Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Châm cứu thần phương

04/12/2023

CHÂM CỨU THẦN PHƯƠNG 

(Phần I)

LGT: Cách đây vài chục năm, có một thân chủ là bác Hoàng Khắc Phít ở Hoà Phát, Đà Nẵng mang đến cho tôi mượn một tập sách phương thuốc gia truyền 6 đời của họ Đoàn ( Đoàn thị gia truyền lục đại lương phương). Thực ra đây là một cuốn sổ ghi chép tư liệu y dược cổ truyền từ nhiều nguồn của người chú ruột bác Phít là Lương y Đoàn Khắc Hoàng (1911-1988). Đáng chú ý nhất trong cuốn sổ này có tập  CHÂM CỨU THẦN PHƯƠNG do cụ Hoàng phiên âm từ bản chữ Nôm của bố là cụ Đoàn Khắc Thiều, một thầy thuốc đông y khá nổi tiếng của họ Đoàn quê gốc từ Hải Dương vào lập nghiệp ở Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngải.

Theo nhà giáo Đoàn Khắc Huy, em ruột cụ Hoàng, hiện đang nghĩ hưu ở Đắc Lắc, thì tập sách trên được chép theo tài liệu châm cứu thời Hậu Lê, có sau tài liệu Châm cứu tiệp hiệu diễn ca  của Nguyễn Đại Năng đời nhà Hồ. Đối chiếu với các tài liệu châm cứu Hán Nôm đã công bố của một trong những chuyên gia đầu ngành là cố Lương y Lê Trần Đức, chúng tôi thấy đây rất có thể là một tư liệu châm cứu cổ mới được phát hiện ở khu vực miền Trung.

Rất tiếc là bản chép chữ Nôm đã thất lạc, hiện chỉ còn bản phiên âm quốc ngữ viết theo thể văn vần lục bát có đính kèm phương huyệt chữa 84 bệnh chứng thường gặp. Điều chúng tôi tâm đắc nhất cũng là nét độc đáo của tài liệu này là chỉ  dùng đơn độc phép cứu để điều trị tất cả các loại bệnh cấp mạn tính. 

Chúng tôi đã tuyển chọn, biên tập, chỉnh lý tập sách trên cho câu văn trôi chảy và rõ ý hơn, thỉnh thoảng đặt thêm lời đưa phương huyệt vào bài văn vần cho dễ nhớ, nhưng vẫn giữ nguyên các công thức huyệt đã sử dụng. Các trích đoạn tập sách đã được giới thiệu trên Tạp chí CTQ (số 70, 71, 73, 74) và các tập san Thông y YHCT Đà Nẵng, Bản tin Y Dược TP.Đà Nẵng. Mong quý đồng nghiệp và bạn đọc có cơ may sưu tầm được nguyên bản chữ Nôm tập sách này hãy tiếp sức cùng chúng tôi để “gìn giữ cho muôn đời sau”. 

PHAN CÔNG TUẤN 

(sưu tầm – chỉnh lý)

 

  1. TRỊ CÁC CHỨNG THƯƠNG HÀN NGOẠI CẢM:

Mấy người ngoại cảm tứ thời

Nhức đầu, nghẹt mũi có hơi nóng mình

Ấy là ngoại cảm thiệt tình

Ta dùng phép cứu cho lành mới hay.

-Huyệt dùng: Thượng tinh (1huyệt), Đại trữ (1h), Khúc trì (2h), Hợp cốc (2h).

-Đau lưng cứu thêm: Thận du (2h), Túc Tam lý (2h).

-Cảm gió có ho (ngoại cảm thương phong khái thấu) cứu: Thượng tinh (1h), Phong môn (2h), Khúc trì (2h), Hợp cốc (2h), Túc Tam lý (2h).

 

  1. TRỊ CÁC CHỨNG SỐT RÉT (NGƯỢC TẬT):

Mấy người sốt rét lâu ngày

Hãn ra như nước tỏ bày dương hư

Xét xem hình sắc cứu chừ

Sắc xanh khí bạc phép trừ : Can du;

Tâm hàn mà rét : Phế du;

Lưng đau thận ngược, Thận du cứu liền.

-Huyệt dùng đốt cứu: Can du (2h), Khúc trì (2h), Thận du (2h), Hợp cốc (2h), Phế du (2h), Tuyệt cốt (2h), Túc Tam lý (2h).

-Bệnh đau lâu ngày thuộc hư chứng phải cứu thêm Cao hoang (2h).

 

  1. TRỊ CHỨNG CẢM SƠN LAM CHƯỚNG KHÍ:

Mấy người non núi đi hoài

Sơn lam chướng khí hôm mai nhiễm thường

Chẳng may phát bệnh giữa đường

May thì về tới quê hương làng mình

Cảm hơi lam chướng thất kinh

Cho nên nóng lạnh trong mình hôn mê

Cứu thời bổ chính mọi bề

Công tà cho đặng hết mê mỏi lòng.

– Huyệt cứu: Thượng tinh (1h), Thiên thông (2h), Khí hải (1h), Thuỷ phân (1h), Thận du (2h), Khúc tri (2h), Hợp cốc (2h), Túc Tam lý (2h).

 

  1. TRỊ CHỨNG CẢM HÀN ĐAU BỤNG:

Mấy người dãi gió dầm mưa

Nửa đường đau bụng người đưa về nhà

Mặt xanh đói đã xót xa

Tay chân lạnh lẽo nôn ra bởi hàn

Nên cứu Trung quản (1), Thuỷ phân (1)

(Túc) Tam lý (2), Khí hải (1) lại cần Thiên xu (2).

(Lại cứu thêm đầu điểm ngón tay giữa, nam tả nữ hữu).

 

  1. TRỊ TRÙNG TÍCH PHÚC THỐNG (ĐAU BỤNG GIUN):

Mấy người trùng tích đã lâu

Cho nên đau bụng tới cầu lương y

Hỏi qua chứng ấy cũng kỳ

Khi đau khi nghĩ, tức thì lại đau

Phẩn ra bọt miếng dàu dàu

Kêu la đã đủ nằm sầu lại vang

Gân xanh bụng ỏng da vàng

Ấy là trùng thống rõ ràng chớ nghi

Ta cứu sát trùng một khi

Làm cho ôn tạng vậy thì mới hay.

Huyệt dùng: Trước cứu Cự khuyết 7 mồi thì bớt nước miếng, lại lấy 2 huyệt từ Trung quản ngang ra mỗi bên 1,5 thốn mà cứu cũng 7 mồi. Đồng thời cứu Thuỷ phân (1h), Thiên xu (2h), Âm giao (1h), Quan nguyên (1h). Như bệnh hư cần bổ thì cứu thêm Thận du (2h), Túc Tam lý (2h). Tổng cộng cứu 12 huyệt.

 

  1. TRỊ CHỨNG ĐÀM :

Mấy người khục khặc nhiều đàm

Hay ho hay khạc cứu làm thường xuyên

Phong môn (2h) cùng với Nhủ căn (2h)

Chiên trung (1h), Trung quản (1h) tiếp liền Thận du (2h)

Khí hải (1h),  Túc Tam lý (2h) thâu

Đàm tiêu ho dứt khỏi cầu thuốc thang.

 

  1. TRỊ CHỨNG HÁO SUYỄN ( HEN SUYỄN):

Mấy người mỏi mệt rã rời

Ngày đêm sợ sệt lên hơi thở dài

Thật lâm chứng ấy hoài hoài

Cứu lành cho đặng thiệt tài xưa nay.

Bách hội (1), Thận du (2), Cao hoang (2)

Phong môn (2), Hợp cốc (2), Túc Tam lý(2) tìm.

Lại bảo người bệnh giơ 2 tay lên, đứng cho thẳng, xem 2 bên hông có 2 chỗ lõm xuống thời làm dấu lấy làm huyệt cứu. Thần hiệu !

 

  1. TRỊ LAO TRÁI (HO LAO):

Mấy người gầy ốm ho lao

Âm hư hoả vượng tiêu hao lâu ngày

Cứu cho bổ thận thời hay

Như ho lâu ngày sợ nỗi tỳ hư

Làm sao cho đặng bây chừ

Tỳ thận đều bổ khỏi hư mới đành

Lại thêm bổ phế mau lành

Bổ tả đúng  phép xứng danh là Thầy.

Huyệt dùng cứu: Phế du (2h), Trực cốt (*) (2h), Thận du (2h), Túc Tam lý (2h), Thiên đột (1h), Nhũ căn (2h), Chiên trung (1h), Liệt khuyết (2h).

Cách lấy huyệt Nhũ căn: Đàn ông dùng ngón giữa người bệnh đặt ngang dưới tim vú rồi điểm huyệt ngay dưới núm vú là đúng. Đàn bà thì đè núm vú xuống đến đâu là huyệt ở đó.

Như có lao truyền thi (lao truyền từ xác người bệnh chết) thì bảo người bệnh đứng cho thẳng, qua phía sau trôn hai bên mông có 2 chỗ hõm xuống mà làm dấu ở đó. Chờ đến ngày Quý Hợi, giờ Hợi sẽ đốt cứu. Sau khi cứu người bệnh có đi sông thì lấy phân đó đốt ra tro đem bỏ chỗ nước trường lưu thuỷ (nước chảy giữa sông) để trừ trùng đi.

(*) Chú thích: Huyệt Trực cốt là một trong những huyệt đặc biệt của châm cứu Việt Nam (không có trong Trung y), huyệt ở mé thịt đen dưới núm vú thẳng xuống. Huyệt này chủ trị ho lao, thường dùng nam tả nữ hữu (BBT).

 

  1. TRỊ CHỨNG THỔ ĐÀM (ÓI RA ĐÀM):

Mấy người trạo trực trong lòng

Cho nên ợ khạc dãi trong mửa dài

Miếng ăn vật lạ hôm mai

Hãy còn nguyên xác mồi chài không tiêu

Ấy là tỳ đã hư nhiều

Chẳng may lại cảm bất điều hàn phong 

Ta dùng phép cứu cho thông

Trước trừ đàm nghịch sau mong bổ tỳ.

-Đốt cứu các huyệt: Phong môn (2), Trungquản (1), Chiên trung (1), Khí hải (1), Trực cốt (2), Lệ đoài (1).

-Đau lưng cứu thêm: Thận du (2), Hợp cốc (2), Túc Tam lý (2).

 

10. TRỊ CHỨNG HOẮC LOẠN THỔ TẢ (TRÊN MỬA DƯỚI ỈA):

Máy người cảm khí  độc trời

Cho nên đau bụng rã rời tay chưn

Lại thêm thổ tả tưng bừng

Hơi bay nóng nảy mười phần tân toan

Ấy là ngoại cảm thử hàn

Trong thêm thực tích rõ ràng chẳng nghi

Cứu cho ấm tạng một khi

Lại cứu tiêu thực vậy thì mới an.

Huyệt dùng cứu: Trung quản (1), Thiên xu (2), Thuỷ phân (1).

-Tiểu tiện bí, tứ chi quyết lãnh cứu thêm Trung cực (1);

-Chuyển cân (chuột rút, vọp bẻ) nặng lắm thì cứu Thập tuyên (10);

-Khát nước cứu Thừa tương (1), Nhân trung (1), Giản sử (2), Khúc trì (2), Thân mạch (2), Hợp cốc (2).

-Như thổ tả cấp chứng thì dùng muối đắp lỗ rún mà cứu chừng nào tay chân ấm và ráo mồ hôi, tỉnh lại là được. Sau đó tuỳ chứng mà bổ dưỡng. Nếu sơ phát thì dùng Ngũ linh thang hay Bình vị tán rất thần hiệu.

(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *