Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Thừa Đạm Am và Học phái Châm cứu Trừng Giang

08/12/2023

THỪA ĐẠM AM VÀ HỌC PHÁI CHÂM CỨU TRỪNG GIANG

Danh y Thừa Đạm Am (1899-1957)

Thừa Đạm Am承澹盦 (hay Thừa Đạm An承淡, 1899-1957), người gốc Giang Âm, tỉnh Giang Tô, là một trong những nhà châm cứu và nhà giáo dục y học cổ truyền Trung Quốc nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hiện đại, đồng thời là người sáng lập ra châm cứu hiện đại. Tháng 9 năm 1954, Bệnh viện Trung y tỉnh Giang Tô và Trường Đào tạo Trung y Giang Tô (tiền thân của Đại học Trung Y Dược Nam Kinh) được thành lập, tháng 10, ông trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1955, ông được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Trung Quốc.

Mục tiêu cả đời của ông Thừa Đạm Am là thúc đẩy lĩnh vực học thuật châm cứu, và những thành tựu của ông đã lan tỏa khắp thế giới. Các đệ tử của ông đã đi theo phong cách học thuật và con đường học thuật của tiên sư, tiếp nối quá khứ và mở ra tương lai, đồng thời có những bước phát triển quan trọng trong các lĩnh vực nghiên cứu, chữa bệnh và giáo dục châm cứu hiện đại. Triệu Nhĩ Khang (赵尔康), Dương Giáp Tam (杨甲三), Trình Tân Nông (程莘农) từ Bắc Kinh, Khâu Mậu Lương (邱茂良), Dương Trường Sâm (杨长森), Dương Triệu Dân (杨兆民), Tiêu Thiếu Khanh (肖少卿) từ Nam Kinh, Trần Ứng Long (陈应龙) và Lưu Chương Kiệt (留章杰) từ Phúc Kiến, Tăng Thiên Trị (曾天治) từ Quảng Đông, La Triệu Cư (罗兆琚) từ Quảng Tây, Thiệu Kinh Minh (邵经明) từ Hà Nam, Cao Trấn Ngũ (高镇五) đến từ Chiết Giang, Lục Thiện Trọng (陆善仲) và Khổng Thiều Hà (孔昭遐) từ An Huy, Tạ Tích Lượng (谢锡亮)từ Sơn Tây, Chiêm Vĩnh Khang (詹永康) từ Hồ Nam…, họ đều vinh dự tự hào là đệ tử của Thừa Đạm Am.

Ngoài ra còn có nhiều danh gia truyền nhân của Thừa Đạm Am như Lư Giác Ngu (卢觉愚), Tạ Vĩnh Quang (谢永光) và Đặng Côn Minh (邓昆明)ở Hồng Kông, Hà Kính Từ (何敬慈), Đặng Tụng Như (邓颂如) và Lưu Trí Trung (刘致中) ở Singapore, Cao Đạt Tam (高达三) và Quan Phi Hùng (关飞雄) ở Philippine và Tô Thiên Hữu (苏天佑), được biết đến với tư cách là “Cha đẻ của Châm cứu Hoa Kỳ”, tất cả đều đang kế thừa di sản của Thừa Đạm Am để truyền bá châm cứu rộng rãi đến Đông Nam Á, Châu Âu và Hoa Kỳ.

Di sản châm cứu của Thừa Đạm Am được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã dần trở thành một thành tích học thuật được mọi người ca ngợi, thu hút sự chú ý của giới học thuật Trung Quốc và nước ngoài, hình thành một trường phái châm cứu học hiện đại mang đặc tính khoa học trong lịch sử phát triển của châm cứu học Trung Quốc. Địa danh Giang Âm – 江阴thời xa xưa được gọi là “Trừng Giang -澄江”, vì vậy các đệ tử trong và ngoài nước của Thừa Đạm Am thống nhất đặt tên là “Học phái Châm cứu Trừng Giang- 澄江针灸学派”, và nó dần dần được cộng đồng học thuật công nhận.

Di sản học thuật châm cứu mà Thừa Đạm Am để lại rất phong phú và ông được giới học thuật vô cùng ngưỡng mộ. Các sự kiện kỷ niệm về ngày sinh của Thừa Đạm Am, là những dịp để mọi người tổng kết và đánh giá về tư tưởng học thuật cũng như tri ân về những thành tựu lịch sử mà ông để lại. Với đề xuất hình thành Học phái Châm cứu Trừng Giang, các công trình nghiên cứu về trường phái châm cứu này không ngừng được công bố và phát triển.

 

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN HỌC THUẬT CỦA THỪA ĐẠM AM

Một só tác phẩm của Thừa Đạm Am được in ở Đài Loan và Hồng Kông. Ảnh: P.C.T

Năm 1899, Thừa Đạm Am sinh ra trong một gia đình làm nghề y học cổ truyền Trung Quốc tại thị trấn Hoa sĩ (华士镇, tên cũ là Hoa Dã trấn 华墅镇), huyện Giang Âm (江阴), tỉnh Giang Tô (江苏). Từ năm 6 tuổi bắt đầu đi học và tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi. Do gia đình khó khăn về tài chính nên anh ở lại trường để dạy học. Năm 1917, Thừa Đạm Am bắt đầu theo học Y học cổ truyền nội khoa, ngoại khoa với danh y Cù Giản Trang (瞿简庄), một thầy thuốc nổi tiếng ở địa phương. Trong ba năm, ông đã học xong nhiều y thư như “Linh Tố Loại Toản” của Uông Nhẫn Am, “Thương Hàn Luận” và “Kim Quỹ Yếu Lược” do Trần Tu Viên chú giải, “Ôn Nhiệt Kinh Vĩ” của Vương Mạnh Anh,… Và từ đó bắt đầu dấn thân vào con đường y học.

Lúc bấy giờ theo trào lưu truyền bá học tập phương Tây xâm nhập vào phương Đông và tư tưởng dân chủ, khoa học đã có sức hút rất lớn đối với chàng y sinh trẻ này. Sau ba năm kể từ khi hoàn thành khóa học nhập môn về y học cổ truyền Trung Quốc, mối quan tâm của Thừa Đạm Am đối với y học chủ yếu tập trung vào y học phương Tây và anh đã tham gia một loạt lớp học về Tây y. Trong thời kỳ này, Thừa Đạm Am luôn chú trọng học các phương pháp điều trị Tây y, cho rằng chúng mới hơn, tốt hơn, nhanh hiệu quả hơn, do đó, anh không coi trọng các phương pháp trị liệu truyền thống của cha mình như châm cứu, chích lể, . . Mãi đến mùa thu năm 1923, Thừa Đạm Am bị đau thắt lưng và mất ngủ, sau khi dùng Trung dược và Tây y trong vài tháng mà không có tác dụng, cha ông đã nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho ông bằng châm cứu, chỉ sau đó ông mới thay đổi thành kiến với châm cứu và cống hiến hết mình, tự mình đi học châm cứu… Tính đến thời điểm này, đã đúng 101 năm kể từ khi châm cứu bị phế truất khỏi Thái Y viện nhà Thanh vào năm 1822!

Mùa xuân năm 1925, Thừa Đạm Am bắt đầu mở phòng khám riêng. Vào mùa hè năm 1928, ông đồng sáng lập Trường Trung y Tô Châu cùng với một số đồng nghiệp từ Hiệp hội Trung y huyện Ngô, đồng thời chịu trách nhiệm viết và giảng dạy các bài giảng về sinh lý học và châm cứu. Mặc dù trường hoạt động chưa đầy một năm phải đóng cửa do khó khăn tài chính, Thừa Đạm Am vẫn tiếp tục sự nghiệp giảng dạy châm cứu của mình.

Thừa Đạm Am nhận thấy rằng do chiếu chỉ của hoàng đế Đạo Quang cho  rằng “châm và cứu không phù hợp để phụng sự chăm sóc sức khỏe hoàng đế”, từ đó sự phát triển của châm cứu ngày càng suy giảm, sự xâm nhập dần dần của văn hóa khoa học phương Tây đã gây áp lực xóa bỏ y học cổ truyền Trung Quốc. Với niềm tin tưởng chắc chắn vào giá trị lâm sàng của châm cứu vốn là phương pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu nghiệm, Thừa Đạm Am đã đứng ra thành lập “Trung Quốc Châm cứu học Nghiên cứu xã” (中国针灸学研究社) tại Vọng Đình, Tô Châu vào năm 1930, đây là tổ chức giáo dục châm cứu sớm nhất trong lịch sử giáo dục y học Trung Quốc.

Năm sau, ông xuất bản cuốn “Trung Quốc Châm cứu trị liệu học – 中国针灸治疗学”, tuyên bố sẵn sàng giải đáp miễn phí mọi thắc mắc của người mua sách của mình, thu hút được sự quan tâm lớn từ độc giả. Sau khi chuyển đến Vô Tích, hiệp hội đã liên tiếp xuất bản các tác phẩm như “Kinh Huyệt Đồ Giải -经穴图解”, “Kinh Huyệt Đại Quái Đồ – 经穴大挂图”, “Bách Chứng Phú Tiên Chú – 百症赋笺注” và “Kinh Huyệt Ca Quyết – 经穴歌诀”.

Vào ngày 10 tháng 10 năm 1933, dựa trên những hồ sơ ghi chép thực nghiệm về châm cứu tại phòng khám (“承门针灸实验录”)  vốn chỉ lưu hành nội bộ, Thừa Đạm Am đã sáng lập phát hành Tạp chí Châm Cứu – 针灸杂志, đây là tạp chí chuyên nghiêp về Châm cứu sớm nhất trong nước. Lúc này, Thừa Đạm Am cũng từ bỏ hẳn việc sử dụng thuốc (cả thuốc Tây lẫn Trung dược) mà chuyên chú về châm cứu điều trị bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của hiệp hội nghiên cứu, vào tháng 10 năm 1934, Thừa Đạm Am đã sang Nhật Bản để học tập và khảo sát về châm cứu. Vào tháng 5 năm 1935, ông nhận được danh hiệu học thuật “Chuyên gia Châm cứu” (针灸专攻士) từ Trường Châm cứu Cao cấp Tokyo (东京高等针灸学校), và mang theo một số tranh ảnh giáo cụ giảng dạy châm cứu cũng như các chuyên khảo y học như “Thập Tứ Kinh Phát Huy – 十四经发挥” vốn đã bị thất lạc ở Trung Quốc. Với niềm tin và hoài bão vực dậy ngành châm cứu Trung Hoa, ông trở về quê hương thân yêu và bắt đầu một hành trình sự nghiệp mới.

Sau khi trở về Trung Quốc, Thừa Đạm Am đã dành toàn bộ vốn liếng của mình để thành lập Viện Đào tạo Châm cứu Trung Quốc (中国针灸讲习所) trực thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Châm cứu Trung Quốc (中国针灸学研究社), nâng cấp giáo dục hàm thụ từ xa ban đầu lên giáo dục chính quy trực tiếp, mở rộng xây dựng trường học, làm phong phú chương trình giảng dạy và thuê thêm giảng viên.

Vào cuối mùa xuân năm 1936, Viện Đào tạo Châm cứu Trung Quốc được mở rộng thành Trường Đại học Châm cứu Trung Quốc (中国针灸医学专门学校), bổ sung chương trình đại học kéo dài hai năm, thêm thư viện và mở bệnh viện châm cứu đầu tiên dựa trên phòng khám châm cứu ban đầu (do chính sách hạn chế vào thời điểm đó, nó được đặt tên là Viện Điều dưỡng Châm cứu – 针灸疗养院). Thật không may, chiến trang Trung Nhật bùng nổ sau đó, máy bay quân Nhật xâm lược đã nhanh chóng san bằng ngôi trường.

Để tránh đụng độ quân Nhật xâm lược, mùa đông năm 1937, Thừa Đạm Am dù tràn đầy nhiệt huyết đã phải ẩn náu và di chuyển về phía Tây, đi qua An Huy, Giang Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc đến Tứ Xuyên, đến đâu ông cũng mở lớp truyền bá phương pháp châm cứu. Trong chín năm ở Tứ Xuyên, ông đã đào tạo bỗi dưỡng cho ba bốn trăm học viên châm cứu.

Cuối năm 1950, khi trật tự xã hội và giá cả dần dần ổn định trở lại, Thừa Đạm Am quyết định tiếp tục các công việc xã hội của hiệp hội nghiên cứu và “Tạp chí Châm cứu” ở Tô Châu. Vào tháng 9 năm 1954, theo lời mời của Chính quyền tỉnh Giang Tô, ông đến Nam Kinh để tham gia chuẩn bị thành lập Trường Đào tạo Trung y Giang Tô (江苏中医进修学校) và Bệnh viện Trung y tỉnh Giang Tô (江苏省中医院), đồng thời đình chỉ hoạt động của hiệp hội nghiên cứu và Tạp chí Châm cứu.

Trong thời gian làm hiệu trưởng tại Trường Đào tạo Trung y Giang Tô (tiền thân của Đại học Trung y dược Nam Kinh ngày nay), ông cùng với các đồng nghiệp  như Diệp Quất Tuyền (叶橘泉), Trâu Vân Tường (邹云翔) và Chu Du Trai (周攸斋)… đã đặt nền móng cho việc thành lập hệ thống giáo dục đại học về Trung y tân tiến, từ đó hiện thực hóa sự kế thừa và phát huy Trung y và châm cứu ngày một nâng cao và rộng khắp hơn.

Vào ngày 10 tháng 7 năm 1957, ông đã từ giã cõi đời sau thời gian dài làm việc không ngừng nghỉ, tích lao thành tật. Lý Tế Thâm (李济深), Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, đã viếng đôi câu đối:

康济斯民良相同功垂永誉

阐扬绝学名医传世有针经.

Khang tế tư dân lương tướng đồng công thùy vĩnh dự

Xiển dương tuyệt học danh y truyền thế hữu châm kinh

(Cứu giúp nhân dân tiếng thơm công đồng lương tướng

Xiển dương học thuật châm cứu truyền mãi danh y)

 

PHAN CÔNG TUẤN biên dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *