Một ca lâm sàng MẤT VỊ GIÁC
27/10/2023
Khoảng đầu tháng 9/2023, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Nhất Toàn, Giảng viên ĐH KTYD Đà Nẵng có gọi điện nhờ tôi khám và kê đơn thuốc cho một bệnh nhân mất vị giác, nhưng tôi đã từ chối vì e rằng kê đơn dùng thuốc đơn thuần sẽ không hiệu quả và đề nghị bệnh nhân nên nhập viện để kết hợp điều trị bằng châm cứu.
Do điều kiện công việc, bệnh nhân phải trở về nhà ở Quảng Ngải để thu xếp, nửa tháng sau mới vào nhập viện ở Đơn vị Chăm sóc Giảm nhẹ của Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Đà Nẵng. Bác sĩ Phạm Trọng Kính sau khi làm thủ tục nhập viện đã mời tôi sang cùng thăm khám và tư vấn điều trị.
Bệnh nhân nam 57 tuổi, có bị bệnh viêm họng, viêm tai hơn một năm, đã đi khám điều trị nhiều bệnh viện ở Quảng Ngải và Đà Nẵng nhưng không khỏi. Cách đây gần 3 tháng, bệnh nhân có cảm giác nhạt miệng và dần dần mất hẳn vị giác, ăn uống không biết ngon nên thể trọng sút khoảng 5-7 ký, nhưng tổng trạng thể lực nhìn chung vẫn ổn định.
Bệnh nhân cho biết mỗi ngày uống chừng 2 lít nước và tiêu tiểu bình thường, ngủ được, vẫn làm việc (nghề mộc) được. Bệnh nhân đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin và chưa từng bị nhiễm Covid lần nào.
Xem chất lưỡi đỏ và rêu lưỡi vàng dày và khô. Hiện tại bệnh nhân mất vị giác hoàn toàn, không phân biệt được bất cứ vị ngọt, mặn, chua, cay, đắng… gì trong thức ăn thức uống, nhưng mùi thì vẫn ngửi biết phân biệt được.
Thú thật là 30 năm trong đời làm thuốc lần đầu tôi gặp một ca lâm sàng thế này. Tuy nhiên, chúng tôi được biết theo lý luận Đông y, tất cả kinh mạch tạng phủ trong cơ thể đều có liên hệ nơi lưỡi, trong đó đặc biệt có 2 kinh/ tạng Tâm và Tỳ có liên hệ trực tiếp đến vị giác, kích thích việc ăn uống.
Nội Kinh cho rằng “Tâm khai khiếu tại Lưỡi”. Lại nói “Tâm khí thông ở Lưỡi, Tâm hòa thì cảm giác biết được 5 vị”; “Tâm khí thông ở lưỡi nên nếm biết được 5 vị, Tỳ khí thông ở miệng nên cũng nếm biết mùi vị ngũ cốc”.
Nhận định ban đầu do bệnh nhân viêm họng mạn tính, yếu tố thấp nhiệt (viêm nhiễm) uất kết kéo dài gây bế tắc kinh lạc và các thụ thể thần kinh vị giác trên lưỡi nên chúng tôi đã đề xuất dùng phương pháp châm cứu Ngũ du huyệt 2 kinh Tâm và Tỳ để điều hòa kinh khí, đồng thời dùng kim trích huyết tại điểm giữa lưỡi và 4 vị trí đầu, gốc và 2 bên lưỡi để kích thích và khai thông uất nhiệt.
Ngoài ra, do có bệnh gốc viêm họng mạn tính nên chúng tôi cho dùng dung dịch Thuốc xịt mũi họng và viên nén Thuốc thượng đều bào chế từ lá cây Thuốc thuợng (tên khoa học: Phaeanthus vietnamensis Ban, Họ Na – Annonaceae; một cây thuốc nam đặc hữu ở Quảng Nam- Đà Nẵng mà chúng tôi có nhiều kinh nghiệm tâm đắc sử dụng).
Do điều kiện công việc nên bệnh nhân xin xuất viện, tiếp tục điều trị ngoại trú bằng thuốc xịt, thuốc viên như trên đồng thời bệnh nhân được hướng dẫn dùng mai hoa châm tự gõ thêm trên mặt lưỡi tại nhà.
Sau hơn một tháng về nhà, bệnh nhân gọi điện báo cho tôi biết vị giác đã trở lại bình thường.
Tuy kết quả bước đầu điều trị trên lâm sàng đáp ứng rất tốt, nhưng tra cứu trong các sách Đông y cổ kim, kể cả nhiều giáo trình bệnh học ngũ quan Đông y hiện đại, chúng tôi hết sức ngạc nhiên là chưa gặp bệnh danh hay tài liệu Đông y nào nói về bệnh mất vị giác này.
Có một số chứng như Thiệt ma, Thiệt tý chỉ nói về cảm giác tê dại, khó vận động của lưỡi chứ không nói đến mất vị giác hoàn toàn. Trong khi đó theo Y học hiện đại, theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD 10 của Tổ chức Y tế Thế giới WHO thì chỉ có 2 mã chẩn đoán là Loạn vị giác (R43.2) và Rối loạn về mùi và vị (R43), chứ không nói riêng về chứng mất hẳn vị giác.
Như vậy, hóa ra là chúng tôi mới chỉ chữa mò gặp may chứ chưa dựa vào một lý pháp phương dược truyền thống nào. Rất có thể do sức đọc và tài liệu chúng tôi có giới hạn, nên qua bài chia sẻ này rất mong được quý đồng nghiệp, các bậc thức giả cao minh góp ý chỉ giáo thêm.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38162