Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Hội Đông y Việt Nam thành lập năm 1946 hay 1957 ?

02/01/2024

HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM THÀNH LẬP NĂM 1946 hay 1957?

Hơn mười năm trở lại đây, Hội Đông y Việt Nam có chủ trương tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Hội vào ngày 22/8/1946; trong khi vài thập niên trước, vẫn lấy ngày 10/12/1957 là ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam. Vì sao có sự thay đổi này? Vậy thực ra Hội Đông y Việt Nam thành lập năm 1946 hay 1957? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.

Các Tạp chí, Đặc san Kỷ niệm 40 năm, 45 năm ngày thành lập Hội Đông y xuất bản vào năm 1997, 2022

 

I. KỶ NIỆM MỘT THỜI

Thời mới bước đầu học và hành nghề Đông y những năm đầu thập kỷ 90, tôi thường đặt Tạp chí Y học cổ truyền Việt Nam (nay đã lấy lại nguyên tên ban đầu là Tạp chí Đông y) để cập nhật kiến thức chuyên môn cũng như tin tức hoạt động của ngành Y tế  và hội nghề nghiệp.

Nhờ vậy, mà  tôi còn nhớ khá rõ những số báo đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập hội Đông y vào ngày 10-12-1957 (vốn là ngày khai mạc Đại hội thành lập của Hội Đông y Việt Nam). Sau nhiều lần đổi tên là Hội Y học cổ truyền dân tộc, Y học Cổ truyền, cuối cùng Đại hội lần thứ X của Hội đã thống nhất lấy lại tên cũ từ ngày đầu thành lập.

Tôi còn lưu giữ một số Đặc san – Tạp chí Y HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (số 283-284 năm 1997) chủ đề Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội YHCTVN với nhiều bài viết quan trọng của TBT Đỗ Mười, Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương, Chủ tịch Hội YHCTVN khóa VIII-XIX Nguyễn Thiên Tích, Vụ trưởng Vụ YHCT Nguyễn Đức Đoàn, GS. Nguyễn Văn Đàn, GS. Nguyễn Tài Thu, GS. Hoàng Bảo Châu, GS. Trần Thúy, GS. Lê Thế Trung, BS. Nguyễn Xuân Hướng, … cùng nhiều tư liệu quý khác về Đại hội lần thứ nhất của Hội vào năm 1957.

Trong bài viết của Lương y Nguyễn Thiên Tích trong số đặc san nói trên có viết: “Với sự quan tâm của ngành Y tế trực tiếp là của cố Bộ trưởng bác sĩ Hoàng Tích Trí đã bầu ra ban vận động thành lập Hội Đông y Việt Nam. Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngày 3 tháng 6 năm 1957 Chính phủ ra Nghị định số 399-NV-DC-NĐ cho phép thành lập Hội. Ban vận động lại tiếp tục công tác xuống 23 tỉnh thành từ Quảng Bình trở ra để phát triển tổ chức Hội và chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất Hội Đông y Việt Nam.

Ngày 10-12-1957 tại Hội trường của Viện nghiên cứu Đông y Việt Nam, Đại hội lần thứ nhất của Hội Đông y Việt Nam đã tiến hành khai mạc. Hơn 400 đại biểu đại diện cho 23 tỉnh thành phố miền Bắc và Đại biểu đại diện cho tập đoàn Đông y miền Nam tập kết đã về dự Đại hội. Ông Nguyễn Trung Khiêm được bầu làm Chủ tịch TW Hội. Đại hội lần thứ nhất Hội Đông y Việt Nam làm mốc đánh dấu sự tồn tại và phát triển của nền Y dược học cổ truyền Việt Nam.”

Một kỷ niệm đáng nhớ với riêng tôi là vào cuối năm 2002 đã tham gia thực hiện tập san Thông tin Đông y Đà Nẵng số 04/2002 nhân dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Đông y Việt Nam (10.12.1957 – 10.12.2022); chào mừng Đại hội Hội Đông y thành phố Đà Nẵng khóa V (2002-2027) và Lễ mãn khóa lớp chuẩn hóa Lương y Quốc gia tại Đà Nẵng với nhiều bài vở khá phong phú.

Mở đầu bài viết của mình trong tập san nói trên, TTƯT-BS. Hồ Quảng Vân, Ủy viên TW Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Thành hội Đà Nẵng có viết: “Ngày 10 tháng 12 năm 1957 là ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam, theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ  I của Hội. Ngày đó đã trở thành  cái mốc lịch sử của Y học Cổ truyền Việt Nam.”

Bởi vậy, mấy hôm rồi đọc tin Kỷ niệm 77 năm thành lập Hội Đông y Việt Nam khắp đó đây, tôi rất băn khoăn vì sao ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam bị dịch chuyển khá xa với sai số đến… 11 năm so với trước đây, nên đã bỏ ra 3 ngày để tâm tìm hiểu.

II. LẦN THEO DẤU TÍCH ĐIỀU LỆ

Lần theo dấu tích các bản Điều lệ (sửa đổi) trong 4  kỳ Đại hội gần đây, tôi đã tìm ra diễn biến của sự thay đổi này.

[1]. Điều lệ Hội Đông y Việt Nam sửa đổi 2001 

Trong Điều 4 có các khoản c) và d) như sau:

  1. c) Trung ương Hội đặt trụ sở tại Thủ đô Hà Nội. Ngày 10 tháng 12 năm 1957 là ngày thành lập Hội.
  2. d) Hội lấy ngày rằm tháng giêng (15/1) âm lịch hàng năm làm ngày truyền thống của Hội.

[2]. Điều lệ Hội Đông y Việt Nam sửa đổi 2006  

Có thêm vào  phần LỜI NÓI ĐẦU  có viết:

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nền Đông y Viện Nam giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội Đông y Cứu quốc được thành lập theo Sắc lệnh số 52 ngày 22 tháng 04 năm 1946 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 03 tháng 06 năm 1957 Chính phủ ban hành Nghị định số 399 thành lập Hội Đông y Việt Nam. Từ đó đến nay hội phát triển không ngừng về chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức.”

Khoản 4 của Điều 4 của bản Điều lệ này có nói: “Hội Đông y Việt Nam lấy ngày 03 tháng 6 hàng năm làm ngày truyền thống của Hội.”

[3]. Điều lệ Hội Đông y Việt Nam sửa đổi 2011

Trong Điều lệ (sửa đổi) có chỉnh sửa lại nội dung: Sắc lệnh số 52 ngày 22 tháng 4 năm 1946 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa “quy định việc lập hội” ra đời. Ngày 22 tháng 8 năm 1946 tại Nghị định số 337NV/DC của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội Nghiên cứu Nam dược, sau đổi tên là Hội Đông y cứu quốc. Sau kháng chiến chống thực Pháp thành công, ngày 03 tháng 6 năm 1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam.

Khoản 4 của Điều 4 đã sửa thành: “Hội Đông y Việt Nam lấy ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống của Hội”.

[4]. Điều lệ Hội Đông y Việt Nam sửa đổi 2016

Trong Điều lệ (sửa đổi), LỜI NÓI ĐẦU cơ bản như bản trước, chỉ có thêm một chữ tái vào câu: “… ngày 03 tháng 6 năm 1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép tái thành lập Hội Đông y Việt Nam”.

Và vẫn giữ nguyên nội dung “Hội Đông y Việt Nam lấy ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống của Hội” trong Điều 4”.

III. NHẬN XÉT VÀ BÀN LUẬN:

Qua các dẫn liệu trên đây, từ Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2000-2005), trong Điều lệ Hội xác định ngày 10 tháng 12 năm 1957 là ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam và ngày Rằm tháng Giêng làm ngày truyền thống của Hội.

Đến kỳ Đại hội thứ XI (nhiệm kỳ 2005-2010), qua Điều lệ sửa đổi cho thấy có chủ trương thay đổi ngày thành lập Hội (ngày Đại hội thành lập 10/12/1957), thay vào đó chọn ngày ngày 03 tháng 06 hàng năm  làm ngày truyền thống của Hội. (Lấy theo ngày 3/6/1957 là ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 399 thành lập Hội Đông y Việt Nam).

Tuy nhiên trong LỜI NÓI ĐẦU mới bổ sung lại ghi: “Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội Đông y Cứu quốc được thành lập theo Sắc lệnh số 52 ngày 22 tháng 04 năm 1946 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. [5]

Đọc sắc lệnh số 52, dễ thấy không hề có cái gọi là: “hội Đông y Cứu quốc được thành lập theo Sắc lệnh số 52 ngày 22 tháng 04 năm 1946 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Điều này chứng tỏ người soạn chưa phân biệt rõ ràng giữa Sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946 của Chủ tịch nước ký quy định việc lập hội với Nghị định số 337NV/DC ban hành ngày 22/8/1946 của Bộ Nội vụ “cho phép thành lập Hội Nghiên cứu Nam dược, về sau đổi tên là Hội Đông y cứu quốc”.

Sự nhầm lẫn vô tình hay hữu ý trên đây, chứng tỏ những  người chủ trương sửa đổi ngày thành lập Hội khi ấu chưa tìm hiểu nghiên cứu kỹ các tài liệu này. Sai lầm trên có lẽ đã được phát hiện, nên liền sau đó được sửa chữa trong lần sửa đổi Điều lệ tiếp theo thông qua Đại hội lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015). Tuy nhiên, Điều lệ Hội, Điều 4 vẫn khẳng định: “Hội Đông y Việt Nam lấy ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống của Hội”.

Dường như chưa yên tâm với các căn cứ nói trên, nên trong Điều lệ (sửa đổi) thông qua Đại hội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020), ngoài việc vẫn lấy ngày 22/8 hàng năm làm ngày truyền thống của Hội như lần trước, đã thêm một chữ “tái” vào câu: “… ngày 03 tháng 6 năm 1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép tái thành lập Hội Đông y Việt Nam”.

Với một chữ “tái” này, Điều lệ sửa đổi 2016 gần như ngụ ý khẳng định ngày 22/8/1946 thành lập Hội Nghiên cứu Nam dược, là tổ chức tiền thân của Hội Đông y Việt Nam ngày nay. Các chủ trương tổ chức Kỷ niệm  ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam từ đó về sau  đều lấy ngày 22/8/1946 làm ngày thành lập Hội.

Tuy vậy, đọc kỹ Nghị định 399-NV-DC-NĐ, tôi chỉ thấy ghi ở Điều 1: “HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM” được phép thành lập và hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành”. Như vậy căn cứ chữ nghĩa thì đây là một hội mới thành lập, hoàn toàn không có chuyện “tái thành lập” gì ở đây cả. [6].

Xét kỹ một số lẽ sau đây:

1. Hội Đông y Việt Nam được thành lập vào năm 1957 theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và ngành Y tế. Sau khi thành lập Vụ Đông y và Viện Nghiên cứu Đông y, việc thành lập Hội để thực hiện 3 mục tiêu công tác: “1.Thống nhất ngành Đông ; 2.Đoàn kết trong ngành và đoàn kết giữa Đông y và Tây y; 3. Khoa học hóa Đông y và phối hợp Đông Tây y”, như trong bài phát biểu của Bộ trưởng Y tế – BS. Hoàng Tích Trí tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Đông y Việt Nam ngày 10/12/1957 (xem Đặc san – Tạp chí YHCTVN số 283-284, tr.55).

2. Hội Đông y Việt Nam được thành lập còn là kết quả của Ban trù bị và Ban vận động thành lập gần 2 năm trước đó. Chính trong bài phát biểu dẫn trên, Bộ trưởng Hoàng Tích Trí đã ghi nhận: “Tôi được biết Ban trù bị và Ban vận động làm việc rất khó khăn song nhờ sự tận tâm của các cụ, nhờ lòng nhiệt thành và ý chí thống nhất, quyết tâm xây dựng Hội của các cụ ở thủ đô cũng như ở các tỉnh, nhờ sự giúp đỡ của Ủy ban mặt trận và Ty y tế các tỉnh, các cụ đã đi đến kết quả là tổ chức được Đại hội trong bầu không khí phấn khởi chung của giới Đông y.”

Trong bài viết ở trang 53-54 cùng số Đặc san nói trên, Lương y- Thầy thuốc ưu tú Lê Trần Đức có cho biết ngay sau Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27/02/1955, “Bộ Y tế bắt tay vào việc tổ chức cơ cấu lãnh đạo ngành y học dân tộc cổ truyền (đông y). Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã vào Vinh tìm cụ Phó Đức Thành, động viên cụ ra Hà Nội để giúp việc thành lập Hội Đông y và Viện Đông y. Đáp theo yêu cầu đó, cụ Thành đã dời ra Hà Nội cộng tác với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là người được Chính phủ giao phó, để tiến hành công việc trên. Cụ Thành một mình, với sự giúp đỡ cộng tác của một vài bạn đồng nghiệp cố tri, đã liên lạc với các tổ chức Hội trong thời Hà Nội bị tạm chiếm: Hội Việt Nam y dược do cụ Nguyễn Tảo (làm) Hội trưởng, Nguyễn Quỳnh Thư ký, quản lý Y miếu là nơi hội họp; Hội Nghiệp đoàn trung y ở Hàng Buồm, do Trung y sư Bành Hải Siêu làm Hội trưởng, với hầu hết các danh y, lão y ở thủ đô và các tỉnh lân cận, như cụ Nguyễn Tử Siêu, cụ Nguyễn Xuân Dương, cụ Nguyễn Di Luân ở Hàng Bông, cụ lang Nghệ ở Hàng Bè, cụ Phạm Văn Hoàn, Hợp tác xã thuốc nam Liên khu III, cụ (Nguyễn Đình) Du  tập đoàn Đông y miền Nam tập kết,… Đặc biệt, cụ Thành thường thân mật trao đổi với cụ Nguyễn Trung Khiêm, nguyên Hội trưởng Hội Trung kỳ y học (đã ra Hà Nội công tác tại Đảng Dân chủ cuối năm 1954) và bàn bạc bổ sung bản dự thảo điều lệ.”

Như vậy sau gần 2 năm liên lạc, thành lập ban vận động, ban trù bị, Hội Đông y mới được phép thành lập theo Nghị định số 1399/NV/DC ngày 3/6/1957 của Bộ Nội vụ, và sau đó chính thức Đại hội lần thứ nhất vào ngày 10/12/1957.

Theo sách “Mười thế kỷ Y tế Việt Nam” (TS. Nguyễn Minh san chủ biên, NXB Dân Trí, trang 436), Tổng Hội Y học Việt Nam (tên ban đầu là Hội Y học Việt Nam) đại hội thành lập vào ngày 3/3/1955. Hội có 9 ban (mỗi ban là một chuyên ngành: Đông y, Nội khoa, Ngoại khoa, Vệ sinh phòng dịch, Nha khoa, Nhãn khoa, Tai mũi họng, Tâm thần kinh, Dược khoa). Đến năm 1957, ban Đông y tách khỏi Hội để thành lập Hội Đông y Việt Nam.

Nếu chúng ta cho rằng Hội Đông y Việt Nam chỉ là “tái thành lập” từ tổ chức tiền thân là Hội Nghiên cứu Nam dược há chẳng phải vô tình hay cố ý vong ân bội nghĩa các tổ chức, cá nhân đã có công vận động thành lập Hội hay sao???

3. Đi cùng với công tác tổ chức, một bộ phận không thể thiếu đối với Hội đó chính là cơ quan ngôn luận của Hội. Ngay sau Đại hội thành lập cuối năm 1957, Hội Đông y Việt Nam đã cho xuất bản “Tạp chí Đông y, cơ quan hướng dẫn tư tưởng và nghiệp vụ” với “Tôn chỉ: Đoàn kết – Học tập – Phục vụ” và “Phương châm: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”,với số đầu tiên (số đôi 1+2) xuất bản vào tháng 9 năm 1958 với 96 trang nội dung rất phong phú. Tạp chí Đông y đã xuất bản liên tục cho đến ngày nay dù tên gọi, kỳ hạn và số trang có thay đổi theo từng thời kỳ.

Bìa số đầu tiên của Tạp chí Đông y, xuất bản tháng 9/1958

Trong khi đó, theo tôi được biết, Hội Nghiên cứu Nam dược do ông Hội trưởng  Nguyễn Can Mộng làm chủ bút tập san “Nho Y nghiên cứucơ quan bảo tồn Khổng học và khảo cứu Đông y” (theo thư gởi Hồ chủ tịch ngày 7/11/1946 đăng trong tập Nho Y nghiên cứu số 3), nên không thể xem Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân của Hội Đông y Việt Nam bởi tôn chỉ, phương châm, mục đích có khác nhau.

Hơn nữa, nếu xem Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân Hội Đông y Việt Nam thì ông Nguyễn Can Mộng (1885-1953, có tài liệu ghi 1880-1954) là Hội trưởng đầu tiên cũng cần ghi nhận. Điều này chưa từng thấy trong tài liệu về quá trình hình thành và phát triển Hội Đông y Việt Nam từ trước tới nay.

Từ những chứng cứ và suy luận trên đây, theo quan điểm của cá nhân tôi, Hội Đông y Việt Nam được vận động thành lập vào năm 1957 (ngày Đại hội thành lập chính thức là 10/12/ 1957) là một sự thật lịch sử trong bối cảnh hoàn toàn khác năm 1946, nên không thể xem Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân của Hội Đông y Việt Nam.

4. Thật may mắn khi trao đổi bản thảo bài này với một chuyên gia về lịch sử Đông y ở một viện nghiên cứu Hà Nội, tôi đã được chỉ dẫn cho biết trong Việt Nam Dân Quốc Công Báo ra ngày thứ Bảy, 7 tháng 9 năm 1946 có đăng nguyên văn như sau: “Theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 22 tháng 8 năm 1946: Hội Việt Nam y đoàn, trụ sở ở 75 phố Hàng Bồ, Hà Nội, nay được phép đổi tên là Nghiên cứu Nam dược Hội và hoạt động theo thể lệ đã ấn định trong sắc lệnh số 52 ngày 22 tháng 4 năm 1946 và theo điều lệ mới sửa đổi lại đính theo nghị định này. Điều lệ cũ của Việt Nam y đoàn thì nay hủy bỏ.” [7]

Trích “Việt Nam Dân Quốc Công Báo” số 36 ngày 7/9/1946 (lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam)
Ngày 03 tháng 6 năm 1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, nghị định của Bộ Nội vụ ngày 22/8/1946 chỉ cho phép đổi tên Hội Việt Nam y đoàn (vốn đã thành lập trước đó) thành Hội Nghiên cứu Nam dược, chứ không phải nghị định cho thành lập Hội Đông y Việt Nam như Nghị định 399-NV-DC-NĐ sau này.

Vì vậy, theo tôi, việc cho rằng Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân của Hội Đông y Việt Nam và chọn ngày 22/8/1946 làm ngày thành lập hay ngày truyền thống của Hội Đông y Việt Nam là sai hoàn toàn. Nên quay lại chọn ngày thành lập là ngày Đại hội thành lập 10/12/1957 hoặc sớm hơn là ngày 03/6/1957 là ngày Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam trong bối cảnh hình thành 3 tổ chức Đông y tháng 6/1957.

Để kết thúc bài viết đã khá dài này, tôi thiết tha kính đề nghị các cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận của ngành y tế và ban lãnh đạo Hội Đông y Việt Nam khóa XIV hiện nay xem xét thấu đáo các vấn đề nêu ra trên đây để đưa ra Ban Chấp hành thảo luận và sớm có điều chỉnh trở lại về ngày thành lập Hội cho đúng với sự thật lịch sử trong kỳ Đại hội lần thứ XV vào năm 2025 sắp đến.

Đà Nẵng ngày 22 tháng 8 năm 2023

 Lương y PHAN CÔNG TUẤN

DẪN LIỆU:

[1]. Quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Đông y Việt Nam, 2001

https://moha.gov.vn/Media_Share/BoNoiVu/Uploads/Documents/Document7061_64.pdf

[2]. Quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Đông y Việt Nam, 2006

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-01-2006-QD-BNV-Dieu-le-sua-doi-Hoi-Dong-y-Viet-Nam-17368.aspx

[3]. Quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Đông y Việt Nam, 2011

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Quyet-dinh-162-QD-BNV-2011-phe-duyet-Dieu-le-sua-doi-bo-sung-Hoi-Dong-y-Viet-Nam-301462.aspx

[4]. Quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Đông y Việt Nam, 2016

http://hoidongy.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/326/0/1380/Phe_duyet_dieu_le_sua_doi_bo_sung_Hoi_Dong_y_Viet_Nam

[5]. Sắc lệnh số 52 của Chủ tịch nước VNDCCH về quy định lập Hội:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Sac-lenh-52-quy-dinh-lap-hoi-35982.aspx

[6]. Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép Hội Đông y Việt Nam thành lập:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-dinh-399-NV-DC-ND-cho-phep-Hoi-Dong-y-Viet-Nam-thanh-lap-22840.aspx

[7]. Việt Nam Dân Quốc Công Báo ra ngày thứ Bảy, 7 tháng 9 năm 1946

http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=JwvzO19460907.2.3&e=——-vi-20–1–img-txIN-Vi%e1%bb%87t+Nam+d%c3%a2n+qu%e1%bb%91c+c%c3%b4ng+b%c3%a1o—–#

Nội dung bài này đã đăng trên Đặc san Khoa học & Phát triển số 6 (9-2023) và bản rút gọn đã đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuiần số ra ngày 2/9/2023.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *