Bọ mẩy chữa sốt mùa hè
18/01/2024
Cách đây 15 năm, một đồng nghiệp là lương y Trần Đình Niên giới thiệu cho tôi biết ông đã phát hiện cây Bọ mẩy có mọc hoang ở xã Hòa Nhơn. Trong đợt điều tra cây thuốc mới đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát và nhận thấy cây này phân bố khá phổ biến ở các xã trung du và miền núi huyện Hòa Vang.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS. Võ Văn Chi, Bọ mẩy còn gọi Đắng cẩy, Clerodendron cyrtophyllum Turcz., thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.
Đây là loài cây bụi hay cây nhỡ cao khoảng 1,5m, có các cành màu xanh, lúc đầu phủ lông, về sau nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục – mũi mác hay hình trứng thuôn, dài 6-15cm, rộng 2,5-7cm, chóp nhọn và thường có mũi, gốc tròn hay hơi nhọn; phiến lá thường nguyên, ít khi có răng, gân nổi rõ ở mặt dưới. Hoa màu trắng ít khi đỏ, hợp thành ngù, ở đầu các cành phía ngọn cây; nhị thò ra ngoài và dài gần gấp đôi ống tràng. Quả hạch mang đài tồn tại. Mùa hoa quả từ tháng 6-8.
Cây mọc trong rừng thưa, ven rừng, các trảng cây bụi, ven đường đi từ các vùng thấp lên độ cao 1.000m. Phân bố gần khắp nước ta từ Lai Châu, Lào Cai, cho đến Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia.
Để sử dụng làm thuốc, người ta thu hái rễ và lá quanh năm. Rễ mang về rửa sạch, thái lát, phơi khô để dùng, lá dùng tươi hay sấy khô.
Theo Đông y, các vị thuốc từ Bọ mẩy còn có tên Đại thanh, có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, lương huyết, giải độc, tán ứ, cầm máu.
Người ta thường lấy lá non hấp cơm hoặc luộc chín làm rau ăn có vị đắng, nên gọi là “rau đắng”, có tác dụng lợi tiêu hóa. Rễ thường được nấu nước cho phụ nữ sinh đẻ uống để lọc máu và bồi bổ cơ thể. Cây thường được dùng trị viêm ruột, lỵ trực trùng ra máu; viêm hầu họng, viêm amydan; viêm phổi sau khi bị sởi; viêm tuyến nước bọt; cảm mạo, phát sốt; răng lợi xuất huyết; chữa hư tổn và điều trị đơn sưng rất có hiệu quả. Người ta cũng thường dùng lá Bọ mẩy tươi nấu nước tắm trị ghẻ lở.
Ở Hương Cảng – Trung Quốc, thường dùng làm thuốc với nhiều công dụng: Dự phòng viêm não tủy sống, viêm não truyền nhiễm B; Cảm sốt nói chung, viêm đường hô hấp trên, viêm amydan; Viêm phổi sau khi bị sởi; Viêm tuyến mang tai truyền nhiễm; Nhiễm khuẩn gan; Lỵ; Tổn thương đường tiết niệu.
Liều dùng phổ biến 15-30g dạng thuốc sắc, có thể nấu thành cao hoặc dùng thuốc bột.
Đơn thuốc có Bọ mẩy:
– Bệnh ôn nhiệt, sốt nóng mùa hè, chứng thực nhiệt, sốt cao, nhức đầu, tâm phiền khát nước: dùng lá Bọ mẩy tươi 12-20g, nấu nước, hòa với đường cho uống.
– Trẻ em sốt bại liệt, sốt viêm não, sốt phát ban, quai bị, sốt xuất huyết: Bọ mẩy, Kim ngân, Thạch cao, Huyền sâm, mỗi vị 20g, sắc uống.
– Ngộ độc Nhân ngôn hay Ba đậu: Dùng rễ Bọ mẩy tươi giã nhỏ, chế nước và vắt lấy nước cốt, hòa đường cát vào uống càng nhiều càng tốt để giải độc.
– Chữa lỵ trực trùng: dùng rễ Bọ mẩy, rễ Phèn đen, mỗi vị 15g sắc uống.
– Đàn bà rong huyết: Ngó sen sấy khô, giã nát rồi trộn với rễ Bọ mẩy nấu nước uống với rượu, mỗi lần 1 muổng canh.
– Cầm máu khi băng huyết: Lá Bọ mẩy tươi giã ra, thêm nước gạn uống.
– Viêm não B truyền nhiễm: Dùng lá và rễ Bọ mẩy tươi giã ra từ 15-30g nấu nước uống, cách 4 giờ một lần.
Theo Lương y Trần Đình Niên, ông thường hái lá và rễ, ứng dụng chữa bệnh hạ sốt rất tốt cho các bệnh ôn bệnh mùa hè. Các bệnh thực nhiệt, lỵ, các bệnh đơn sưng, cảm sốt thể phong nhiệt, quai bị dùng độc vị hay phối hợp với các vị thuốc khác đều có kết quả rất tốt.
Với sự phát hiện và kinh nghiệm sử dụng bước đầu như nêu trên, từ năm 2002, lương y Trần Đình Niên đã giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp quan tâm nghiên cứu, sử dụng Bọ mẩy điều trị cho người bệnh, vừa rẻ riền, vừa dễ kiếm, lại phù hợp với thủy thổ của địa phương. Xin trân trọng ghi nhận một tấm gương thầy thuốc có nhiều tìm tòi ứng dụng thuốc Nam tại thành phố Đà Nẵng.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 0
- Tất cả: 38100