Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Khảo sát hoàn thiện quy trình kỹ thuật TỐC CỨU (HỎA LONG CỨU) để hỗ trợ bệnh nhân cai nghiện ma túy và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

23/05/2024

Lương y Phan Công Tuấn

BỆNH VIỆN YHCT ĐÀ NẴNG

Ứng dụng hỏa long cứu cho khách cho khách du lịch y tế tại bệnh viện YHCT Đà Nẵng

TÓM TẮT:

Hỏa long cứu (HLC) là phương pháp cứu mới sáng chế ở Trung Quốc, là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu ấm kinh lạc, xoa chườm rượu thuốc và day ấn huyệt trên Đốc và Nhâm mạch.

Chúng tôi đã biên dịch, nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phổ biến phương pháp này trong các cơ sở khám chữa bệnh Đông y tại địa phương với tên gọi tiếng Việt là Tốc cứu  từ năm 2008. Năm 2015, bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã ứng dụng kết hợp phương pháp này trong điều trị hỗ trợ CNMT, từ những thành công bước đầu, bệnh viện đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện đề tài nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược tại Trung tâm Xã hội Bầu Bàng“

Kết quả nghiên cứu hồi cứu trên 30 bệnh nhân CNMT cho thấy:  các triệu chứng của hội chứng cai đều được cải thiện, sự cải thiện có ý nghĩa thống kê (<0,05), trong đó tổng số bệnh nhân có kết quả điều trị tốt và khá chiểm tỷ lệ 83,3%, ngoài ra không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện tác dụng phụ.

Kết luận: HLC là một phương pháp đơn giản, giá thành thấp, hiệu quả cao, phạm vi ứng dụng lớn, cần được phổ cập rộng rãi đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bằng Đông y nói chung và điều trị hỗ trợ CNMT nói riêng.

SUMMARY:

Fire Dragon Moxibustion is a new technique from china. It’s a combination of three techniques: Meridian moxibustion, external medicinal alcohol and acupressure on Conception Vessel (Ren Mai) and Governing Vessel (Du Mai).

From 2008, we‘ve translated and implemented this technique at several local oriental medicine clinics with the Vietnamese name “Tốc cứu” (Fast Moxibustion). In 2015, Da Nang traditional medicine hospital used this technique in combination with acupuncture and vietnamese herbal to assist treating drug additon. We conducted a government supported study: “Evaluation of the Treatment of Drug Addiction Using Acupuncture, Moxibustion and Vietnamese Herbal Medicines, Combined with Vocational Guidance on Herbalist and Therapist’s Assistantship at the Bau Bang Residential Center” from 2017 to 2019.

Retrospective study results on 30 patients show a significant improvement on clinical presentations of drug withdrawal symptoms after treatment. Overall, 83.3% patients have achieved good and medium recovery after treatment. There’s no orbservable unexpected signs or symtoms during the treatment.

Conclusion: Fire Dragon Moxibustion is a simple, low cost and affective technique, which should be used in every Oriental medicine clinic and to support treatment of drug addiction.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hỏa long cứu (HLC) là phương pháp cứu mới sáng chế ở Trung Quốc [6]. Tuy có tên gọi mới nhưng thực chất HLC là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu ấm kinh lạc, xoa chườm rượu thuốc và  và day ấn huyệt trên Đốc và Nhâm mạch.

Chúng tôi đã biên dịch, nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phổ biến phương pháp này với tên gọi tiếng Việt là Tốc cứu  từ năm 2008 [3].

Qua 5 năm (2008-2013) áp dụng đã điều trị tại Trung tâm Kế thừa ứng dụng y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh và một số Tuệ Tĩnh Đường tại  thành phố Đà Nẵng, phương pháp Tốc cứu đã điều trị an toàn và hiệu quả cho 4.500 lượt bệnh nhân có bệnh lý thấp khớp thể phong hàn thấp tý, bệnh nam khoa thể dương hư, bệnh phụ khoa thể hư hàn, bệnh tỳ vị thể tỳ thận dương hư; tỉ lệ khỏi và đỡ đau tại chỗ trên 70%  [1].

Từ năm 2014, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã triển khai thí điểm ứng dụng Tốc cứu để chữa bệnh theo yêu cầu và hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy. Quy trình kỹ thuật Tốc cứu đã được báo cáo thông qua  Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tháng 10/2014 [4].

Trên cơ sở kế thừa phương pháp điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy (CNMT) đã được Bộ Y tế ban hành và do GS.Nguyễn Tài Thu trực tiếp truyền nghề, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng (BV) đã vận dụng kết hợp phương pháp Tốc cứu và dùng thuốc nam giải độc, bước đầu điều trị thành công cho hơn một trăm  bệnh cai nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện (CDTP) và ma túy tổng hợp (MTTH) trong năm 2015 [2]

Từ thành công bước đầu này, chúng tôi đã đề xuất và được phê duyệt đề tài KH-CN cấp thành phố: “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược tại Trung tâm Xã hội Bầu Bàng” thực hiện trong 24 tháng (12/2015 – 11/2017).

“Khảo sát và hoàn thiện quy trình kỹ thuật Tốc cứu (HLC)” là một chuyên đề trong đề tài nói trên, .nhằm mục tiêu:

  1. Khảo sát các luận cứ làm cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật hỏa long cứu hỗ trợ cai nghiện ma túy đã được áp dụng.
  2. Đề xuất quy trình kỹ thuật hỏa long cứu hỗ trợ cai nghiện ma túy áp dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.
  3. Đánh giá hiệu quả của phương pháp hỏa long cứuđiều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy.

 II. KHẢO SÁT VÀ HOÀN THIỆN QUY TRÌNH TỐC CỨU (HLC)

2.1. Phương pháp Hỏa long cứu (HLC)

*Nguồn gốc xuất xứ phương pháp hỏa long cứu

Hỏa long cứu là phương pháp cứu mới sáng chế ở Trung Quốc, được giới thiệu trong sách Đồ Giải Ngải Cứu Liệu Pháp do Dương An Sinh và Âu Dương Kì chủ biên, NXB Quân y Nhân dân xuất bản lần đầu ở Bắc Kinh vào tháng 5-2007 [6].

Hỏa long cứu là phương pháp cứu mới được sáng chế hình thành trên cơ sở lý luận châm cứu truyền thống kết hợp với tri thức y học hiện đại, thông qua cách thức cứu nóng kèm bôi rượu thuốc xoa bóp trên kinh lạc nhằm đả thông hai mạch Nhâm – Đốc trên bụng và lưng người bệnh.

Chúng tôi đã biên dịch, nghiên cứu ứng dụng, cải tiến và phổ biến phương pháp này trên tạp chí Cây Thuốc Quý vưới tên mới là Tốc cứu [3]. Qua 5 năm áp dụng đã điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân tại Trung tâm Kế thừa ứng dụng y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh và một số Tuệ Tĩnh Đường tại  thành phố Đà Nẵng, báo cáo về phương pháp HLC (hay Tốc cứu) đã được tặng bằng khen của Trung ương Hội Đông y Việt Nam trong Hội thảo khoa học Môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, tôn giáo Việt Nam của tổ chức ở Hà Nội ngày 16/7/2013 [1].

Từ ngày 01/4/2014, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng đã triển khai thí điểm ứng dụng Tốc cứu hay Hỏa long cứu để chữa bệnh theo yêu cầu. Quy trình kỹ thuật hỏa long cứu đã được báo cáo thông qua  Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tháng 10/2014 [4].

*Công năng, tác dụng và chủ trị của Hỏa long cứu

Hỏa long cứu là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu ấm kinh lạc, xoa chườm rượu thuốc và day ấn huyệt, tác động cột sống; hình thành trên cơ sở lý luận châm cứu truyền thống kết hợp với tri thức tiết đoạn thần kinh của y học hiện đại; qua đó sẽ đả thông hai mạch Nhâm – Đốc và các đường kinh mạch khác cũng như các vùng huyệt, vùng đau.

Sức nóng ôn hòa dần dần của hỏa long cứu giúp cho sức thuốc dẫn truyền dọc theo kinh lạc hai mạch Nhâm – Đốc và các kinh huyệt, kích thích và phát động kinh khí, trong thấu đến tạng phủ, ngoài thông đến các khớp xương tay chân, đạt được tác dụng cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết, trục xuất tà khí, trấn thống (giảm đau).

Theo sách Đồ Giải Ngải Cứu Liệu Pháp, Tốc cứu hay HLC được dùng chủ trị 5 nhóm chứng bệnh sau:

1) Viêm cột sống dính khớp, viêm màng gân cơ, viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bệnh đốt sống cổ, bệnh  phong sản hậu với các triệu chứng cổ, vai, lưng, hai gối và hai chân đau nhức tê lạnh thuộc chứng tý lâu ngày, can thận đều hư, khí huyết bất túc.

2) Nam giới suy nhược sinh dục, kèm các chứng thắt lưng và chân yếu mỏi, chóng mặt ù tai, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng nhớt, mạch trầm trì thuộc hội chứng mệnh môn hỏa suy, tinh khí hư hàn.

3) Phụ nữ tử cung lạnh, đau bụng kinh hoặc bệnh bạch đới, kèm chứng hai chân phù thũng, thân thể tay chân lạnh, tính dục suy giảm, huyết trắng trong loãng, mình mẩy nặng nề, hay mỏi mệt, bụng dưới cảm thấy lạnh, lưỡi nhạt bệu, rêu nhớt ám khói, mạch trầm tế, thuộc hội chứng thận dương hư hàn.

4) Đau dạ dày do lạnh, đi tả sáng sớm, thuộc hội chứng tỳ thận dương hư.

5) Điều trị thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, giảm béo, bài tiết độc tố, xóa các chấm mụn do ban sởi, thủy đậu… [6].

2.2. Khảo sát các luận cứ làm cơ sở lý luận trong việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật Tốc cứu (HLC) hỗ trợ cai nghiện ma túy và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

2.2.1. Cơ sở lý luận

*Cơ sở lý luận của Y học cổ truyền

Phương pháp HLC, chủ yếu trọng dụng phép cứu trên hai mạch Nhâm và mạch Đốc. Nhâm và Đốc mạch có vai trò quan trọng  trong việc vận hành khí huyết, bồi bổ nguyên khí, điều hòa âm dương, tạng phủ và chữa trị các bệnh về thần chí, não bộ và các chứng đau vùng thắt lưng, ngực, bụng,…

Theo học thuyết kinh lạc của YHCT, mạch Nhâm vận hành ở đường chính giữa cổ họng, ngực bụng phía trước thân thể, có khả năng đảm nhiệm điều tiết tất cả các kinh âm, chủ trị các bệnh hệ sinh dục, tiết niệu, trợ dương khí, nên người xưa gọi Nhâm mạch là bể của các kinh âm.

Mạch Đốc chủ quản các kinh dương trong cơ thể, là bể của các kinh dương (dương mạch chi hải). Vận hành theo chính giữa cột sống, lên đỉnh đầu, có nhánh chạy vào não, nên mạch Đốc có liên hệ mật thiết đến tủy sống và não, chủ trị các bệnh chứng về tủy não, thần kinh. Theo thiên Kinh mạch sách Linh Khu, nếu mạch khí của mạch Đốc không điều hòa thì gây ra bệnh cứng cột sống nếu chứng thực hay nặng đầu nếu chứng hư (thực tắc tích cường, hư tắc đầu trọng). Người xưa còn quan niệm “não là phủ của nguyên thần”, điều này giải thích mạch Đốc và chủ tể hoạt động thần chí của con người là não bộ có quan hệ mật thiết [7], [8].

Liên hệ với quan niệm y học hiện đại, nghiện ma túy là bệnh mạn tính của não (chronic brain disoder), nên việc sử dụng phương pháp HLC tác động trên mạch Đốc để chữa trị bệnh nghiện là hoàn toàn có cơ sở lý luận.

Ứng dụng thực tế, đối với bệnh nhân CNMT, hội chứng cai hay trạng thái cai thường có chứng trạng hàn, nhiệt, hư, thực thác tạp, như: mệt mỏi, rã rời, đau mỏi khớp, dị cảm (dòi bò trong xương), chảy nước mắt nước mũi, toát mồ hôi, ớn lạnh, nổi da gà, mất ngủ hay ngủ nhiều, tiêu chảy, nôn – buồn nôn,rối loạn khí sắc, lo lắng bồn chồn bất an, ảo giác, hoang tưởng …  Việc sử dụng phương pháp HLC trên hai mạch Nhâm và Đốc giúp tỉnh táo thần thái (Đông y gọi là tác dụng điều khí trị thần), khôi phục chính khí, đẩy lui tà khí, giảm đau, khắc phục các triệu chứng co thắt, khó chịu trong hội chứng cai chất dạng thuốc phiện cũng như trạng thái cai ma túy tổng hợp [7], [8].

*Cơ sở pháp lý

Căn cứ Danh mục kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành kèm Thông tư số 43/2013/TT-BYT, trong đó có danh mục kỹ thuật YHCT chung như (9) cứu, (27) chườm ngải cứu, và các kỹ thuật riêng như  (405) xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ cai nghiện ma túy, (478) cứu điều trị nghiện ma túy thể hàn

Hỏa long cứu thực chất không phải là kỹ thuật mới, mà là phương pháp kết hợp 3 trong 1: cứu, chườm nóng (bản chất đều dùng tác dụng nhiệt) và xoa bóp bấm huyệt, với một vài phương tiện cải tiến và thay thế, nên hoàn toàn có thể ứng dụng hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy như các danh mục kỹ thuật nêu trên.

Căn cứ tờ trình số366/TTr-YHCT ngày 5/01/2016 của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng về việc xác nhận quy trình kết hợp châm cứu – thuốc nam trong nghiên cứu điều trị nghiện ma túy tại Trung tâm GD-DN 05-06, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 86/SYT-NVY ngày 15/01/2016, trong đó có  xác nhận : “Phương pháp Hỏa long cứu đã được thực hiện tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng thời gian qua là an toàn và đã được Hội đồng khoa học bệnh viện nghiệm thu tại Biên bản Hội đồng khoa học bệnh viện ngày 17/11/2015. Xét về mặt quy trình thì HLC mặc dù chưa có tên trong danh sách kỹ thuật quy định theo Thông tư 43/2013/TT-BYT, nhưng theo quy trình thể hiện tại phụ lục 1 của Biên bản Hội đồng khoa học bệnh viện ngày  17/11/2015 thì đây là phương pháp kết hợp của 03 phương pháp trong YHCTY là: cứu, chườm ngải, xoa bóp bấm huyệt.”

2.2.2. Kinh nghiệm thực tiễn

Bước đầu ứng dụng Tốc cứu (HLC), không chỉ cứu trên 2 mạch Nhâm – Đốc như tài liệu nước ngoài, chúng tôi mở rộng áp dụng trên các đường kinh khác để điều trị các chứng đau đầu, đau vai cánh tay, thần kinh tọa, đau lưng cấp và mạn, di chứng liệt nửa người, giảm béo vòng bụng… thấy hiệu quả rõ rệt, được đông đảo bệnh nhân và đồng nghiệp tín nhiệm [1], [3].

Đặc biệt, khi ứng dụng tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, kinh nghiệm thực tế HLC không chỉ thích hợp với các bệnh lý thấp khớp thể phong hàn thấp tý, bệnh nam khoa thể dương hư, bệnh phụ khoa thể hư hàn, bệnh tỳ vị thể tỳ thận dương hư,… mà còn rất hiệu quả đối với điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy. HLC nhanh chóng làm giảm các triệu chứng khó chịu trong hội chứng cai CDTP như: ớn lạnh, sợ lạnh, nổi da gà, mỏi mệt, đau mỏi khớp, dòi bò trong xương, co thắt cơ bụng, tiêu chảy…  Đối với các triệu chứng trạng thái cai MTTH như mệt mỏi, giảm hoạt động, giảm trí nhớ, hoang tưởng,… Cứu trong thời gian ngắn cũng có tác dụng tỉnh thần, gây hưng phấn thần kinh trung ương [5].

Chúng tôi áp dụng Tốc cứu hay HLC tại Bệnh viện với liệu trình như sau:

– Mỗi lần cứu từ 1-3 vùng huyệt, có thể kết hợp HLC sau điện châm. Với bệnh nhân đang vật vã, không nằm yên, điện châm không được, thực hiện HLC trước, sau đó mới dung điện châm, thì bệnh nhân có thể nằm yên đủ thời gian lưu kim 20-30 phút.

– Đối với nghiện CDTP trong thời gian vật vã nặng 3 ngày đầu cứu mỗi ngày 3-5 lần, sau đó cứu ngày 2 lần.

– Đối với nghiện MTTH ít triệu chứng vật vã nên mỗi ngày cứu 1-2 lần.

– Một liệu trình điều trị cắt cơn HLC khoảng 20 lần.

Quan sát cho thấy hiệu quả HLC như sau:

– HLC sau 5-7 phút nhanh chóng cắt cơn các triệu chứng ớn lạnh, sợ lạnh, nổi da gà, mỏi mệt, đau nhức, dòi bò trong xương, co thắt cơ bụng…  thường gặp trong hội chứng cai CDTP.

– Đối với các trạng thái mệt mỏi, chân tay mỏi, nhức mỏi xương khớp, trầm cảm, bồn chồn,… trong hội chứng cai MTTH, sau HLC thấy đỡ mỏi mệt, tinh thần phấn chấn.

2.3. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật Tốc cứu (HLC) hỗ trợ cai nghiện ma túy và chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trên cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý trình bày trên đây nhóm nghiên cứu chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện quy trình kỹ thuật hỏa long cứu ứng dụng trong điều trị nghiện ma túy, cụ thể như sau:

2.3.1. Chỉ định

Bệnh lý có nguyên nhân hư hàn gồm các nhóm bệnh sau:

  1. Bệnh thấp khớp, đau lưng, đau thần kinh vai gáy, thần kinh tọa do phong hàn thấp tý, hư hàn.
  2. Bệnh nam khoa thể thận dương hư (suy nhược sinh dục, kèm các chứng thắt lưng và chân yếu mỏi, chóng mặt ù tai, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng nhớt, mạch trầm trì thuộc hội chứng mệnh môn hỏa suy, tinh khí hư hàn).
  3. Bệnh phụ khoa thể hư hàn (thống kinh, bạch đới trong loãng, lãnh cảm, hiếm muộn thể bào cung hư lãnh).
  4. Bệnh tỳ vị thuộc hội chứng tỳ thận dương hư (đau dạ dày do lạnh, đi tả sáng sớm,…)
  5. Hỗ trợ điều trị thẩm mỹ (chăm sóc sắc đẹp, bài tiết độc tố, giảm béo vòng bụng…)
  6. Hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy CDTP và ma túy tổng hợp (dạng Amphetamine).

2.3.2. Chống chỉ định

– Các trường hợp bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt (có sốt cao…), âm hư hỏa vượng. Thận trọng với các trường hợp cao huyết áp, bệnh tim mạch.

– Không nên cứu ở các vùng có nhiều gân, da sát xương, vùng mặt… vì có thể gây bỏng, đặc biệt là những vùng bị mất cảm giác.

– Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (suy giảm miễn dịch tăng nguy cơ nhiễm trùng, không châm cứu).

2.3.3. Chuẩn bị

Cán bộ y tế

Bác sỹ, Lương y, Y sỹ, Điều dưỡng hay Kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề đã qua tập huấn hoặc truyền nghề “hỏa long cứu” theo phương thức cầm tay chỉ việc.

Phương tiện

* 2-3 khăn lông (loại khăn tắm khổ 50 x 80cm) nhúng nước vắt kiệt (nếu mùa đông nên nhúng khăn trong nước nóng rồi vắt kiệt, để còn giữ ấm khi đắp lên người bệnh không phải co cứng cơ vì lạnh). Dùng khăn riêng cho từng người bệnh, sau khi giặt hấp mới tái sử dụng.

* 1 lọ cồn xoa bóp (do Khoa Dược Bệnh viện sản xuất, hoặc dùng các vị thuốc có công năng hành khí hoạt huyết, khu phong tán hàn, giảm đau… như Ngải cứu, Gừng khô, Nhục quế, Quế chi, Thiên niên, Bạch chỉ, Địa liền, Hạt gấc, Hồng hoa, Huyết giác, Đại hoàng, Long não để ngâm rượu xoa bóp).

* Một số dải vải xô (sợi cotton) rộng 8-10cm, dài nhiều cỡ từ 40-80cm để tẩm cồn xoa bóp. Dải vải dùng một lần cho từng người bệnh.

* Một số dải khăn lông cắt nhỏ rộng 5-6cm, dài nhiều cỡ như trên để tẩm cồn.

* 1 lọ cồn 90o để đốt và 1 bật lửa ga.

*1 lọ Panthenol hoặc dầu mù u để phòng trị bỏng.

Người bệnh

– Người bệnh được giải thích trước về phương pháp hỏa long cứu.

– Người bệnh được khám, làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

2.3.4. Các bước tiến hành

Thủ thuật

1- Cho người bệnh nằm tư thế thoải mái, vùng huyệt được cứu hướng lên trên, mặt da nằm ngang bằng để đốt cứu thuận tiện.

2- Dùng khăn ẩm che kín đầu tóc để khỏi nóng và cháy lan khi đốt cứu vùng cổ gáy.

3- Dùng các dải vải xô đem tẩm cồn xoa bóp, trải lên mạch Đốc (giữa cột sống lưng, có thể trùm cả 2 nhánh kinh Bàng quang 2 bên), hoặc trên mạch Nhâm trước bụng, hoặc các vùng huyệt đang đau, hoặc các đường kinh có bệnh.

4- Dùng một khăn lông ẩm (đã nhúng nước vắt kiệt) trùm phủ lên dải lụa.

5- Dùng một số dải khăn lông cắt nhỏ, cho vào lọ cồn vắt cho ướt đều, đặt lên trên khăn vải ẩm, tương ứng vị trí dải vải tẩm cồn xoa bóp bên dưới.

6- Bật lửa đốt lên, lửa sẽ bốc cháy chạy dài trên lưng hoặc bụng trông như một con rồng lửa (vì vậy phương pháp này đặt tên là Hỏa long cứu).

7- Theo dõi phản ứng bệnh nhân, để từ 10-20 giây  liền lập tức dùng khăn lông ẩm chuẩn bị sẵn trùm lên để dập lửa.

8- Thầy thuốc lập tức áp bàn tay lên giữ nóng vài mươi giây. Khi cảm giác nóng giảm, giở khăn dập lửa ra đốt tiếp 3-4 lần nữa cho đến khi cháy hết cồn, rồi dùng ngón hoặc mu bàn tay day ấn các huyệt giáp tích dọc theo mạch Đốc và kinh Bàng quang hoặc các vùng kinh huyệt đau (cứu mạch Nhâm chỉ áp và day nhẹ, không ấn mạnh).

9- Có thể nhúng cồn một lần nữa, lặp lại các thao tác trên (đốt cả thảy từ 6-8 lần).

10- Sau khi cứu xong, gỡ hết các lớp khăn và vải ra, thấy vùng da nơi đốt cứu phản ứng ửng đỏ thường là dấu hiệu kết quả tốt.

Liệu trình

– Đối với bệnh lý thông thường, mỗi lần cứu từ 1-3 vùng huyệt, có thể kết hợp cứu sau điện châm; cứu mỗi ngày hay cách nhật (hai ngày 1 lần).

– Đối với bệnh nhân CNMT CDTP, tùy theo tần suất xuất hiện cơn, cứu đón cơn mỗi ngày 3-5 lần trong 3 ngày đầu, sau khi điện châm, nếu bệnh nhân đang trằn trọc vật vã lên cơn thì nên HLC trước cho êm dịu rồi mới điện châm, thì thời gian lưu kim cho điện châm mới kéo dài hơn. Ngày thứ 4-7 có thể cứu mỗi ngày 1-2 lần. Sau cắt cơn, để giải độc, phòng chống tái nghiện có thể cứu hai ngày 1 lần. Đối với bệnh nhân nghiện MTTH các triệu chứng vã cơn không rõ ràng nên chỉ cứu ngày 1-2 lần.

– Một liệu trình điều trị trung bình 12 lần. Bệnh mạn tính có thể điều trị 2-3 liệu trình.

2.3.5. Theo dõi và xử lý tai biến

– Đây là một phương pháp rất an toàn khi tuân thủ đúng chỉ định, đúng quy trình.

– Trong quá trình thực hiện cần có thầy thuốc theo dõi toàn trạng bệnh nhân.

– Trường hợp người bệnh thấy nóng rát sau khi cứu, hoặc trên mặt da vùng huyệt được cứu xuất hiện nốt bỏng phồng nước, thì dùng lọ Panthenol xịt vào hoặc dầu mù u bôi lên và dán băng tránh nhiễm trùng.

III. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHƯƠNG PHÁP TỐC CỨU (HỎA LONG CỨU) ĐIỀU TRỊ HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TÚY

3.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

3.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Gồm 30 bệnh nhân được chẩn đoán nghiện ma túy (CDTP và MTTH) và điều trị ngoại trú tại đơn vị cai nghiện – Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Đà Nẵng bằng phương pháp hỏa long cứu điều trị hỗ trợ CNMT của bệnh viện, từ tháng 9/2014 đến 11/2015.

3.1.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu hồi cứu.

Phương tiện nghiên cứu

Mẫu bệnh án được bệnh viện lưu trữ.

Các Bảng đánh giá, theo dõi hội chứng cai CDTP và MTTH.

Diễn biến của hội chứng cai được theo dõi hằng ngày và ghi lại trong bệnh án, quá trình thống kê khảo sát trên các bệnh án, ghi nhận ngày hội chứng cai âm tính.

3.2. Kết quả nghiên cứu

Loại ma túy sử dụng

Bảng 1. Loại ma túy sử dụng

  n (N=30) Tỷ lệ (%)
Dùng CDTP 20 66,7
Dùng MTTH 7 23,3
Dùng cả 2 3 10,0

Nhận xét: Người dùng CDTP chiếm tỷ lệ cao nhất (66,7%).

Đánh giá hiệu quả về mặt lâm sàng

Sự biến đổi các triệu chứng của trạng thái cai CDTP

Bảng 2. Phân bố các triệu chứng của trạng thái cai CDTP trước và sau điều trị

Nhóm

 

Triệu chứng

(n=23) p
Trước điều trị Sau điều trị
n % n %
1. Thèm chất ma túy 23 100,0 4 17,4 <0,05
2. Chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc hắt hơi 19 82,6 4 17,4
3. Đau mỏi các khớp 20 87,0 3 13,0
4. Co cứng cơ bụng 0 0 0 0
5. Buồn nôn, nôn 14 60,9 1 4,3
6. Tiêu chảy 14 60,9 1 4,3
7. Giãn đồng tử 0 0 0 0
8. Vã mồ hôi, nổi da gà hoặc ớn lạnh 17 73,9 0 0
9. Mạch nhanh hoặc tăng huyết áp 9 39,1 0 0
10. Ngáp 20 87,0 0 0
11. Ngủ không yên 20 87,0 4 17,4
12. Dòi bò trong xương 19 82,6 3 13,0

Nhận xét: Các triệu chứng của trạng thái cai các chất ma túy thường gặp là thèm ma túy , chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc hắt hơi, đau mỏi các khớp, ngáp, ngủ không yên, dòi bò trong xương….. tất cả các triệu chứng đều có sự cải thiện rõ rệt sau điều trị, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Sự biến đổi các triệu chứng của trạng thái cai MTTH

Bảng 3. Phân bố các triệu chứng của trạng thái cai MTTH trước, sau điều trị

Nhóm

 

Triệu chứng

(n=10) p
Trước điều trị Sau điều trị
n % n %
1. Mệt mỏi 9 90,0 2 20,0 <0,05
2. Ngủ nhiều 2 20,0 0 0,0
3. Ngủ ít, khó ngủ 4 40,0 1 10,0
4.  Buồn, chán 10 100,0 1 10,0
5. Tăng cảm giác ngon miệng 5 50,0 0 0,0
6. Thèm ma túy 5 50,0 1 10,0
7. Lo lắng 2 20,0 0 0,0
8. Tăng hoạt động 2 20,0 0 0,0
9. Giảm hoạt động 4 40,0 0 0,0
10. Bồn chồn, bất an 5 50,0 0 0,0
11.  Ý tưởng tự sát 0 0,0 0 0,0
12. Khó tập trung chú ý 5 50,0 1 10,0
13. Giảm trí nhớ 7 70,0 1 10,0
14. Hoang tưởng 4 40,0 0 0,0
15. Ảo giác 3 30,0 0 0,0

Nhận xét: Các triệu chứng của trạng thái cai MTTH  thường gặp là: Mệt mỏi, ngủ ít, khó ngủ, buồn chán, thèm ma túy, giảm trí nhớ… qua quá trình điều trị tất cả các triệu chứng đều có sự cải thiện rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Sự cải thiện diễn biến hội chứng cai

Bảng 4. Sự cải thiện diễn biến hội chứng cai

 

Ngày

n %
Ngày thứ 2 – 3 10 33,3
Ngày thứ 4 – 5 18 60,0
Ngày thứ 6 – 7 2 6,7
Sau ngày thứ 7 0 0,0
Tổng 30 100,0

Nhận xét: có 93,3% bệnh nhân cải thiện hội chứng cai trước ngày thứ 5. Ngoài ra sau ngày thứ 7,  không còn bệnh nhân nào còn hội chứng cai.

Đánh giá hiệu quả về cận lâm sàng

Bảng 5.  Sự biến đổi của xét nghiệm ma túy nước tiểu trước và sau điều trị

 

Ngày

n %
Ngày thứ 2 – 3 14 46,7
Ngày thứ 4 – 5 12 40,0
Ngày thứ 6 – 7 4 13,3
Sau ngày thứ 7 0 0,0
Tổng 30 100,0

Nhận xét: Phần lớn các đối tượng nghiên cứu có kết quả xét nghiệm ma túy nước tiểu âm tính trước ngày thứ 5 với >80,0%. Không ghi nhận trường hợp nào âm tính sau ngày thứ 7.

Kết quả điều trị chung

Bảng 6. Kết quả điều trị chung

  n Tỷ lệ (%)
Tốt 9 30,0
Khá 16 53,3
Trung Bình 5 16,7
Tổng 30 100,0

Nhận xét: Kết quả điều trị Khá chiếm tỷ lệ cao nhất (53,3%).

Theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp nghiên cứu

Theo dõi trong quá trình điều trị không ghi nhận trường hợp nào xảy ra tác dụng không mong muốn, không có bệnh nhân nào phải bỏ điều trị.

  1. KẾT LUẬN

* Tốc cứu hay Hỏa long cứu là phương pháp chữa bệnh kết hợp 3 trong 1: cứu ấm, chườm xoa thuốc rượu và xoa ấn bấm huyệt có đầy đủ cơ sở lý luận của y học cổ truyền, có thể sử dụng hỗ trợ cai nghiện ma túy và chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua điều trị nhiều hội chứng bệnh lý như thấp khớp thể phong hàn thấp tý, bệnh nam khoa thể dương hư, bệnh phụ khoa thể hư hàn, bệnh tỳ vị thể tỳ thận dương hư,…

* Chúng tôi đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật Tốc cứu (Hỏa long cứu) hỗ trợ cai nghiện ma túy và chăm sóc sức khỏe cộng đồng dựa trên cơ sở khảo sát lý thuyết và thực tiễn lâm sàng, biên soạn theo thể thức quy trình kỹ thuật YHCT đã được Bộ Y tế ban hành đầy đủ các phần: Chỉ định; Chống chỉ định; Chuẩn bị (kỹ thuật viên, phương tiện, người bệnh); các bước tiến hành (thao tác thủ thuật và liệu trình); Theo dõi và xử lý tai biến. Quy trình được sắp xếp khoa học, dễ hiểu dễ làm, có thể chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến cơ sở.

* Bước đầu đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp Tốc cứu (Hỏa long cứu) hỗ trợ diều trị CNMT bằng phương pháp hồi cứu cho thấy:

– Phần lớn các bệnh nhân được điều trị có kết quả rõ rệt: các triệu chứng của hội chứng cai đều được cải thiện, sự cải thiện có ý nghĩa thống kê (<0,05).

– Phần lớn bệnh nhân có hội chứng cai âm tính trong 5 ngày đầu điều trị (93,3%).

– Trong 30 bệnh nhân, 9 bệnh nhân có kết quả điều trị Tốt, chiếm 30,0%, 16 bệnh nhân có kết quả điều trị Khá, chiếm 53,3%.

– Không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện tác dụng phụ.

  1. KIẾN NGHỊ

Với quy trình được đúc kết súc tích, rõ ràng này, chúng tôi mong muốn được góp phần phổ cập rộng rãi phương pháp Tốc cứu (HLC) đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bằng Đông y nói chung và điều trị CNMT nói riêng. Do đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị:

– Bộ Y tế  cho phép phổ biến Quy trình kỹ thuật Tốc cứu (hỏa long cứu) và bổ sung hỏa long cứu vào Danh mục kỹ thuật và phân tuyến kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã được ban hành.

– Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện hỗ trợ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng trong việc chuyển giao công nghệ phương pháp Tốc cứu (hỏa long cứu) cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở trên địa bàn thành phố.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Trung ương Hội Đông y Việt Nam (2013), Môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, tôn giáo Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, 16/7/2013 (tr.76-78).
  2. Phan Công Tuấn và Huỳnh Sự (2014), Đề xuất cai nghiện ma túy bằng châm cứu kết hợp thuốc nam và dạy nghề giúp việc lương y – lương dược, Kỷ yếu Hội thảo KH-KT Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.
  3. Phan Công Tuấn (2008), Hỏa long cứu hay phương pháp Tốc cứu, Tạp chí Cây Thuốc Quý, số 120, 11/2008.
  4. Phan Công Tuấn (2014), Quy trình kỹ thuật Hỏa long cứu (Tốc cứu), Kỷ yếu Hội thảo KH-KT Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.
  5. Viện Đông y (1979), Châm cứu học, tập II, NXB Y học, Hà Nội.

Tiếng Trung                   

  1. 杨安生, 欧阳颀 (2007) – 图解艾灸疗法, 人民军医出版社, 北京. [Dương An Sinh và Âu Dương Kì (2007), Đồ giải ngải cứu liệu pháp, (tiếng Trung), NXB Quân y nhân dân, Bắc Kinh].
  2. 章逢润, 耿俊英(1989) – 中国灸疗学, 卫生人民出版社, 北京. [Chương Phùng Nhuận và Cảnh Tuấn Anh (1989), Trung Quốc cứu liệu học, NXB Vệ sinh nhân dân, Bắc Kinh.]
  3. 孙国傑 (2011) -针灸学, 卫生人民出版社, 北京. [Tôn Quốc Kiệt (2011), Châm cứu học (tiếng Trung), NXB Vệ sinh Nhân dân, Bắc Kinh.]

 

PHỤ LỤC HÌNH ẢNH:


Lương y Phan Công Tuấn nghiên cứu ứng dụng Hỏa long cứu từ năm 2008.
Bệnh viện YHCT Đà Nẵng triển khai ứng dụng Hỏa long cứu từ 2014.
Hỏa long cứu cho bệnh nhân cai nghiện ma túy tại Bệnh viện YHCT
Hướng dẫn học viên cai nghiện sử dụng hỏa long cứu theo đề án dạy nghề giúp việc lương y – lương dược tại Trung tâm xã hội Bầu Bàng.

(Bài và ảnh đã đăng tạp chí Y học Thực hành của Bộ Y tế, số 1105, năm 2019)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *