Nhân duyên thừa kế học tập di cảo Đông y của cụ Lưu Thủy
05/11/2023
Lương y Huỳnh Hiếu Hữu
LGT: CTQ đã có một loạt bài giới thiệu hành trình “đi tìm di cảo cụ Lưu Thủy” (các số 116, 117, 119, 120, 122, 123-124). Trong đó trên có nhắc đến nguồn tư liệu của L.Y Huỳnh Hiếu Hữu và nhóm học tập Đông y Hán Việt (CTQ117, tr.29). Sau một năm kiên trì tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi đã liên lạc được với L.Y Huỳnh Hiếu Hữu (hiện đang định cư tại Hoa Kỳ) và được biết mặc dù lâm trọng bệnh (di chứng tai biến mạch máu não), nhưng LY vẫn cố gắng hoàn thành bản thảo “Đông y với truyền thống Đạo học – Khí hóa”. Đây là tập sách trình bày một số vấn đề tinh yếu nhất đã được tác giả đúc kết và khai triển từ hơn 30 năm nghiền ngẫm học tập di cảo Đông y của cụ Lưu Thủy. Hy vọng tài liệu này sẽ rất hữu ích cho những ai có chí nguyện tiếp nối đường hướng “chấn hưng Đông y” mà cụ Lưu Thủy đã khởi xướng. Trong số tạp chí Tân niên này, CTQ xin giới thiệu bài viết nói rõ nhân duyên kế thừa học tập di cảo cụ Lưu Thủy của L.Y Huỳnh Hiếu Hữu và nhóm thân hữu.
C.T.Q
Năm 1967, một buổi chiều cuối tuần, trên đường tìm học, tôi dừng lại trước một cửa tiệm Đông y trên đường Trương Tấn Bửu (nay là đường Trần Huy Liệu Q. Phú Nhuận TP.HCM), có một bảng hiệu rất đặc biệt, chiếm gần trọn tấm bảng là 4 chữ : “NAM DƯƠNG HỌC PHÁI” và dưới đó là dòng chữ :’Giám đốc : Đông y sĩ Phương Thế Minh’. Tại đây, Thầy Phương đang dạy 4 người học trò. Sau một lúc thăm hỏi sơ ngộ, tôi được Thầy Phương nhận vào cùng học với các bạn đang ở đó (tôi còn nhớ là các anh Võ Phước Như, Nguyễn Văn Tân, cô Trương Thị Hồng Hạnh và tu sĩ Phật giáo Thích Thanh Đức).
Từ đó tôi được học dưới mái nhà “ NAM DƯƠNG HỌC PHÁI”, Thầy Phương dạy chúng tôi Châm Cứu theo các sách: Châm Cứu Đại Thành, Châm Cứu Giáp Ất Kinh. Về thuốc chúng tôi được học theo các sách Thương Hàn Luận và Tạp Bệnh Luận của Thánh y Trương Trọng Cảnh. Trong lúc giảng dạy Thầy Phương thường nhắc nhở đến ân sư của Thầy là Tiên sanh Việt nhân Lưu Thủy đã truyền thụ sở học và phó chúc lập “NAM DƯƠNG HỌC PHÁI”. Thầy còn tích cực giúp đỡ mượn của Bac sĩ Nguyễn Văn Ba bản dịch sách Lục Kinh Thương Hàn Bá Đại Danh Gia Hợp Chú của Ngô Khảo Bàn (*) cho chúng tôi sao chép để học tập. Riêng các tác phẩm của tiên sanh Việt nhân Lưu Thủy thì chúng tôi chưa được biết.
Đại lược việc học tập của chúng tôi là như trên nhưng cụ thể có vài gián đoạn vì biến cố. Giữa năm 1968 một tai nạn chiến tranh, nhà Thầy Phương không may trúng một viên đạn pháo, chết vợ và một đứa con, còn Thầy Phương bị thương phải nằm bệnh viện nhiều ngày. Sau tai nạn nầy, trong khi dạy lại chúng tôi Thầy tỏ ý cương quyết “thờ vợ nuôi con và phát triển NAM DƯƠNG HỌC PHÁI”. Nhưng bất ngờ vào năm sau Thầy lại tái hôn với một cô vợ trẻ. Tư đó gia đình Thầy không được yên ấm, sức khoẻ Thầy ngày một yếu, việc dạy học cũng thất thường và Thầy mất năm 1972.
Trước khi mất, Thầy Phương đã dọn nhà nghỉ làm ở cửa tiệm, tháo gỡ bảng hiệu NAM DƯƠNG HỌC PHÁI và nghỉ dạy chúng tôi. Cho nên chúng tôi mỗi người một ngã, chỉ còn gần gũi gia đình Thầy là tu sĩ Thích Thanh Đức. Các con của Thầy Phương còn nhỏ, trong gia đình không có người thừa kế, Cụ Bà (má của Thầy Phương) cho phép tu sĩ Đức và tôi (nhờ thông báo của tu sĩ Đức) thừa kế các sách vỡ của Thầy để lại. Chúng tôi nhận được một số sách vở Đông y châm cứu bằng Hán văn và trong đó tu sĩ Đức thấy được các tác phẩm của tiên sanh Lưu Thủy :
– Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa (bản thảo chữ Hán của tác giả viết trên 2 tập 100 trang, và bản dịch đánh máy của Phương Thế Minh và Trương Chứng).
– Á Đông Thương Hàn Luận Bản Nghĩa (NAM DƯƠNG HỌC PHÁI tập, chữ chép tay của Thầy Phương học tập tại Sài gòn 1963).
– Á Đông Tạp Bệnh Luận Bản Nghĩa (bản chép tay có lời ghi chú học tập của Thầy Phương tại Đà Nẵng trước và sau khi Tiên sanh Lưu Thủy mất năm 1964).
Sau khi thấy được tác phẩm, tu sĩ Đức ra sức học tập, ngoài ra còn tích cực giúp đỡ tôi sao chép tất cả các tác phẩm nầy. Sau năm 1975 tu sĩ Đức có thời gian làm việc tại phòng khám YHDT Q.1 TP.HCM nhưng rồi sau một tai nạn giao thông ông đã nghỉ việc và vì Phật sự bề bộn nên không còn thì giờ nghiên cứu học tập Đông y nữa.
Về phần tôi trong thập niên 1980, tôi có thời gian phụ trách CLB YHDT Q.3 và làm Trưởng phòng chẩn trị YHDT Q.3, cố LY. Nguyễn Phương Anh có đề nghị tôi thành lập lại NAM DƯƠNG HỌC PHÁI, nhưng tôi tự thấy không đủ năng lực, vả lại việc làm như trước đây của Thầy Phương chưa chắc đã đúng kỳ vọng của Tiên sanh Lưu Thủy. Tôi cố tìm những người có đủ năng lực và điều kiện để ký thác việc học tập và phổ biến các tác phẩm của Tiên sanh Lưu Thủy nhưng tôi thất bại vì người có chức quyền thì không dám làm khác chỉ đạo, còn người có đủ năng lực thì tự có công trình riêng, không màng đến các tác phẩm nầy.
Trong thập niên 1990 tôi tập hợp được 6 bằng hữu(**) đồng tâm ái mộ tác phẩm của Tiên sanh Lưu Thủy, mỗi tuần sinh hoạt 1 lần 2 giờ, hy vọng kiến thức của tập thể sẽ giúp chúng tôi thấu hiểu và học tập được các tác phẩm nầy; nhưng chúng tôi vấp phải nhiều chỗ không giải được. Chúng tôi nghĩ rằng vì tất cả chúng tôi có kiến thức quá hẹp về Nho học và Phật học so với tác giả nên không hiểu được những điều tác giả trình bày. Chúng tôi nhất trí dừng lại việc học tập các tác phẩm của Tiên sanh Lưu Thủy và cùng nhau học Kinh Dịch (chú trọng Hệ Từ Truyện), Trung Dung Đại Học, Phật Học Đại Thừa (Đại Thừa Khởi Tín Luận) và trong thời gian này chúng tôi lại may mắn gặp được tác phẩm Chu Dịch và Tứ Thư Thiền Giải của Thiền sư Trí Húc (thời Minh, Trung Quốc). Và nhờ học tập tác phẩm này chúng tôi thấy được nhiều qui luật làm nền tảng chung cho cả Y hoc, Nho học, Phật học mà cụ thể là Đồ hình Thái cực và những qui luật chung của vạn vật được nêu tại Hệ Từ Truyện trong Kinh Dịch.
Bước vào thế kỷ 21, Tây y theo đà tiến bộ của khoa học kỷ thuật đã có nhiều thành công trong chẩn đoán và điều trị; trong khi đó Đông y còn lúng túng với những lý luận thiếu hệ thống, thì lấy gì xây dựng được một nên y học gồm cả Đông Tây, quân bình và lợi ích chung cho nhân loại. Cho nên chúng tôi chỉ một lòng chí nguyện :
-Thừa kế truyền thống y đạo từ đời Hán Thánh Y Trương Trọng Cảnh, cụ thể là sách Thương Hàn và Tạp Bệnh Luận.
-Ra sức học tập 2 sách nói trên qua Bản Nghĩa của Tiên sanh Việt nhân Lưu Thủy để thực hiện đề xướng phục hồi nền Đông y của tiên sanh. Từ chí hướng đó, chúng tôi tự thấy mình là “NHÓM HỌC TẬP ĐÔNG Y HÁN VIỆT” và có chương trình hoạt động như sau :
1-Tạm dịch ra Việt văn và phổ biến rộng hơn các tác phẩm của Tiên sanh Lưu Thủy cho các bằng hữu muốn học tập.
2-Đúc kết và phổ biến 1 số qui luật tâm đắc trong khi học tập các sách của Tiên sanh Lưu Thủy nhằm để rút ngắn thời gian cho các bằng hữu muốn học tập sau nầy.
3-Ra sức học tập cụ thể và ứng dụng trong lâm sàng có kết hợp với Tây y để chứng minh giá trị các sách của Tiên sanh Lưu Thủy trong công cuộc phục hồi Đông y.
Hiện nay nhóm chúng tôi chưa làm xong bước 1, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sau tài liệu nầy sẽ có nhiều bằng hữu ủng hộ và tích cực học tập theo đề xướng của Tiên sanh Lưu Thủy để góp phần phục hồi nền Đông y sánh vai với Tây y cùng xây dựng một nền y học Quân Bình và Nhân Bản để phục vụ người bệnh.
Quý Thu – Giáp Thìn , 2004
Lương y Huỳnh Hiếu Hữu
(*) Theo chúng tôi, đây là cuốn 百大名家合注伤寒 论 của 吴考槃 (1903-1993) , sách này in năm 1924, lúc tác giả 21 tuổi (CTQ) .
(**) Gồm Lương y Huỳnh Hiếu Hữu, Cư sĩ Phạm Văn Nam, Lương y Hoàng Văn Anh, Lương y Nhan Thành Huê, Lương y Lâm Văn Sơn, Bác sĩ Đinh Việt Thức, Lương y Bùi Huy Giám , KTV Nhan Ngọc Tấn (ghi theo thứ tự thời gian tham gia nhóm- CTQ).
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093