Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Dây Bạc thau và nghiệm phương chữa ho

23/04/2024

Bạc thau (trị) tiểu đục, khí hư

Rong kinh, mẩn ngứa, nhiệt trừ, ho ngưng.

Đó là câu vè chúng tôi soạn ghi trên nhãn thẩu thuốc Bạc thau tại các phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, qua đó góp phần phổ truyền tính năng tác dụng chính của vị thuốc nam này cho đồng bào biết để thu hái sử dụng.

Bạc thau (trị) tiểu đục, khí hư. Rong kinh, mẩn ngứa, nhiệt trừ, ho ngưng. Ảnh: P.C.T

Bạc thau còn có tên Bạc sau, Lú lớn hay Thảo bạc – Argyreia acuta Lour, thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae. Đây là loài dây leo bò hoặc quấn. Thân có nhiều lông màu trắng bạc. Lá nguyên, mọc so le, hình bầu dục hay trái xoan, mặt trên nhẵn, xanh sẫm, mặt dưới (mặt sau) có nhiều lông mịn màu trắng bạc. Cây mọc hoang ở nhiều nơi, ven bờ bụi. Thu hái thân, lá quanh năm. Lá thường dùng tươi. Cành lá, rễ đem về rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Có thể tẩm rượu sao qua rồi mới dùng.

Theo Đông y, Bạc thau có vị hơi chua, hơi đắng nhạt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc, sát trùng, tiêu viêm. Thường dùng trị bí tiểu tiện, đi đái ít một rát buốt, nước tiểu đục, bạch đới, ngứa lở, mụn nhọt, sốt rét, ho, viêm phế quản cấp, và mạn. Ngày dùng 20-40g tươi hoặc 12-20g khô, dạng thuốc sắc.

Một số bài thuốc dùng Bạc thau

1- Kinh nguyệt không đều: Bạc thau 20g, Rau dền gai 8-16g sắc nước uống.

2- Rong huyết, rong kinh: lá Bạc thau giã nhỏ chế nước nguội vào, vắt lấy nước cốt uống, và lấy bã đắp lên đỉnh đầu (theo sách Nam dược Thần hiệu). Hoặc dùng lá Bạc thau, lá Ngải cứu, lá Bạch đầu ông mỗi vị 20g giã nhỏ, lọc nước uống.

3- Bạch đới (Khí hư): Lá Bạc thau và lá Mò (còn gọi là Xích đồng nam, Bạch đồng nữ) mỗi vị 30-40g giã vắt lấy nước uống trong hay sắc uống.

4- Ho trẻ em: Lá Bạc thau, lá Chua me, lá Xương sông mỗi vị 6-8g giã vắt lấy nước cốt cho uống.

5- Sưng tấy, mụn nhọt: Lá Bạc thau tươi giã đắp.

6- Nổi mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sẩy: Lá Bạc thau nấu nước tắm rửa.

7- Vết thương, mụn nhọt, chảy nước vàng: Lá Bạc thau khô tán mịn, rắc hoặc lá tươi giã đắp.

Nghiệm phương hữa ho: Tam bạc chỉ khái thang

Đây là nghiệm phương mới dùng hoàn toàn thuốc Nam do chúng tôi đúc kết sau hơn 2 năm ứng dụng chữa bệnh tại 2 cơ sở Tuệ Tĩnh Đường chùa Lộc Quang và chùa Hòa Nam (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Thành phần: Bạc thau 20-30g, Bướm bạc 15-20g, Bạc hà 5-10g.

Công năng chủ trị: Thanh nhiệt, tiêu viêm, chỉ khái; trị ho khan hoặc ho ít đàm, đàm dính khó khạc, ho do cảm mạo phong nhiệt, ho dai  dẳng do uất nhiệt sau các đợt bệnh cảm cúm kéo dài, ho do viêm amidal, viêm hầu họng, viêm phế quản cấp và mạn.

Kinh nghiệm của chúng tôi thường dùng 3 thang là dứt ho (thuật ngữ Đông y gọi là chỉ khái), một bệnh chứng hay gặp trong mùa thu. Nếu ho có kèm với chủ chứng khác thì hợp bài này với các bài thuốc khác điều trị bệnh gốc.

Xin chia sẻ để quý đồng nghiệp và bạn đọc tham khảo ứng dụng bài thuốc rất dễ nhớ qua câu vè chúng tôi soạn: “Tam bạc chỉ khái thuốc ta/ Bạc thau, Bướm bạc, Bạc hà phối phương”.

Bài thuốc này đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Môn thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, tôn giáo Việt Nam, do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 16/7/2013 tại Hà Nội.

Lương y PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *