Tiểu sử của Tuệ Tĩnh
30/11/2023
LTS: Tiểu sử của Tuệ Tĩnh, như chúng ta đã biết, hiện nay còn nhiều điểm chưa thống nhất về truyền thuyết, niên đại, tác phẩm. Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải các ý kiến, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Trong số này, chúng tôi xin đăng lại Tiểu sử của Tuệ Tĩnh do Phòng tu thư huấn luyện Viện nghiên cứu Đông y biên soạn, in ở đầu quyển Nam Dược Thần Hiệu, do Nhà xuất bản Y học, Hà Nội xuất bản lần đầu năm 1960. Tiếp theo số sau sẽ đăng Tiểu sử sư Tuệ Tĩnh theo Đặc san Tạp chí Đông y dược xuất bản ở Sài Gòn tháng 10-1957. Hai bản tiểu sử này tuy không phải là cổ nhất, nhưng được phổ biến khá rộng rãi ở hai miền Nam – Bắc đã gần nửa thế kỷ nay, có nhiều ảnh hưởng đến y giới và các nhà biên khảo đời sau, và có thể nói là khá tiêu biểu cho quan điểm truyền thống. Sau hai số báo này, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải các tư liệu mới do các tác giả và bạn đọc sưu tầm gởi đến. Mong nhận được sự cộng tác nhiệt tình của quý bạn đọc và các nhà nghiên cứu gần xa.
P.C.T
1.Thân thế: Tuệ Tĩnh chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu (tên hiệu nhà chùa) Tuệ Tĩnh, sinh ở làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa) tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng (gần Kẻ Sặt), phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thôn này ở cách ga Cao Xá trên đường sắt Hà Nội – Hải Phòng 1 cây số rưỡi và cách tỉnh lỵ Hải Dương hơn mười cây số…
Vì sinh ra ở làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng nên Tuệ Tĩnh đặt biệt hiệu là Hồng Nghĩa.
Về năm sinh của Tuệ Tĩnh, hiện nay chưa có một tài liệu lịch sử chính xác. Theo các cụ phụ lão địa phương, Tuệ Tĩnh sinh vào đời Trần (1225-1414), thế kỷ XIV. Gác-bác-đon (Gaspardone) cho rằng Tuệ Tĩnh sinh vào đời Trần Duệ Tông (1372-1377) (Gaspardone, Bibliographie annamite nO153).
Về thanh danh của Tuệ Tĩnh, các tài liệu hiện nay cũng chưa thống nhất. Tương truyền Tuệ Tĩnh là nhà sư thông minh lỗi lạc, thi đậu đệ nhị giáp Tiến sĩ tức Hoàng giáp, và lại giỏi thuốc nên bị bắt đi cống cho nhà Minh, và ở Trung QuốcTuệ Tĩnh chữa cho Tống vương phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu, nên được phong là “Đại Y Thiền sư”. Hiện nay ở các đền thờ Tuệ Tĩnh có những câu đối ngụ ý về các sự tích đó. Ví dụ ở đền Bia làng Văn Thai có câu:
“Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa,
Thánh sư diệu dược trấn Nam bang”
Tạm dịch:
“Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc,
Chữa bệnh thần diệu tài quán Nam bang”
Hải Dương phong vật chí (A.882 Fo 76b của Thư viện khoa học) chép: “Tuệ Tĩnh tiên sinh, thầy thuốc danh tiếng ở xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, chuyên dùng thuốc Nam chữa bệnh rất công hiệu, có chép các tập Dược tính chỉ nam và 13 phương gia giảm truyền lại đời sau”.
Bài tựa trong Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng nói: “Tuệ Tĩnh là một nhà sư, nghiên cứu rộng bí quyết âm dương, tìm hiểu sâu diệu thuật Kỳ Bá – Biển Thước”.
Theo hai tài liệu trên này, Tuệ Tĩnh là một bậc đại thiền, đại nho, đại y Việt Nam.
2.Sự nghiệp: Để dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam và để phục vụ nhân dân nghèo khổ được rẻ tiền, Tuệ Tĩnh đã nghiên cứu những cây cỏ Việt Nam dùng để chữa bệnh, đã sưu tầm ý nghĩa các bài thuốc giản dị thường dùng trong dân gian, đã thu thái các kinh nghiệm trị bệnh của Trung y…, nên đã xây dựng được một sự nghiệp y dược có tính chất dân tộc, đại chúng và sáng tạo trong một thời kỳ mà thuốc Bắc rất thịnh hành.
