Về tác giả và giá trị bộ sách “ĐÔNG PHƯƠNG Y HỌC TOÁT YẾU”
09/10/2024
“ĐÔNG PHƯƠNG Y HỌC TOÁT YẾU” (HÀ NỘI, 1933)
P.C.T
(Nguồn: Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 8 (5. 11. 1933), tr. 8-10)
Ông Nguyễn Hữu Cự, ở Hà Nội thì còn ai chẳng biết. Nhưng, biết thì biết vậy chứ cũng không rõ bằng ông ấy tự xưng ra. Cuối bài tựa của một cuốn sách thuốc ông ấn hành, ông nêu tên hiệu ông như thế này: “Hạc đảo lão nhân, Nguyễn Hữu Cự, nguyên Bắc Kỳ nhân dân biểu viện, viện trưởng; Quang Lộc tự thiếu khanh; thưởng thụ đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh“.
Những sách thuốc của ông ấy in ra, sai lầm nhiều lắm, cho đến bài tựa ông làm cũng chất đống những chỗ sai lầm, để rồi sau đây tôi sẽ chỉ trích. Nhưng đến những tên hiệu chức tước ông trên đây thì đúng cả, khá! khỏi sai chỗ nào.
Ông năm nay giỏi lắm được 60 tuổi, nhưng ông đã muốn tự nhận mình là già thì xưng là “lão nhân” cũng được đi. Còn, ông có làm viện trưởng Viện nhân dân đại biểu hay là viện dân biểu Bắc Kỳ đến hai lần, dù ông kêu trật đi là “nhân dân biểu viện” cũng được. Hàm Quang Lộc tự thiếu khanh và Bắc đẩu bội tinh hạng năm của Nam Triều và chánh phủ Bảo hộ đã thưởng cho ông về công khẩn hoang lập ấp hay công gì không biết, thì cũng kể là xứng đáng, chúng ta chẳng nên nói đến.
Duy phải biết ông Nguyễn Hữu Cự xuất thân chẳng từ Hán học cũng chẳng từ Tây học. Hồi trước, ông chỉ vì có quan hệ riêng với một người Pháp, được người ấy cất nhắc dần dần cho mà phất lên. Ông Cự vốn tính siêng năng chịu khó, lại gặp cơ hội tốt cho nên phất lên cũng dễ lắm. Hồi còn thịnh, ông có một cái đồn điền đến những 12 trại, trên một vạn mẫu ruộng. Người đời hết thịnh tới suy. Nay đến lúc suy của ông, đồn điền không còn nữa, hơn vạn mẫu về tay kẻ khác thì cũng là sự thường.
Tổng chi, con người ông Cự và cái đời làm ăn, giàu, nghèo của ông ấy, chúng tôi không kể đến làm chi. Chỉ kể cái nghề ông mới xoay qua là nghề làm thuốc. Chẳng những còn vốn liếng bao nhiêu đem mở một cửa hàng thuốc bắc tại Hà Nội, ông Cự còn dịch và in sách thuốc ra, một cuốn chừng 80 trang mà bán những 6 hào. À, ngày nay ông cố quay kiếm ăn về miền này rồi đây.
Nghề là nghề quan hệ với nhân mạng, có phải chơi đâu, thế mà lấy một người không tinh về nghề ấy đứng chủ trương công việc; chẳng những bốc thuốc lấy tiền, sống chết mặc bay, mà lại còn đòi làm sách dạy đời nữa, thế mới nguy hiểm cho người ta chứ!
Tôi nói thế đó, song ông Cự có chịu đâu. Trong bài tựa sách mới vừa nói trên đó, ông có khai lý lịch của mình rằng: “Tôi (ông Cự) ngoài ba mươi năm nay, hết trên rừng lại dưới bể, khẩn hoang hàng mấy vạn mẫu (?), gia đình có mấy vạn người (?)… tuy rằng có thầy có thuốc, mà cũng có bệnh khỏi, bệnh không. Hoàn cảnh thời thế ép tôi phải nghiên cứu, có kinh nghiệm mới tỉnh ngộ… Đó là cái kinh nghiệm tâm đắc của tôi trong mấy chục năm nay”.
Thấy nói mà dửng dừng dưng! (c) Học thuốc bắc chỉ nhờ có thông chữ Hán. Mà ông Cự biết chữ Hán ít quá thì dựa vào đâu mà nghiên cứu, cũng dám nói rằng hoàn cảnh ép phải nghiên cứu? Hoàn cảnh ép ông mà tịt mù chữ Hán đi thì mới nghiên cứu sách thuốc làm sao? Dù cho sức học của ông đủ mà nghiên cứu sách thuốc chăng nữa là ông cũng không có thời giờ. Người ta nói hồi ông ở Vĩnh Yên, sáng bốn giờ đã dậy, rồi đi ngoài ruộng luôn cho tới 12 giờ; chiều lại cũng đi; hở ra thì đeo lấy cuốn sổ với cái bàn tính, thì còn phút nào là phút thừa mà để mắt để lòng vào sách thuốc? Còn chưa nói 12 nơi đồn điền của ông mỗi nơi có trử một ả hầu non, hễ tới đâu thì “bận dư chết” ở đó, còn có sức nào mà học, mà học cho có “tâm đắc”?
Đại khái ông có học cũng học bằng tai thôi. Cho nên về y lý y phương ông biết mập mờ lắm. Đến nỗi cũng trong bài tựa ấy cử ra bốn cái tên thầy thuốc Tàu đời xưa mà đã sai hết hai tên rồi.
Thế mới bướng! Tỉnh Y sao lại gọi là “cụ” được? Nó là tên sách chứ có phải tên người đâu mà “cụ”? Vả, Ngô Hựu Khả làm ra sách “Tỉnh y lục thư”, mà “Ôn dịch luận” là một, thì há phải chỉ sách danh về khoa ấy mà thôi? Đến “Y lâm cải thác” cũng lại là tên sách nữa, mà cũng gọi bằng “cụ” được đi! Thế thì người ta có muốn biết “Y lâm cải thác” ai làm ra không? Tác giả của nó là Vương Huân Thần, tức Vương Thanh Nhiệm kia mà.
Nực cười thay cho ông lang đã sáu mươi tuổi đầu, tên sách thuốc, tên thầy thuốc đời xưa còn chưa biết, mà dám chưng dao cầu ra đã quá rồi, lại nghiễm nhiên làm sách dạy người!
Đầu bài tựa ấy ông Cự nói “một hôm xem quyển “Nghiên cứu thuốc phương Đông” của các nhà bác sĩ hội Y học nước Mỹ, chống tay ngồi nghĩ…” nên mới phát nguyện ra nghiên cứu y thư. Tôi thấy nói mà ngạc nhiên! Chẳng biết sách “Nghiên cứu thuốc phương Đông” ấy của mấy bác sĩ Mỹ làm ra bằng tiếng gì; tiếng Anh chắc; nhưng tiếng Anh, ông Cự không đọc được; vậy thì hỏi ở ta đây ai từng đã dịch sách ấy ra quốc ngữ?… ‒ Ba cái tên sách Tàu, thầy thuốc Tàu mà nói còn không chảy, cũng đòi giở đến sách Tây ra! Thật rõ ông Cự cả gan muốn qua mặt hết thảy bà con mình.
Những sách của ông Cự xuất bản, rồi đây tôi sẽ bới hết những chỗ sai lầm ra cho độc giả khỏi theo đó mà sai lầm. Trước khi làm việc ấy, tôi hẵng phê bình ông Cự với cái nghề ông ở đây cho thiên hạ biết.
Tôi nói rút lại một câu: Ông Nguyễn Hữu Cự làm gì thì làm, chứ ông không biết thuốc thì chớ nên làm thuốc và làm sách thuốc.
(c) Xin nhắc lại một nhận xét: trong từ vựng Phan Khôi thường dùng, “dửng dừng dưng” thường có nghĩa là kinh ngạc, đáng ngạc nhiên (L.N.A.)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 1
- Hôm nay: 36
- Tất cả: 38039