Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

THẦN Y JÌVAKA THỜI ĐỨC PHẬT

30/09/2024

 

LTS: Nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2555, Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 8 được tổ chức từ ngày 12 đến 14-5 – 2011 tại Thái Lan, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về một vị danh y thời Đức Phật, hiện được ngành y học cổ truyền của Thái Lan tôn xưng Y tổ.

Thần y Jìvaka

Thời thơ ấu và trưởng thành

Thần y Jìvaka (Kỳ Bà hay Kỳ Bạt) được sinh ra vào khoảng năm 526 trước CN ở thành Vương Xá (Rajagaha)  thuộc quốc độ Ma Kiệt Đà (Màgadha) trong thời gian trị vì của vua Tần Bà Sa La (Seniya Bimbisàra) – khoảng 540 TCN tại Trung Ấn Độ.

Ngài được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt. Theo kinh văn hệ Pàli, nhất là bộ Mahavagga  trong Tạng Luật có ghi lại chi tiết về tiểu sử cuộc đời của Ngài như sau:

Lúc bấy giờ, tại thành Vương Xá có một kỹ nữ tài sắc vẹn toàn. Đã làm say đắm biết bao vương tôn công tử. Và việc gì đến sẽ đến, cô kỷ nữ có thai. Sợ bị ế khách, nên sau khi sinh cô ta đã đặt đứa bé trong cái giỏ tre bên vệ đường. Sáng hôm đó, theo buổi chầu thường lệ, hoàng thân Abhaya đi ngang qua đoạn đường ấy, ông thấy có một bầy quạ bu quanh chiếc giỏ thành một vòng tròn như muốn bảo vệ cho đứa bé. Ông biết đây là một bậc phi phàm nên cho đem về cung nuôi dưỡng chu đáo và đặt tên là Jìvaka Komàrabhacca (Người còn sống – Jìvaka – được hoàng tử nuôi dưỡng chu đáo – Komàrabhacca).

Ngài lớn lên trong giàu sang nhung lụa, được theo học cùng các vương tôn công tử trong hoàng gia. Nhưng Ngài thường ưu tư, nghĩ ngợi. Bởi Ngài biết mình chỉ là con nuôi của Hoàng thân Abhaya. Cho nên đã quyết định chọn cho mình một nghề nghiệp mưu sinh thích hợp.

Cơ duyên đã đến, Ngài có quen biết với một ông thầy thuốc thường hay đến chữa bệnh cho vương phủ, Ngài bèn xin vị ấy theo học nghề làm thuốc, nhưng ông ta khiêm tốn chối từ. Và mách bảo Ngài nếu có quyết tâm và yêu thích nghề nầy thì nên đến quốc độ Gandhàra, (phía Bắc nước Pakistan hiện nay) cách đây mấy trăm do-tuần (một do tuần ước khoảng 16km). Nơi đó, tại thủ đô Takkasìla có một trường đại học y khoa lừng danh với nhiều giáo sư tài giỏi. Nếu chịu khó học hỏi thì khoảng 10 năm sau chắc chắn sẽ thành tài.

Một hôm, với quyết tâm mãnh liệt. Ngài đã rời bỏ cung vàng điện ngọc mà ra đi. Sau bao ngày lang thang, dầm mưa dãi nắng, cuối cùng Ngài cũng đến nơi đến cần phải đến.

Thoạt đầu, vì không có tiền đóng học phí nên Ngài được một vị giáo sư già thấy Ngài thông minh lanh lợi, lại có nghị lực phi thường nên thương tình dạy dỗ và cho ở trọ. Bù lại, ngoài việc học, Ngài phải chăm lo mọi việc trong nhà. Đồng thời Ngài cũng được vị giáo sư già giới thiệu vào học trường y khoa nổi tiến tại đó.

Sau 7 năm chăm chỉ học tập, Ngài trở thành một ngôi sao kiệt xuất về tài năng cũng như đức hạnh. Vị giáo sư nào cũng ngạc nhiên về sự tiếp thu nhanh nhạy kiến thức chuyên môn của người học trò ưu tú, đồng thời họ còn sửng sờ vì những suy luận sáng tạo, những trực giác nghề nghiệp bén nhạy và chính xác từng bệnh lý như ở trong gan trong ruột người ta vậy. Phải nói là Ngài học một biết mười. Các chương trình nội khoa, ngoại khoa Ngài đều thành thạo; nhất là khâu chẩn đoán, phẩu thuật và bào chế dược liệu Ngài rất xuất sắc.

Ngày mãn khóa ở trường hoc, Ngài vẫn lo sợ học nghệ của mình chưa tinh, nhất là các cây thuốc vị thuốc, nên trong thâm tâm Ngài vẫn mong muốn ở lại thêm một thời gian nữa với vị giáo sư già, người đỡ đầu cho Ngài trong thời gian học tập. Nhưng vị thầy bảo Ngài cầm cái cuốc đi khắp kinh thành tìm cây nào, củ nào không phải là thuốc thì đem về cho ông. Một tuần sau, Ngài trở về thưa với vị Thầy là không có cây cỏ củ rễ nào mà không phải là vị thuốc cả. Vị thầy khen Ngài là học nghệ đã tinh, ông bèn khuyến hóa Ngài là “muốn  làm thầy thuốc giỏi phải có lương tâm nghề nghiệp, phải yêu bệnh, yêu người, yêu chúng sanh như người mẹ yêu đứa con một của mình” và tặng Ngài một ít đồng tiền làm lộ phí trở về quê nhà.

Sáu sự kiện trọng đại trong đời  Thần y Jìvaka

1. Chữa bệnh cho bà triệu phú tại thị trấn Sàketa.

Trên đường trở lại quê hương, do đường xa diệu vợi nên lộ phí đã hết sạch, nên Ngài gặp nhiều khó khăn trên đoạn đường tiếp theo. Duyên may, tại thị trấn Sàketa, có phu nhân của một vị triệu phú mang căn bệnh đau đầu đã 7 năm mà không một vị thầy thuốc nào chữa khỏi, mặc dù đã tốn không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu. Do có người mách bảo nên ông triệu phú đến thỉnh Ngài. Lúc đầu thấy Ngài trẻ quá nên ông ta cũng hơi ngần ngại, nhưng rồi “có bệnh thì vái tứ phương” nên ông cũng mời Ngài về nhà.

Sau khi dùng phép Vọng, Văn, Vấn, Thiết để chẩn đoán, Ngài nói trong vòng một thời gian ngắn chứng nhức đầu của bà triệu phú sẽ chấm dứt. Ngài bảo trong nhà đem lại vài muỗng bơ lỏng và Ngài đã hòa với một vài món thảo dược mang theo. Thế là chưa đầy một giờ sau, chứng nhức đầu của bà triệu phú tiêu tan, cứ như là giấc mộng. Sung sướng quá bà đã đền ơn Ngài một cách hậu hĩnh.

2. Chữa bệnh cho Đức vua Seniya Bimbisàra (Tần Bà Sa La):

Vừa về đến vương phủ, Ngài đã đến gặp hoàng thân Abhaya để dập đầu sám hối. Hoàng thân đã không la rầy mà còn vui mừng khuyến khích Ngài đem cái sở học đã đạt được để tế thế độ dân.

Lúc bấy giờ, đức vua Tần Bà Sa La bị mắc một căn bệnh gọi là Mạch lươn – tức là một loại mụt nhọt cứ chảy nước mủ và máu rất khó chịu. Mặc dù đức vua đã được các vị quan ngự y trong triều hết lòng điều trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau khi biết tin Ngài trở về, đức vua đã cho triệu tập Ngài vào cung để chữa trị, Với một ít bột dược thảo đã được Ngài điều chế trộn với dầu dừa, sau vài ngày điều trị, lỗ dò đã được khô khan, mủ và chất nhờn đã không còn chảy ra nữa. Đức vua xiết bao cảm kích và đã ban thưởng vàng bạc châu báu cho Ngài rất nhiều. Đồng thời, đức vua phong tặng Ngài làm Chánh ngự y trong triều.

3. Chữa bệnh cho ông đại triệu phú ở kinh thành Vương xá:

Do viên thị trưởng kinh thanh Vương Xá vốn là bạn thân với ông đại triệu phú. Đã mấy năm nay ông bị chứng bệnh đau dầu kinh niên mà tất cả mọi thuốc thang đều bất lực. Gần đầy nhất, sau khi thăm bệnh, một vị lương y nổi danh đã chẩn đoán là trong vòng bảy ngày nữa ông triệu phú sẽ chết và từ chối điều trị. Rồi một vị danh y được mời ở một xứ khác đến cung từ chối chữa trị và bảo răng chỉ năm ngày nữa thì chết. Vị thị trưởng thấy tình hình người bạn như vậy nên cầu xin đức vua Tần Bà Sa La cho phép Ngài đến điều trị cho ông đại triệu phú.

Ngài được lệnh vua, chuẩn bị các đồ y cụ đầy đủ cùng với một số dược thảo đến nhà ông triệu phú. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng bằng phép vọng, văn, vấn, thiết, Ngài nói rằng, bệnh nầy không phải vô phương cứu chữa đâu, nhưng nếu muốn chữa lành hẳn thì cần phải có một số điều kiện hơi khó khăn. Đó là nếu ông triệu phú chịu đựng nằm yên một chỗ trong thời gian một tháng thì sẽ lành bệnh.

Sau khi ông triệu phú chấp nhận điều kiện ấy. Ngài đã tiến hành phẫu thuật não cho ông. Vào thời đó, đây là một loại phẫu thuật khó, đòi hỏi tay nghề phải cao, thủ thuật hết sức thành thạo. Sau gần ba giờ, cuộc phẫu thuật thành công. Và sau gần một tháng nằm dưỡng bệnh, ông đại triệu phú đã bình phục hoàn toàn.

4. Chữa bệnh cho con trai của một vi triệu phú ở Bànàrasì (Ba La Nại):

Sau khi chữa lành bệnh cho vị đại triệu phú, danh tiếng của Ngài đã vang dội khắp các quốc độ khác. Một vị triệu phú ở Bànàrasì có người con trai thường hay chơi nhào lộn nên bị xoắn ruột. Suột một thời gian dài bị chứng ăn uống, đại tiện khó khăn, lại hay đau bụng từng cơn. Người xanh xao vàng vọt. Dù đã mời nhiều vị lương y danh tiêng đến chữa nhưng cuối cùng đều bó tay.

Ông triệu nghe danh tiếng của Ngài nên đã vội xa giá đến vương quốc Ma Kiệt Đà khẩn thiết vập đầu cầu khẩn đức vua Tần Bà Sa La cho Ngài đến thanh Ba La Nại để chữa bệnh cho đứa con trai duy nhất của mình. Được sự chuẩn thuận của đức vua, Ngài theo ông triệu phú về nhà ở thành Ba La Nại.

Ngài đã hỏi han, thăm khám và chẩn đoán thận trọng. Ngài cho biết bệnh nhân bị bệnh xoắn ruột. Nếu bệnh nầy không giải phẫu sớm thì có nguy cơ tử vong.    Được sự đồng ý của gia đình người triệu phú, Ngài đã dùng thuốc gây tê vùng bụng và tiến hành  phẫu thuật. Với sự khéo léo, nhanh nhẹn, Ngài đã sắp đặt lại từng khúc ruột cho đúng vị trí rồi khâu lại bụng lại. Sau một thời gian ngăn nằm tĩnh dưỡng, chàng trai đã trở lại sinh hoạt bình thường.

5. Chữa bệnh cho vua Pajjota nước Ujjeni:

Ngài cũng đã chữa bệnh cho vua Pajjota nước Ujjeni, một vị vua nổi tiếng là độc ác, bạo tàn.  Tuy vậy, với tinh thần “chỉ thấy bệnh không thấy người bệnh” nên Ngài vẫn tận tâm chữa trị và kết quả đã chữa lành hẳn bệnh cho nhà vua.

Ngài cũng là người đã dẫn dắt đức vua A Xà Thế, người đã nghe lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa làm hại cha mình là vua Tần Bà Sa La để soán đoạt ngai vàng. Sau một thời gian bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì những tội ác tày trời của mình đã làm với vua cha. Vua ngày đêm không ăn không ngủ, sống vật vờ như bóng ma trên cõi thế. Thần y Jìvaka được vời đến chữa bệnh. Ngài mách bảo bệnh của đức vua chỉ có đức Phật mới cứu giúp được. Đã rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, nhà vua không cón lựa chọn nào khác hơn là nghe lời Jìvaka đến gặp Đức Phật. Nhờ oai lực của đức Phật và sự thanh tịnh của chư Tăng, nhà vua tỏ ra thành khẩn ăn năn hối cải việc mình làm. Được đức Phật chứng minh và tế độ, nhà vua thoát khỏi tâm bệnh, chuyển hóa từ kẻ cực kỳ gian ác thành một người hộ pháp đắc lực.

Và còn không biết bao nhiêu bệnh nhân đã nhờ bàn tay khéo léo và tấm lòng độ lượng bao la của vị Thần y Jìvaka mà thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo về thân mà còn hướng dẫn chữa cả những căn bệnh trầm trọng về tâm nữa.

6. Chăm sóc, chữa bệnh cho Đức Phật và Tăng chúng:

Do nhân duyên đã đến, một hôm, Ngài được đức vua Tần Bà Sa La chỉ định đến chữa vết thương ở bàn chân cho đức Phật. Bởi trước đó, Đề Bà Đạt Đa đã ném đá từ trên vách núi xuống nhằm ám hại Đức Phật và đã gây tổn thương đến bàn chân của Ngài.  Từ đó, Thần y Jìvaka đảm trách nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đức Phật và Tăng chúng.

Từ lâu Jivaka đã nghe tiếng lành về đức Phật, một bậc đại lương y chuyên chữa về tâm bệnh cho chúng sanh. Duyên may đến, Ngài được diện kiến đức Phật để vấn nghi một vài điều mà chính bản thân Ngài đã nghe dân chúng đồn đãi, loan truyền không có lợi cho Giáo Pháp. Nay có dịp nên Ngài bạch hỏi đức Phật cho tỏ tường.

Câu hỏi đầu tiên Ngài hỏi đức Phật về việc người ta đồn rằng, vì sa môn Gotama mà các súc vật bị giết, tuy biết là họ giết vì mình và được làm cho mình mà sa môn Gotama và các đệ tử của Ngài vẫn thọ nhận. Chẳng hay điều đó có đúng không ? Đức Phật đã giải thích cặn kẻ cho Jivaka về phép ăn tam tịnh nhục (tức là không nghe, không thấy, không nghi) mới được thọ dụng. Sau khi nghe đức Phật nói rõ cách ăn uống cũng như tâm không hại người, không hại mình, không hại cả hai mà còn lợi mình, lợi người, lợi cả hai nữa của Ngài và Tăng chúng  thì Jìvaka rất hoan hỷ vì thấy rõ ràng gốc ngọn của vấn đề. Ngay lúc đó, Jìvaka đã đắc quả nhập lưu (quả vị Tu Đà Hườn). Thần y Jìvaka đã quỳ năm vóc sát đất xin được quy y Tam Bảo, làm đệ tử đức Phật, bắt đầu một đời sống và bổn phận của một người cư sĩ tại gia. Đồng thời Ngài xin dâng cúng vườn xoài của mình lên đức Phật và chư Tăng làm nơi cư ngụ và tùy nghi sử dụng.

Tác giả Thích Tuệ Tâm tại di tích Vườn xoài của Thần y Jìvaka

Trong một vài lần đến thăm đức Phật và chữa bệnh cho Tăng chúng, Thần y Jìvaka trình bày với đức Phật về sức khỏe chung của chư Tăng, Ngài nói rằng, đời sống hành thiền nhiều dễ phát sanh một số bệnh liên hệ do khí huyết thiếu lưu thông. Ngài mang đến một số dầu xoa bóp, thuốc nhuận tràng và hướng dẫn chư Tăng cách bấm một số huyệt trên cơ thể để ai cũng có thể tự chữa cho mình khi nhức đầu, sổ mũi, mỏi vai, đau lưng… Ngoài ra, nước cốt trái cây và dùng nhiều rau quả tươi xanh sẽ rất tốt cho cơ thể. Ngài còn đề nghị đức Phật cho chư Tăng tập thể dục, một số động tác Hatha-yoga, làm việc nhẹ về tay chân, tắm suối nước nóng (ở xung quanh Trúc Lâm tịnh xá và rải rác ngoại ô thành VươngXá có khá nhiều). Về mùa lạnh, không nên tắm ở ngoài trời, phải tắm ở trong lều có sưởi ấm. Thấy ý tưởng một bệnh xá tại mỗi nơi tu viện của Jīvaka, đức Phật rất rất hoan nghênh, Jīvaka hứa cung cấp thuốc men và cho thêm một số lương y đến phụ trách tại mỗi nơi!

Cách đây hơn 2.550 năm, Thần y Jìvaka đã có những cuộc phẫu thuật về não và bụng, bào chế một số dược thảo đặc hiệu, nêu ý tưởng mỗi nơi Tịnh Xá nên có một dưỡng đường chăm sóc người bệnh và Ngài cũng đề nghị Tăng chúng nên vận động thể dục một cách hợp lý, ăn uống tiết độ và tạo sự cân bằng âm dương, đó có thể xem là những thành tựu lớn lao của y học thời bấy giờ.

Ngày nay, tại các quốc gia Đông Nam Á nhất là Vương quốc Thái Lan, các học viện y học truyền thống, bệnh viện y học cổ truyền và phòng điều trị bằng thảo dược, massage ở Thái đều có thờ hình ảnh Ngài Jìvaka cạnh bàn thờ Phật . Ngay cả trong các ngôi chùa Thái cũng thờ Ngài Jìvaka ở một vị trí trang trọng. Bởi họ xem Ngài như một vị Thánh bảo trợ sức khỏe cho mọi người. Và Jìvaka được tôn xưng là vị y tổ ngành y học cổ truyền Thái Lan.

Lương y Thích Tuệ Tâm

                                                                           Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa  – Huế

(Bài đã đăng tạp chí CÂY THUỐC QUÝ số179/ 2011)

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt” của Minh Đức Triều Tâm Ảnh
  2. Trang web Buddhanet và các trang khác
  3. Lịch sử văn minh Ấn Độ của Will Durant – Nguyễn Hiến Lê dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *