Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

THẾ NÀO LÀ CỨU BỔ, CỨU TẢ?

13/10/2024

Một bạn sinh viên YHCT năm thứ 4 cho biết cô giáo dạy môn châm cứu ở một cơ sở đào tạo Đại học có hỏi cứu tả như thế nào. Bạn này căn cứ đọc theo sách CHÂM CỨU của Khoa YHCT ĐH Y HN (vì giáo trình châm cứu của nhà trường này không đề đến bổ tả trong phương pháp cứu) trả lời cứu tả là cứu điếu ngải theo kiểu mổ cò, nếu bệnh nhân thấy nóng rát thì liền lấy ra. Nhưng cô giáo đã kết luận trả lời vậy là sai. Vậy cần hiểu đúng cứu tả cũng như cứu bổ như thế nào?

Kết hợp cứu điếu ngải với điện châm chữa liệt mặt. Ảnh: P.C.T
Theo chúng tôi, thủ thuật bổ tả trong phép châm khá phức tạp, nhưng thủ thuật bổ tả theo phép cứu khá đơn giản.
Trong thiên 51 Bối du của sách Linh Khu (《黄帝内经-灵枢》第51章 背俞) đã đề cập về bổ tả của phương pháp cứu như sau: “Lấy hỏa khí (của mồi/ điếu ngải) để bổ thì không nên thổi vào lửa của mồi/điếu ngải, để cho nó từ từ cháy hết; Khi dùng hỏa khí để tả thì nên thổi mạnh vào lửa khiến điếu/ mồi ngải cháy thật nhanh cho đến hết” (以火补者,毋吹其火,须自灭也;以火泻之,疾吹其火,传其艾,须其火灭也).
Sách CHÂM CỨU HỌC tập 2 của Viện Đông y, nxb Y học, 1979, có nêu rất rõ:
Cứu bổ thì gây cho bệnh nhân cảm giác nóng ấm dễ chịu, như cách cứu gián tiếp (mồi ngải) và cứu ấm (điếu ngải và mồi ngải) là hai cách cứu thường dùng theo cứu bổ.

Cứu tả thì phải làm cho bệnh nhân có cảm giác nóng rát, cứu bỏng (mồi ngải) và cứu mổ cò (điếu ngải) là hai cách dùng trong cứu tả.

Tham khảo các tài liệu trên, trong một tài liệu châm cứu bỏ túi chúng tôi tự soạn học có ghi lại bằng câu: “Cứu tả nóng rát lấy mau/ Cứu bổ ấm dịu để lâu ôn hòa“.

Như vậy, theo chúng tôi câu trả lời của bạn sinh viên về cứu tả như nói trên có thể chưa đầy đủ nhưng không sai.

Rất mong quý thầy cô xem xét lại.!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *