Trò chuyện với người dịch “KÝ SỰ LÊN KINH”
10/10/2024
Nhà thơ BÙI HẠNH CẨN (B.H.C) là một cái tên quen thuộc trong làng văn, làng báo ở thủ đô Hà Nội. Cụ sinh năm Kỷ Mùi (1919, nhưng giấy tờ có khi ghi nhầm 1921), nguyên là Tổng thư ký Hội văn nghệ Hà Nội kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Phó Tổng biên tập báo Hà Nội mới…Cụ là tác giả nhiều sách đã xuất bản. Mấy năm gần đây, tranh chữ B.H.C còn là một thương hiệu nổi tiếng về một loại hình nghệ thuật độc đáo do cụ sáng tạo ra, từng được tổ chức triển lãm ở nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc và được nhiều người hoan thưởng (bìa 2 CTQ số 1 có đăng tranh chữ NGỰA của cụ dưới bút danh Lang Văn).
Với Tạp chí CTQ, cụ không chỉ là CTV đắc lực từ ngày ra Đặc san đầu tiên, mà còn là ủy viên Hội đồng cố vấn cho đến hiện nay. Nhân chuẩn bị đón chào năm mới 2010, năm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và cũng là năm CTQ lên 10 tuổi, PV CTQ đã có cuộc chuyện trò thú vị về chuyện văn chuyện đời với người dịch tác phẩm Ký sự lên Kinh rất nổi tiếng của Hải Thượng Lãn Ông.
PV: Thưa cụ, được biết từ năm 1959, NXB Văn học Hà Nội đã xuất bản bản dịch Thượng Kinh Ký Sự do cụ Phan Võ dịch và cụ Bùi Kỷ hiệu đính. Thế thì nguyên do gì cụ quyết định dịch lại và công bố Ký sự lên Kinh tại NXB Hà Nội vào năm 1977? Trong bản dịch mới này cụ có kế thừa được những gì từ bản dịch của người đi trước hay không?
B.H.C: Thực ra trước cụ Phan Võ khá lâu, từ năm 1924, Nguyễn Trọng Thuật (tác giả tiểu thuyết Quả Đưa Đỏ) đã trích dịch giới thiệu Thượng Kinh Ký Sự trên Nam Phong tạp chí. Ở Sài Gòn trước 1975, Đình Thụ Hoàng văn Hòe có dịch và xuất bản bộ Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh, nhưng lược bỏ hầu hết phần thơ trong tập đầu cũng như tập Thượng Kinh Ký Sự. Bản dịch của Phan Võ chỉ dịch hết phần ký sự và phần lớn các bài thơ hay của tác giả cũng như một số bài họa có giá trị, “còn những bài thơ chỉ có tính chất thù tạc của người đương thời, nên không được hay và những bài thơ của tác giả nghĩa không được rõ thì chúng tôi không dịch” (nguyên lời Phan Võ). Tôi không đồng tình quan điểm này, thơ có thể hay, có thể dở, nhưng khi đã dịch phải dịch toàn bộ, có vậy mới thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả. Đó cũng là quan điểm nhất quán trong tất cả những cuốn dịch của tôi, như Tam Quốc Chí (cùng dịch với một người bạn theo đề nghị của nhà văn Như Phong, Giám đốc NXB Văn Học, nhưng rất tiếc là người bạn giữ bản thảo để cháy nhà mất bản thảo), Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương, Truyền kỳ… về Đoàn thị Điểm,…Tôi đã dịch Ký sự lên Kinh theo bản gốc ở Thư viện, nên không có ảnh hưởng gì ở người đi trước.
PV: Bản dịch Ký sự lên Kinh của cụ đến năm 2001 đã được NXB Văn học tái bản, và trong bộ sách đồ sộ Tinh Tuyển Văn Học Việt Nam cũng đã trích bản dịch của cụ trong phần giới thiệu về Lê Hữu Trác, qua đó cho thấy giá trị văn học của bản dịch của cụ, nhất là các bản dịch thơ. Ba yếu tố “nhã, đạt, tín” dường như được cụ quán xuyến trong toàn bộ dịch phẩm. Nhưng theo chúng tôi, điều quan trọng là phải có sự đồng điệu đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn nhà thơ thì mới dịch đạt như vậy. Qua câu chuyện lên kinh chữa bệnh rất sinh động hấp dẫn, nhất là qua tiếp xúc các bài thơ bộc lộ sâu sắc nhân cách tâm hồn tài năng của nhà thơ Lãn Ông, cụ đã có ấn tượng sâu sắc gì về tác giả, tác phẩm?
B.H.C: Lãn Ông là người văn võ song toàn. Cụ đã từng cầm quân, đánh giặc (thắng Phạm Hùng Trọng bắt được Võ Hữu Ca, Hai quan công..). Sau đó, tuy được mời ra đánh trận nhưng HTLÔ đã tự xin rút đường võ, viện cớ phụng dưỡng mẹ già nhưng có lẽ do chán nản thời thế nhiễu nhương. Có lẽ cũng vì văn võ song toàn như thế nên HTLÔ giỏi về nghề y (lương y như lương tướng mà!). Cũng bài binh bố trận, nhưng ở đây là trận địa thuốc men Quân, Thần, Tá, Sứ, Âm Dương…Đọc Ký sự lên Kinh, ta còn thấy Lãn Ông không chỉ là nhà thơ tài năng, rất ưu thời mẫn thế, yêu chuộng thiên nhiên, gần gũi với mọi người, mà còn là nhà văn tả chân tài tình. Nhờ nét bút của Lãn Ông mà chúng ta hôm nay còn hình dung được con người cảnh vật sống động của kinh đô Thăng Long, phủ Chúa Trịnh cách đây hơn 200 năm. Một nhà văn Pháp hiện đại là Yveline Féray đã lấy Ký sự lên Kinh của Lãn Ông hư cấu sáng tạo thành tiểu thuyết Monsieur le Paresseux và đã được dịch xuất bản tại Việt Nam. Tuy từ “ký sự” nguyên nghĩa là “ghi chép sự việc”, nhưng theo tôi, Lãn Ông là người nổi tiếng mở đầu thể lọai Ký sự (reportage) bộc lộ rõ nét cái “tôi” tác giả trong văn học Việt Nam (nên tôi dịch tựa Thượng Kinh ký sự là Ký sự lên Kinh), cũng như Hồ Xuân Hương là người mở đường thơ mới…
PV: Cách đây hơn một năm, trong ngày hội Đông y và SKCĐ tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, gặp một lương y Phó TBT tạp chí Đông y than phiền rằng ông đang tìm kiếm bản in chữ Hán Thượng Kinh Ký Sự mà chưa có, sau đó một thành viên BBT CTQ đã sao tặng lương y nọ một bản. Điều này nói lên dù đã có đến nhiều bản dịch nhưng vẫn còn có người có nhu cầu tìm đến nguyên bản để nghiên cứu học tập và việc lưu trữ bảo quản di sản Hán Nôm có nhiều vấn đề. Trên diễn đàn CTQ từng có ý kiến đề xuất khi tái bản tác phẩm của Lãn Ông nên trình bày song ngữ Hán Việt để phục vụ rộng rãi giới nghiên cứu học tập cũng là phương cách bảo tồn hữu hiệu di sản văn hóa của ông cha. Ý kiến của dịch giả B.H.C nghĩ sao về vấn đề này, và liệu cụ có cho phép trích đăng lại bản dịch của cụ có đối chiếu với bản gốc chữ Hán trên CTQ khi có cơ hội?
B.H.C: Tôi rất mừng và cám ơn nếu làm được điều đó, mong CTQ làm sớm lên đi.
PV: Sau 30 năm ẩn cư miền rừng núi Hương Sơn, trở lại kinh đô nơi tuổi hoa niên dùi mài kinh sử, Lãn Ông đã ngỡ ngàng với biết bao vật đổi sao dời của chốn phồn hoa đô hội. Ấy là cách đây 200 năm. Còn bây giờ, nhà thơ B.H.C cũng vốn từ quê hương Vụ Bản, Nam Bịnh lên kinh (Hà Nội) học tập, công tác, sống gắn bó với kinh kỳ đã gần ¾ thế kỷ, liệu nhà thơ có thấy có điều gì luyến tiếc ngậm ngùi cho sự thay đổi với tốc độ chóng mặt của Thủ đô Hà Nội hôm nay so với ngày cụ mới đặt chân đến lần đầu?
B.H.C: Thời gian thay đổi, kinh tế phát triển, nhiều nét đẹp cổ kính trong đời sống, văn hóa, con người Tràng an mai một đi, ai mà không luyến tiếc. Nhưng việc gì phải ngậm ngùi, chúng ta cần hội nhập, chung tay góp sức xây dựng đời sống văn hóa mới cho tương xứng với sự phát triển kinh tế, tôi hy vọng mai mốt sẽ còn tiếp tục đổi mới nữa. Thế mới là cuộc sống chứ!
PV: Thưa cụ, đã ngoài tuổi 90, thuộc hàng thượng thượng thọ, mà trông phong thái cụ vẫn mạnh khỏe trẻ trung, kể cả sức sáng tạo trong nghệ thuật như tác phẩm tranh chữ Đạo, trông rất… đời, rất tinh nghịch, chẳng thua gì lớp trẻ hậu hiện đại. Cụ có thể cho bạn đọc CTQ biết bí quyết “tu luyện” của mình?
B.H.C: Đã ngoài 90, tôi cũng có những vấn đề về sức khỏe nhất là mắt. Mắt phải teo thần kinh thị giác đã vài năm nay, còn mắt trái chỉ còn đọc được chút ít. Ông thấy đấy, tôi có đủ loại kính lúp để đọc. Nhưng tôi vẫn “tu luyện” theo những điều đọc được trên CTQ, những sách báo về giữ gìn sức khỏe, và nhất là luôn tìm cơ hội gần gũi hòa nhập với lớp trẻ… Nhờ vậy mà sống thọ và trẻ lâu chăng?
PV: Là CTV, có thể nói là sáng lập viên, là người nhà của CTQ (cụ là thân phụ của LYDS Bùi Thị Trường, nguyên Phó TBT CTQ), theo dõi từng bước đi lên của CTQ 10 năm qua, cụ có nhận xét gì về nội dung hình thức của CTQ hiện nay, và có cao kiến gì góp ý nâng cao chất lượng Tạp chí?
B.H.C: CTQ đã không ngừng cải tiến và đổi mới, vừa là tạp chí khoa học chính xác và nghiêm túc, vừa không quên mảng văn hóa văn nghệ giải trí. CTQ đã đi đúng đường hướng báo chí hiện đại, đừng vì một vài điều chưa đạt mà nản lòng thoái chí. Gần đây có thông tin dự án dịch Đông Y Bảo Giám, tôi đánh giá cao việc này và sẵn sàng làm cố vấn về từ Hán cổ nếu CTQ yêu cầu.
Xin trân trọng cám ơn nhà thơ B.H.C. về buổi trò chuyện thú vị này. Nhân năm cũ sắp qua năm mới sắp đến, kính chúc cụ dồi dào sức khỏe, tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm hay làm đẹp cho đời.
(P.C.T thực hiện, đã đăng CTQ)
Tác phẩm đã xuất bản của Bùi Hạnh Cẩn:
Năm đời Tổng Mỹ (truyện, 1973, bút danh Lê Xung Kích); Ký sự lên Kinh (dịch, thơ văn Hải Thượng Lãn Ông, 1972); Lê Quý Đôn (truyện ký, 1984); Bà Điểm họ Đoàn (nghiên cứu, 1987); Chinh phu ngâm (dịch của Hồng Liệt Bá, tránh nhầm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn); Tục ngữ cách ngôn thế giới (1990); 5000 thành ngữ Hán Việt (tra cứu, 1993); Chợ Viềng – hội Phủ (sưu tầm, khảo cứu, 1993); Từ vựng chữ số và số lượng (1994); Hồ Xuân Hương (sưu tầm, dịch, 1995); Nguyễn Bính và tôi (hồi ký, 1996); Các ông Nghè ông Cống triều Nguyễn (sách tra cứu, viết chung, 1995); Tuyển tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du (dịch, 1996); Tuyển tập thơ phú Nôm của Nguyễn Huy Lượng (dịch, 1996)…
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089