Một số ghi chép về HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG và bộ sách Y TÔNG TÂM LĨNH
13/11/2024
Bộ “Lãn Ông tâm lĩnh” ngay khi mới hoàn thành bản thảo, chưa khắc in đã được học trò của Lãn Ông sao chép học tập và lưu truyền trong y giới đương thời. Trong Thượng kinh ký sự có kể một chuyện khá thú vị. Một người học trò của Lãn Ông cho biết có biếu một bản sao bộ sách Tâm lĩnh cho người bạn tên Sự, người Hoa ở kinh đô. Anh ấy ngày đêm học tập, qua đó học thuật ngày một tiến bộ, trở thành thầy thuốc nổi tiếng ở kinh đô. Mặc dầu chưa gặp mặt bái sư, nhưng thầy thuốc này đã lập bàn thờ thờ sống Lãn Ông, nay nghe tin thầy lên kinh, đã mời thầy về nhà cảm tạ. Dưới đây là một số ghi chép trong các tác phẩm chữ Hán của người đồng thời và đời sau nhận định về tác giả, tác phẩm Hải Thượng Lãn Ông.
Hải Dương phong vật chí ra đời vào đầu thế kỷ XIX, sách do Trần Huy Phác (1754-1834), hiệu Đạm Trai biên soạn về đề tựa vào năm Tân Mùi (1811), Hải Thượng Đường Phong Bùi Dã Sĩ đề bạt năm Nhâm Thân (1812), Ân Quang hầu Trần Công Hiến (? – 1817) trông coi việc khắc in vào khoảng nửa đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820). Trong mục Danh y sách này có viết: “Xã Liêu Xá, huyện Đường Hào có con trai quan Thượng thư Lê Hữu Kiều di cư vào Nghệ An làm thuốc, hiệu là Lãn Ông, có soạn phương thư (sách ghi chép các phương thuốc) lưu hành ở đời”[1].
Tác giả Phạm Đình Hổ (1768-1839), trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút (Nguyễn Hữu Tiến dịch), trong mục Y học có bình luận: “Nước ta về đời Lê có hai ông danh y: Một là ông Lê Lãn Ông người làng Liêu Xá, ngụ cư ở Nghệ An, chúa Trịnh Tĩnh Vương thường đón ông về kinh đô để chữa bệnh. Ông có làm ra sách Lãn Ông toàn tập, Mộng trung giác đậu, và bộ sách Ma chẩn chuẩn thằng, học lực thâm thúy, nghị luận xác đáng, song cũng ít dùng thuốc công tán. Học giả bấy giờ vẫn cho đó là châu ngọc cách ngôn. Tiếc rằng ta chưa được xem hết bộ sách của ông. Hoặc có người nói ông là con Lê Hữu Kiều, song chưa xét được rõ. Hai là quan Thị Trà, người Xuân Dục, tên Nguyễn Quý…”[2]
Các tài liệu dẫn trên có một chút lầm lẫn hoặc nghi vấn về tựa đề các sách hoặc người cha của Lãn Ông là Lê Hữu Kiều, thực ra đó là người chú ruột, còn cha đẻ của Lãn Ông là Lê Hữu Mưu. Tuy nhiên, xem qua như vậy cũng đủ biết bộ sách Lãn Ông đã có tiếng vang và ảnh hưởng ngay với người đương thời hoặc sau ông chừng vài ba chục năm.
Trương Quốc Dụng (1797–1864), là danh thần, là nhà văn, và là người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam thời Nguyễn, trong tác phẩm Thoái Thực Ký Văn (Ghi chép những điều nghe được lúc lui về dùng cơm) viết bằng chữ Hán, có ghi lại câu chuyện: Có một người họ Nguyễn ở làng Hoàng Cần (cùng làng với Trương Quốc Dụng) lúc trẻ bị bệnh đau bụng, chữa gần một năm không khỏi nên đến xin gặp thầy Huân (Lê Hữu Trác) để chữa bệnh. Khi đến nhà thầy Huân thấy một tấm biển treo trước của nhà, nhắc người bệnh đến đây chớ nói bệnh trước, đợi thầy xem mạch đoán chứng, không sai thì mới chữa; nếu sai tức là kiến thức chưa đủ, xin tìm thầy thuốc giỏi khác. Đến khi thầy Huân thăm bệnh, nói đúng y như bệnh tình của ông họ Nguyễn. Sau khi được chữa khỏi bệnh, ông họ Nguyễn bèn mổ lợn thổi xôi, cầm một thỏi bạc đến tạ ơn, thầy Huân nói: “Tiền thuốc hôm trước thật ra không đến nửa, song vì ông cũng có tiền, nên tôi lấy cả để giúp những người nghèo không trả được mà thôi”. Trương Quốc Dụng nói rõ thêm: “Sách của thầy có Lãn Ông Y Án lưu truyền ở đời. Đời sau ca ngợi y thuật mà không biết thầy còn là một bậc cao sĩ”[3].
Về câu chuyện trên đây, dẫn lại theo bài “Một số vấn đề về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Thượng Kinh Ký Sự” [4], theo thiển ý của tôi, về vấn đề tấm biển treo trước nhà nói trên rất có thể là ngoa truyền, do người đời quá mến mộ tài năng của Lãn Ông mà thêm thắt, bởi vì một thầy thuốc rất có trách nhiệm với người bệnh và nghề nghiệp như Lãn Ông không thể y cứ mỗi chuyện xem mạch mà bỏ qua quy trình “vọng, văn, vấn, thiết” (trông, nghe, hỏi và cuối cùng mới xem mạch, vốn đã thành quy trình khám bệnh bắt buộc của thầy thuốc chân chính trong Đông y.
Nếu ai không tin, xin hãy đọc trong Y âm án số 3, nhân ghi lại một bệnh án tử vong vì chứng thủy kiệt hỏa bốc lên, Lãn Ông đã có những suy ngẫm thống thiết rằng: “Làm thuốc là việc giữ mạng người, cứu sống người là bổn phận mình, gặp chứng dễ dàng, hỏi đi hỏi lại kỹ càng rồi cho thuốc; gặp bệnh khó khăn, không nên vì giàu nghèo sang hèn mà thay đổi lòng, tùy chỗ gấp thì phải gấp đành chịu vất vả, không ngại đêm hôm mưa gió, thân đến nơi xem, tuy không có tài thần thánh công xảo [ Nạn kinh 61 nói: thầy thuốc nhìn (vọng) liền biết bệnh là thần, nghe (văn) liền biết bệnh là thánh, hỏi (vấn) liền biết bệnh là công, bắt mạch (thiết) liền biết bệnh là xảo], nhưng vọng văn vấn thiết cũng không thể bỏ sót một cái nào, nhận đúng bệnh tình, rồi mới cho thuốc, há nên coi mạng người như cỏ rác mà mò mẫm để làm thí nghiệm hay sao?”.
Hoàng Cao Khải (1850-1933), nhà văn, nhà sử học cũng là đại thần của Triều Nguyễn, trong tác phẩm sử học viết bằng chữ Hán là Việt Sử Yếu, đã dành nguyên một chương ghi chép các nhà y học về đời Hậu Lê, là chương thứ 11 tức chương cuối của tiết thứ 5 về “Thời đại Nam bắc phân tranh” như sau:
“Lê Hữu Trác, người làng Hiệu Xá (Liêu Xá) , huyện Đường Hào (nay thuộc tỉnh Hải Dương) vốn là con nhà danh giá.
Ông Trác học vấn tinh thông và uyên bác. Nhưng gặp hồi Lê Mạt, ông không chịu ứng thí, mà lại chú ý theo nghề thầy thuốc, đã trở nên một vị danh y trong đời.
Chúa Trịnh Sâm thường mời ông Trác đến chữa bệnh cho con là Trịnh Cán.
Ông Trác có sáng tác một bộ sách thuốc, mang tên là Hải Thượng lãn ông gồm 26 quyển.
Ông được người trong nước tôn xưng là “Y thánh” nghĩa là ông thánh về nghề thuốc.
Nhà làm sử bàn: Tại nước Việt Nam chúng ta, nho học cũng như y học, những hạt giống nguyên từ Trung Quốc được đưa sang.
Nho học là để mở mang trí khôn; y học là để gìn giữ sức khỏe. “Nho học bất minh, y lý hạt tinh”, nghĩa là học nho đã không sáng tỏ, thì y lý không thể nào tinh thông được. Thế mà tục nước ta lại quý trọng nhà nho, khinh thường thầy thuốc, là tại làm sao?
Nhưng chúng tôi xem xét trong khoảng từ nghìn năm tới nay, những người được tôn xưng là danh nho, tuy trước thuật rất nhiều, nhưng chưa nghe nói có một quyển sách nào khả dĩ chữa bệnh cho nước ta, mà làm tăng tuổi thọ cho dân ta được.
Còn như toàn tập Hải Thượng lãn ông của Lê Hữu Trác, nếu đem so sánh với các bộ sách của những danh gia Trung Quốc thì tập sách của ông Trác có phần hay hơn, chứ không chịu thua kém.
Đến ngày nay, người nước ta còn nhờ ơn ông Trác. Ông Trác thật có công lao với nước ta không biết bao nhiêu mà kể vậy!
Cho nên chúng tôi vốn nói: Hải Thượng lãn ông quả thật là một nhà danh y của nước ta, đồng thời cũng thật là một nhà danh nho của nước ta vậy”[5].
Có lẽ nói không ngoa đây là những lời đầu tiên tán thán, khẳng định chân giá trị của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tác phẩm Lãn Ông Tâm Lĩnh một cách đúng mực dưới góc độ một nhà sử học đầu thế kỷ XX trong tác phẩm sử học cuối cùng viết bằng chữ Hán của Việt Nam.
PHAN CÔNG TUẤN
13/11/2024
[1] Trần Công Hiến – Trần Huy Phác, Hải Dương Phong Vật Chí, Nguyễn Thị Lâm dịch, NXB Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2009, tr.237
[2] Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, Nguyễn Hữu Tiến dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001, tr. 128.
[3] Trương Quốc Dụng (2019), Thoái Thực Ký Văn, Nhượng Lê dịchNxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.249.
[4] Bộ Y Tế, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng, NXB Y học, Hà Nội, 2023, tr.73.
[5] Hoàng Cao Khải, Việt Sử Lược, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch, NXB Hồng Đức tái bản, Hà Nội, 2021, tr. 367.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 77
- Tất cả: 38080