Tuệ Tĩnh đã để lại hai tác phẩm là Hồng Nghĩa giác tư y thư và Nam dược thần hiệu.
a)Hồng Nghĩa giác tư y thư: Bộ này gồm hai quyển: Thượng và Hạ, vừa bằng chữ Nôm, vừa bằng chữ Hán.
Quyển thượng gồm:
Bài phú về thuốc Nam bằng chữ Nôm;
Bài phú về dược tính bằng chữ Hán;
Các mục về y lý chung như can chi, bát quái, tạng phủ…;
Chủ trị của các thuốc;
Thuốc bổ, tả, ôn, lương của 12 kinh;
Ba đơn thuốc thường dùng là “Như ý đơn”(bài thuốc chữa được nhiều bệnh vừa ý mình), “Hồi sinh đơn” (bài thuốc sống lại để chữa các bệnh đàn bà) và “Bổ âm đơn” (bài thuốc bổ phần âm để trị các bệnh như người gầy khô âm ỉ…).
37 phương kinh nghiệm…
Quyển hạ gồm:
13 phương gia giảm.
37 phương trị thương hàn.
Đề cương phép trị các bệnh…
b)Nam dược thần hiệu: Bộ này gồm 11 quyển:
Quyển đầu nói về dược tính của 499 vị thuốc Nam.
Mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa trị bệnh.
3.Phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh:
Đọc bộ Nam dược thần hiệu, ta thấy về mỗi bệnh, Tuệ Tĩnh nêu lên nguyên nhân, bệnh lý và chứng trạng, rồi theo bệnh, theo chứng, tuỳ từng trường hợp nêu những kinh phương hay truyền phương để trị; đó là một phương pháp rất đơn giản, rất đại chúng và rất dễ áp dụng cho mọi người. Hơn nữa các đặc sản của Tuệ Tĩnh là dùng hầu hết những phương thuốc giản dị với những vị thuốc sẵn có ở Việt Nam.
Ngoài những phương pháp trên, Tuệ Tĩnh cũng dùng các phương pháp thực trị, vật lý trị liệu như thoa bóp, chườm cứu…Tuy nhiên do điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội và tư tưởng phong kiến bấy giờ, bộ Nam dược thần hiệu không khỏi có một số điểm mà hiện giờ ta cho là duy tâm, không hợp với khoa học, hoặc nhận định quá đáng về kết quả. Song căn bản bộ sách này có một giá trị khoa học nhất định vì đã thu thập được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh rất đại chúng của nhân dân ta.
4.Ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh:
Bộ Hồng nghĩa giác tư y thư và nhất là bộ Nam dược thần hiệu có ảnh hưởng rất sâu rộng trong y gia Việt Nam. Nó đã chỉ dẫn cách dùng thuốc nam để trị bệnh cho đại đa số nhân dân nghèo khổ, để y dược phổ cập đến nhân dân.
Qua các thế kỷ và hiên nay, có một số thầy thuốc theo phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh mà chữa bệnh cũng rất kết quả. Hải Thượng Lãn Ông là một bậc Đại Y tôn cũng chịu ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh trong công việc biên soạn quyển Lĩnh Nam bản thảo.
5.Kết luận:
Tuệ Tĩnh là một danh y Việt Nam đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học dân tộc. Tuệ Tĩnh đã tổng hợp và để lại những bài thuốc kinh nghiệm quý báu cho một số khá nhiều bệnh tật. Đó là tài liệu có giá trị lớn cho sự thừ kế và phát huy vốn cũ Y dược của nhân dân ta, thật là một cống hiến rất lớn.
Để tiếp tục sự nghiệp ấy, chúng tôi thiết tưởng nên gia công nghiên cứu, chọn lọc, áp dụng những kinh nghiệm đó, đồng thời tìm cho được quy luật trị liệu của các tài liệu của các bài thuốc quý báu của dân tộc ta đã xây dựng từ mấy ngàn năm nay, để chỉnh lý và nâng cao xây dựng một nền Y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phòng Tu thư huấn luyện
Viện Nghiên cứu Đông y
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 6
- Tất cả: 38090