Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Giới thiệu một số Liệu pháp Tự nhiên

08/10/2023

(Bài nói chuyện khai giảng lớp giúp việc lương y – lương dược)

Cách đây gần mười năm, Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa và một số cơ sở Tuệ Tĩnh đường tại huyện Hòa Vang được thành lập. Chúng tôi cùng một số đồng nghiệp, thân hữu, thiện trí thức, mạnh thường quân có tổ chức một cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo từ thiện chủ yếu sử dụng Đông y như thuốc nam, thực dưỡng, dưỡng sinh, châm cứu và nhiều phương pháp không dùng thuốc khác. Sau nhiều lần ngồi lại lắng nghe, thảo luận, góp ý bổ sung cho nhau, cuối cùng chúng tôi đã thống nhất đưa ra một liệu pháp điều trị tổng hợp khả dĩ chống chọi được các căn bệnh khó, mà chúng tôi gọi là Liệu pháp 5T có thể tóm tắt trong sơ đồ và bài vè như sau:

Liệu pháp tổng hợp 5 T

Thuốc nam – châm cứu xin kê hàng đầu.

Thực dưỡng căn bản dài lâu

Thiền thở – vận động luyện trau hằng ngày.

Thư giản nghệ thuật rất  hay

Tâm trí liệu pháp giải ngay bệnh tình.

Bây giờ mời bạn cùng chúng tôi thử tìm hiểu về vài ba nội dung cụ thể trong buổi học đầu tiên của lớp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược được tổ chức lần thứ 3 tại cơ sở xã hội Bầu Bàng này.

T1.THUỐC NAM – CHÂM CỨU

Thiền sư Tuệ Tĩnh, Ông Tổ nghề thuốc Việt Nam, từng có câu tuyên ngôn bất hủ: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Tuệ Tĩnh là tác giả bộ sách “Nam dược thần hiệu” – một tác phẩm đặt nền móng vững chắc cho nền Đông y dược cổ truyền Việt Nam, đã tổng kết và truyền thừa 580 vị thuốc và 3.873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng.

Trong những năm tháng chiến tranh và cả thời kỳ bao cấp kinh tế khó khăn, di sản y dược học dân tộc đã được Nhà nước ta đặc biệt chú trọng kế thừa và phát triển, một thời những năm 60-70 của thế kỷ XX phong trào sử dụng thuốc nam châm cứu khá rầm rộ.  Nhưng từ khi đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thị trường, trước sự xâm nhập và tiếp thị ồ ạt của các hãng dược trong và ngoài nước, chuyện dùng thuốc nam cây nhà lá vườn dường như không còn được nhiều cán bộ y tế mặn mà khuyến khích.

Trải qua mấy chục năm học và hành nghề Đông y nhưng thú thật, chỉ ba năm trở lại đây, khi cùng một số đồng nghiệp ở các hội Đông y, Dược liệu của TP.Đà Nẵng đứng ra phối hợp với các nhà chùa, tổ chức vài cơ sở Tuệ Tĩnh Đường khám chữa bệnh bằng thuốc nam châm cứu hoàn toàn miễn phí mỗi tuần 3 buổi ở huyện Hòa Vang, chúng tôi mới dành nhiều thời gian nghiên cứu học tập, khai thác sử dụng thuốc nam địa phương chữa bệnh thay thế thuốc bắc nhập ngoại cũng như triển khai các phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc. Nhiều bài thuốc hay, cây thuốc quý đã được chúng tôi thừa kế ứng dụng, trong đó có cả những cây thuốc mới được phát hiện, bài thuốc mới được đúc kết, phương pháp chữa bệnh mới được triển khai đem lại hiệu quả tốt đẹp cho người bệnh. Đặc biệt khi gần đây khi dược liệu thuốc bắc ngày càng kém chất lượng và ô nhiễm nghiêm trọng do tồn dư hóa chất phân bón, thuốc trừ sâu… thì nguồn thuốc nam với đa phần khai thác từ nguồn hoang dã hay cây nhà lá vườn chính là loại dược liệu sạch tốt nhất. Xin đơn cử một bài thuốc gọi là Toa căn bản với 10 vị thuốc có 6 nhóm tác dụng, biết khéo léo gia giảm thêm bớt một số vị, chúng ta có thể ứng dụng điều nhiều bệnh chứng thông thường và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh khó. Bạn có thể nhẩm đọc và thuộc ngay thành phần tác dụng bài thuốc này qua mấy câu vè sau đây:

Cỏ mực: nhuận huyết; Rau má: nhuận gan;
Rễ tranh: nhuận tiểu;  nhuận tràng: Muồng trâu;
Cam thảo đất, Ké đầu ngựa, Cỏ mần chầu:
Giải độc cơ thể, bệnh mau điều hòa;
Sả, Gừng, vỏ Quýt lại gia
Kích thích tiêu hóa. Ấy Toa thuốc nền.

Nếu muốn, chỉ cần vài ba tuần ở lại, bạn có thể học  nhanh phương pháp bốc thuốc theo Toa căn bản này, cũng như học bấm huyệt, đốt cứu và một số phương pháp không dùng thuốc khác có tác dụng điều khí, trị thần, giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Bạn hãy tin tưởng, bằng cách “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi có thể “truyền nghề” để các bạn có thể phục vụ đắc lực cùng chúng tôi chăm sóc những người bệnh nơi này. Bạn hãy yên tâm, công việc chẩn đoán kê đơn và các thủ thuật phức tạp sẽ do các thầy thuốc có đầy đủ chứng chỉ hành nghề đảm trách, họ sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều trị đó. Còn bạn, bằng sự góp sức của mình, nhất định bạn sẽ gặt hái dược nhiều niềm vui trong công việc mới.

Xin được nói thêm, bài thuốc nam giải độc cơ thể, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy do chúng tôi đề xuất trong đề tài đánh giá hiệu quả điều trị nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng đã được xây dựng công thức theo nguyên lý Toa căn bản.

Bên cạnh thuốc nam, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, đặc biệt là phương pháp hỏa long cứu do chúng tôi nghiên cứu ứng dụng và phổ biến lần đầu ở Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, cũng góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng rất hiệu quả.

T2. THỰC DƯỠNG

Nói đến Thực dưỡng, nhiều người Việt thường nghĩ ngay đến phương pháp Ohsawa ăn gaọ lức muối mè chữa bá bệnh đã du nhập vào miền Nam Việt Nam cách đây hơn 60 năm.  Về phương pháp này,  đã có nhiều tài liệu phổ biến, mọi người có thể tìn đọc. Phần tôi, tôi luôn tin tưởng rằng phương pháp này đã có tự… ngàn xưa. Bằng chứng ư, đó là chiếc cối xay gạo bằng tre mà những người đứng tuổi như tôi có dịp sống ở quê ai mà chẳng biết.  Chưa tin ư, mời bạn thử cùng tôi ngồi lại ít phút để tiếp cận theo một góc nhìn khác.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba

Trên mâm lễ dâng cúng các vua Hùng và liệt vị tổ tiên nhân dịp Quốc lễ Giỗ Tổ vừa qua, có lẽ con dân nước Việt không bao giờ để thiếu hai phẩm vật Bánh chưng – Bánh dày. Đó là sản phẩm vốn được hoàng tử Lang Liêu làm ra chủ yếu từ gạo nếp, nhưng lại hàm chứa được tinh hoa của đất và trời, của nước và lửa, của bàn tay lao động khéo léo và tấm lòng hiếu kính thơm thảo của con người. Truyền thuyết này không chỉ là câu chuyện nguồn gốc hai loại bánh mà còn để lại một bài học mẫu mực đầu tiên về sự lựa chọn người tài lãnh đạo đất nước theo thể thức dân chủ. Có thể nói không ngoa là hạt gạo đã được lên ngôi cùng vua Hùng vương thứ bảy.

Lịch sử nước ta còn có câu chuyện về công chúa Túc Trinh, con gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông (1258-1278), vâng chiếu dụ vua cha đã rời cung điện ra vùng phía tây bắc kinh thành Thăng Long, bỏ tiền bạc phát chẩn, cấp vốn cho dân nghèo dựng nhà, vỡ đất cấy trồng làm ăn sinh sống, lập làng Cổ Nhuế và An Nội (Từ Liêm, Hà Nội). Dân các làng này đến nay vẫn ghi nhớ ân đức của Bà và duy trì thường niên lễ hội đền Chúa cúng Bà vào mồng Một tháng Tám, mà trong các lễ vật không bao giờ thiếu gạo lức muối mè… vốn là món ăn được Bà ưa thích, cũng là những món thuốc mà các danh y Tuệ Tĩnh, Lãn Ông và cả GS. Ohsawa (1893-1966) sau này đã ghi chép trong các y thư.

Hạt gạo là hạt ngọc”, có lẽ hầu hết người Việt từ ngày chập chững cầm đũa đều được mẹ dạy câu này để trân quý những hạt cơm ăn hàng ngày, không được vung vãi lãng phí, nhất là vào thời kỳ giáp hạt đói kém mà dân dã gọi là “tháng ba ngày tám”. Nói về hạt gạo, ca dao còn có câu tuyệt hay: “Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” mà Thiền sư Nhất Hạnh từng đề nghị xem đó như là công án thiền cho mọi người quán niệm trước mỗi bữa ăn.

Nếu không tắm gội trong một môi trường văn hóa tâm linh như thế, dẫu là “Thần đồng” thì cậu bé  Trần Đăng Khoa cũng không thể nào viết được những câu thơ: “Hạt gạo làng ta / Có bão tháng bảy / Có mưa tháng ba…”  mà cho đến bây giờ (sau 40 năm) vẫn có người đánh giá có lẽ đó là bài thơ hay nhất của Khoa và cũng là bài thơ hay nhất xưa nay về hạt gạo trong thơ ca Việt Nam.

“Hạt gạo làng ta” bây giờ đã đi vượt ra khỏi biên giới. Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng có một điều ít người để ý đến, là đi cùng với đà tăng trưởng công nghiệp hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa,… cùng với những thói quen thời thượng “ăn không ngồi rồi”, “cơm trắng gạo trong”, hạt gạo mà chúng ta đang ăn hàng ngày đang có nguy cơ ô nhiễm nặng và giảm sút chất lượng do trồng trọt, chế biến, đã góp phần dẫn dắt đến nhiều căn bệnh nan y mà các kết quả nghiên cứu khoa học đã cảnh báo.

Trong khi ở Âu Mỹ và Nhật ngày càng có nhiều người đã từ bỏ thói quen dùng bánh mì làm từ bột mì trắng để chuyển sang bánh mì lức, rồi dùng bột bột yến mạch, kiều mạch và gạo lức thay cho bột mì, thì dường như các nhà quản lý y tế và nông nghiệp thực phẩm ở nước ta chưa chú ý lắm đến những chính sách hoạch định phù hợp với trào lưu phát triển này.

Thức ăn là nguồn sống hết sức quan trọng, chắc bạn từng nghe câu nói: ‘có thực mới vực được đạo” phải không nào, nhưng theo tôi, cách ăn cũng quan trọng không kém. Khi xã hội thời đại công nghiệp đang tìm mọi cách kích thích sự tiêu thụ bằng các món ăn nhanh tiềm ẩn nhiều điều nguy hiểm, không chỉ về sức khỏe mà cả tâm tính con người cũng có sự biến thiên theo các chiều hướng bất lợi như căng thẳng (stress), nóng nảy, giận hờn, đố kỵ… Ăn gạo lức muối mè, ăn ngũ cốc thô (nguyên hạt), ăn rau quả củ sạch,… không chỉ có lợi cho sức khỏe như khoa dinh dưỡng học hiện đại đã chứng minh, mà còn giúp cho con người điềm đạm, tỉnh táo, sang suốt, biết trở về với thiên nhiên, biết hòa đồng với mọi người, biết sống không chỉ cho mình mà còn cho cả mọi loài…

Có lẽ đã đến lúc toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng hạt gạo và thực phẩm nói chung cũng như học cách thức tiêu thụ một cách chánh niệm,  duy trì sự thức tỉnh về ăn uống và sức khỏe, về thức ăn và cách ăn đem lại sự lợi lạc nhất cho cộng đồng.

Đặc biệt với những người đã một thời lầm lỡ tiêu thụ các sản phẩm độc hại, cả về vật chất lẫn tinh thần, chắc chắn phương pháp thực dưỡng sẽ góp phần tăng phần thải độc cơ thể, nuôi dưỡng tâm hồn, đây là điều này đã được thực chứng.

T3. THIỀN THỞ VÀ VẬN ĐỘNG

Bạn có biết thở không? Hơn một lần tôi đã đặt ra câu hỏi đó, khiến cho không ít người đã phải… phì cười. Giữa thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa thế này, mọi người đều bận rộn  “xẻ mũi để thở” vẫn chạy không hết việc. Vậy mà vấp một câu hỏi như vậy, thiệt là… hết chuyện nói. Nhưng xin bạn hãy bình tâm nán lại vài ba phút nữa, cùng chúng tôi bàn luận nghiêm túc về vấn đề này!

Nhớ hồi học cấp 3, thầy giáo môn Sinh vật bước vào lớp, mào đầu tiết học bằng một câu lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Đời người chỉ có thở ra hít vào”. Cả lớp cười ồ. Riêng tôi ngẩn ngẩn ngơ ngơ, dường như có một chân lý hiển nhiên mà mình chưa phát hiện…

Khi vào đời với cái nghề “trên lưng thời cõng bao hàng, đầu đội phiếu xuất, vai mang hợp đồng” chạy khắp Nam cùng Bắc, cái anh chàng “lưng dài vai rộng” vốn quen “ăn no lại nằm” là tôi nhiều lúc thấy mệt “đứt cả hơi”. Giữa lúc tưởng “chết chìm” trong công việc, may sao, một lần ghé sạp báo, tôi vớ được một cái “phao cứu sinh”, đó là bài vè tập thở của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (trong một số chuyên đề báo Khoa học phổ thông mà đã 20 năm tôi còn giữ đến giờ): “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai tay bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, nhẹ, dài, sâu/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/ Bình thường qua mũi/ Mới tập qua mồm/ Lúc gấp qua mồm/ Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”.

Tôi bắt đầu làm theo và lờ mờ ngộ ra rằng thở là một vấn đề quan trọng để sống. Tôi có may mắn từ các năm 2005-2007, đã tham dự một số khóa học thiền dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, nên sớm nhận thức đây là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh thân tâm rất hiệu nghiệm.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh Thiền có nhiều lợi ích cho sức khỏe: hạ thấp sóng não và giảm chuyển hóa, giảm tiêu hao năng lượng (là quá trình chủ động cho bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, nâng cao khả năng sinh lý và khả năng thích nghi, chống chịu nghịch cảnh môi trường); thiền tạo ra sự khác biệt cụ thể trên não bộ, phát triển trí não và làm chậm lão hóa; thiền là liệu pháp đối trị các bệnh tâm thể, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cải thiện hành vi, nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc…

Tuy nhiên, phải đợi đến khi có những trải nghiệm ứng dụng trên bản thân tôi mới thực sự có niềm tin vào những diệu dụng của thiền thở đem lại. Thời đó, tôi thường có những cơn đau nửa đầu như búa bổ mà nhiều khi dùng thuốc đông tây, kể cả châm cứu rất ít hiệu quả. Mỗi khi có cơn đau, tôi liền ứng dụng phương pháp thiền buông thư vừa học được trong tư thế nằm ngửa, kết hợp theo dõi hơi thở và nghe nhạc kinh như bài Namo Avalokitesvara (tức Nam mô Quán thế âm bồ tát bằng tiếng Phạn, có thể tìm trên mạng Internet tải về điện thoại). Thường chỉ mất 15-20 phút là cái đầu nhẹ như bông. Sau một thời gian kiên trì thực hiện như vậy, căn bệnh đau nửa đầu đầu hành hạ tôi ròng rã bao năm đã hoàn toàn bị khống chế.

Từ kết quả ứng dụng bước đầu này, tôi đã đăng tải nhiều kỳ trên tạp chí Cây Thuốc Quý một số thiền phổ (cẩm nang hướng dẫn tập thiền) như Thiền Hành Yếu Chỉ của thiền sư Nhất Hạnh, Thiền Thở Thay Thuốc của thầy Chân Pháp Liệu, vốn là một bác sĩ  y khoa ở Pháp trước khi xuất gia thành tu sĩ Làng Mai.

Cái hay của các phương pháp thiền chánh niệm này là chỉ cần theo dõi nắm lấy hơi thở hay động tác bước chân, có thể tập được mọi lúc, mọi nơi, mọi tư thế đi đứng nằm ngồi. Người tập không theo một tôn giáo nào, có thể thay các câu niệm Phật, niệm Chúa bằng cách đếm số, nghe nhạc, hay nhẩm đọc các câu thơ, bài thơ yêu thích, nhằm phân chia đo lường thời gian hai nhịp thở vào thở ra cho đều đặn điều hòa là được.

Điều quan trọng là không được đếm hay nghe, đọc như cái máy, mà phải chú tâm theo dõi hơi thở, thở vào biết mình thở vào, thở ra biết mình đang thở ra, an trú thảnh thơi trong từng khoảnh khắc mình đang sống, đừng luyến tiếc quá khứ, đừng mong ngóng tương lai, bước những bước chân như đang hôn lên mặt đất… Đó là những bí quyết nhiệm mầu của phương pháp thiền chánh niệm để giúp nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi thường hướng dẫn bệnh nhân tập thiền thở để hỗ trợ điều trị bệnh. Năm ngoái, có một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu, sau khi được Bộ trưởng Y tế đến thăm và khuyên nên tập Thiền, ông đã tìm đến Bệnh viện YHCT và được tôi hướng dẫn bằng phương pháp thiền thở này. Sau thời gian vài ba tuần tập luyện chuyên cần, thần sắc và bệnh tình của ông đã cải thiện đáng kể.

Trước đó, có lần một vị sếp của chi nhánh Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Đà Nẵng than phiền với tôi là cứ mỗi lần nghe chuông điện thoại (di động hoặc máy bàn) reo là anh giật bắn cả người, và sau đó hồi hộp trống ngực cả tiếng đồng hồ, đã đi khám và điều trị Đông Tây y mãi không khỏi chứng “yếu tim” này. Tôi “bắt mạch” căn bệnh này và “kê toa” cho anh bằng liệu pháp “3 hơi thở” mà có người gọi là “thiền điện thoại”, rất đơn giản như sau: Mỗi khi nghe chuông reo, không được nhấc ngay điện thoại, mà chú ý tập trung hít vào thở ra 3 hơi rồi mới mở máy nghe. Ấy vậy mà chỉ một tuần sau, anh lên nhà cám ơn và báo tin đã chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh trầm kha mấy năm nay.

Có một tin vui, bản thiết kế xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện YHCT Đà Nẵng vừa được UBND thành phố phê duyệt đã dành hẳn một số không gian riêng biệt làm khu hướng dẫn tập thiền cho bệnh nhân theo đề xuất của chúng tôi. Hy vọng khi cơ sở mới đưa vào sử dụng, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng sẽ có điều kiện phát huy hơn nữa tác dụng phòng chữa bệnh bằng dưỡng sinh và thiền thở.

Trên đây mới chỉ nói về thiền thở thôi, còn một hoạt động không kém phần quan trọng, đó là vận động. Tôi từng có lần lẩn thẩn tự hỏi vì sao cho đến bây giờ chưa có ai thử đặt vấn đề “Vận động hay là chết” nhỉ?   Rồi tự trả lời, bằng danh ngôn của một vị danh y, hình như là Ngô Phổ thì phải: “Nước chảy thì không thối, chốt cửa (thường xoay chuyển) thì không mọt”. Ngày nay khoa học đã có nhiều cảnh báo về nhiều hiểm nguy của lối sống tĩnh tại, ít vận động: Nào thấp khớp, nào loãng xương, nào tim mạch, nào tiểu đường, nào ung thư, nào béo phì, v.v. và v.v… Trong thời buổi cách mạng thông tin phát triển như vũ bão ngày nay, những thông tin như vậy đã chuyển tải đến khắp mọi nhà, mọi người, có lẽ nhờ vậy mà đó đây  khắp phố phường, thôn xóm mỗi sớm mai có hàng hàng người lũ lượt rủ nhau đi bộ hoặc đi đánh cầu lông cũng như nhiều môn thể thao khác.

Tuy nhiên có một điều mà nhiều người chưa chú ý, đó là nếu biết kết hợp vận động với những hơi thở có ý thức sẽ đem lại lợi lạc lớn hơn nhiều, có thể tiêu trừ, có thể xoa dịu, có thể khống chế nhiều bệnh chứng trầm kha.  Kết hợp hơi thở và vận động có khả năng trị liệu diệu kỳ. Nếu chưa tin, bạn hãy thử một lần tìm về với thiên nhiên, với đồi núi trập trùng, với rừng xanh yên tĩnh, với những không gian thênh thang cho bạn mặc sức đi bộ, leo núi, bơi lội, tập các môn dưỡng sinh như thái cực quyền, phất thủ liệu pháp,… Chỉ cần ở lại vài ba tuần rồi trở về, tôi tin chắc rằng, bạn sẽ không phải thất vọng!

Trên đây chỉ sơ lược giới thiệu mới vài ba liệu pháp trong liệu pháp 5T chúng tôi đã nói, hy vong bước đầu khơi gợi được ít nhiều cảm hứng cho các bạn học viên trong buổi đầu tiên này, phần còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu trong các buổi sau.

Lương y PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *