Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

PHẢI CHĂNG NHẦM LẪN ???

26/03/2024

Trong chẩn đoán học Đông y, âm – dương là hai cương lĩnh tổng quát, bao hàm cả 6 cương còn lại trong bát cương (là biểu – lý, hàn – nhiệt, hư – thực), là then chốt để biện chứng luận trị.
Thiên “Âm dương ứng tượng đại luận” trong NỘI KINH TỐ VẤN nói : “Người giỏi chẩn đoán, xem sắc chấn mạch trước hết là phân biệt được âm dương”. Thiên “Âm dương” trong “Truyền trung lục”, quyền đầu tiên của bộ CẢNH NHẠC TOÀN THƯ cũng nhấn mạnh : “Phàm chẩn đoán và chữa bệnh, cần phải xét về âm dương trước, đó là cương lĩnh của y đạo. Nếu âm dương không lầm lẫn thì chữa bệnh không sai được. Y đạo (đạo làm thuốc) tuy phiền phức, có thể nói bao quát chỉ là âm dương mà thôi”. Như vậy, người thầy thuốc cần nắm vững các nội dung của tổng cương âm dương để phân biệt rõ ràng các loại bệnh chứng, đó là âm chứng và dương chứng, âm hư và dương hư, vong âm và vong dương.

Bàn về âm hư và dương hư, sách THẨM THỊ TÔN SINH nói “Dương hư và âm hư đều thuộc thận, Dương hư là chân dương ở trong thận hư, chân dương tức là thận hỏa nếu hư thì mạch bộ xích tay phải tất thấy nhược. Âm hư là chân âm ở trong thận hư, chân âm tức là thận thủy, thủy hư thì mạch tất thấy tế sác … Sách Y HỌC TÂM NGỘ cũng tóm lược : “Nếu như mạch sác vô lực, hư hỏa có lúc bốc lên, miệng ráo, lưỡi khô, nóng ở trong, đại tiện, táo bón, khí nghịch xông lên, đó là chân âm kém. Nếu như mạch đại mà vô lực, tay chân mỏi mệt, môi nhợt, miệng như thường, da lạnh, đi ỉa nhão, ăn uống không tiêu hóa, đó là chân dương kém”.

Trên đây là những văn liệu cổ được trích dẫn giảng về âm hư, dương hư trong giáo trình TRUNG Y HỌC KHÁI LUẬN của Học Viện Trung Y Nam Kinh (bản dịch của Viện Đông Y Hà Nội, Hội YHCT TpHCM tái bản 1992). Trong tác phẩm TÂN BIÊN TRUNG Y HỌC KHÁI YẾU do các Viện Y học Trung Sơn, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông cùng nhiều đơn vị tham gia biên soạn (NXB Vệ Sinh Nhân Dân, Bắc Kinh XB 1974) có đề cập đến chủ chứng của âm hư, dương hư rất rõ ràng mà nhiều tài liệu biên soạn của nước ta như BÀI GIẢNG Y HỌC DÂN TỘC (Bộ môn YHDT trường Đại học Y khoa Hà Nội), GIÁO TRÌNH LÝ LUẬN CƠ BẢN YHCT (Lương y Nguyễn Trung Hòa), TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ HỌC ĐÔNG Y (GS.BS Trần Văn Kỳ), DANH TỪ ĐÔNG Y (Viện YHDT Hà Nội), TỪ ĐIỂN ĐÔNG Y HỌC CỔ TRUYỀN (LY Nguyễn Thiên Quyến, Nguyễn Mộng Hưng) … mà chúng tôi trực tiếp đối chiếu tham khảo đều thấy nội dung tương đồng. Đó là :

Âm hư chỉ phần âm (huyết dịch) không đủ. Thường gọi là hư nhiệt, tức “âm hư sinh nội nhiệt”. Biểu hiện chủ yếu là lòng bàn tay – bàn chân nóng, sốt chiều (triều nhiệt), gầy mòn, đổ mồ hôi trộm, miệng ráo cổ họng khô, tiểu ngắn đỏ, tiêu táo bón, chất lưỡi hồng, ít rêu hoặc không rêu, mạch tế sác vô lực.

Dương hư chỉ dương khí không đủ. Dương hư thì sinh hàn, còn gọi là hư hàn. Biểu hiện chủ yếu mệt mỏi yếu sức, thiếu hơi lười nói, sợ lạnh, tay chân lạnh, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng xanh, tiểu trong dài, tiêu phân nhão, lưỡi bệu nhợt, rêu trắng, mạch trì nhược hoặc đại mà vô lực.

Tuy nhiên, thực tế không chỉ có đơn thuần các chứng âm hư, dương hư, mà nhiều khi còn gặp thể âm dương lưỡng hư (do âm hư lâu ngày dẫn đến dương hư hoặc ngược lại), nhưng chúng ta luôn cần nắm rõ từng triệu chứng lâm sàng thuộc âm hư hay dương hư để phán định mức độ âm dương thiên lệch mà đề ra phép chữa thích hợp.

Những nội dung hội chứng âm hư, dương hư trên đây tưởng chừng không còn gì để bàn nữa nếu như chúng tôi không bắt gặp mục: “Thế nào là âm hư, dương hư và cách chữa”, ở trang 415 – 416, quyển sách 15 PHÉP CHỮA BỆNH ĐÔNG Y, NXB Hà Nội, 1997. Xin trích nguyên văn như sau (những điểm nhấn mạnh (in đậm) là của tác giả bài viết này nghi có sự nhầm lẫn) :

Âm hư là trong thận chân âm hư yếu vậy. (…) Nay xét thấy âm hư thì dương thịnh, chứng từ dưới mà lên, hư hỏa bốc lên, trước giờ tý sau giờ ngọ thì phát nóng, lúc ngủ thì ra mồ hôi trộm, phần nhiều thấy thần hồn tiều tụy gầy teo mà sắc xanh đen, nôn ra đờm sắc trắng liên miên không dứt, vỵ nghịch lên sợ ăn, ăn thì cơm thức không hóa, đại tiện đường tiết (lỏng sệt), di tinh, đái đục … mạch tất tế sác hoặc phù mà hồng đại (to), trầm mà không hư (hư rỗng), lâu ngày thành lao sái khó chữa”.

Dương hư là trong thận chân dương hư vậy. Bởi lẽ dương hư thì âm thịnh, chứng từ trên mà xuống, phần nhiều hiện ra hình thể béo, mặt trắng, miệng khô họng đau, miệng lưỡi sinh lở loét, nặng hơn thì mất tiếng, rãi nhỏ ra đầy dính, lòng bàn tay bàn chân nóng, dương sự không cất lên được, đại tiện táo, tiểu tiện đỏ, phát nóng từ giờ tý đến giờ tỵ, mồ hôi trộm ắt ở lúc thức, mạch xích bên phải phần nhiều yếu (nhược) hoặc tế (nhỏ) không có gốc, hoặc sác không có thứ tự, lâu ngày thành ra lao sái mà khó chữa”.

Đọc kỹ đoạn trích trên chắc hẳn có không ít bạn đọc cũng như chúng tôi vô cùng bối rối vì có nhiều triệu chứng quy nạp trái nghịch hẵn với những kiến thức và kinh nghiệm đang có (những chỗ in đậm là của chúng tôi ngờ có sự nhầm lẫn). Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn, qua tra cứu đây không phải là ý riêng của tác giả sách này mà nó được dịch nguyên văn từ mục “âm hư” (trang 2801) và “dương hư” (trang 3204) trong bộ sách nổi tiếng TRUNG QUỐC Y HỌC ĐẠI TỪ ĐIỂN do Tạ Quan biên soạn, Thương Vụ ấn Thư Quán xuất bản lần thứ 5 tại Thượng Hải, tháng 3 – 1957. (Xem ảnh bìa ở trên và 2 ảnh dưới).

Vẫn biết Trung Quốc Y học Đại Từ Điển  là một bộ sách cực kỳ quý hiếm, được biên soạn công kỹ, quy mô hoành tráng, rất có giá trị, không thể không tham khảo nếu muốn nghiên cứu Đông y cổ truyền, từng được Lương y Nguyễn Trung Hòa đánh giá “là một thành tựu vĩ đại, nội dung đã khảo chứng các học thuyết cổ kim, ngọn ngành rành rẽ, toàn thư có ba triệu chữ, xuất bản được 32 lần, tiêu thụ mấy vạn bộ, thư viện quốc gia các nước trên thế giới mua giữ làm của báu, thật là một tác phẩm y học vĩ đại vậy”. (trang 39, GIÁO TRÌNH NỘI KHOA YHCT, Hội YHCT TP.HCM xuất bản 1990).

Vẫn biết mình tài hèn trí mọn, bước đầu học y kiến thức thiển lậu, chữ nghĩa chưa thông … nhưng ngẫm lại câu nói người xưa : “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất” nên chúng tôi mạnh dạn nêu lên nghi vấn trên đây, dám xin được các bậc lão y túc nho, thông kim bác cổ lượng tình thẩm định và giải đáp cho kẻ hậu học tránh sự nhầm lẫn. Mong thay !
PHAN PHÚ SƠN
(Bài đã đăng CTQ số 121, tr.31)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *