Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Một kinh nghiệm chữa Nấc cụt kéo dài

08/10/2023

Chứng nấc cụt theo tây y là do thần kinh phế vị và thần kinh cơ hoành bị kích thích, làm cho cơ hoành và cơ thành bụng, cơ ngực co thắt đột ngột, đẩy không khí ra ngoài gây nên tiếng nấc. Theo Đông y, nấc cụt còn gọi là “ách nghịch” có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do vị khí xung nghịch, khí xông ngược lên qua cổ họng phát thành tiếng, không thể kìm chế được.

 

Phần lớn chứng nấc ngẫu nhiên tự khỏi, hoặc chỉ dùng một vài thủ thuật đơn giản như uống một ly nước lạnh (từ 7 đến 9 ngụm), hít một hơi dài và nín thở nén không khí xuống bụng, nuốt trộng một muỗng đường kính hoặc ngoáy lỗ mũi gây hắt xì hơi… liền khỏi.
Tuy nhiên, nhiều khi tất cả các phương pháp trên đều vô hiệu, cơn nấc kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày gây ảnh hưởng đến các động tác ăn, uống, nói, thở, ngủ… cần khám và điều trị tích cực mới hết.

Theo Đông y, để điều trị nấc cụt phải chẩn đoán phân biệt rõ chứng thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực, tuỳ vào đó mà dùng phương thuốc hay phương huyệt châm cứu thích ứng. Việc điều trị này đòi hỏi phải là thầy thuốc giỏi biện chứng luận trị, có đủ thuốc men dụng cụ mới tiến hành được. Bài viết này xin giới thiệu một kinh nghiệm của tôi dùng điều trị chứng nấc cụt rất hiệu quả mà cực kỳ đơn giản, dễ dàng thực hiện ứng cứu ở nơi không sẵn thầy sẵn thuốc.

Tình cờ gặp một trường hợp nấc cụt kéo dài nhiều ngày, đã sử dụng thuốc và điện châm không khỏi. Qua thăm khám người bệnh tôi biết nấc cụt là do vị khí hư nhược, mà nguồn gốc chính là nguyên khí suy kém; lại do ảnh hưởng ngoại tà (cảm nhiễm gió lạnh, ăn đồ sống lạnh…) khiến vị khí nghịch. Muốn điều trị phải bồi bổ nguyên khí, dẫn hoả quy nguyên thì vị khí điều hoà, khí nghịch tự giáng. Lý luận như vậy, liền áp dụng phương pháp đốt cứu huyệt Quan nguyên vốn được coi là nơi hội tụ của nguyên khí (ở dưới rốn 3 đồng thân thốn, tức bằng 4 khoát ngón tay), trong phút chốc liền cắt được cơn nấc. Sau đó tôi áp dụng kinh nghiệm này chữa trị cho hàng chục bệnh nhân đều cho kết quả mỹ mãn.

Về sau có điều kiện tra cứu một số sách Đông y cổ điển, tôi mới hay cổ nhân đã ghi nhận kinh nghiệm này từ lâu đời. Sách “Y học cương mục” có viết: “Chứng ách nghịch cứu huyệt Quan nguyên 7 mồi liền khỏi”. sách “Y học chính truyền” và “Vạn bệnh hồi xuân” lại cho rằng cứu huyệt Khí hải (dưới rốn 1,5 thốn là điểm giữa rốn và huyệt Quan nguyên) 5-7 mồi cũng lập tức hết nấc cụt. Kết hợp các kiến thức này với kinh nghiệm riêng, chúng tôi dùng lò cứu điếu ngải Thái ất để điều trị (xem loạt bài về Phương pháp cứu lò ngải trên CTQ số 4-5-6-7). Nếu không có sẵn điếu ngải thì thay tạm bằng vài ba cây hương (nhang) hay điếu thuốc lá đốt hơ ấm trên huyệt Quan nguyên (cách mặt da khoảng 1cm), khi nghe nóng quá liền chuyển qua hơ huyệt Khí hải. Cứ thế luân phiên hơ nóng 2 huyệt này. Thường thì không quá một phút sẽ cắt được cơn nấc. Nên tiếp tục hơ thêm 5-7 phút để tránh tái phát. Theo Đông y, thường xuyên hơ ấm 2 huyệt Quan nguyên và Khí hải có thể tăng cường khí lực, phòng trị rất nhiều bệnh tật. Cần lưu ý muốn hơ cứu thường xuyên phải dùng điếu ngải làm bằng ngải nhung chế từ lá ngải cứu lâu năm mới tốt.

Để kết thúc bài này, tôi xin nêu thêm một trường hợp thú vị đã gặp. Khoảng trung tuần tháng 3/1998, tại khoa Đông y Bệnh viện Đà Nẵng có một bệnh nhân đã vượt cả hơn trăm cây số đến vì nghe có đoàn chuyên viên châm cứu ở Trung ương về để xin được điều trị mỗi chứng… nấc cụt. Vì anh đã bị nấc cụt kéo dài hơn mười ngày, đã đến bệnh viện khu vực điều trị mà không có kết quả. Sau khi được các chuyên viên châm gần chục cây kim lên người, anh lập tức hết nấc. Vui mừng khôn xiết, anh rối rít cám ơn các bác sĩ rồi ra về. Sáng hôm sau, đầu giờ làm việc lại thấy anh có mặt tại bệnh viện. Vẫn chứng ấy. Thì ra, theo anh kể, về nhà đến đúng nửa đêm thì chứng nấc tái phát. Nên phải lo dậy sớm khăn gói vượt cả trăm cây số đến lại bệnh viện. Lần này anh lại được châm như cũ, lại hết ngay. Nhưng thật không may, vừa rút kim ra thì chứng nấc lại phát. Điện châm rồi thuỷ châm thêm, vẫn vô hiệu. Vì phòng bệnh lúc đó đang quá tải, nên anh được cho ra ngoài ngồi nghĩ, hẹn một lúc sau vào châm lại. Khi ấy, tôi là học viên khoá “Châm cứu nâng cao” của Viện Châm Cứu đang kiến tập tại bệnh viện, đã tranh thủ gặp anh ở phòng chờ và xin phép anh cho tôi thử áp dụng phương pháp của mình bằng mấy cây hương cháy dở vừa lấy dưới chân tượng Y Tổ trong vườn hoa bệnh viện. Anh nhìn tôi đầy vẻ ngờ vực nhưng vẫn lặng lẽ nghe theo. “Đau chân há miệng” ấy mà! Chưa đầy một phút sau, anh đã thay hẳn thái độ… Tôi chỉ cười và đưa mấy cây hương cho anh tự cầm hơ vào các vị trí huyệt tôi chỉ thêm mấy phút nữa. Anh ngồi thêm hơn một giờ nhưng không thấy “động tĩnh” gì thì xin phép ra về, sau khi nhờ tôi xem bệnh kê thêm cho một đơn thuốc Bát vị hoàn gia giảm. Nhờ vậy mà tôi còn nhớ tên anh là Nguyễn Sáu, 45 tuổi, ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

Rõ ràng đốt cứu là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đơn giản, ít tốn kém mà rất hiệu quả, không chỉ với nấc cụt mà còn với rất nhiều bệnh chứng khác. Hẹn có dịp chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu trên CTQ.

PHAN CÔNG TUẤN
(Phiên bản bài đã đăng tạp chí CTQ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *