Đi tìm củ mài Việt An
06/10/2023
TTCT – Khi mới vào nghề thuốc, bà chủ một nhà thuốc ở Đà Nẵng hướng dẫn tôi nên dùng hoài sơn (củ mài) Việt An, giá rẻ và chất lượng không thua kém hoài sơn Trung Quốc.
Sau này tìm hiểu, tôi được biết hoài sơn Việt An tức củ mài mọc hoang ở vùng núi Việt An, nay thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, là một sản vật nổi tiếng trong nguồn dược liệu Quảng Nam – Đà Nẵng, được các thầy thuốc đông y trong vùng tín nhiệm dùng trong các bài thuốc kiện tỳ bổ thận. Tuy nhiên, theo năm tháng, vị thuốc bản địa quý giá này bây giờ gần như… tuyệt chủng.
Mới đây, lương y Đinh Thanh Tường dẫn chúng tôi đến nhà một đạo hữu là bác Võ Thanh Thu ở thôn 2, xã Bình Sơn – một xã lân cận vùng Việt An – để tiếp nhận một số thuốc nam mà bác Thu đã thu gom dành tặng phòng thuốc nhà chùa như củ riềng, cành quế, gỗ vang, rễ nhàu núi…
Khi tôi hỏi về củ mài, bác Thu cho biết một phần vì diện tích đất rừng vùng này đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy lợi Việt An rộng khoảng 180ha, một phần rừng núi còn lại bị chặt phá trồng cây công nghiệp như cao su nên giống củ mài ngày càng hiếm dần, bây giờ họa hoằn lắm đi rừng mới gặp một bụi có thể đào lấy vài ký về để dành nấu chè ăn không đủ, lấy đâu ra nhiều mà bán làm dược liệu.
Trên đường về, chúng tôi ghé nhà một bậc cao niên từng theo học thuốc nam với danh y cử nhân Lương Trọng Hối. Ông Nguyễn Mậu Tư, 79 tuổi, ở Bình Lâm, cho biết thuở thiếu thời hay theo thầy tìm thuốc, lúc ấy củ mài cũng như hà thủ ô còn mọc đầy trong rừng, nên thầy ông thường chỉ chọn đào những bụi có rễ củ mọc thành đôi (củ chồng củ vợ) mới lấy làm thuốc. Có lẽ nhờ dược liệu tinh tuyển như vậy nên các bài thuốc của thầy ông bào chế thuở đó người bệnh uống rất công hiệu, chứ không như bây giờ…
Dược sĩ Đặng Ngọc Phái, phó chủ tịch Hội Dược liệu TP Đà Nẵng, cho biết khi còn đương chức phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã nhiều lần đi khảo sát dược liệu ở vùng núi Việt An và khuyến khích người dân nên lấy giống củ mài (dái mài) về trồng ở vườn nhà. Tuy nhiên những khuyến nghị này chưa được chính quyền và người dân địa phương chú ý.
Hiện nay thị trường dược liệu biến động giá dữ dội, chỉ trong vài tháng phần lớn các mặt hàng đều tăng giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí có mặt hàng tăng gấp năm, gấp bảy đến gấp chục lần. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều dược liệu đông y đang bị làm giá, “té nước theo mưa” của các thương lái nước ngoài. Hơn lúc nào hết, việc chủ động sản xuất dược liệu trong nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Theo thiển ý của chúng tôi, để có thể khôi phục thương hiệu hoài sơn Việt An trở thành một thế mạnh kinh tế, cần có sự phối hợp đồng bộ không chỉ của UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Hiệp Đức và các cấp ngành y tế, nông – lâm nghiệp, hội đông y, hội nông dân mà cả ngành du lịch nữa, bởi vì hiện nay hồ Việt An đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch khá hấp dẫn.
Đến Hội An mà chưa ăn một chén chè bắp thấy như thiêu thiếu một cái gì. Về du ngoạn vùng hồ Việt An cũng vậy, nếu như du khách không được thưởng thức một chén chè củ mài.
PHAN CÔNG TUẤN
https://cuoituan.tuoitre.vn/di-tim-cu-mai-viet-an-431718.htm
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093