Chuyện Lão Lười : Đằng sau một Y án bệnh đậu hiểm
16/11/2024
LỜI DẪN CHUYỆN:
Đằng sau một ca chữa “chứng đậu hiểm do huyết nhiệt độc thịnh khí hư” thành công, có bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của Lãn Ông?
Trong Tiểu dẫn tập Y Dương án, Lãn Ông đã viết: “Vương Thái Bộc nói: “Người thầy thuốc không cho việc chữa bệnh là khó, mà cho việc chữa bệnh nguy hiểm mới là khó”. Cho nên người gánh cái trách nhiệm giữ sinh mạng con người, không kể gì đường sá, khó dễ, không ngại gì đêm tối gió mưa, có khi gặp bệnh rất khó khăn, đã mời là đi, đã đến là chữa, nếu gặp bệnh khó khăn mà từ chối thì làm thầy thuốc làm gì!
Tôi vốn là nhà nho, lúc nhỏ gặp thời loạn lạc, lánh gót giang hồ, về nơi Hương Sơn để phụng dưỡng từ mẫu, không ngờ mây nước mảng vui, rượu đàn quen thói, đường công danh hiểm trở dứt chí bôn ba lại cùng ham học về nghề thuốc, trong thì giờ nhàn rỗi, không tiếc công phu nghiên cứu, bén mùi y học, cũng thấy say sưa, mới bắt tay chữa bệnh trước chữa người nhà, rồi sau chữu đến người ngoài, đã được nhiều phen kinh nghiệm, mới bạo dạn ra đi chữa bệnh cứu người. Trong một năm chữa khỏi hàng ngàn bệnh, không lấy gì làm khó, chỉ có một vài bệnh thế khó khỏi được, cũng phải tìm hết ra ngoài khuôn pháp rồi mới chữa nổi, nhân đó chép thành nghiệm án,…”
Câu chuyện chữa chứng đậu hiểm do huyết nhiệt độc thịnh khí hư trong Y Dương án số 4 là một minh chứng không chỉ cho tài năng chữa bệnh khó mà còn là thể hiện quyết tâm vượt khó để làm tròn y đức của một thầy thuốc chân chính.
Qua câu chuyện, Lãn Ông nhấn mạnh triết lý y học của mình: chữa bệnh cần hiểu rõ căn nguyên, không chỉ dùng thuốc bổ hay thanh nhiệt một cách mù quáng. Quan trọng hơn, thầy thuốc phải đặt lòng nhân ái và trách nhiệm lên hàng đầu, không phân biệt giàu nghèo. Đây chính là giá trị cốt lõi làm nên sự vĩ đại của Hải Thượng Lãn Ông – một vị thầy thuốc của mọi người.
Không nói ra nhưng chắc gia đình người thuyền chài kia vui mừng không xiết kể khi đứa con ốm nặng hơn một tháng đã hồi sinh khởi tử, nhưng họ có biết đâu nỗi lòng của Hải Thượng Lãn Ông Lãn Ông lúc đó. Thật tình chúng ta không biết Lãn Ông khi ấy đang vui hay đang buồn, bởi lẽ chỉ mới hơn một năm trước, vào mùa Xuân năm Mậu Dần (1758), chính đứa con gái thông minh yêu kiều mới lên năm của Lãn Ông đã bỏ mạng cũng vì căn bệnh đậu mùa hiểm ác này do“tin theo thầy tục”, “lầm nhằm thuốc nhăng”. Đằng sau một ca chữa chứng đậu hiểm do huyết nhiệt độc thịnh khí hư thành công, có bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của Lãn Ông?
Đằng sau một ca bệnh thành công đã có bao nhiêu đêm trắng Lãn Ông đã chong đèn đọc sách, nghiên cứu về căn bệnh hiểm ác đậu mùa để tìm phương pháp đối trị rồi viết nên tập sách Mộng Trung Giác Đậu trong bộ bách khoa y học toàn thư Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh ? Ôi làm sao chúng ta biết được!!!
P.C.T
BỆNH ÁN CHỮA CHỨNG ĐẬU HIỂM DO HUYẾT NHIỆT ĐỘC THỊNH KHÍ HƯ
Một người thuyền chài (tên là Thuộc), có con gái 13 tuổi, mùa hạ năm Kỷ mão (1759) mắc chứng đậu mùa. Lúc mới phát nóng, vì ngoại cảm nặng, nhức đầu đau mình, không có mồ hôi, sợ lạnh nóng dữ, mũi ngạt tiếng nặng, ho đàm, phiền khát, mê man nói nhảm, đại tiện táo kết, tiểu tiện đỏ sẻn, người đó đến mời tôi chữa.
Lúc đầu tôi cũng không đề phòng là phát đậu, thấy đứa bé sắc vóc đen gầy, trong huyết dược thêm vị biểu dược để phát tán, tuy ra mồ hôi mà nóng không lui, lại dùng thanh giải để cho hơi lợi một chút, nóng cũng không hết, liền dùng thuốc làm mạnh thủy để chế hỏa, dù chưa được bớt nhiều, nhưng tinh thần hơi tỉnh, phiền khát khỏi dần, hết thuốc bệnh lại như cũ.
Lúc đó đã nóng đến 6 ngày, tôi ngờ là bệnh đậu sởi nên thân hành đến xem thì thấy tai, xương cùng, ngón tay giữa đều lạnh, mạch trầm sác. Vả lại mạch chứng đậu từ lúc phát nóng đến khi cương mủ, cần phải phù đại, không nên trầm tế, đây mạch trầm sác là vì huyết nóng độc thịnh quá, tôi dùng thang Thăng ma Cát căn, gia những vị thanh huyết giải độc như Tử thảo, Hồng hoa, Ngưu bàng, Xuyên khung để thanh nhiệt thác độc ra ngoài, tuy thấy nóng mà không dám vội dùng thuốc hàn lương, sợ lạnh làm độc không ra được.
Đến tối, tôi lại tới xem, lúc soi đèn thấy đậu mọc lờ mờ ở trong da, khắp mình ban đỏ, lúc đó lại thêm chứng trong bụng trướng đau, đánh rắm rất thối, biết là trong có phân tích lại và độc cũng tắc lại, dùng phương thuốc trước, gia Đại hoàng sao rượu để lợi hạ một chút.
Sáng sớm hôm sau tôi tới xem thấy trên trán có đám đỏ như son, hai gò má, dưới cằm dày như trứng tằm, ở ngực ở lưng hơi rõ quả đậu, tay chân dày chi chít như đầu kim, nhai nuốt thì trong cổ họng vương vướng như có vật gì mà hơi đau. Mình còn nóng rát như lửa, mặt đã hơi sưng, tôi thấy các ác chứng rất nhiều, ví đem nhân lực chữa được cũng vất vả hàng tuần.
Và lúc đó đương chính mùa hạ, tôi không chịu nổi nóng bức, lại đứa trẻ đó là con nhà thuyền chài nghèo quá, ở trên một chiếc thuyền con mui thủng ván nát, mùi tanh thôi nồng nặc không thể chịu được, gió đưa xông mũi, nôn nao buồn mửa, tôi bảo người đó rằng: “Chứng đậu của cháu rất hiểm nguy, tôi không chữa được, bác nên tìm thầy khác, họa cứu được chăng?”. Nói rồi tôi về. Đến tối thấy 2 vợ chồng người đó mang lại giầu cau với 5 quan tiền, sụp lạy và nói: “Không may cháu bị chứng quá nặng, cảnh nhà nghèo ngặt, không lấy gì mời thầy khác được, xin ông thương tình, cứu cho cháu sống, rồi sau xin cho cháu làm tôi đòi để đền ơn sâu nghĩa nặng. Hôm nay bán được cái chài, sửa chút lễ mọn để tỏ lòng thành, không dám nói gì đến trả tiền thuốc”. Tôi nói: “Tôi không phải vì bác nghèo mà không chữa, chỉ vì sức không chịu được nóng nực, lễ vật này nên mang về để làm lễ mời thầy khác”. Người đó thấy tôi ráo riết cự tuyệt, liền nói: “Từ trước đến nay, sống chết vẫn trông cậy ở tay ông, nếu ông không hạ cố chữa cho, nhà quá túng thiếu thế này, đâu dám mời thầy thuốc khác. Đành chịu đợi chết trên bãi cát thôi!”.
Vợ chồng ứa nước mắt vài chào rồi đi, trước cảnh tượng đó tôi cảm động vô cùng, nghĩ rằng thầy thuốc đời nay chỉ là thầy thuốc của kẻ giàu sang, không phải thầy thuốc của kẻ nghèo hèn, nếu thấy kẻ rách rưới đã không muốn đếm xỉa thì đời nào họ chịu tốn thuốc cứu chữa, để mong sự báo đáp vu vơ? Vả lại làm thuốc là nhân thuật, chỉ nghĩ sao cứu sống được người, nếu ta mất chút thời giờ mà người được sống trọn đời thì tuy mất mà cũng là được, huống lại nhà kia đương tìm cái sống ở trong cái chết mà trông cậy ở thầy thuốc, thầy thuốc lại dễ làm khó bỏ, thì làm thuốc làm gì?
Tôi liền sai gia đồng gọi người kia lại mà bào rằng: “Không phải là tôi khinh bác nghèo mà không giúp đỡ, chỉ vì sức không chịu nổi khó nhọc, trước bác còn có ăn có mặc, tôi không chữa thì có thầy khác chữa, nhưng nay bác nghèo ngặt quá, tất họ không chữa cho đâu, cho nên tôi phải cố chữa, nhưng bệnh cháu mười phần chết tám, nay tôi không tiếc thuốc men, không nệ vất vả, may ra muôn phần có kéo lại được một cũng là nhờ âm đức của nhà bác, số tiền bác đem đến hãy cầm về để mùa gạo củi”.
Tôi đốt đuốc tới xem, thì lúc đó đứa bé trong bụng lại trướng đầy hơn không cho sờ tay, tôi cho là nhiệt cũng tắc ở trong, trường vị táo bón, nếu không mau sơ thông cả biểu và lý, thì âm dương không sao thông đạt khoan khoái không đẩy được độc tà, rồi dùng hài Quế chi Đại hoàng thang, gia những vị thăng khí thác độc cho uống, được lợi hạ một chút thì trướng đau đều khỏi, không dám dùng hết tễ, nhưng họng hầu là cửa ngõ của thủy cốc, là then khóa của toàn thân, không thể để chậm được, liền dùng bài Sưu độc tiễn gia những vị Cam thảo, Cát cánh, Ngưu bàng, Huyền sâm, Kinh giới, quả nhiên 2 tễ thì chứng vương vướng như vật rắn ở cổ khỏi hết, chỉ còn hơi đau thôi.
Bốn ngày sau nốt đậu mới mọc đều, những chỗ giữa trán 2 gò má dầy chi chít không hở chỗ nào, giống như bưng đầu trùm gáy, không nói cũng biết, chân tay lại dầy hơn, không rõ địa giới, chỉ có ngực lưng hơi thưa tuy có mọc lên thành mụn mà đầu phẳng sắc tía, may mà sờ tay vào còn chuyển sác trắng. Tôi nghĩ nếu ta không dự phòng thanh nhiệt giải độc, nhất là chủ ý tống độc ra, thì độc sẽ phục lại, mà dẫn đến đậu hãm đen, hãm tía, liền dùng bài Hoàng liên giải độc thang, xen lẫn với những vị Xuyên khung, Đương quy, Liên kiều, Cát cánh, Sơn tra, Huyền sâm, Đan bị, Hồng hoa, Xích thược, Gạo nếp, Hoàng cầm, Thạch cao, Tử thảo, Búp măng, Sâu đâu, Xuyên sơn giáp, Linh dương,… tùy chứng lựa dùng hàng ngày thay đổi cho uống.
Đậu dần mọc lên, khí đã đầy ở đầu mụn huyết đã phụ ở chân mụn, sắc tía dần đổi ra sắc đỏ nhạt, dưới ánh đèn lấp lánh, coi có thần sắc. Nhưng vì huyết khô độc ủng tắc trường vị táo bón, nên tễ nào cũng dùng Đại hoàng cho thông lợi một chút, thì nóng bớt thần tỉnh táo, không cho uống như thế thì lại có trạng thái lìm lịm không biết gì.
Đến ngày thứ 7, thế nóng lui dần, độc đã dần hóa thành mủ. Đến ngày thứ 8 mủ đã hơi vàng, tôi mới dám cho uống thuốc bổ khí như Bảo nguyên thang, gia vị Lộc nhung để tuấn bố, thêm gạo nếp, gai bồ kết, sữa người, gia ít nhục quế để đuổi độc ra ngoài, lại chiếu cố đến phần huyết, dùng thuốc lương bổ đề phòng gãi dập ra. Lúc này đậu thấy mùi rất thối, tôi mừng cho là khí độc đã ra hết.
Đến ngày thứ 10, bỗng dưng rét run như chứng sốt rét, thổ 2 lần, lại đi tả, đến trưa đậu chuyển ra thế đảo áp trắng xám, tôi biết rằng đem khí huyết có hạn mà chống với thế độc vô cùng, thế mà còn giữ được, đưa đi được, để cho tà không dùng dằng ở trong, mà tụ ở mụn làm thành mủ, thì đến nay cái sức ấm áp đã hao hết rồi. Và trong sách cho là huyết nóng khí hư mà vội vàng bổ, thì giúp tà làm hại.
Bệnh này sau khi thấy rõ mụn tôi mới dùng thuốc thanh lương, khi làm mủ thấy hơi hàn mới dám dùng ôn bố, bởi vì nếu không thanh thì sinh ra hãm đen hãm tía, nếu không bổ thì không thể sinh ra mủ được, nay lại sinh ra rét run đi tả, tục nói sau khi đậu “quay quả” thường hay có chứng này, nhưng đây không phải thế, vì bao nhiêu khí huyết dốc ra để tống độc hết rồi, năm tạng trống rỗng, trong không tự chủ trì được, nên sinh ra như vậy, vì như đánh nhau luôn năm này qua năm khác, tuy trở lại hòa bình, mà kho tàng hết sạch.
Tôi lại phải kíp bổ, dùng những vị Đinh hương, Nhục quế, Can khương, Phụ tử để ôn bổ thì quả nhiên khỏi ngay, các nơi khô vảy nhưng đến ngày thứ 16, riêng ở trên mặt không bong tróc vảy, tôi cho là mặt là nơi các dương kinh tụ hội, khi đậu mọc độc lẫn ở bộ vị dương, lại có triệu chứng sắp sưng, thì rõ là dương khí kém, đến khi đóng vảy, lại riêng ở phần dương không bong, thì thực là dương kém sức rồi. Tôi chuyển dùng thang Bổ trung gia Xuyên khung, giảm Hoàng kỳ, đại tễ sắc đặc cho uống, đến ngày thứ 23 mới bong ra cả da, như cái mặt nạ, rất là ghê sợ.
Tôi chữa bệnh đậu này ngày đêm không dám lơ là, khi sinh ra “tặc đậu”, “đinh đậu” thì phải tự tay khêu ngay, mỗi khi tới khám thì phải cởi hết quần áo, để ở trên bờ, mình trần mà vào, lấy bông nút mũi, nín hơi như là dân chài lặn ở trong nước, xem một mạch rồi ra ngay, khắp mình mồ hôi nhễ nhại, về nhà lại phải xông tắm rồi mới ăn uống được. Không những thế, phàm gạo củi dầu đèn, thiếu đâu giúp đó, tính ra từ khi phát nóng đến lúc khỏi hẳn, trước sau một tháng 4 ngày, khoản chi phí về thuốc hết khoảng 5 quan tiền, mà cứu cho cháu gái khởi tử hồi sinh!
Vương Ứng Chân nói: “Nhà làm thuốc có công tạo hóa” thực đúng như thế này chăng?
(Trích tập Y Dương Án trong bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, NXB Y học, HN)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089