Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Cụ LƯU THỦY theo tôi biết

01/11/2023

 

Lương y THÁI ĐỜN

(Nguyên Chủ tịch Hội YHCT TP.Đà Nẵng, 

Chủ nhiệm CLB Đông Y Quảng Nam- Đà Nẵng)

Lương y Thái Đờn và Đông y sĩ Phạm Thị Láng (Nhà thuốc Mặt Trăng, Đà Nẵng) giới thiệu di cảo của cụ Lưu Thuỷ.

Cách đây 50 năm, khi tôi 36 tuổi, sau khi học nghề với các lão y ở quê nhà, xã Thuận Long (Quế Sơn, Quảng Nam), vì muốn có cơ hội học tập nâng cao tay nghề, tôi đã ghi danh học tiếp khóa Đông y hàm thụ đầu tiên (gọi là khóa Thôi Vỹ) do Bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Hội trưởng Hội Y Dược Việt Nam kiêm Giám đốc Đông y Học viện Sài Gòn đứng ra tổ chức. Trong Ban biên soạn tài liệu học tập khóa học này, tôi còn nhớ có tên một vài danh nho ở Quảng Nam như cụ Đào Quỳ ở Quế Thọ, cụ Lưu Thủy ở La Thọ. Cụ Lưu Thủy, còn gọi là cụ Học Ngôn, tên thật là Nguyễn Văn Ngôn, là một danh y có nhiều sở đắc về nghiên cứu chú giải sách Thương hàn luận nổi tiếng cả miền Nam lúc bấy giờ. Bác sĩ Nguyễn Văn Ba đã mời cụ vào Sài gòn để giảng dạy về Thương hàn luận.

Sau năm 1965, chiến tranh leo thang, tôi cùng gia đình tản cư ra Đà Nẵng làm nghề thuốc. Nhờ đó mà tôi có hân hạnh làm quen với cụ Phạm Châu Tuân, chủ nhà thuốc Mặt Trăng trên đường Hùng Vương. Cụ Tuân là học trò “ruột” của cụ Lưu Thủy, là người đã tháp tùng thầy trong những lần vân du hành hóa y đạo ở miền Nam. Cụ Tuân kể lại, cụ Lưu Thủy không chỉ thuộc lòng vanh vách, cắt nghĩa rành rọt từng chương từng tiết trong sách Thương hàn luận, Tạp bệnh luận (tức Kim Quỹ Yếu Lược) mà còn áp dụng chữa bệnh thành công nhiều trường hợp rất tài tình. Như có lần một vị cao tăng ở Huế bị bệnh đã mấy tháng, chữa chạy nhiều nơi không khỏi, cụ Lưu Thủy được mời xem mạch, sau đó cụ kê đơn bài Quế chi thang trước các cặp mắt đầy kinh ngạc của học trò và đồng nghiệp, nhưng lạ thay, uống chưa hết 3 thang mà bệnh đã lành.

Thấy tôi ham học hỏi, tìm tòi sách vở  Đông y, có lần cụ Tuân đã cho tôi mượn bản dịch bộ sách Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa, nguyên là di cảo của Cụ Lưu Thủy viết bằng Hán văn, cụ Tuân đã nhờ cụ Hương Nhự ở bàu Thạc Gián dịch vào hồi cuối năm 1965. Tôi đã cất công đánh máy chữ toàn bộ bản dịch này làm 2 bản, gửi biếu lại cụ Tuân 1 bản, giữ lại 1 bản còn đến ngày nay.

Đọc sách Giáo khoa Thương hàn của cụ Lưu Thủy, nhờ đã từng tham cứu các sách khác như Thương hàn luận thiển chú của Trần Tu Viên, Hoàng hán y học của BS Thang Bản Cầu Chân… nên tôi thấy cụ Lưu Thủy có nhiều luận điểm chú giải Thương hàn luận của Thánh y Trương Trọng Cảnh một cách sáng tạo và độc đáo mà các y gia Trung quốc, Nhật bản nhiều khi chưa làm sáng tỏ.

Trong nhiều năm tham gia giảng dạy các lớp bổ túc, bồi dưỡng lương y trẻ, tôi đã cố gắng truyền bá những tâm đắc về Thương hàn luận lãnh hội được từ sách cụ Lưu Thủy. Gần đây, một học trò cũ là L.Y Phan Công Tuấn có cho tôi xem một bản dịch khác của sách Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa do hai môn nhân của cụ Lưu Thủy là Phương Thế Minh và Trương Chứng dịch. L.Y Tuấn ngỏ ý Tạp chí CTQ của Hội Dược Liệu Việt Nam sẵn sàng sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu những tài liệu quý báu này. Đây cũng là ước muốn của tôi từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện được. Vì vậy tôi rất ủng hộ việc đó, mong gia đình Cụ và các cấp chính quyền và lãnh đạo các Hội nghề nghiệp Đông y, Dược liệu cùng toàn thể hội viên, bạn đọc tạo điều kiện cho Ban biên tập Tạp chí CTQ hoàn thành tâm nguyện này. Bản thân tôi, dù tuổi cao sức yếu nhưng cũng xin tham gia góp công góp sức nếu BBT yêu cầu. Đây là việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy vốn quý văn hóa y dược cổ truyền và cũng là món nợ tinh thần với các bậc thầy tổ mà  lão y 86 tuổi này mong muốn có cơ hội đáp đền.

(CTQ số 116)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *