Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

PHIÊN TÒA TRONG MƠ

25/03/2024

 

Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp là một diễn ca về y thuật, đồng thời là trường ca trữ tình độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), một thầy thuốc kiêm nhà giáo, nhà thơ, nhà nho yêu nước , một “ngôi sao sáng” của trí thức Việt Nam thế kỷ XIX.

Chuyện kể về hai chàng Ngư, Tiều, người thì “năm lần cưới vợ còn nay một người”, kẻ thì mười con chết hết tám, cũng vì bao phen “tin theo thầy tục”, “lầm nhằm thuốc nhăng”.

Giận bọn lang băm hại con, hại vợ, hai chàng quyết chí lên đường vào rừng Y lâm tìm thầy học thuốc. Nhờ nổ lực của bản thân và sự trợ giúp đưa đường dẫn lối tận tình của những người bạn – người thầy là Chu Đạo DẫnĐường Nhập Môn, cuối cùng họ đã học được những kiến thức đông y học cơ bản về hai chuyên khoa Tiểu nhi (bệnh trẻ em) và Phụ nhân (bệnh phụ nữ), trở về chữa bệnh cho người thân và bà con hàng xóm của mình.

Con đường học làm thầy thuốc thật vô cùng gian nan, vất vả, đòi hỏi nhiều sự khổ công, khổ luyện… Ấy vậy mà, oái ăm thay, xưa nay có không ít lang băm học hành sơ sài, dốt nát mà vẫn ngang nhiên kiếm tiền, trục lợi trên sinh mệnh người bệnh theo kiểu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”.

Chúng ta hãy cùng đọc lại đoạn kết Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp để nghe Cụ Đồ Chiểu điểm mặt, vạch tội, trừng trị từng tên trong bọn người bất nhân gây bao cái chết oan khiên cho dân lành.

Bị cáo đầu tiên được dẫn ra là lão Đậu, một “thầy” chuyên chữa bệnh đậu (đậu mùa hay thủy đậu, còn gọi là trái giống). Hãy nghe lời cung của lão:

Đậu rằng: Vốn chẳng học ai
Nhờ cha, thuốc trái để bài lại cho.
Ba ngày trái mới nóng co,
Có thang Thanh giải hốt cho mát rồi.
Sáu ngày trái mọc chẳng vui,
Có Thần công tán hốt bồi cho xong.
Chín ngày trái chẳng quán nung
Đâu đâu cũng hốt Lộc nhung thang thầy.
Mười hai ngày chẳng đóng dày,
Thiên kim nội thác thang này dùng ra.
Quá kỳ trái chẳng lạc già,
Thanh biểu giải độc phép cha tôi truyền”.

Y học hiện đại cho biết thủy đậu là bệnh virus cấp diễn lành tính, nhưng rất hay lây, dễ bội nhiễm do biến chứng. Đông y cổ truyền có những kiến giải tương đồng và luôn đề xuất phép chữa bệnh đối chứng lập phương linh động, không cứng nhắc.

Bởi thế, với cung cách đếm ngày chữa bệnh như cha con lão Đậu thì bảo sao bọn chúng không lập nên “kỳ tích”: “hai đời gây nợ oan gia để dồn” cho được?

Người tiếp theo ra hầu tòa là lão Cứu, với “thành tích”: “làm thầy châm cứu lâu năm ăn nhiều”. Tên này vốn có học hành sơ sài nhưng sớm bị đồng tiền cám dỗ”

Theo thầy mới biết lò mò
Về nhà làm bậy đỡ cho khỏi nghèo”.
Bất chấp cả trình độ tay nghề non kém:
“Châm thì máu chảy loang bì,
Cứu thì cháy thịt, thẹo ghi nát mình”.

Nhưng cuộc sống có nhiều điều nghịch lý trớ trêu làm sao! Chúng ta hãy nghe lời khai thật thà của lão:

“Thật tình tôi chẳng biết chi,
Coi vào châm cứu, sách y bời bời.
Ban đầu tôi mới thử chơi,
Đau đâu cứu đó, có nơi bệnh lành.
Làm vầy may cũng đặng danh,
Có danh rồi biết đem mình trốn đâu,
Bởi người thiên hạ theo cầu,
Quen chừng nóng mật, phải âu làm đùa”.

Lẽ ra lỡ “thử chơi”, lỡ “làm đùa” thì phải ra sức học hành cho thấu đáo mới tiếp tục làm nghề y. Đằng này, lão ta được thế cứ “khảo dân lấy của, lung tình ăn chơi” và ngày càng dấn sâu vào con đường tội lỗi:

Luống tham của lợi quên mình oan khiên.
Vài liều thuốc cứu mấy tiền,
Đòi ăn trăm chục, lại thêm thưởng ngoài”.
Đến nỗi người đời ta thán:
“Đời kêu ăn cướp gian tà,
Ai dè thầy thuốc quá cha giặc mùa”.

Cùng một bản chất “tham lam là thói con buôn” như lão Cứu, nhưng đến lão Tam Sao thì sự gian trá xảo quyệt vượt trội hơn nhiều. Vốn là cháu một ông “quen theo cây núi, nghề ròng thuốc nam”, nhưng đến khi kế nghiệp, lão ta đã có sáng kiến cải tiến “dám đem thuốc bắc trộn vào thuốc nam”. Mục đích chính để:

Hốt cho lớn gói, bệnh nhân phỉ nguyền.
Cũng vì thuốc bắc mắc tiền,
Hốt theo cân lượng người phiền nhỏ thang”.

Đầu óc tinh ranh của lão đã triệt để khai thác tâm lý của người bệnh để trục lợi.
Dám đem cây lá tầm phào,
Mười tiền một gói, ngỏ trao đành lòng”.
Đồng tiền đã làm lóa mắt tên thầy thuốc nam này. Lão ta hốt thuốc mà chẳng cần biết tính chất, khí vị, quân thần tá sứ, úy ố phản kỵ của thuốc là gì cả. Thậm chí chẳng thèm đếm xỉa đến tình trạng khẩn cấp, nguy biến của người bệnh:
Người đau hoắc loạn gân co
Đọt tre, gạo lứt… hốt cho còn gì”.
Chính vì thế mà không biết bao nhiêu “oan hồn nửa bắc, nửa nam” đã kéo nhau ra pháp đình đòi lão ta đền mạng.

Cùng làm tiền dưới danh nghĩa chữa bệnh, không chỉ có bọn lang băm thứ thiệt mà còn có những tên tội phạm thuộc giai tầng tuy không cao nhưng đầy thế lực trong xã hội phong kiến. Đó là lão Pháp (thầy cúng) và lão Sãi (thầy chùa).

Lão Pháp vốn là thuật sĩ:
Học đòi luyện phép thần tiên
Dối trời, dối đất đảo điên việc người”.
Nhưng có lẽ với những công việc lập đàn, luyện tướng, ém binh, cúng sao, đảo hạn… chưa đủ phép linh trừ tà giải bệnh nên lão ta mới kiêm thêm nghề “hốt thuốc ngang” chữa bệnh lấy tiền. Chính lão đã thú nhận đầu đuôi nguyên cớ việc đã làm như sau:

Thật tình tôi chẳng học y,
Nhân đau bệnh rét, mới đi cầu thầy,
Xin toa thuốc rét các thầy.
Uống lành, sau mới cho lây cứu người.
Ai đau chứng rét đến vời,
Trước tôi chuyên chữa, sau thời hốt cho,
Cứ thang Tiệt ngược hốt dò,
Có nơi uống khá, cũng cho tiếng đồn”.

Thật đáng sợ thay những “thầy thuốc” có danh, có tiếng đồn kiểu như lão Pháp. “Phán quan” Nguyễn Đình Chiểu đã có lời luận tội xác đáng, vạch rõ hành vi sai trái của tên này:

Mạng dân nào phải trái chơi,
Dám đem thuốc thử bệnh vời thêm đau”.
“Đạo y chẳng biết thời thôi,
Ai theo bắt tội mà giồi quấy chi”

Còn lão Sãi dù đã cạo đầu làm tôi Phật nhưng vẫn không giấu được bản chất là một “ác tăng”. Trước vành móng ngựa mà lão còn ba hoa chích chòe:

Phép tôi giải cứu bệnh tình,
Chẳng nhờ dược tính, thang danh làm gì.
Vẽ bùa hòa nước uống đi,
Tro hương, vàng bạc, kinh y cũng lành.
Thuốc này cây trái, cỏ tranh,
Lấy cho bệnh uống, lòng thành cũng hay,
Đấm lưng, vỗ trán bằng nay,
Giải cho trăm bệnh, nhờ tay Phật truyền”.

Đúng là miệng lưỡi một kẻ “bán rao tiếng Phật kiếm ăn bày lời”. Dẫu là tín đồ Phật giáo, hẳn chúng ta cũng đồng tình với nhận định công minh của “Phán quan” Nguyễn Đình Chiểu:
Phật đâu có phép bất thông
Đổ thừa cho Phật mông lung người đời”.

Ác giả ác báo, kẻ có tội tất phải đền tội, đó là một quy luật muôn đời. Lão Sãi cũng như tất cả đồng bọn, cuối cùng đều bị trừng trị đích đáng bằng những hình phạt nghiêm khắc:
Kim châm lửa đốt nát da
Có vay có trả kêu la lẽ nào”.

Phiên tòa khép lại, rốt cuộc chỉ là giấc chiêm bao của hai chàng Ngư, Tiều trên đường về bị lạc vào rừng phải nghỉ lại dưới miếu “Y quán Trạng nguyên”. Hóa ra đây là cảnh báo mộng để răn dạy những người làm nghề thuốc, cũng chính là hoài bão thiết tha của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một thầy thuốc vĩ đại trong sự nghiệp “y quốc, y dân”:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Ước mơ giết sạch lũ sâu mọt hại dân hại nước của Cụ Đồ Chiểu đã hơn một thế kỷ qua nhưng vẫn còn là một vấn đề thời sự với chúng ta ngày nay. Dù xã hội đã trải qua những bước dài tiến bộ, nhưng những lão Đậu, lão Cứu, lão Tam Sao, lão Pháp, lão Sãi vẫn còn lảng vảng đây đó, nhất là những nơi dân trí chưa cao như nông thôn, miền núi.

Với hệ thống luật pháp ngày càng hoàn chỉnh, với những chỉ thị kiên quyết lập lại trật tự trong lĩnh vực hành nghề y tế tư nhân và y học cổ truyền, với ý thức đề cao cảnh giác của mọi người dân, nhất là với sự đấu tranh không khoan nhượng theo đường hướng “dĩ văn tải đạo” của những cây bút đầy tâm huyết với ngành y, thiết tưởng chúng ta có đủ điều kiện để lôi tất cả bọn lang băm ra trước vành móng ngựa thật sự chứ không phải chỉ là giấc mơ trong văn học của Cụ Đồ Chiểu thuở nào.

LANG PHANG NGANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *