Ai là tác giả câu thơ Dưỡng sinh nổi tiếng ?
24/10/2023
Vốn học thuốc rất trễ (gần tuổi “tam thập nhi lập”), lại học theo lối “3 không”, là không gia truyền (gia đình không có ai làm nghề thuốc cả), không chính quy (chỉ có bổ túc, nâng cao, chuẩn hoá…) và không thầy (xin nói ngay kẻo hiểu lầm, học không thầy là “học vô thường sư”, không theo một ông thầy nhất định nào suốt trong quá trình học tập, nghĩa là… gặp ai cũng học, ai cũng là thầy), nên có nhiều vấn đề người ta biết chắc từ lâu nhưng với tôi thì luôn thấy… ngờ ngợ, đành chịu khó lật sách tìm đọc cho tới khi thực mục sở thị mới chịu tin.
Trường hợp tác giả hai câu thơ nổi tiếng: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần / Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” là một ví dụ.
Có lẽ, nhiều bạn đọc cũng như tôi từng đọc hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm bài báo hay cuốn sách có trích dẫn câu thơ đó.
Ngoại trừ một vài trường hợp nhầm lẫn là của Hải Thượng Lãn Ông, (có lẽ xuất phát từ một vị bác sĩ khả kính, với dụng ý tốt đẹp là mượn một vài từ dùng của HTLÔ trong tác phẩm Vệ Sinh Yếu Quyết để sửa lại câu trên thành “GIỮ tinh, dưỡng khí, tồn thần / Thanh tâm, TIẾT dục, thủ chân, luyện hình” cho người đọc thời nay dễ hiểu dễ làm trong một cuốn sách dưỡng sinh; nhưng khi tham gia biên soạn trong Bách Khoa Thư Bệnh Học, vị thầy thuốc danh tiếng này lại quên khuấy câu mình sửa chữa lại tưởng là của… HTLÔ thật, khiến cho không ít người từ đó mà nhầm theo). Phần lớn các tác giả còn lại đều khẳng quyết rõ ràng câu thơ dưỡng sinh kia là của Tuệ Tĩnh.
Có một giáo sư viết một bài rất hay về hai câu thơ đó, gọi là bài thuốc trường sinh tuyệt hảo. Nhưng cũng chính vị giáo sư này trong một bài viết khác kể chuyện về bệnh tình chí theo Tuệ Tĩnh đã chỉ rằng “2 câu thơ dưỡng sinh cụ ghi lại trong sách Nam Dược Thần Hiệu (NDTH)” khiến tôi phải mất hơn nửa đêm ngồi lục tung cả cuốn sách thuốc Nam danh tiếng mà vẫn không tìm được xuất xứ câu thơ.
Tức mình, tôi bỏ hẳn mấy ngày ngồi đọc thêm toàn bộ quyển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư (HNGTYT), bản dịch của Phòng Tu thư Huấn luyện Viện Đông y, nxb Y học, Hà Nội in lần đầu năm1978. Cuối cùng cũng tìm được xuất xứ hai câu thơ danh tiếng kia ở phần Các đơn thuốc, cụ thể là bài Bổ âm đơn.
Nhưng có điều đáng nói là tác giả phần Các đơn thuốc trong bộ HNGTYT không phải là Tuệ Tĩnh, mà là của “Tráng Nho lão” có ghi rõ trong câu đầu bài diễn ca Các đơn thuốc. Theo chú thích của các dịch giả, “Tráng Nho lão” tức “Tráng Nho lão truyền vật” là tên hiệu của người soạn bài ca các đơn thuốc. Soạn giả người đời Lê, quê ở huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam hạ, gần nơi tu trì của Tuệ Tĩnh, tên tự là Tác Phúc, biệt hiệu là Hành Thọ đường, còn tên chính không rõ là gì? “Tráng Nho” là người nho ngu xuẩn (lời tự khiêm), ý nghĩa cũng giống chữ “Tráng Tử”, tên hiệu của Tuệ Tĩnh, có lẽ soạn giả là người nho học mà theo học về y, và theo môn phái Tuệ Tĩnh, hay chính là môn đồ của Tuệ Tĩnh? (trang 293 sách đã dẫn, điểm nhấn mạnh của người viết bài này). “Cái gì của César nên trả lại César …”, có lẽ đã đến lúc ta nên trả lại quyền tác giả 2 câu thơ nổi tiếng trên cho Tráng Nho lão.
Cũng có đôi điều tương tự xin nói thêm về câu tuyên ngôn bất hủ : “Tôi tiên sư kính đạo Tiên sư / Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” trong bài Nam dược quốc âm phú. Không biết vô tình hay hữu ý, khá nhiều vị học giả đã tự tiện đổi tôi (nghĩa bề tôi) thành ta (nghĩa chúng ta) hoặc tôn (nghĩa tôn kính), hoặc đổi Nam Việt thành Việt Nam một cách hồn nhiên mà bất chấp sự thật lịch sử.
Thêm một điều tôi không hiểu là tự bao giờ và từ đâu câu tuyên ngôn viết bằng chữ Nôm càng làm tăng thêm giá trị ý nghĩa của nó đã bị chuyển ngược thành câu chữ Hán “Nam dược trị Nam nhân”, thiết tưởng cũng là điều cần nghiên cứu kỹ để trả lại cho câu tuyên ngôn đúng sự thực văn bản của nó.
Rõ ràng vấn đề cần tìm hiểu chính xác các câu viết hay các văn bản tác phẩm thật sự do Tuệ Tĩnh viết trong các quyển sách còn truyền lại đến ngày nay đã trở thành một nhu cầu cấp thiết khi nghiên cứu về Tuệ Tĩnh.
Sự sàng lọc đó có thể minh định cho thấy tác phẩm thật sự của Tuệ Tĩnh còn lại không nhiều, nhưng qua đó càng cho thấy những quan điểm đường hướng xây dựng một nền y học dân tộc mới mẻ và sáng tạo mà Tuệ Tĩnh khai phá đã có tầm ảnh hưởng rộng rãi lớn lao, có thể nói là bao trùm lên các y gia đương thời và hậu thế.
P.C.T
2004
2 Replies to “Ai là tác giả câu thơ Dưỡng sinh nổi tiếng ?”
Trả lời
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 9
- Tất cả: 38093
Thông tin rất bổ ích
Hay