LỚP “GIẢNG VIÊN”
14/09/2024
LTS: “LỚP GIẢNG VIÊN” LÀ TÊN GỌI TẮT CỦA NHÓM TỪ “LỚP ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN VÀ XÂY DỰNG TÀI LIỆU HUẤN LUYỆN ĐÔNG Y” DO BỘ Y TẾ TỔ CHỨC VÀO NĂM 1959. ĐÂY LÀ HỒI ỨC CỦA MỘT NGƯỜI TRONG CUỘC. XIN CÁM ƠN TÁC GIẢ PHÓ ĐỨC THẢO ĐÃ DÀNH CHO BẠN ĐỌC CTQ BÀI VIẾT ĐẶC BIỆT NÀY.
Nghị quyết của Hội Đồng chính phủ số 266/CP do phó thủ tướng là Lê Thanh Nghị ký, đã nói tới giá trị của nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Đảng và Chính phủ đã có chính sách rõ ràng. Chỉ trong một tháng ba tổ chức được hình thành:
– Hội Đông Y Việt Nam: Nghị định số 399-NV-DC-NĐ ngày 3 tháng 6 năm 1957
– Vụ Đông y: Nghị định số 237/TTg ngày 7 tháng 6 năm 1957
– Viện nghiên cứu Đông y: Nghị định số 238/TTg ngày 7 tháng 6 năm 1957. Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký.
Nghị quyết trên ghi rõ:
– Khẩn trương nắm lại lực lượng y học dân tộc cổ truyền, có kế hoạch thu hút và sử dụng tất cả các lương y hiện có vào mạng lưới y tế chung để tăng thêm khả năng và chất lượng của công tác phòng bệnh và chữa bệnh.
– Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì cùng với các ngành các địa phương xúc tiến mở các lớp đào tạo về y học cổ truyền, biên soạn giáo trình, nghiên cứu các chuyên đề…
Thi hành chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế thông báo đi các tỉnh từ Quảng Bình ra Bắc. Bộ đã nhận được 124 hồ sơ xin dự cuộc thi tuyển lương y giỏi. Duyệt qua hồ sơ, Bộ chọn được 67 vị về Hà Nội dự thi. Bộ giao cho Viện Nghiên cứu Đông y ở 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội tổ chức và tiến hành cuộc thi.
Ban giám khảo gồm có: Lương y cử nhân Hoàng Văn Thâm, Bác sĩ Viện trưởng Nguyễn Văn Hưởng, Lương y Nguyễn Trung Khiêm, Hội trưởng Hội Đông y Trung Ương.
Cuộc thi được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 1959. Nội dung cuộc thi gồm có 3 bài:
1. Dịch một đoạn văn rút trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” (gồm 3 trang).
2. Dịch một đoạn văn trong tập “Trung y học khái luận” (gồm 3 trang văn bạch thoại).
3. Trình bày kinh nghiệm chữa bệnh bằng Đông y.
Lương y Nguyễn Sỹ Lâm dùng phấn trắng viết bài văn của Lãn Ông ở bảng đen đặt bên phải. Lương y Nguyễn Trung Hòa viết bài văn bạch thoại ở bảng đen đặt bên trái.
Lương y dự thi chép lại nguyên văn và làm bài. Đề tài trình bày kinh nghiệm làm theo dàn bài đã ghi ở trên bảng: tên bệnh, lý luận biện chứng luận trị, kinh nghiệm điều trị, phương thang, cách phòng bệnh, kết luận và tự đánh giá.
Qua các bài làm còn lưu lại, thấy mấy điểm sau:
– Các bài dịch cổ văn thông suốt nhưng sang bài dịch “bạch thoại” lại bị lung túng một vài chỗ. Ví dụ “nhất bối tử” (suốt cuộc đời) dịch là “cùng đoàn con cháu”.
– Có bài kim văn bạch thoại rất hay nhưng khi dịch bài “Dụng dược như dụng binh” của Lãn Ông thì không biết “câu, ký” là gì (không rõ câu, ký là loại ngựa khỏe, giỏi…)
– Một số bài về kinh nghiệm điều trị thiếu mạch lạc vì không quen trình bày theo yêu cầu của dàn bài đã ghi ở bảng.
– Cuộc thi còn có nhiều điểm khó khác. Phần đông lương y dự thi lớn tuổi, tài năng không kém nhưng vẫn có những sai sót xảy ra. Như có vị lương y quê ở Thanh Hóa, từng làm ngự y của triều đình Huế, vẫn bị trượt. Nhiều vị theo nghề truyền thống nhiều đời, làm thuốc từ hồi còn trẻ, nhưng không đỗ.
Ban giám khảo đã chấm kỹ qua lại nhiều lần, quyết định lấy 13 vị.
Cụ Nguyễn Trung Khiêm nói: “Chẳng mấy khi có cuộc thi quan trọng này, lấy có 13 vị thì ít quá, cần xem xét như vậy có lãng phí công sức không?”
Cụ Cử Thâm tán thành: “Cụ Khiêm nói đúng, ta có thể lấy thêm một số nữa để tăng cường lực lượng “lương y giỏi” cho các cơ sở tỉnh thành khác”.
Hội đồng chấm thi chọn thêm 15 vị lương y nữa. Như vậy con số trúng tuyển là 28 vị.
Hội Đông y mở tiệc liên hoan ở trụ sở của Hội ở số nhà 17 Lý Thường Kiệt (nay là sứ quán Cu Ba). Trong bữa tiệc, cụ Nguyễn Trung Khiêm nói: “Đây là số “nhị thập bát tú” sẽ ra sức đóng góp tài năng xây dựng cho Đông y nói riêng và nền y học nước nhà nói chung”…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng phát biểu: “Tôi đã xin ý kiến cấp trên và cấp trên đánh giá các vị trúng tuyển kỳ thi là những viên ngọc quý. Và cấp trên cho biết không có chế độ về hưu đối với các vị và mong các vị yên tâm công tác và phát huy toàn năng lực để xây dựng nghành nghề”.
(Đến năm 1995, có chính sách mới: tất cả các cán bộ bất kỳ cấp bậc nào, cương vị nào đều phải về hưu theo chủ trương giảm biên chế).
“Lớp giảng viên” là tên gọi tắt của nhóm từ “Lớp đào tạo giảng viên và xây dựng tài liệu huấn luyện Đông Y”.
Danh sách các vị giảng viên (theo thứ tự ABC):
1- Nguyễn Văn Bách
2- Nguyễn Minh Cầu
3- Nguyễn Trọng Cầu
4- Lế Bá Cơ
5- Nguyễn Khắc Dụ
6- Nguyễn Thanh Giản
7- Nguyễn Hữu Hách
8- Nguyễn Văn Hạp
9- Nguyễn Văn Kính
10- Nguyễn Như Lệ
11- Chu Văn Liễn
12- Lê Đức Long
13- Đinh Văn Mông
14- Nguyễn Ngọc Oanh
15- Nhữ Hồng Phấn
16- Vũ Xuân Sung
17- Phó Đức Thảo
18- Nguyễn Đăng Thập
19- Tô Văn Thiện
20- Nguyễn Đình Tích
21- Ngô Quý Tiếp
22- Nguyễn Văn Tố
23- Nguyễn Hữu Triệu
24- Nguyễn Trung Trực
– … (còn 4 người nữa không nhớ tên)
Thời gian đầu, ngoài những vị có nhà ở Hà Nội thì về nhà mình, còn số đông đến ở ba gian nhà tranh trong khu đất hiện nay là Bộ Y tế, 36 phố Giảng Võ. Khu đất này vốn thấp trũng, mỗi khi mưa thì sân đọng nước, nhà bị dột. Phụ cấp học tập chưa được nhiều.
Hai tháng sau lớp được chuyển đến ngôi nhà 15 phố Phan Chu Trinh. Đời sống ở đây dễ chịu hơn, nhà hai tầng có nhiều buồng nhỏ, lớp chia làm nhiều tổ nhóm có nơi ở thuận tiện, gần viện Đông y, được chăm sóc chu đáo hơn. Các cụ bắt tay vào làm việc thuận lợi, chất lượng hơn. Tuy vậy cũng có vài việc không hay xảy ra: Cụ Nguyễn Văn Kính quê ở Sơn Tây, bị bệnh rồi qua đời. Cụ Nguyễn Trung Trực, thân hình to béo, vững vàng, tiếng nói oang oang quê ở Cao Bằng, một hôm về quê ăn cỗ có thịt trâu, bụng trướng không tiêu đến bệnh viện giải phẫu, chẳng may không qua được.
Tiếng là “lớp” nhưng không có thầy nào đến dạy. Các cụ là thầy của nhau. Cụ nào cũng có những điều hay để học tập lẫn nhau vì xuất thân từ nho học và mỗi tỉnh đều có nhiều kinh nghiệm gom góp lại, việc đoàn kết, tương trợ… không ai chê được. Lớp đã tổ chức một buổi trình bày các bài bản đã làm được, kết quả lao động đã trải qua.
Đầu năm 1960, kết thúc lớp “giảng viên”. Bộ Y tế cử một số lương y về làm việc tại quê mình. 14 vị về làm việc ở Viện Nghiên cứu Đông y Trung ương. Trong số 14 vị này, bảy vị được phân công về các khoa chuyên môn: Nội, Phụ, Nhi, Châm cứu… Bảy vị về phòng huấn luyện. Phòng này có nhiệm vụ chính: dịch duyệt các tài liệu chuyên môn, mở các lớp học tại Viện, đi giảng dạy Đông y ở các đơn vị y tế khác hoặc đi các tỉnh trong nước, giảng dạy Đông y, Đông dược cho người nước ngoài đến học tập. Viện cũng cử người đi mở hội thảo hoặc làm chuyên gia ở nước ngoài.
“Viện Nghiên cứu Đông y” có chức năng là Viện đầu ngành của cả nước về y học cổ truyền đến ngày 18 tháng 06 năm 2003 đổi tên là “Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương”.
Đến nay, năm 2012, lớp “Giảng viên” chỉ còn lại bốn cụ (theo thứ tự ABC):
– Nguyễn Văn Bách
– Nguyễn Đình Tích
– Lê Đức Long
(Lương y Bách làm câu đối:
Tinh tú thượng đàn hai tám vị
Tổ tôm hạ chiếu bốn cụ về)
Hội Đông y Trung ương lập Hội Đồng xét duyệt đã tuyên dương “Lương y giỏi toàn quốc” cho ba cụ Bách, Tích và Thảo.
Cụ Nguyễn Văn Bách, ngoài tài, đức về y học cổ truyền còn giỏi Thư pháp. Cụ đã từng viết bài “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ bằng đồng, mạ vàng, dài 4m, cao 1,5m, nhân dịp nghìn năm Thăng Long. Các câu đối ở nhiều chùa chiền cũng có nét bút của cụ Bách, như ở Văn Miếu, đền Ngọc Sơn… Hiện nay cụ ở ngõ 49 phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Cụ Nguyễn Đình Tích, nay còn gọi là Nguyễn Thiên Tích, từng là Chủ tịch Hội Đông y Trung ương, hiện nay vẫn chữa bệnh phục vụ nhân dân ở nhà số 1 ngõ 1 đầu chợ Mai Động, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cụ Phó Đức Thảo đạt danh hiệu thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên viên cao cấp, chuyên gia đi Angola, đã đi nghiên cứu, mở hội thảo, giảng dạy và chữa bệnh ở 10 nước Mỹ, Á, Âu, Phi… Nay ở 29 Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cụ Lê Đức Long đã già yếu, mang tư tưởng Đào Tiềm vui thú điền viên, yêu thương con cháu, ít màng danh lợi, rút về quê nhà ở Thanh Hóa.
Tình hình chung các vị lương y giảng viên được biên chế tại Viện y học cổ truyền Trung ương cũng như như các vị được phân công về các tỉnh khác đều tỏ ra xuất sắc, tích cực trong công tác, không phụ tiếng tăm của lớp lương y đầu tiên gác việc nhà đi làm việc nước.
Lương y Nguyễn Văn Bách từng tự sự như sau:
Vui chuyện tâm tình bạn hỏi:
Rằng bao nhiêu tuổi năm nay?
Thưa rằng tám tư tuổi mẹ,
Vừa tròn tám ba tuổi tây.
Sinh chốn thôn cùng ngõ vắng,
Trưởng nơi nước đọng bùn lầy.
Hỏi sách, đọc không thông sách,
Hỏi cày, chẳng biết chi cày.
Hỏi thuốc, thuốc làm không giỏi,
Hỏi thơ, thơ vịnh không hay.
Lương tháng lần hồi đắp đổi,
Mừng không đói rách là may.
Lúc túng, dịch thuê, viết mướn,
Gà què ăn quẩn cối xay.
Tham ô, mừng chưa mắc tiếng,
Ngon ăn, ngon ngủ đêm ngày.
Há phải vì mình trong sạch,
Vì không quyền lực trong tay.
Những ước có ao rau muống,
Những mong có chum tương đầy.
Vui với bà con, bạn lứa
Trong bầu non nước, trời mây.
(Bài viết của tác giả PHÓ ĐỨC THẢO, đăng Tạp chí Cây Thuốc Quý số 195+196, Tết 2012; P.C.T biên tập).
Cám ơn Lương y Nguyễn Xuân Việt, nguyên Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Hải Dương đã cho biết thêm trong lớp Giảng viên này có thêm cụ Lương y Đoàn Quang Vẽ (1900-1972). Tiểu sử của cụ Vẽ có trong cuốn ” Lịch sử Y dược cổ truyền tỉnh Hải Dương”