Cải tiến và phổ cập phương pháp cứu Lò ngải để chăm sóc sức khỏe cộng đồng
20/12/2023
L.Y PHAN CÔNG TUẤN
LGT: Đây là bản công bố đầu tiên trên Thông tin Đông y Đà Nẵng số 4/2002 và Bản tin Y dượcTP.Đà Nẵng – Sức Khỏe Cho Mọi Nhà. Nguyên là Đề tài đã được tác giả báo cáo tại tại các Hội thảo Khoa học của Hội Đông y và Hội Châm cứu TP.Đà Nẵng năm 2001, 2002. Nội dung đã được đăng lại trên Tạp chí Cây Thuốc Quý số 4-5-6-7, Tạp chí Đông Y số 336 và đã được Ban Khoa Giáo Đài Truyền Hình Việt Nam xây dựng chương trình phổ biến kiến thức chiếu trên VTV1, VTV2, DVTV (VTV Đà Nẵng tức VTV8 hiện nay) năm 2003.
A/ ĐẶT VẤN ĐỀ
Châm cứu là phương pháp chữa bệnh độc đáo chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống Đông y học cổ truyền, châm cứu bao gồm 2 bộ phận châm và cứu. Đó là những y thuật quen thuộc, đơn giản nhưng hiệu quả, được quảng đại quần chúng ưa thích và tín nhiệm từ ngàn đời nay. Việt Nam chúng ta rất đỗi tự hào là một trong các nước có lịch sử châm cứu lâu đời nhất trên thế giới, trải qua bao biến thiên thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển trong lòng văn hóa dân tộc cho đến ngày nay. Đặc biệt trong hơn nữa thế kỷ vừa qua, châm cứu Việt Nam với con chim đầu đàn là GS.NGUYỄN TÀI THU đã không ngừng đi lên đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả hai bình diện phổ cập và chuyên sâu, phục vụ đắc lực sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CSSKCĐ) và đóng góp nhiều cống hiến xuất sắc góp phần phát triển ngành châm cứu thế giới. Hội nghị châm cứu Thế giới với chủ đề “CHÂM CỨU HƯỚNG TỚI SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG THẾ KỶ XXI” được tổ chức thành công tại Hà Nội tháng 11/1999 là một trong những bằng chứng thể hiện sự tín nhiệm của quốc tế về định hướng phát triển châm cứu đúng đắn của chúng ta.
Tuy nhiên, nhìn lại mấy thập niên phát triển châm cứu Việt Nam không phải là không có những vấn đề cần bàn bạc thảo luận thêm nhằm phát huy và khai thác hết tiềm năng của châm cứu phục vụ sức khỏe con người. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi vấn đề nổi cộm nhất của châm cứu Việt Nam hiện nay là sự phát triển không đồng đều giữa hai bộ môn CHÂM và CỨU. Có thể nói không ngoa, là toàn bộ thành tựu phát triển của châm cứu Việt Nam trong mấy chục năm qua gần như gói gọn trong lĩnh vực châm, nhất là các phương pháp châm mới như mãng châm, điện châm, thủy châm, nhu câm, châm tê, châm loa tai … Còn về phương pháp cứu thì hầu như giẫm chân tại chỗ nếu không muốn nói là ngày càng mai một trở về hình bóng xa xưa hoặc tản mác trong nhân dân như một phương pháp chữa bệnh dân gian. Theo chúng tôi hiện nay có đến 90% bệnh nhân điều trị bằng châm cứu chỉ được sử dụng phương pháp châm mà không được dùng phép cứu. Nếu chúng tôi không lầm thì ngay ở Viện Châm cứu Việt Nam cũng không có khoa Cứu, và trong Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học về châm cứu (1967 – 1997) cũng chưa thấy một công trình nào nghiên cứu về phép cứu. Phép cứu gần như trở thành mảnh đất hoang trong khu vườn châm cứu Việt Nam, hay chỉ tồn tại trong các sách dạy lý thuyết về châm cứu. Phải chăng phép cứu đã lỗi thời hay không phù hợp với thổ nghi – khí hậu – con người Việt Nam hoặc có những nguyên nhân nào khác gây trở ngại cho phép cứu ?
Theo chúng tôi, có nhiều nguyên nhân để phép cứu không thịnh hành, trong đó có mấy nguyên nhân cơ bản sau :
Về nhận thức lý luận, có một bộ phận không nhỏ thầy thuốc bị ảnh hưởng bởi quan niệm “Nam châm Bắc cứu” do hiểu sai lệch tinh thần đoạn kinh văn Dị pháp phương nghi luận trong Nội Kinh Tố Vấn. Nếu suy diễn theo cùng lối ấy thì người ở phương Đông chỉ nên dùng “biếm thạch”, người phương Tây chỉ nên dùng “độc dược”, người ở giữa (trung ương) chỉ nên dùng “đạo dẫn án cược” (thể dục, xoa bóp) để chữa bệnh hay sao ? Cần phải xét lại quan điểm sai lầm này.
Về mặt thực tiễn, đối với thầy thuốc, dùng phép cứu tốn thời gian gấp đôi ba lần so với châm, vì phải cứu từng huyệt một, phải trực bên bệnh nhân suốt thời gian cứu, trong khi đó nếu dùng châm thì thời gian lưu kim có thể đi khám bệnh, bốc thuốc hoặc châm cho người khác. Vì công phu như vậy nên thầy thuốc ngày nay ít sử dụng phép cứu. Đối với bệnh nhân, dùng cứu – nhất là cứu bằng mồi ngải, cứu trực tiếp thường gây nóng rát, phồng lỡ thành sẹo nên ít muốn tiếp nhận phương pháp này. Hơn nữa, các bệnh thích ứng cho phép cứu thiên về hư hàn, suy nhược lâu ngày, bệnh mạn tính, đòi hỏi thời gian trị liệu lâu dài, nếu công việc bận rộn không có điều kiện đến cơ sở chẩn trị thường xuyên thì khó đạt kết quả như mong muốn.
Để giải quyết những khó khăn thực tiễn trên đây, sau nhiều năm mày mò thực nghiệm cải tiến các phương pháp đốt cứu, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra phương pháp đốt cứu khả dĩ khắc phục được những nguyên nhân bất lợi đồng thời có thể hướng dẫn cho bệnh nhân tự thực hành điều trị tại nhà theo chỉ định của thầy thuốc. Phương pháp phòng chữa bệnh đơn giản và hiệu quả này, nếu được tổ chức phổ cập rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa sẽ trở thành một công cụ đắc lực phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chuyên luận này xin giới thiệu về phương pháp cứu đó cùng một số kiến nghị của tác giả.
B/ GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP CỨU LÒ NGẢI:
I/ SƠ LƯỢC VỀ PHÉP CỨU :
Phương pháp cứu là một trong hai bộ phận của khoa Châm cứu, thuộc phạm vi phép chữa ngoài (ngoại trị, khác với nội trị là dùng thuốc uống trong), tức thông qua tác động kích thích lên huyệt vị từ mặt ngoài cơ thể nhằm điều chỉnh khí huyết kinh lạc và công năng tạng phủ bên trong để đạt mục đích phòng trị bệnh tật. Nếu châm là dùng các loại kim nhỏ châm vào huyệt vị rồi làm thủ thuật kích thích gây đau – tức – tê – nặng, thì cứu lại dùng mồi ngải hoặc điếu ngải đốt hơ trên huyệt vị, lấy sức nóng và khí thuốc tác động, vừa có tác dụng điều khí trị thần như phép châm, lại có công năng ôn kinh tán hàn, thông hành huyết mạch, thăng đề tạng khí, phò nguyên cố thoát chiếm ưu thế hơn hẳn so với phép châm. Chính vì vậy mà trong tác phẩm kinh điển Nội Kinh Linh Khu (thiên Quan Năng) đã viết rằng các chứng châm không tác dụng thì dùng cứu rất tốt (châm sở bất vi, cứu chi sở nghi). Do đó từ ngày xưa, châm và cứu đã được kết hợp, sử dụng trong một khoa thống nhất thể hiện qua danh xưng châm cứu còn đến ngày nay.
Cứu là phương pháp chữa bệnh cổ xưa nhất mà loài người có được từ sau khi biết dùng lửa. Có thể bắt nguồn từ các cách sưởi ấm, chườm nóng, thậm chí đốt bỏng các chỗ đau trên cơ thể để có cảm giác khoan khoái dễ chịu. Từ các nguồn nhiệt lượng tự nhiên như mặt trời, than củi … dần dần cùng với việc phát minh ra hệ thống kinh huyệt và cây kim châm, Y học phương Đông đã tìm ra một nguồn nhiên liệu thích hợp tốt nhất lại có sẵn khắp mọi miền Đông Á, đó là từ lá cây ngải cứu chế thành ngải nhung rồi làm thành mồi ngải đặt trực tiếp hay gián tiếp (cách lát gừng, lát tỏi, hay lớp muối …) lên huyệt để đốt cứu. Cứu có nhiều chủng loại phong phú (xem biểu đồ) nhưng cứu mồi ngải là cách cứu chính thống của Đông y, được thầy thuốc ngày xưa dùng rất phổ biến. Về sau, để hạn chế nhược điểm nóng rát dễ gây phỏng lở của cứu mồi ngải, các y gia Trung Quốc đã dùng ngải nhung trộn với Xạ hương cùng một số dược liệu phụ gia chế thành điếu ngải gọi là Lôi Hỏa Châm hay Thái Ất Thần Châm để đốt áp trên huyệt có lót một số làn vải điều tiết độ nóng vừa chừng. Cách cứu này tuy hiệu quả có kém hơn, nhưng bù lại không gây phỏng lở sẹo, có thể cứu nhiều lần nên được bệnh nhân ưa chuộng, mặc dù giới thầy thuốc chưa hoan nghênh lắm vì tốn nhiều thời gian (phải cầm điếu ngải suốt thời gian cứu)
Đến khoảng giữa thế kỷ XX, một y gia Nhật Bản là Bác sĩ Hậu – Đằng Đạo – Hùng lại sáng chế ra lối Ôn cứu dùng ôn cứu khí bằng đồng, ở trên có chỗ để ngải nhung vào mà đốt, ở dưới có phiến gỗ mỏng có xoi lỗ hay miếng ván để giữ cho chỗ cứu khỏi bị phỏng. Nếu cứu huyệt ở tay thì dùng vải mà cột cho khỏi di dịch, nếu cứu ở lưng hay bụng thì có thể cầm cán để cầm giữ nó bằng tay. Cách cứu này thấy giới thiệu trong một số sách châm cứu Trung Quốc (như Châm cứu học, Thượng Hải, 1974) và sách của các tác giả Thượng Trúc, Phạm Văn Điều ở Miền Nam Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, theo một số tác giả ở Đài Loan, Trung Quốc thì phương pháp cứu này có nhiều nhược điểm là sức lửa nóng không đều, khí nóng của hơi đồng còn lẫn với thuốc cứu không tốt … Có lẽ vì vậy trên thực tế chưa thấy lưu hành rộng rãi ở nước ta cũng như ở các nước khác.
Trong chiều hướng tìm tòi một phương pháp đốt cứu thuận tiện mà hiệu quả, dễ phổ cập đại chúng, trên cơ sở cải tiến phát huy phương pháp đốt cứu của Trung Quốc, Nhật Bản, chúng tôi đã sáng tạo ra một phương pháp đốt cứu mới phù hợp với điều kiện kinh tế văn hóa Việt Nam, tạm đặt tên là phương pháp CỨU LÒ NGẢI (hay LÒ CỨU) xin giới thiệu chi tiết ở phần sau.
Biểu đồ các loại hình đốt cứu (Phỏng theo Châm Cứu Học, Thượng Hải 1974)
II/ DỤNG CỤ CỨU LÒ NGẢI :
Muốn dùng phương pháp cứu lò ngải cần chế tác sẵn có một số dụng cụ vật liệu đốt cứu như sau :
- Điếu ngải :
Dùng lá ngải cứu khô lâu năm vò nhuyễn, bỏ xơ cộng và bột lá, lấy phần tơi xốp mềm mại (ngải nhung) đem quấn giấy quyến thành điếu ngải. Có thể trộn bột thuốc theo công thức bài Thái Ất Thần Châm hoặc một số dược liệu thay thế khác vào ngải nhung để tăng cường hiệu quả. Điếu ngải được làm thủ công (theo hướng dẫn trong sách CHÂM CỨU HỌC T.2 tr.25 hoặc TRUNG Y HỌC KHÁI LUẬN T.2 tr.85) mọi người đều có thể tự làm được. Chúng tôi làm theo kỹ thuật riêng cho ra thành phẩm điếu ngải chặt chẽ cháy tốt, bó tàn, hương thơm tự nhiên, kích thước 18cm, cỡ trung bình đường kính 1cm, mỗi điếu cháy từ 40 – 60 phút, có thể cứu trong 2 lần. Điếu ngải làm sẵn cho vào hộp kín để bảo quản sử dụng lâu dài. Chúng tôi làm thành gói 12 điếu dùng cứu đủ 1 liệu trình 12 ngày.
- Lò cứu :
Là vật dụng hình nón úp, miệng lò (đáy trống ở dưới) hình tròn đường kính 3cm, xung quanh khoét vài ba lỗ tròn 1cm (vừa đút lọt điếu ngải). Lỗ tròn cách miệng lò 1-1,5cm để giữ cố định khoảng cách giữa điếu ngải với mặt da), phía trên kín, có khóet một số lỗ nhỏ để thông hơi. Có thể làm bằng nhiều chất liệu không cháy để chế lò ngải, nhưng theo chúng tôi tốt nhất là bằng đất nung tính ôn hòa (thổ khí), giá thành rẻ nhất. Chúng tôi đã thiết kế mẫu và cho sản xuất thử nghiệm lò cứu bằng đất nung đặt tên là lò cứu Việt Nam, xin xem hình mẫu đính kèm.
- Một số vật liệu hỗ trợ khác gồm :
+ Vải điều (sợi cotton): Cắt thành vuông nhỏ 20x30cm, để gấp đôi, gấp tư, gấp tám, đặt trên huyệt điều chỉnh độ nóng.
+ Rượu gừng, tỏi, gấc : Dùng mỗi thứ 100g, giã nhỏ, ngâm riêng trong 150ml rượu 500, tùy nhu cầu cần tán hàn, tiêu độc hay hoạt huyết mà dùng từng loại thoa trên huyệt trước khi cứu để tăng cường hiệu quả (như trong cách cứu gián tiếp)
+ Dầu mù u (chế phẩm có bán trên hiệu thuốc tây) : Dùng bôi lên huyệt sau khi cứu nghe nóng rát nhiều để phòng trị phỏng.
Ngoài ra, trong bộ dụng cụ còn có 1 gạt tàn và một số bông băng, cồn sát trùng, dây vải, gối đòn để kê buộc lò cứu ở những vị trí không để thuận tiện.
III/ KỸ THUẬT CỨU LÒ NGẢI
- Thao tác cứu lò ngải :
Đốt cháy một đầu điếu ngải, đặt vào trong lò ngải rồi đem để trên điểm đau hay huyệt cần cứu. Khi người bệnh bắt đầu nghe nóng quá thì lót thêm một lớp vải điều, cứ thế lót tăng dần lên 2,4 , 6, 8 … lớp đồng thời đẩy dần điếu ngải vào sao cho đầu đỏ điếu ngải luôn ở điểm giữa lò ngải ngay trên huyệt cứu (cách da khoảng 1 – 1,5cm). Khi tàn bó dài thì lấy điếu ngải ra gạt bớt tàn rồi đun vào lại. Thời gian cứu mỗi huyệt từ 10 – 15 phút. Sau khi cứu, vùng da huyệt cứu đỏ ửng lên là tốt. Nếu nghe nóng rát thì bôi ngay dầu mù u vào để phòng trị phỏng.
- Chọn huyệt cứu :
Phép cứu không dùng nhiều huyệt như châm, mỗi lần chỉ cứu 1 – 2 huyệt, tối đa 3 – 4 huyệt đơn, nên việc chọn huyệt hết sức quan trọng. Chỉ có thầy thuốc Đông y nắm rõ tính năng tác dụng các loại huyệt cũng như cách phối hợp chúng, sau khi thăm khám chẩn đoán cụ thể, theo biện chứng luận trị lý – pháp – phương – huyệt mới có thể quyết định chọn huyệt cứu cho bệnh nhân. Ở đây không nhắc lại cách dùng các loại huyệt : a thị, du, mộ, nguyên, lạc, khích, ngũ du, bát hội, giao hội …, chỉ xin đặc biệt lưu ý một kinh nghiệm riêng của chúng tôi rất trọng dụng các huyệt trên Nhâm – Đốc mạch, nhất là các huyệt có vị trí trùng các luân xa trong yoga khí công, không chỉ chữa bệnh cục bộ mà có tác dụng toàn thân rất tốt.
Cũng cần lưu ý thêm : Phải tuân thủ thứ tự cứu các huyệt theo quy ước của người xưa: Huyệt trên trước – huyệt dưới sau, huyệt kinh dương trước – huyệt kinh âm sau, huyệt chủ trị trước – huyệt phối hợp sau.
- Tư thế cứu :
Tùy huyệt cứu mà có tư thế thích hợp sao cho suốt thời gian cứu người bệnh vẫn thoải mái, không mỏi, không cựa mình dễ làm rơi đổ lò cứu. Thường chọn tư thế để huyệt cứu hướng lên trên, mặt da ngang bằng để đặt lò cứu vững vàng. Để cứu các huyệt trên lưng hoặc trên bụng, cho bệnh nhân nhằm úp hoặc nằm ngửa là tốt nhất. Cũng trong các tư thế này, vẫn có thể cứu được nhiều huyệt nằm nghiêng hay đứng như Bách hội, Túc tam lý, Kiên ngung … bằng cách dùng thêm đòn kê, gối đệm, dây vải buộc hoặc chèn giữ cố định lò cứu. Một số huyệt như Trường cường, Hội âm, Dũng tuyền chọn tư thế ngồi và cho lò cứu ngửa lên. Một số huyệt vùng kín nam nữ có thể để nguyên áo quần mà đặt lò cứu vẫn tốt, chỉ cần lót thêm một vài lần vải để khỏi ám khói gây bẩn áo quần. Nói chung, trừ một số ít huyệt trên mặt, đầu ngón tay chân không đặt được lò cứu (khi ấy phải cầm điếu ngải mà hơ), còn hầu hết đều dùng lò cứu để lên được.
- Liều lượng cứu :
Dùng lò cứu vẫn chủ động dùng lượng kích thích bổ tả khác nhau tùy theo bệnh. Cứu bổ thì chỉnh đầu ngải cháy nhích xa mặt da hơn, dùng nhiều lớp vải lót cho nóng ấm dịu, giữ cố định lò cứu, thời gian cứu lâu hơn (10 – 15 phút). Cứu tả thì chúc đầu ngải cháy gần mặt da hơn, dùng ít lớp vải lót, dùng thêm quạt để điếu ngải cháy mạnh, động viên người bệnh gắng chịu nóng, khi nóng quá có thể nhấc lò cứu ra rồi đặt lại nhiều lần như vậy (như cứu mổ cò), có thể chủ động cứu phồng, thời gian cứu ngắn hơn (5 – 10 phút).
Thời gian cứu với bệnh mạn tính, suy nhược mỗi ngày 1 lần, nên chọn lúc nghỉ ngơi sau khi ăn là tốt nhất. Một liệu trình cứu khoảng 12 ngày, một đợt điều trị có thể vài ba liệu trình. Với bệnh cấp tính có thể cứu ngày 2 lần, khi hết bệnh thì thôi (thường chỉ 5 – 7 lần cứu)
Đối với trẻ em, chỉ nên sử dụng cứu ấm cho trẻ trên 7 tuổi, thời gian cứu từ 5 – 7 phút. Các trường hợp khác phải theo chỉ dẫn riêng của thầy thuốc.
Đối với nam giới, người mập, người lao động tay chân cứu lâu hơn kích thích nóng mạnh hơn nữ giới, người ốm, người lao động trí óc.
- Đề phòng và xử lý tai biến do cứu :
– Cần giải thích trước cho bệnh nhân về các mức độ nóng ấm cần thiết trong đốt cứu để hợp tác theo dõi thông báo điều chỉnh thích hợp, không nên cố gắng chịu nóng dễ gây bỏng (trừ khi chủ động cứu bỏng). Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp điểm cứu bỏng phồng ngoài ý muốn do tổ chức da mỏng mảnh khác thường hoặc do thầy thuốc hay người thao tác chưa có kinh nghiệm đốt cứu. Sau khi cứu nghe nóng rát khác thường phải bôi ngay dầu mù u, sau tiếp tục bôi ngày 3 – 4 lần. Nếu có nốt phồng nhỏ để mấy ngày sau tự khô và lành. Nếu nốt phồng lớn dùng kim vô trùng chích cho ra nước dịch, vẫn bôi dầu mù u và dùng băng gạt băng lại, giữ vệ sinh và thay băng hằng ngày đến khi khỏi hẳn, cần giải thích cứu bỏng là hiện tượng bình thường và rất phổ biến ngày xưa, thường đem lại hiệu quả cao hơn cho bệnh nhân yên tâm.
– Nên lưu ý không cứu ở vùng mặt, mắt, tim, vùng có mạch máu lớn vùng bụng phụ nữ có thai … Đối với các huyệt sách cổ ghi cấm cứu cần thận trọng, có thể sử dụng cứu ấm nhưng tuyệt đối không được để bỏng. Đối với bệnh chứng thực nhiệt, người phát sốt cao, đau bụng nội khoa có nôn ra máu hoặc không rõ nguyên nhân thì không dùng. Thận trọng với bệnh tiểu đường, cao huyết áp.
– Có tài liệu ghi cứu vẫn có thể gây choáng ngất như hiện tượng vựng châm, nhưng thực tế lâm sàng sử dụng phương pháp lò cứu chúng tôi chưa hề gặp. Tuy nhiên vẫn nên đề phòng bằng cách chọn phòng dùng cứu cần thoáng khí, mở cửa, cho gió hoặc quạt nhẹ để tản khói, và lưu ý không để bệnh nhân hen suyễn dị ứng ngửi trực tiếp khói điếu ngải cháy.
IV/ PHẠM VI ỨNG DỤNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ :
- Ứng dụng theo kinh điển :
Cứu là phương pháp trị liệu rất thích nghi với các bệnh chứng thuộc phạm vi âm hàn và hư nhược. Nội Kinh Tố Vấn cho rằng người phương Bắc sống ở địa thế cao, gió băng lạnh lẽo, ở lều, ăn thịt, uống sữa, nội tạng bị hàn dễ sinh bệnh đầy trướng, điều trị nên dùng phép cứu. Vì vậy, phép cứu có nguồn gốc từ phương Bắc truyền tới. Nội Kinh Linh Khu thì nhiều lần nhắc lại các chứng hãm hạ (tức dương khí hạ hãm, công năng nội tạng suy nhược) thì dùng phép cứu. Trương Trọng cảnh, tác giả Thương hàn tạp bệnh luận cũng cho rằng đại pháp trị bệnh mùa Đông nên ôn và cứu.
Thực ra, với các công năng : Trợ nguyên dương, thông kinh lạc, ôn trung, trừ hàn, bổ hư, tả thực, phát uất, tán tà, phép cứu có thể ứng dụng trong phạm vi rộng rãi hơn nhiều như sách Y học nhập môn đã tổng kết : “Bệnh hư dùng cứu để hỏa khí trợ nguyên dương ; bệnh thực dùng cứu khiến thực tà theo hỏa mà phát tán ; bệnh hàn dùng cứu để cho khí ấm trở lại ; bệnh nhiệt dùng cứu để dẫn khí uất nhiệt phát ra ngoài, đó đều là ý nghĩa của phép cứu chữa bệnh”.
Trong lịch sử Đông y, đã từng có nhiều tác giả chủ trương không châm, chỉ dùng riêng phép cứu để chữa bệnh như Vương Đảo trong Ngoại đài bí yếu (Đời Đường, Trung Quốc), Lê Trác Như trong Cứu pháp tinh vi (1805, Việt Nam), hay gần đây chúng tôi có sưu tầm được tài liệu cổ là tập Châm cứu thần phương, chưa rõ tác giả và niên đại, qua bản phiên âm từ chữ Nôm của L.Y Đoàn Khắc Hoàng ở Quảng Ngãi cũng chỉ dùng đơn độc phép cứu điều trị hơn trăm chứng bệnh. (Chúng tôi có trích giới thiệu một phần trên Thông tin Đông y Đà Nẵng số 2 và số 3)
- Chu trình áp dụng cứu lò ngải :
Chúng tôi áp dụng phương pháp cứu lò ngải trên bệnh nhân đến khám chữa bệnh theo chu trình gồm 3 bước như sau :
Bước 1 : Thầy thuốc khám bệnh, chỉ định phương pháp điều trị bằng cứu có thể kết hợp với thuốc và châm để điều trị tấn công, thời gian từ 1 – 2 ngày, hay 1 – 2 liệu trình tùy theo bệnh cấp, mạn, nặng, nhẹ …
Bước 2 : Khi bệnh thế tạm ổn, thầy thuốc chỉ định huyệt vị (đánh dấu) cung cấp dụng cụ, hướng dẫn kỹ thuật cho bệnh nhân hay người nhà tự thao tác để tiếp tục điều trị duy trì tại nhà thêm 1 – 2 liệu trình.
Bước 3 : Bệnh nhân tái khám theo hẹn để được chỉ định tiếp tục hay đình chỉ điều trị, nếu tiếp tục có thể điều chỉnh phương huyệt thích hợp theo từng giai đoạn hay triệu chứng bệnh biến.
Nói chung, bệnh nhân không được tự ý điều trị lâu dài, mà phải theo sự hướng dẫn tư vấn cụ thể của thầy thuốc chuyên môn.
- Nhận xét kết quả điều trị :
Qua gần 10 năm áp dụng, bước đầu nhận xét chúng tôi thấy cứu lò ngải là phương pháp trị liệu tốt, thích ứng với nhiều loại hình bệnh tật như sau :
a) Cứu điều trị bệnh cấp tính – cấp cứu :
Từ các bệnh cấp tính thông thường như cảm mạo, đau đầu, đau lưng, vẹo cổ, cơn hen suyễn, nấc cụt, nôn mửa, đầy bụng, lỏng lỵ, đinh nhọt … đến các chứng cấp cứu như choáng ngất, trúng gió, trúng hàn, trúng phòng, chết đuối, bí đái, thai phụ gần sinh thai không quay đầu, sản phụ nhau không ra hay thai chết lưu, trẻ em lên cơn động kinh … Tất cả các bệnh chứng này dùng phép cứu điều trị tích cực, kịp thời đều cho kết quả tốt đẹp, nhanh chóng, nhiều khi thần hiệu (tức thời) chỉ sau một vài lần cứu. Xin đơn cử vài bệnh án :
– Bệnh nhân Nguyễn S. , 45 tuổi, ở Tiên Kỳ, Tiên Phước, tháng 3/1998 bị nấc cụt liên tục hơn 10 ngày, bệnh viện địa phương điều trị 1 tuần không khỏi, sau ra Đà Nẵng nhờ các chuyên viên châm cứu châm 1 lần khỏi, nhưng về nhà nữa đêm tái phát, ngày sau châm tiếp, châm kim vào hết nấc ngay nhưng rút kim ra liền nấc lại. Khi đó chúng tôi đang theo học khóa châm cứu nâng cao đã dùng phép cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải liền khỏi.
– Bệnh nhân Nguyễn Nh., 84 tuổi ở Điện Tiến – Điện Bàn, đang điều trị di chứng liệt nữa người, nữa đêm lên cơn khó thở, chúng tôi được mời đến khám, chẩn đoán do trúng thực thịt vịt, bĩ khí xung tâm, dùng điếu ngải đốt huyệt Trung quản, Khí hải, sau 15 phút trung tiện được, hết tức ngực – khó thở, bụng nghe nhẹ, người trở lại tình trạng bình thường.
– Thai phụ Đặng Thị T. , nhân viên Trung tâm Y tế Hòa Vang, có thai 36 tuần, siêu âm thấy chưa quay đầu, dùng ngải điếu cứu huyệt Chí âm ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút, thực hiện 9 ngày, siêu âm lại cho thấy thai đã quay đầu thuận, về sau sinh bình thường.
b) Cứu điều trị bệnh mạn tính – suy nhược :
Các chứng phong hàn thấp tý, viêm đa khớp hoặc một khớp, thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống – khớp xương, đau dạ dày, đại trường co thắt, lỵ mạn tính, sốt rét, hen suyễn, lao tổn, di chứng liệt mặt, liệt nữa người, phù thũng, liệt dương, lãnh cảm, viêm sinh dục, sa sinh dục, di tinh, đái són, đái dầm, thoát giang, u bướu, mụn cơm (mụn cóc), chai chân, thấp chẩn (chàm), nhọt độc các loại … Các chứng bệnh này thường đau lâu ngày, phát đi phát lại, thuộc hàn – nhiệt, hư – thực thác tạp, cần điều trị lâu dài, kiên trì mới cho kết quả tốt, vì vậy dùng lò ngải điều trị tại nhà là phương pháp tốt nhất, cho hiệu quả chắc chắn, an toàn và tiết kiệm nhất
* Một số bệnh án điển hình :
– Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. 68 tuổi, cán bộ hưu trí ở Hòa Thọ, Hòa Vang, tiền sử ở tù, bị tra tấn, tổn thương thoái hóa đốt sống D7-D8 cách đây 3 năm bị gãy cổ xương đùi, hiện bị viêm khớp bàn tay, đau nhức cột sống thường xuyên. Sau đợt điều trị thuốc thang, châm cứu 20 ngày, chúng tôi hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà dùng lò cứu tiếp tục điều trị tại nhà 1 tháng nữa cho kết quả tốt, các điểm đau cột sống, khớp xương bàn tay đỡ hẳn, không tái phát liên tục như trước đây khi điều trị bằng thuốc kháng viêm giảm đau Tây y.
– Bệnh nhân Trần Gia Đ. Kế toán HTX nông nghiệp 2 xã Hòa Khương năm 1993, có u nhỏ bằng hạt nhãn tại mặt trong khủyu tay phải, khi cử động chèn ép gây đau. Chúng tôi kết hợp châm 1 cây kim thẳng vào khối u đồng thời cứu điếu ngải lên trên, sau 7 lần châm và cứu khối u tiêu nhỏ, còn khoảng 1/10, không điều trị nữa, một thời gian sau mất dạng hẳn.
– Bệnh nhân Tạ Ngọc Nh. lễ tân khách sạn Pleiku, Gia Lai, cũng có một u nhỏ trên mu bàn tay, chúng tôi chỉ cứu 1 lần, còn lại về tự cứu bằng điếu ngải thêm 10 ngày, mỗi ngày 1 lần hết 1/2 điếu ngải. Sau đợt điều trị đó khối u tiêu hẳn.
Cả hai trường hợp trên và nhiều trường hợp khác, theo dõi về sau đều không thấy tái phát.
c) Cứu dưỡng sinh :
Đối với người khỏe mạnh, người cao tuổi, hoặc người bẩm thụ yếu đuối (tiên thiên bất túc), hay người mới ốm khỏi, dùng lò ngải cứu để nâng cao sức khỏe, đề phòng bệnh sinh hoặc tái phát. Người xưa từng đúc kết nhiều phương huyệt như cứu Túc tam lý, Thần khuyết để kéo dài tuổi thọ, hay cứu 7 huyệt dự phòng trúng phong (Bách hội, Phong trì, Kiên tỉnh, Khúc trì, Phong thị, Túc tam lý, Huyền chung) rất hiệu quả … Theo chúng tôi tùy theo tình trạng sức khỏe, tinh – khí – thần, âm dương tạng phủ thịnh suy mà chọn phương huyệt thích hợp để cứu dự phòng. Nên trong lĩnh vực này vẫn cần có sự chỉ dẫn tham vấn của thầy thuốc mới đem lại hiệu quả chắc chắn.
C/ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Cứu là phương pháp phòng trị bệnh đơn giản hiệu quả đã được chứng nghiệm qua hàng ngàn năm lịch sử. Cứu lò ngải là phương pháp cứu cải tiến vừa thừa kế tinh hoa, vừa khắc phục nhược điểm của các phương pháp đốt cứu cổ điển và cận đại. Tính tiện lợi của nó không những thích ứng với điều kiện kinh tế mà còn phù hợp với đặc trưng văn hóa Việt Nam, vừa đảm bảo giữ gìn được tính chất cổ truyền dân dã, vừa thích hợp với lối sống tiện nghi và quỹ thời gian eo hẹp của con người hiện đại.
So với “người anh em sinh đôi” là phương pháp châm, phương pháp cứu lò ngải cũng có nhiều ưu điểm nổi trội. Nếu châm đòi hỏi thao tác chuẩn mực điêu luyện, ấn định huyệt vị chính xác, thủ thuật bổ tả phức tạp, chỉ có thầy thuốc chuyên môn mới có thể thực hiện, thì cứu lò ngải dùng thao tác thủ thuật đơn giản, ấn định vùng huyệt rộng dễ xác định hơn, người bệnh hay người nhà bệnh nhân sau một lần được “cầm tay chỉ việc” là có thể thao tác tự điều trị tại nhà. Trong khi châm thường gây đau, gây cảm giác sợ hãi e dè, đòi hỏi chế đô vô trùng, tiệt trùng nghiêm ngặt (nhất là trong tình hình đại dịch AIDS hoành hành hiện nay), thì phương pháp cứu lò ngải chủ yếu mang lại cảm giác ấm nóng khoan khoái dễ chịu, không đòi hỏi thanh – tiệt trùng nghiêm ngặt, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường máu.
Bên cạnh các ưu điểm nêu trên, cứu lò ngải cũng có một vài nhược điểm như khói thuốc và mùi tàn thuốc có thể gây khó chịu cho một số người, thực ra nếu đầu tư công kỹ nghệ có thể chế được điếu ngải cháy không khói, nhưng khi ấy giá thành tăng nhiều lần so với điếu ngải thông thường, thực hiện điều đó có lẽ chưa thích hợp với giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Với các nội dung và đặc điểm đã trình bày, theo chúng tôi, cứu lò ngải thật sự là một phương pháp “khoa học, dân tộc, đại chúng”, là một nhiệm vụ thiết yếu cần đưa vào chương trình công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, nơi đời sống kinh tế văn hóa còn nhiều khó khăn. Chúng tôi xin kiến nghị tổ chức một Mô hình áp dụng cứu lò ngải trong CSSKCĐ
Nếu được sự quan tâm triển khai thực hiện của Bộ Y tế và các tổ chức Hội – ngành Đông y – châm cứu, nhất là sự nhiệt tình hưởng ứng hướng dẫn người bệnh của đội ngũ cán bộ y – bác sĩ, lương y hội viên Hội Đông y Việt Nam và Hội Châm cứu Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng nhất định chúng ta sẽ tổ chức thành công mô hình này.
Viết chuyên luận này, thật ra chúng tôi chỉ dám mạo muội đề xuất một ý tưởng từ kinh nghiệm thực tiễn cá nhân, do kiến thức và kinh nghiệm có hạn, thời gian thực hiện gấp rút, chuyên luận này hẳn còn không ít thiếu sót bất cập trong việc trình bày, kiến giải và kiến nghị, tác giả mong nhận được góp ý bổ sung của các cấp lãnh đạo Hội – ngành, các nhà hoạch định chính sách y tế, các nhà nghiên cứu chuyên môn, các học giả, các lương y lão thành cùng quý bạn đồng nghiệp để tu chính hoàn thiện trong những lần công bố sau, và quan trọng hơn là để sớm thực hiện cải tiến, khôi phục và phổ cập phương pháp cứu trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng thời gian đến.
Đà Nẵng, ngày Tiểu tuyết 22/11/2001
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Bs. Phạm Hưng Củng, Nghiên cứu ứng dụng xã hội hóa YHCT CSSKBĐ tại cộng đồng trong nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN ( in trong Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học về châm cứu (1967-1997), Viện châm cứu Việt Nam xuất bản 1997)
- Viện Đông y Hà Nội, Châm cứu học – tập 2 – NXB Y học Hà Nội 1979
- Học viện Trung y Nam Kinh (Viện Đông y Hà Nội dịch), Trung y học khái luận, Hội YHCT thành phố Hồ Chí Minh tái bản 1993.
- GS. Nguyễn Tài Thu – GS. Trần Thúy, Châm cứu sau Đại học, NXB Y học Hà Nội 1997
- Phạm Văn Điều, Đông y dược học khóa toát yếu, Tạp chí Đông y dược Sài Gòn xuất bản 1957.
- Thượng Trúc, Châm cứu học thực hành, NXB Chi Lăng, Sài Gòn 1974
- Học viện Trung y Thượng Hải, Châm cứu học, NXB Vệ sinh nhân dân – Bắc Kinh 1974
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089