Đề xuất thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Y dược cổ truyền Xứ Quảng
06/10/2023
Xứ Quảng vừa có thể hiểu theo nghĩa hẹp là Quảng Nam, Đà Nẵng; vừa theo nghĩa rộng là Quảng Nam thừa tuyên đạo do Lê Thánh Tông thành lập từ 1471, nghĩa là cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ từ đèo Hải Vân đến núi Đá Bia (đèo Cù Mông, Phú Yên); hoặc có thể hiểu theo tinh thần “Ngũ Quảng” cả khu vực Trung bộ từ Quảng Bình, Quảng Trị. Quảng Đức (Thừa Thiên- Huế), đến Quảng Nam, Quảng Ngải…, tức là xứ Đàng Trong của các Chúa Nguyễn mà các tài liệu nước ngoài đương thời gọi là Quảng Nam Quốc (廣南國), hay Cochinchina (tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh) và Cocincina (tiếng Ý, Latinh).
Lần theo một số tài liệu, chúng tôi đã tìm được một số ghi chép đầy kinh ngạc và thán phục về nghề Y dươc cổ truyền Xứ Quảng của các nhà truyền giáo Phương Tây từ thế kỷ XVII.
TỪ KÝ SỰ “XỨ ĐÀNG TRONG” CỦA CHRISTOFORO BORRI…
Christoforo Borri (1583-1632) là người Ý, là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lưu trú tại vùng Quảng Nam – Quy Nhơn 5 năm (1618 – 1622), trong ký sự Xứ Đàng Trong, in lần đầu tiên năm 1631, tác giả đã có những khảo sát nghề y dược như sau:
Trong vấn đề thầy thuốc và cách chữa bệnh, xứ Đàng Trong có dồi dào nguồn lực, ngoài các bác sĩ Bồ Đồ Nha còn có thầy lang bản xứ; với kinh nghiệm tích lũy phong phú, các lang y Đàng Trong có thể chữa khỏi dễ dàng một số bệnh khiến bác sĩ châu Âu phải bó tay; vì vậy đôi khi mới có những ca bệnh đã khiến cho thầy thuốc phương Tây chịu thua thì người dân liền cho vời thầy lang trong vùng đến chữa trị.
Các thầy lang bản xứ thường áp dụng cách chữa trị sau: trước khi lại gần bệnh nhân, họ thường nghỉ một lát cho lại sức sau quãng đường đi; tiếp đến họ bắt mạch thật tỉ mỉ, chu đáo một lúc lâu rồi nói: “Ông/bà quả đã bị mắc bệnh”, nếu là bệnh không chữa được, họ sẽ trả lời thành thật: “Tôi không có thuốc chữa”, với ngầm ý người bệnh sẽ không qua khỏi. Còn nếu chữa được, họ sẽ nói: “Tôi có thuốc chữa bệnh cho ông/ bà, tôi sẽ cho dùng thuốc trong chừng đó ngày”. Nếu khẳng định cứu chữa được bệnh nhân, họ sẽ đưa ra một cái giá nhất định, nếu cần họ sẽ viết thỏa thuận. Kế đến thầy lang sẽ tự tay bốc thuốc và bào chế để bảo mật phương thuốc bí truyền. Nếu người bệnh được chữa khỏi đúng thời gian giao hẹn, thầy lang sẽ được nhận khoản tiền như đã thỏa thuận; bằng không ông ta sẽ mất cả tiền thuốc lẫn tiền công chữa bệnh.
Thuốc các thầy lang dùng thường không gây nôn hay tẩy xổ như thuốc phương Tây, mà có hương vị dễ chịu như nước canh bổ dưỡng và không cần dặm thêm thức ăn, người bệnh uống thuốc nhiều lần trong ngày, thuốc của họ không thay thế quá trình sinh hóa tự nhiên mà chỉ giữ vai trò hỗ trợ sự vận hành tự nhiên bình thường trong cơ thể nhằm bài tiết chất độc, không làm người bệnh mất sức.
Đến đây, Christoforo Borri kể tiếp một chuyện rất thú vị: có một người Bồ Đào Nha ngã bệnh đã nhờ các thầy thuốc châu Âu đến chữa cho mình; sau toàn bộ quy trình thăm khám, họ tuyên bố tình trạng hoàn toàn vô vọng. Khi đám thầy thuốc Tây ra về, một thầy lang bản xứ được mời đến; người này hứa sẽ chữa khỏi bệnh trong vòng vài mươi ngày với yêu cầu người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt rằng trong thời gian chữa trị, ông ta buộc phải kiêng gần gũi phụ nữ, nếu không sẽ phải chịu đau đớn của cái chết, đến cả thuốc thang của thầy lang cũng không thể cứu nổi. Đôi bên thỏa thuận giá cả và thầy lang hứa sẽ chữa khỏi cho người này trong ba mươi ngày. Người bệnh uống thuốc theo chỉ định và chỉ mươi ngày sau đã thấy bệnh tình thuyên giảm, ông ta cho rằng mình đã khỏe hẳn nên không làm theo lời dặn của thầy lang. Thầy lang khi tới thăm bệnh đã bắt mạch và phát hiện ra hành động trái lời mình, bèn bảo bệnh nhân chuẩn bị hậu sự vì không còn thuốc nào cứu được nữa, tuy nhiên vẫn đòi phải trả công cho ông vì đó hoàn toàn là lỗi của người bệnh. Vụ việc được đem ra tòa phân xử, người đàn ông buộc phải trả tiền, rồi sau đó qua đời.
Cũng trong tập ký sự của mình, Christoforo Borri còn kể thêm 2 ca bệnh đặc biệt, một của bản thân và một người đồng đạo. Hãy nghe tác giả tự thuật:
“Số là tôi bị ngã từ trên cao xuống, ngực đập vào đá tảng, thổ huyết ngay lập tức còn vùng ngực thì bị thương nghiêm trọng. Chúng tôi áp dụng vài phương thuốc châu Âu quen thuộc nhưng không chút hiệu quả. Một thầy lang trong vùng được mời tới, ông dùng một nắm thảo dược làm thành miếng cao đắp lên ngực tôi, rồi ông sắc một món thuốc nước gì đó cho tôi uống, đồng thời bắt tôi ăn sống chính loại thảo mộc dùng nấu thuốc; thần kỳ làm sao, vài ngày sau tôi bình phục hoàn toàn. Để kiểm nghiệm phương pháp này, tôi bẻ gãy chân một con gà, bắt chước làm đúng món thuốc đó đắp lên chỗ gãy, vài ngày sau cái chân gà lành lại hoàn toàn.
Rồi một đồng đạo của tôi bị bọ cạp cắn vào cổ; ở xứ này, vết cắn của bọ cạp bị coi là chí mạng. Cổ họng của người này sưng to ngay lập tức, và trong lúc chúng tôi sắp sửa làm lễ xức dầu thì một thầy lang được gọi tới, ông này nhanh chóng đặt cho một nồi cơm đang sôi vào giữa hai chân người đồng đạo của tôi rồi dùng vải phủ kín sao cho hơi bốc từ nòi cơm không thoát ra ngoài, ngay khi hơi nóng xông đến chỗ vết cắn, cổ họng liền bớt sưng và người huynh đệ của tôi thấy đỡ đau hơn, anh ta bình phục nhanh chóng như chưa từng có chuyện gì xảy ra.”
[Dẫn lại theo sách “VIỆT NAM THẾ KỶ XVII – những góc nhìn từ bên ngoài (Christoforo Borri vè Đàng Trong & Samuel Baron về Đàng Ngoài)”- Hoàng Tịnh Thủy dịch, NXB Đà Nẵng, 2020].
…VÀ GHI CHÉP CỦA ALEXANDRE DE RHODES
Trong tác phẩm Hành trình và truyền giáo (bản Pháp ngữ của NXB Cramoisy, xuất bản lần đầu năm 1653 ở Paris, bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, NXB Hồng Đức, 2020) của Alexandre de Rhodes (1593-1660), tác giả mà nhắc đến tên có lẽ không người Việt Nam nào không biết, có thuật một vài trải nghiệm chí tử như sau.
“Vào tháng 6 năm 1644 tôi bị một cơn sốt rất nặng và tưởng đâu không qua khỏi. Tôi cho mời lương y có tiếng tới. Sau khi thủng thẳng bắt mạch, ông tủm tỉm nói: “Xin cha đừng sợ, bệnh chẳng có gì nặng, hoặc cha dùng thuốc của tôi, hoặc chê thuốc của tôi thì thế nào rồi cha cũng khỏi, nhưng cha sẽ chóng khỏi hơn nếu cha dùng”. Tôi đáp: “Tôi bằng lòng uống thuốc và trả khá hậu”. Bấy giờ ông lấy lá ở trong bị, làm mấy gói nhỏ rồi dặn tôi cách sắc và uống làm hai lần. Tôi uống trong hai ngày và ngày thứ ba tôi hết sốt, sau đó ít hôm tôi hoàn toàn bình phục.” (Sách đã dẫn, tr. 194).
Không chỉ được chữa bệnh khỏi bởi những lương y nổi tiếng, Alexandre de Rhodes còn được những giáo dân xứ Đàng Trong dạy cho những bài thuốc dân gian chữa bệnh hiệu quả.
“Tôi tưởng nên kể ở đây một bí quyết tuyệt diệu giáo dân Đàng Trong dạy tôi để không bị đau dạ dày khi đi biển. Thực ra không bao giờ tôi đi biển mà không bị chứng đó hoành hành trong năm sáu ngày đầu. Thấy tôi đau quặn, người ta mách tôi một bài thuốc rất hiệu nghiệm. Bệnh này là do thuyền tàu chòng chành hoặc do khí biển bốc lên. Đây là bài thuốc: mổ bụng con cá lớn lấy mấy con cá con trong đó, đem rán lên, rắc chút hồ tiêu và ăn trước khi bước xuống thuyền. Thế là tức khắc dạ dày cứng cáp khỏe mạnh, đi biển mà không nao núng.
Tôi thấy bí quyết này kỳ diệu, nhưng còn kỳ diệu hơn khi ứng dụng, từ đó tôi vẫn đem ra thực hành và không bao giờ bị đau căn bệnh vốn làm cho tôi rất khổ sở này nữa…” (Sách đã dẫn, tr. 133).
Cũng như Christoforo Borri, Alexandre de Rhodes đã công nhận: “Tôi có thể nói họ (các lương y xứ Đàng Trong) chẳng thua các bác sĩ của ta và hơn nữa trong một vài môn họ giỏi hơn ta nữa”.
ĐẾN ĐỀ XUẤT THÀNH LẬP TRUNG TÂM BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN Y DƯỢC CỔ TRUYỀN XỨ QUẢNG
Đông y hay Y dược học cổ truyền Việt Nam là một di sản văn hóa dân tộc. Kế thừa, phát huy, phát triển y dược cổ truyền là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều thập niên qua.
Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, có quan điểm chỉ đạo: “Phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam”.
Gần đây, Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Bên cạnh các nội dung về quan điểm phát triển, đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cũng như các bước thực hiện, Quyết định còn đưa ra danh mục 15 đề án, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, trong đó có “Đề án nghiên cứu thành lập trung tâm bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền tại các vùng miền, địa phương để kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền đặc thù cho các vùng miền, địa phương”.
Căn cứ trên các chủ trương nêu trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng nên nghiên cứu thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Y dược cổ truyền Xứ Quảng.
Trung tâm vừa nhắm đến Phát triển các phương pháp chữa bệnh, các bài thuốc hay từ các cây thuốc quý, xây dựng các vùng chuyên canh cây thuốc vốn là các loài thực vật bản địa, đặc hữu trong vùng hoặc các loài cây thuốc mới di thực; nghiên cứu bào chế các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng từ dược liệu địa phương bằng các công nghệ hiện đại để phục vụ trong công tác điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời nghiên cứu Bảo tồn nguồn tri thức bản địa y dược cổ truyền, không chỉ điều tra thống kê danh lục cây thuốc trên địa bàn mà còn chú trọng tìm hiểu kinh nghiệm, lịch sử y dược cổ truyền xứ Quảng, biên dịch xuất bản các tác phẩm di cảo của các danh y, sưu tầm các ấn phẩm chuyên khảo Đông y dược đã xuất bản và biên soạn các giai thoại lưu truyền về nghề thuốc, thầy thuốc y dược cổ truyền đã được truyền khẩu lưu giữ qua bao đời, cũng như trích lục tư liệu liên quan trong sách sử của các tác giả trong và ngoài nước, như những ghi chép của các nhà truyền giáo Phương tây thế kỷ XVII nêu trên đây là một ví dụ. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website để lưu trữ và ứng dụng các thông tin y dược cổ truyền phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Trung tâm rất cần có cơ chế tập hợp lực lượng các chuyên gia liên ngành kỹ thuật y dược, nông nghiệp, công nghệ sinh học và cả khoa học xã hội, sử học… Chính vì lẽ đó mà chúng tôi đề xuất Trung tâm cần được Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật phối hợp với các hội Đông y, Dược liệu, Khoa học Lịch sử, các cơ quan như Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Đà Nẵng … cùng đứng ra phối hợp tổ chức, quyết định thành lập và đi vào hoạt động mới thật hiệu quả.
Về phần mình, với tư cách cá nhân đã nhiều năm quan tâm khai thác di sản y dược cổ truyền Xứ Quảng, chúng tôi sẵn sàng đóng góp hàng ngàn trang di cảo của các bậc danh y tiền bối Xứ Quảng mà chúng tôi đã sưu tầm được trong mấy thập kỷ qua, hy vọng sẽ được Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Y dược cổ truyền Xứ Quảng tiếp nhận và nghiên cứu, biên dịch và biên tập để xuất bản gìn giữ cho muôn đời sau.
PHAN CÔNG TUẤN
Hội Dược liệu TP.Đà Nẵng
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093