng chữa cho hoàng hậu, và được sắc phong làm Nam-việt y-sư. Có thiệt như vậy, thì đây là một vẻ vang chưa từng có!

Vua Tàu yêu tài mến đức, cố giữ cụ lại kinh đô đến ngày cuối cùng, và an táng nơi một hòn núi gần đó.

Đến sau có ông nghè Nguyễn Danh Nho nào đó cũng ở làng Nghĩa-phú, nhơn sang sứ Tàu, đi ngang Kim-lăng có đến viếng mộ Tuệ-Tĩnh, xem bia, tưởng người, động lòng cảm khái, muốn đem di hài về, nhưng vua Tàu không cho, sợ e người chết lại phải một phen vất vả với đường sá xa xôi, chỉ cho đưa tấm bia mộ về cho người Việt-nam biết bụng người Tàu quí mến đại y Tuệ-Tĩnh là ngần nào.

Hiện thời ở tổ quán của cụ vẫn có đền thờ cụ, trên có treo một tấm biển Nam thiên y thánh, còn tấm bia thì mòn mất cả chữ.

Một người có công gây dựng nền móng cho khoa thuốc Việt-nam như vậy, dầu có suy tôn là Nam-y sư-tổ cũng xứng đáng lắm.

(Tài liệu của Quang Đức)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *