HẠT GẠO tháng ba – nhà nhà tỉnh thức
17/04/2024
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
Trên mâm lễ dâng cúng các vua Hùng và liệt vị tổ tiên vào dịp này, có lẽ con dân nước Việt không bao giờ để thiếu hai phẩm vật Bánh chưng – Bánh dày. Đó là sản phẩm vốn được hoàng tử Lang Liêu làm ra chủ yếu từ gạo nếp, nhưng lại hàm chứa được tinh hoa của đất và trời, của nước và lửa, của bàn tay lao động khéo léo và tấm lòng hiếu kính thơm thảo của con người.
Truyền thuyết này không chỉ là câu chuyện nguồn gốc hai loại bánh mà còn để lại một bài học mẫu mực đầu tiên về sự lựa chọn người tài lãnh đạo đất nước theo thể thức dân chủ. Có thể nói không ngoa là hạt gạo đã được lên ngôi cùng vua Hùng vương thứ bảy.
Lịch sử nước ta còn có câu chuyện về công chúa Túc Trinh, con gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông (1258-1278), vâng chiếu dụ vua cha đã rời cung điện ra vùng phía tây bắc kinh thành Thăng Long, bỏ tiền bạc phát chẩn, cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, vỡ đất cấy trồng làm ăn sinh sống, lập làng Cổ Nhuế và An Nội (Từ Liêm, Hà Nội). Dân các làng này đến nay vẫn ghi nhớ ân đức của Bà và duy trì thường niên lễ hội đền Chúa cúng Bà vào mồng Một tháng Tám, mà trong các lễ vật không bao giờ thiếu gạo lức muối vừng… vốn là món ăn được Bà ưa thích, cũng là những món thuốc mà các danh y Tuệ Tĩnh, Lãn Ông và cả GS. Ohsawa (1893-1966) sau này đã ghi chép trong các y thư.
“Hạt gạo là hạt ngọc“, có lẽ hầu hết người Việt từ ngày chập chững cầm đũa đều được mẹ dạy câu này để trân quý những hạt cơm ăn hàng ngày, không được vung vãi lãng phí, nhất là vào thời kỳ giáp hạt đói kém mà dân dã gọi là “tháng ba ngày tám“. Nói về hạt gạo, ca dao còn có câu tuyệt hay: “Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” mà Thiền sư Nhất Hạnh từng đề nghị xem đó như là công án thiền cho mọi người quán niệm trước mỗi bữa ăn.
Nếu không tắm gội trong một môi trường văn hóa như thế, dẫu là “thần đồng” thì cậu bé Trần Đăng Khoa cũng không thể nào viết được những câu thơ: “Hạt gạo làng ta / Có bão tháng bảy / Có mưa tháng ba…” mà cho đến bây giờ (sau 40-50 năm) vẫn có người đánh giá có lẽ đó là bài thơ hay nhất của Khoa và cũng là bài thơ hay nhất xưa nay về hạt gạo trong thơ ca Việt Nam.
“Hạt gạo làng ta” bây giờ đã đi vượt ra khỏi biên giới. Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng có một điều ít người để ý đến, là đi cùng với đà tăng trưởng công nghiệp hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa,… cùng với những thói quen thời thượng “ăn không ngồi rồi”, “cơm trắng gạo trong”, hạt gạo mà chúng ta đang ăn hàng ngày đang có nguy cơ giảm sút chất lượng do trồng trọt, chế biến, đã góp phần dẫn dắt đến nhiều căn bệnh nan y mà các kết quả nghiên cứu khoa học đã cảnh báo.
Trong khi ở Âu Mỹ và Nhật ngày càng có nhiều người đã từ bỏ thói quen dùng bánh mì làm từ bột mì trắng để chuyển sang bánh mì lức, rồi dùng bột bột yến mạch, kiều mạch và gạo lức thay cho bột mì, thì dường như các nhà quản lý y tế và nông nghiệp thực phẩm ở nước ta chưa chú ý lắm đến những chính sách hoạch định phù hợp với trào lưu phát triển này.
Ai cũng biết “có thực mới vực được đạo“, thức ăn là nguồn sống hết sức quan trọng, nhưng cách ăn cũng quan trọng không kém. Khi xã hội thời đại công nghiệp đang tìm mọi cách kích thích sự tiêu thụ bằng các món ăn nhanh tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm, không chỉ về sức khỏe mà cả tâm tính con người cũng có sự biến thiên theo các chiều hướng bất lợi như căng thẳng (stress), nóng nảy, giận hờn, đố kỵ…
Ăn gạo lức muối mè, ăn ngũ cốc thô (nguyên hạt), ăn rau quả củ sạch,… không chỉ có lợi cho sức khỏe như khoa dinh dưỡng học hiện đại đã chứng minh, mà còn giúp cho con người điềm đạm, tỉnh táo, sáng suốt, biết trở về với thiên nhiên, biết hòa đồng với mọi người, biết sống không chỉ cho mình mà còn cho cả mọi loài…
Có lẽ đã đến lúc toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng hạt gạo và thực phẩm nói chung cũng như học cách thức tiêu thụ một cách chánh niệm. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bài viết này xin được góp một tiếng chuông duy trì sự tỉnh thức về ăn uống và sức khỏe, về thức ăn và cách ăn, mong đem lại đôi điều lợi lạc cho cộng đồng.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089