Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Đánh giá hiệu quả điều trị cai nghiện ma túy bằng Châm cứu Thuốc nam tại cơ sở xã hội Bầu Bàng

06/10/2023

Nguyễn Văn Ánh1; Hoàng Việt Dũng1; Bùi Thị Mai Hiên1;

Hồ Quý Phương1, Huỳnh Sự1; Phạm Phước Tâm1;

Phan Công Tuấn1; Trần Công Nguyên2, Nguyễn Út3, Bùi Tứ1

  1. 1. Bệnh viện YHCT Thành phố Đà Nẵng
  2. 2. Sở LĐ-TBXH TP. Đà Nẵng
  3. 3. Sở Y tế TP. Đà Nẵng

 

TÓM TẮT:

Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng châm cứu kết hợp thuốc nam điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng; Khảo sát tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng Điện châm, Hỏa long cứu và bài thuốc nam.

Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước, sau điều trị trong đánh giá hiệu quả điều trị; đánh giá độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc nam hỗ trợ cai nghiện.

Đối tượng nghiên cứu: 120 bệnh nhân được chẩn đoán nghiện ma túy điều trị tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/06/2017 thỏa mãn các tiêu chuẩn chọn lựa của đề tài.

Kết quả nghiên cứu: Đánh giá hiệu quả điều trị 120 bệnh nhân nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện và ma túy tổng hợp với các biểu hiện lâm sàng của hội chứng cai đều có sự cải thiện đáng kể sau can thiệp. Kết quả điều trị chung: tốt 36,7%, khá 55,0%, trung bình 7,5%, kém 0,8%. Các chỉ số cận lâm sàng về công thức máu, chức năng gan không biến đổi nhiều, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

Kết luận: Phương pháp kết hợp điện châm với hỏa long cứu và thuốc nam có hiệu quả cao trong điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 2015, trên toàn thế giới ước tính có khoảng 255 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã từng sử dụng ma túy trái phép, chiếm 5,3% dân số thế giới. Riêng tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2014, có 204.377 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) đang ngày một gia tăng [1].

Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng đã kế thừa phương pháp điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy của GS. Nguyễn Tài Thu [2], [3], đồng thời kết hợp với phương pháp Hỏa long cứu và dùng thuốc nam hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy do Lương y Phan Công Tuấn và Lương y Huỳnh Sự đề xuất [4], [5] từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015 đã điều trị cho 112 bệnh nhân và cắt cơn thành công cho 95 bệnh nhân (tỷ lệ 84,8%).

Từ kết quả điều trị cắt cơn bước đầu, nhóm nghiên cứu tiến hành đề tài với mục tiêu:

  1. Đánh giá hiệu quả điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng Điện châm, Hỏa long cứu và bài thuốc nam điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
  2. Khảo sát tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy bằng Điện châm, Hỏa long cứu và bài thuốc nam.
  3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Tiêu chuẩn chọn bệnh

Tất cả đối tượng được chẩn đoán nghiện ma túy, gồm chất dạng thuốc phiện (CDTP) và MTTH điều trị tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/06/2017.

– Xét nghiệm nước tiểu (+) ma túy.

– Bệnh nhân đủ 18 tuổi trở lên và có đơn tự nguyện điều trị.

– Có ít nhất 3/6 tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện chất theo ICD-10 trong 12 tháng:

+ Cảm giác buộc phải tìm kiếm sử dụng.

+ Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng ma túy.

+ Xuất hiện hội chứng cai thực thể.

+ Có bằng chứng về sự dung nạp.

+ Xao nhãng các thú vui, sở thích khác.

+ Tiếp tục sử dụng chất gây nghiện đó bất chấp mọi hậu quả.

Tiêu chuẩn loại trừ

– Những bệnh nhân có chống chỉ định trong châm cứu, dị ứng thuốc nam.

– Người bệnh nhân bị bệnh tim mạch hoặc có thời gian chảy máu kéo dài.

– Bệnh nhân nhiễm HIV, suy gan suy thận nặng, nhiễm khuẩn cấp tính nặng.

– Bệnh tâm thần không do ma túy gây ra.

– Những bệnh nhân không tự nguyện, không hợp tác điều trị.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước và sau điều trị trong đánh giá hiệu quả điều trị; Nghiên cứu độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc nam hỗ trợ cai nghiện.

Phương tiện nghiên cứu:

* Đối với điện châm:

– Kim châm cứu vô trùng Khánh Phong kích thước 0,30 x 40cm và 0,30 x 25 cm

– Máy điện châm: máy điện châm Hoa Đà (SDZ-II)

– Bông cồn vô trùng, kẹp không mấu, khay quả đậu

* Đối với hỏa long cứu:

– 02 khăn lông (loại khăn tắm khổ 50 x 80cm) nhúng nước vắt kiệt. Dùng khăn riêng cho từng người bệnh, sau khi giặt hấp mới tái sử dụng.

– 01 lọ cồn xoa bóp (sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở tại Khoa Dược – Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, thành phần trong 1 lít cồn xoa bóp gồm: Ô đầu 10g, Đại hồi 15g, Địa liền 25g, Huyết giác 15g, Quế chi 10g, Riềng ấm 25g, Long não 10g, Mã tiền 10g).

– Một số dải vải xô (sợi cotton) rộng 8-10cm, dài nhiều cỡ từ 40-80cm để tẩm cồn xoa bóp. Dải vải dùng một lần cho từng người bệnh.

– Một số dải khăn lông cắt nhỏ rộng 5-6cm, dài nhiều cỡ như trên để tẩm cồn.

– 01 lọ cồn 90o để đốt và 01 bật lửa ga. 01 lọ Panthenol/ dầu mù u để phòng trị bỏng.

* Bài thuốc nam giải độc, hỗ trợ điều trị cai nghiện: Đinh lăng (Radix, Caulis et Folium Polysciatis) 12g, Lá sâm ngọc linh (Folium Panacis Vietnamensis) 08g, Lá đắng (FoliumVernoniaamygdalina) 15g, Cam thảo đất (Herba Scopariae) 10g, Thanh táo (Herba Justiciae) 10g, Cỏ sữa nhỏ lá (Herba Euphorbiae Thymifoliae) 10g, Mơ lông (Folium Paederiae Lanuginosae) 10g, Dạ cẩm (Herba Hedyotidis) 15g, Ngấy hương (Caulis, Folium et Fructus Rubi Cochinchinensis) 15g, Thuốc thượng (Folium Phaeanthi Vietnamensis) 04g, Cối xay (Herba Abutili Indici) 12g, Rễ tranh (Rhizoma Imperatae) 10g, Cà gai leo (Radix et Ramulus Solani) 20g, Tầm gửi dâu (Herba Taxilli ) 15g, Mắc cỡ (Herba Mimosae Pudicae) 12g, Lá vông (Folium Erythrinae Variegatae) 08g, Lạc tiên (Herba Passiflorae Foetidae) 20g, Hạt muồng ngủ (Semen Cassiae) 15g. Thuốc được sắc máy và đóng gói, mỗi thang chia thành 2 túi, 120 ml/ túi, theo tiêu chuẩn cơ sở sản xuất tại Khoa Dược – Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.

Phác đồ điều trị

Phép điều trị theo YHCT: Định chí an thần, điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc, trấn thống và giải độc, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phác đồ điều trị kết hợp gồm:

– Điện châm: Phương huyệt chung được đúc kết trên kinh nghiệm thực tiễn đối chứng trị liệu và tổng hợp từ 5 phương huyệt điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy của GS. Nguyễn Tài Thu và Quy trình Điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành [3], [6]. Phương huyệt bao gồm: Bách hội, Thần đình, Thượng tinh, Thái dương, Phong trì, Khúc trì, Ngoại quan, Nội quan, Hợp cốc, Túc tam lý, Tam âm giao, Thái xung, các huyệt châm bình bổ bình tả, có thể gia giảm theo tình trạng bệnh nhân. Quy trình tiến hành điện châm có các bước tương tự như Quy trình Điện châm hỗ trợ cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành đã nêu ở trên. Cường độ và tần số kích thích được thay đổi phù hợp với thể trạng bệnh nhân, mỗi lần điện châm kéo dài 30 phút.

Đối với bệnh nghiện CDTP: Trong 3 ngày đầu, phụ thuộc vào trạng thái tiền cơn của bệnh nhân; 4 ngày sau ngày châm 3 lần/ngày; sau đó mỗi ngày 1 lần trong 30 ngày. Đối với bệnh nghiện MTTH: Trong 7 ngày đầu châm mỗi ngày 3 lần, 7 ngày sau châm mỗi ngày 2 lần, sau đó châm mỗi ngày 1 lần trong 30 ngày.

– Hỏa long cứu: Là phương pháp kết hợp 3 trong 1 gồm cứu ấm, chườm thuốc và xoa bóp bấm huyệt, đã được Sở Y tế xác nhận cho phép dùng trong quy trình kết hợp châm cứu, thuốc nam trong nghiên cứu điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng (Công văn số 86/SYT-NVY ngày 15/01/2016). Các bước tiến hành như sau:

+ Dùng các dải vải xô đem tẩm cồn xoa bóp, trải lên mạch Đốc hoặc trên mạch Nhâm hoặc các vùng huyệt đang đau hoặc các đường kinh có bệnh.

+ Dùng một khăn lông ẩm (đã nhúng nước vắt kiệt) trùm phủ lên trên.

+ Dùng một số dải khăn lông cắt nhỏ, cho vào lọ cồn vắt cho ướt đều, đặt lên trên khăn vải ẩm, tương ứng vị trí dải vải tẩm cồn xoa bóp bên dưới.

+ Bật lửa đốt lên, đồng thời theo dõi phản ứng bệnh nhân, để từ 10-20 giây liền lập tức dùng khăn lông ẩm chuẩn bị sẵn trùm lên để dập lửa.

+ Thầy thuốc áp bàn tay lên, giữ nóng vài mươi giây. Khi cảm giác nóng giảm, đốt tiếp 3-4 lần nữa cho đến khi cháy hết cồn, rồi dùng ngón hoặc mu bàn tay day ấn các huyệt dọc theo mạch Đốc và kinh Bàng quang hoặc các vùng kinh huyệt đau (cứu mạch Nhâm chỉ áp và day nhẹ). Sau khi cứu xong, gỡ hết các lớp khăn và vải.

3 ngày đầu cứu tùy theo số lần xuất hiện trạng thái tiền cơn của ngư­ời bệnh. Từ  ngày thứ 4 trở đi chỉ cứu mỗi ngày 3 lần. Với bệnh nghiện MTTH: 7 ngày đầu cứu 3 lần/ ngày, sau đó 1 lần/ngày cho đến khi sức khỏe bệnh nhân trở về trạng thái bình thường.

Bài thuốc nam giải độc, hỗ trợ cai nghiện: uống 2 túi/2 lần/ngày/10 ngày đầu.

2.3. Chỉ tiêu đánh giá

Các chỉ tiêu trên lâm sàng, cận lâm sàng:

Các triệu chứng của hội chứng cai, công thức máu, chức năng gan, thận.

Đánh giá tác dụng không mong muốn trên lâm sàng:

Qua các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, co giật, dị ứng, phù nề, chảy máu…

2.4. Xử lý số liệu: Các số liệu nghiên cứu được xử lý trên phần mềm SPSS 16.0.

2.5. Đạo đức nghiên cứu: Đề tài đã được thẩm định và phê duyệt của Hội đồng Khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; các đối tượng nghiên cứu đều có đơn tình nguyện tham gia nghiên cứu và điều trị.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kết quả khảo sát hiệu quả điều trị trên 120 bệnh nhân

3.1.1. Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1: Phân bố tuổi bệnh nhân nghiên cứu

Độ tuổi Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
18-20 15 12,5%
21- 30 88 73,3%
31- 40 16 13,3%
≥ 41 1 0,85%

Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng nghiên cứu là 25,33±4,69. Tỷ lệ bệnh nhân nghiện ma túy thuộc nhóm tuổi 21-30 là cao nhất (chiếm 73,3%)

3.1.2. Loại ma tuý sử dụng

Bảng 2: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo loại ma túy sử dụng.

Loại ma túy sử dụng Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Chất dạng thuốc phiện 15 12,5
Ma túy tổng hợp 96 80,0
Dùng cả 2 loại 9 7,5
Tổng số 120 100

Nhóm bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ cao nhất (80,0%), nhóm dùng chất dạng thuốc phiện là 12,5% và nhóm dùng cả 2 loại là thấp nhất (7,5%).

3.1.3. Xếp loại mức độ nghiện của bệnh nhân

Biểu đồ 1:  Mức độ nghiện của bệnh nhân

Tỷ lệ bệnh nhân có mức độ nghiện trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất là 77,5%.

3.1.4. Đánh giá kết quả điều trị

Bảng 3:  Phân bố các triệu chứng của trạng thái cai CDTP trước và sau điều trị

Triệu chứng Trước  ĐT Sau ĐT p
  n % n %  
Thèm chất ma túy 24 100,0 7 29,2 <0,05
Chảy nước mắt, ngạt mũi hoặc hắt hơi 23 95,8 0 0,0
Đau mỏi các khớp 21 87,5 6 25,0
Buồn nôn, nôn 16 66,7 0 0,0
Tiêu chảy 19 79,2 0 0,0
Vã mồ hôi, nổi da gà hoặc ớn lạnh 23 95,8 3 12,5
Mạch nhanh hoặc tăng huyết áp 10 41,7 0 0,0
Ngáp 22 91,7 0 0,0
Ngủ không yên 23 95,8 9 37,5
Dòi bò trong xương 20 83,3 3 12,5
Co cứng cơ bụng 7 29,2 0 0,0
Giãn đồng tử 1 4,2 0 0,0 >0,05

Đa số các triệu chứng đều có sự cải thiện rõ rệt (p<0,05).                                                                            

Bảng 4: Phân bố các triệu chứng của trạng thái cai MTTH trước và sau điều trị

Triệu chứng Trước ĐT Sau ĐT p
  n % n %  
Mệt mỏi 102 97,1 14 13,3 <0,05
Ngủ nhiều 77 73,3 3 2,9
Ngủ ít, khó ngủ 55 52,4 26 24,8
Buồn, chán 71 67,7 4 3,8
Tăng cảm giác ngon miệng 38 36,2 2 1,9
Thèm ma túy 67 63,3 13 12,4
Lo lắng 62 59,0 3 2,9
Tăng hoạt động 32 30,5 3 2,9
 Giảm hoạt động 49 46,7 1 1,0
Bồn chồn, bất an 57 54,3 3 2,9
Ý tưởng tự sát 6 5,7 0 0,0
Khó tập trung chú ý 61 58,1 6 5,7
Giảm trí nhớ 58 55,2 9 8,6
Hoang tưởng 17 16,2 0 0,0
Ảo giác 23 21,9 0 0,0

Qua quá trình điều trị tất cả các triệu chứng đều có sự cải thiện rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

3.1.5. Sự biến đổi các chỉ số về huyết học, sinh hóa, mạch

Bảng 5: Sự biến đổi các chỉ số huyết học, sinh hóa, mạch trước và sau điều trị

Chỉ số Trước ĐT Sau ĐT p
Hồng cầu 4,80 ±0,47 4,76±0,47  

>0,05

Bạch cầu 7,99±1,88 8,22±1,97
Tiểu cầu 247,45±71,46 238,62±51,62
Ure 5,12±1,03 5,07±0,89
Creatinin 88,15±12,86 83,76±12,17 <0,05
SGOT 25,63±12,00 27,29±11,77 >0,05
SGPT 26,12±14,61 28,88±12,98

Các chỉ số về huyết học và sinh hóa trong giới hạn bình thường; phần lớn không có sự thay đổi rõ rệt qua quá trình điều trị, sự thay đổi không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

3.1.6. Kết quả điều trị

Bảng 6:  Kết quả điều trị

Kết quả điều trị Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Tốt 44 36,7%
Khá 66 55,0%
Trung bình 9 7,5%
Kém 1 0,85%

Nhóm bệnh nhân có kết quả điều trị tốt chiếm tỷ lệ 36,7%, nhóm bệnh nhân kết quả điều trị trung bình và kém chiếm tỷ lệ thấp lần lượt là 7,5% và 0,8%.

3.2. Đánh giá tác dụng không mong muốn

Qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, tất cả các bệnh nhân đều không có bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, riêng bài thuốc nam hỗ trợ cai nghiện ma túy, kết quả thử nghiệm độc tính cấp và bán trường diễn cho thấy không có độc tính, không xác định được LD50 và không gây độc cho gan thận động vật thí nghiệm.

  1. BÀN LUẬN

Sau khi can thiệp điều trị bằng quy trình kết hợp, kết quả điều trị tốt 36,7%, khá 55,0%, trung bình 7,5%, kém 0,8%. Có 93,4% ca hết hội chứng cai và 95,0% test ma túy trong nước tiểu âm tính trong 5 ngày đầu, kết quả này tương cận với kết quả của GS. Nguyễn Tài Thu (85,58%) và ThsBS. Bùi Thị Mai Hiên (100%) [2], [3].

Phác đồ điều trị của Nhóm nghiên cứu chỉ áp dụng một bài thuốc chung và một công thức huyệt chung cho cả 2 nhóm nghiện CDTP và MTTH nên khá đơn giản, dễ ứng dụng và dễ chuyển giao cho các cán bộ y tế. Thực tiễn lâm sàng ghi nhận sau khi điều trị bằng thuốc nam, châm cứu người bệnh qua cơn nhanh, ít vật vã hơn.

  1. KẾT LUẬN

Hiệu quả điều trị nghiện ma túy trên 120 đối tượng tham gia nghiên cứu cho thấy:

– Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng cai đều có sự cải thiện rõ rệt (p<0,05).

– Các chỉ số cận lâm sàng về công thức máu, chức năng gan không biến đổi nhiều, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

– Kết quả điều trị: tốt 36,7%, khá 55,0%, trung bình 7,5%, kém 0,8%.

Không xuất hiện tác dụng không mong muốn trên lâm sàng; Bài thuốc nam hỗ trợ cai nghiện ma túy, qua thử nghiệm độc tính cấp và bán trường diễn cho thấy không có độc tính, không xác định được LD50 và không gây độc cho gan thận động vật thí nghiệm.

Quy trình phối hợp Điện châm, Hỏa long cứu và thuốc nam hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy vừa có hiệu quả rõ rệt trong điều trị, vừa đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém nên có thể phổ biến áp dụng rộng rãi ở các tuyến y tế cơ sở và tại cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UNODC (2015), World Drug Report 2015.
  2. Bùi Thị Mai Hiên (2006),” Đánh giá tác dụng của điện châm trong điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy thể Thận – Bàng quang”, Luận văn Thạc sĩ châm cứu, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
  3. Nguyễn Tài Thu (2001), „Nghiên cứu điện châm điều trị di chứng liệt, cai nghiện ma túy và châm tê phẫu thuật „– Bộ KHCN – Viện Châm cứu, đề tài KH&CN cấp nhà nước mã số KHCN 11-06B, Hà Nội.
  4. Phan Công Tuấn (2014), “Quy trình kỹ thuật Hỏa long cứu (Tốc cứu)”, Kỷ yếu Hội thảo KH-KT Bệnh viện YHCT Đà Nẵng
  5. Phan Công Tuấn và Huỳnh Sự (2014), “Đề xuất cai nghiện ma túy bằng châm cứu kết hợp thuốc nam và dạy nghề giúp việc lương y – lương dược”, Kỷ yếu Hội thảo KH-KT Bệnh viện YHCT Đà Nẵng.
  6. Bộ Y tế (2003), Quyết định số 5467/2003/QĐ-BYT ngày 21/10/2003 về việc ban hành “Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy”.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *