Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Chuyện Lão Lười: Hai lần chạm trán thầy Tàu

21/11/2024

Sinh thời, ngay trên quê hương Nghệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã hai lần “chạm trán” với một thầy thuốc người Tàu, họ Lâm, để cứu chữa thành công hai bệnh nhân thập tử nhất sinh mà mà bản thân thầy Lâm và các thầy thuốc khác đã bó tay. Những câu chuyện này không chỉ khẳng định tài năng, thái độ khẳng khái mà còn phản ánh quan điểm chữa bệnh tìm đến gốc rễ của Lãn Ông, khiến cho gã thầy Tàu phải tâm phục khẩu phục. Đây là câu chuyện được Lãn Ông thuật lại trong tập Y Dương Án (bệnh án số 4 và 5), xin tóm lược như sau:

Lần thứ nhất: Chữa bệnh cho lão phu nhân

Tại Nghệ An, thân mẫu của quan giữ đồn Vĩnh Dinh, đã ngoài 70 tuổi, mắc bệnh cảm mạo kéo dài và biến chứng thành trướng bụng. Thầy thuốc họ Lâm là lang y trong dinh quan giữ đồn Vĩnh Dinh, vốn là người Tàu, khá am hiểu y thuật nên được quan quân rất kính nể. Thầy Lâm đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được, bệnh càng nặng thêm. Khi Lãn Ông được mời đến, ông nhận thấy bệnh nhân suy kiệt cả khí âm và khí dương, cơ thể không còn sức chống đỡ. Ông đề xuất dùng thang “Bát vị hoàn” gia giảm, bổ sung nguyên khí và cân bằng âm dương.

Tuy nhiên, họ Lâm phản đối, cho rằng bệnh nhân thuộc thể âm, không hợp dùng thuốc có Thục địa – vị thuốc chủ đạo của bài Bát vị. Họ Lâm đề nghị dùng bài thuốc khác như “Trung mãn phân tiêu” hoặc “Hương sa Lục quân thang”, nhưng Lãn Ông bác bỏ, cho rằng những bài thuốc này không phù hợp vì chúng làm hao tổn khí lực. Quan giữ đồn cũng nghi ngại, yêu cầu ông giảm bớt vị Thục địa trong đơn thuốc, nhưng ông kiên quyết giữ nguyên, nhấn mạnh rằng thuốc phải bổ sung nguyên khí từ gốc để cứu mạng bệnh nhân.

Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của người cháu quan giữ đồn, Lãn Ông được phép điều trị theo cách của mình. Sau khi uống thuốc, lão phu nhân hồi phục rõ rệt: cơn sốt giảm, ăn uống được, sức khỏe dần cải thiện. Chỉ sau 10 ngày, bà khỏi bệnh hoàn toàn. Thành công này khiến quan giữ đồn từ đó luôn tin tưởng vào tài năng của Lãn Ông.

Lần thứ hai: Cứu sống viên tiểu tướng Huấn Vũ

Không lâu sau, viên tiểu tướng Huấn Vũ ở đồn Vĩnh Dinh, một người bạn của Lãn Ông, bị đột quỵ khi đang làm việc. Huấn Vũ rơi vào trạng thái nguy kịch: chân tay cứng đơ, mình nóng như lửa, đại tiểu tiện mất kiểm soát và cơ thể ngày càng suy yếu. Thầy thuốc họ Lâm, sau khi xem mạch, kết luận rằng bệnh nhân đã cận kề cái chết và không thể cứu chữa.

Tuy nhiên, Lãn Ông nhận thấy một số dấu hiệu tích cực: con ngươi bệnh nhân còn phản ứng, cơ thể vẫn giữ chút hơi ấm. Ông bắt mạch kỹ lưỡng và phát hiện bệnh nhân suy nhược quá độ, khí âm khí dương đều cạn kiệt, dẫn đến triệu chứng giả giống đột quỵ. Ông khẳng định đây là bệnh do khí huyết hao tổn, cần bổ sung nguyên khí thay vì trị liệu theo cách thông thường.

Sau khi phân tích kĩ mọi lẽ, Lãn Ông cam đoan với vợ con Huấn Vũ: “Bệnh này tuy khó khăn thực, nhưng tôi cố hết sức, tất cứu vãn được”. Ai cũng trông mong hy vọng, duy chỉ họ Lâm cười mà mỉa mai rằng: “Ông chữa sống được bệnh nhân này thực là thần y, tôi xin đi hầu ông, không dám làm thuốc nữa!”.

Trước sự thiếu hiểu biết nhưng cao ngạo và khinh miệt của họ Lâm, Lãn Ông tuy không thèm đôi co, nhưng tuyên bố: “Tôi không chữa khỏi được bệnh này, thề cũng không dám làm thuốc nữa!”. Nói xong, mỗi người đi một ngả.

Liền đó, Lãn Ông dùng bài “Sâm phụ thang”, gia giảm các vị thuốc bổ khí và hồi dương. Chỉ sau hai lần uống thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục: cơ thể ấm dần, mắt có thể nhắm lại, lưỡi bắt đầu cử động. Tiếp đó, ông đổi sang bài “Bát vị hoàn” điều chỉnh, giúp bệnh nhân ăn uống trở lại, đại tiểu tiện dần điều hòa, và dần hồi phục hoàn toàn.

Kết quả và bài học

Thành công của Lãn Ông không chỉ cứu sống hai bệnh nhân mà còn chứng minh sự vượt trội trong kiến thức và kỹ năng của ông. Thầy thuốc họ Lâm, sau khi chứng kiến tài năng của Lãn Ông, không còn dám khinh thường và từ đó luôn bẽn lẽn khi gặp ông. Trong khi đó, Lãn Ông không chấp nhặt, giữ thái độ hòa nhã và tập trung vào y thuật.

Qua hai câu chuyện, Lãn Ông rút ra triết lý y học sâu sắc: “Chữa bệnh tất phải tìm đến gốc. Người không tinh, hễ thấy ngã lăn ra liền cho là phong; ví như cây đổ không phải vì gió mà do gốc rễ không vững chắc.” Đây là bài học quý báu cho các thế hệ thầy thuốc về sau, nhấn mạnh vai trò của việc chẩn đoán chính xác và điều trị từ căn nguyên bệnh.

Câu chuyện khép lại với hình ảnh một Hải Thượng Lãn Ông đầy tài năng, y đức và tinh thần khiêm nhường, trở thành biểu tượng của y học Việt Nam.

P.C.T lược thuật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *