16 năm trước: LỄ TƯỞNG NIỆM 120 NĂM SINH VÀ 44 NĂM NGÀY MẤT
DANH Y LƯU THỦY NGUYỄN VĂN NGÔN (1888-1964)
Như thông báo trên CTQ116, ngày 19/10/2008, nhằm ngày 21/9 năm Mậu Tý, Tạp chí CTQ đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm danh y Lưu Thủy Nguyễn Văn Ngôn tại văn phòng Đại diện Miền Trung ở Đà Nẵng.
Về dự lễ có trên 20 khách mời là thân hữu, CTV của CTQ. Đại diện gia tộc Nguyễn Văn ở làng La Thọ (Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) có các bác Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tân thuộc hàng cháu nội cụ Lưu Thủy. Đại diện Hội Dược liệu TP.Đà Nẵng có L.Y Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch thường trực và DS. Đặng Ngọc Phái, Phó Chủ tịch, nguyên là Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Sau lời đề dẫn, Ban tổ chức đã mời các bậc trưởng lão và đại diện gia đình lên cáo bạch dâng hương. L.Y Phan Công Tuấn, Phó TBT Tạp chí CTQ đã đọc lời khấn nguyện để kết thúc phần nghi lễ.
Mở đầu phần tọa đàm về thân thế sự nghiệp của danh y, một trưởng lão của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo là ông lão Sáu (Nguyễn Đạo Điều, 88 tuổi) đã đọc một bài phát biểu rất súc tích, đánh giá rất cao về cụ Lưu Thủy là một cư sĩ, một triết nho, “đạo đức cao thâm, tài năng xuất chúng nhưng cụ lấy y đạo làm nền tảng ở đời, đúng là một thánh y thời đó, tiếng vang dậy cả miền Trung và Sài thành”.
Ông lão Sáu vốn là bạn vong niên trong những năm cuối đời của cụ Lưu Thủy, là một nhân chứng đã kể lại hàng chục trường hợp chữa bệnh rất thần diệu của danh y Lưu Thủy. Đơn cử như trường hợp con một doanh nhân ở Sài gòn được cứu chữa qua cơn bệnh hiểm nghèo trong vòng 7 ngày mà trước đó đã chữa tây y mấy năm không khỏi, được gia đình đăng thư cảm tạ suốt hai tháng liền trên một tờ báo (rất tiếc là ông lão Sáu không nhớ tên tờ báo này, mong bạn đọc có ai biết về thông tin này xin chia sẻ cho CTQ).
Lão y Thái Đờn (86 tuổi) đã chia sẻ nhiều tâm đắc khi đọc các di cảo của cụ Lưu Thủy về sách Thương hàn luận cũng như các chú giải về chương tiết, về kinh lạc rất minh bạch, độc đáo, sáng tạo của danh y Việt Nhân Lưu Thủy.
Bác Nguyễn Văn Long, bác Nguỹen Văn Tân, đại diện gia đình đã kể lại nhiều hồi ức kỷ niệm sâu sắc về cách thức xem mạch hỏi bệnh rất kỹ, nhiều khi hàng giờ, sau khi kê đơn Cụ còn nán chờ người nhà mua thuốc về kiểm tra chất lượng bào chế đúng yêu cầu mới sử dụng, nhờ thế mà uống thuốc theo đơn của Cụ chỉ một thang đã đỡ, vài ba thang là lành. Các bác còn cho biết cụ Lưu Thủy thường mặc áo vạt hò, ngoài giờ hành y đọc sách, Cụ còn tụng kinh, ngồi thiền hàng ngày, và có giai đoạn chỉ ăn ngày một bữa trưa. Sau 16 năm hành y và giảng dạy Phật pháp ở miền Nam, khi về lại quê nhà Cụ có treo tấm bảng “Thập lục cư sĩ” làm biệt hiệu cho mình.
Nhận xét về hành trạng của Cụ, dịch giả Thái Trọng Lai cho rằng Cụ là một bậc giáo sư kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực hành trước mỗi bệnh nhân để nghiên cứu chẩn bệnh và điều chế một phương thuốc mới đáp ứng chữa bệnh tốt nhất. Còn bạn trẻ, cử nhân hán nôm Lê Thanh Trường thì cho rằng ở con người Cụ có phong thái một thiền sư cư sĩ.
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng phương hướng kế hoạch tiếp tục sưu tầm, khai thác và phổ biến tài liệu di cảo để cho các thầy thuốc trẻ có cơ hội kế thừa học tập, cũng như rút ra những bài học quý báu từ cuộc đời sự nghiệp cứu người giúp đời của danh y Lưu Thủy.
DS.Đặng Ngọc Phái phát biểu cuối buổi tọa đàm, hoan nghênh CTQ tổ chức lễ tưởng niệm này và mong CTQ xúc tiến sưu tầm và biên dịch, xuất bản toàn bộ các tác phẩm y học của Cụ Lưu Thủy làm tài liệu học tập cho giới thầy thuốc đông y.
Đại diện CTQ đã trân trọng ghi nhận toàn bộ các ý kiến và chia sẻ thêm một bức thư rất cảm động của cháu ngoại cụ Lưu Thủy là Ni sư Thích Nữ Như Đức, trụ trì Thiền viện Viên Chiếu, Đồng Nai đã gởi về BBT sau khi nhận được báo biếu CTQ116.
Kết thúc lễ tưởng niệm, khách mời của CTQ còn có hơn một giờ hàn huyên tâm sự trong bữa tiệc chay đầm ấm không khí gia đình.