Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

NGƯỜI VỀ

04/03/2024

Vẫn biết có thể không gặp ai, nhưng tôi vẫn tìm về vườn xưa chốn cũ ấy.

Ngồi bên chiếc bàn đá, dưới tán cây vú sữa sum suê, hớp ngụm nước trà pha sẵn từ cái bình giữ nhiệt mang theo, nhìn ngôi nhà khang trang giữa khu vườn vắng lặng, tôi nhớ như in cái hình bóng hao gầy, cái dáng đi tất tả, cái đôi mắt sáng long lanh và cái giọng nói oang oang của Ông như còn lẩn khuất đâu đây.

Một kỉ niệm nhớ đời chợt ùa về.

Cách đây khoảng hai mấy năm, một lần đang ngồi ở phòng khám, một đồng nghiệp cũng là một bạn thân cùng lớp đến báo tin là ba của T.L. đã mất rồi vội vã đi. Tôi vô cùng sửng sốt, bởi cách đó một tháng tôi có xem bệnh và làm cho ông một tể thuốc “Bát tiên trường thọ”, mới tuần trước gặp Ông cho biết sau 3 tuần dùng thấy khỏe người, ăn ngủ tốt, bớt ho hen kia mà…

Nửa tin nửa ngờ, tôi cùng vợ mua mấy nén nhang rồi chạy lên nhà Ông, để xe máy ngoài đầu ngõ, chúng tôi sè sẹ đi bộ vào thấy nhà cửa vắng lặng mà lòng khấp khởi mừng, đến lúc tận mắt thấy Ông đang một mình ngồi chẻ lạt sau nhà mới thật sự an tâm… là cái tin thất thiệt. Mấy mươi năm đã qua, tôi chẳng buồn hỏi lại cậu bạn sự nhầm lẫn kia bắt nguồn từ đâu…

Vậy là mãi đến hôm nay, Ông mới thật sự vĩnh viễn ra đi.
Tôi không thấy đau buồn, vì Ông tuổi Bính Dần (1926) đã hưởng quá mức thượng thượng thọ.
Không đột ngột, vì đã được bạn nhắn tin báo Ông yếu mệt từ tuần trước.

Dù rất thương cảm, nhưng tôi thấy không cần cầu nguyện gì thêm cho Ông cả, mà chỉ mừng cho Ông, một người cha rất hay lo, và đã nhờ hồng phúc tổ tiên mà lo được trọn vẹn trách nhiệm lớn lao với đàn con của mình.

Nhớ ngày vợ chồng Ông sang Mỹ định cư khi đã ngoài 70 tuổi, trong khi luật lệ khi đó không cho con cái đi theo, tôi thực sự choáng váng.
Vậy mà bỏ ngoài tai những lời bàn ra, Ông vẫn cương quyết ra đi.
Phải mất mấy năm sau, chờ cho nước Mỹ thay đổi với những chính sách nhập cư mới, lần lượt 3-4 người con ông mới được bảo lãnh sang đó.

Và mới cách đây 4-5 tháng thôi, vợ chồng người con trai cả với 4 đứa cháu nội sau mười mấy năm mới hoàn tất thủ tục đoàn tụ cùng đại gia đình.

Không chỉ mừng, tôi thật sự rất khâm phục bản lĩnh và sự sáng suốt của Ông, một “người về từ cõi ấy”.

Tôi muốn nhắc đến bài thơ NGƯỜI VỀ, dù không biết Ông từng đọc hay chưa, nhưng đoan chắc cả Ông và tôi, cũng như tác giả Hoàng Hưng từng có chung một hoàn cảnh, gần một giai đoạn trở về cùng với những cảm giác mà có lẽ hàng chục năm sau hay suốt cả phần đời còn lại chẳng dễ dầu gì quên được.

“Người về từ cõi ấy

Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy

Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy

Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng

Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình

một cái vỗ vai”.

Mừng cho Ông từ hôm nay vĩnh viễn không còn phải “giật mình”.

4.3.2018
P.C.T

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *