Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

CHÂM CỨU VỠ LÒNG

28/09/2024

LGT: Năm 1992, khi mới bắt đầu học Châm cứu, giữa đống tài liệu mênh mang, tôi thường chon tập trung học một số nhóm huyệt đặc biệt, thường sử dụng trên lâm sàng, để gia công biên soạn thành văn vần cho dễ thuộc, dễ nhớ. Nay xin góp nhặt lại, hy vọng giúp ích chút đỉnh cho người mới nhập môn. Đây mới chỉ là phần toát yếu, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về vị trí, công dụng, cách dùng, phương pháp châm từng huyệt qua các tài liệu chính thống.

P.CT.

MỘT SỐ NHÓM HUYỆT ĐẶC BIỆT

1. BÁT HỘI HUYỆT

Phủ Trung quản, Tạng Chương môn,
Cách du Huyết hội, Khí đồn Chiên trung.
Cốt Đại trữ, Tủy Huyền chung,

Cân Dương lăng hội, Mạch phùng Thái uyên./.

2. NGUYÊN HUYỆT

Phế Thái uyên, Đại trường Hợp cốc,
Tỳ Thái bạch, Vị bộc Xung dương,
Thần môn nguyên huyệt Tâm vương,
Uyển cốt nguyên của thái dương Tiểu trường,
Thận Thái khê, Bàng quang Kinh cốt,
T.Bào Đại lăng, T. Tiêu chốt Dương trì,
Thái xung Can thổ trị vì,

Khâu khư nguyên Đởm ta ghi tỏ tường./.

3. LẠC HUYỆT

Phế Liệt khuyết, Đại trường Thiên lịch
Tỳ Công tôn, Vị đích Phong long.
Kinh Tâm Thông lý nối vòng
Chi chánh lạc huyệt ở trong Tiểu trường
Thận Đại chung, Phi dương Bọng đái (BQ)
T.Bào Nội quan, T.Tiêu tại Ngoại quan
Lãi câu lạc huyệt kinh Can
Quang minh kinh Đởm thuộc hàng thiếu dương.
Nhâm Cưu vĩ, Đốc Trường cường,

Đại bao tổng lạc âm dương thông Tỳ.

4. BỐI DU HUYỆT
Đại – Phong – Phế – Quyết – Tâm – Đốc – Cách
Đốt 8 qua, huyệt mạch lại đều.
Can – Đởm – Tỳ -Vị – Tam tiêu
Thận du, Khí hải, tiếp theo Đại trường
Quan nguyên với, Tiểu trường tuần tự ,
Bàng quang du, Trung lữ, Bạch hoàn.
Xúc chẩn tạng phủ lẹ làng,
Âm dương thiên vượng, phong hàn giải mau.
5. MỘ HUYỆT
Chiên trung : Bào lạc ; Cự khuyết : Tâm vương
Trung quản : Vị mạc ; Quan nguyên : Tiểu trường
Thạch môn : Tam tiêu ; Trung cực : Bàng quang

Sáu mộ huyệt ấy thuộc hàng mạch Nhâm.

Trung phủ – Phế, Kỳ môn – Can
Nhật nguyệt Đởm mộ trú an kinh nhà.
Thiên xu ngang rốn kéo ra,
Nằm trên kinh Vị, mộ qua Đại tràng.
Chương môn Tỳ mộ nương Can

Kinh môn Thận mộ náu đàng Đởm kinh./.

6. KHÍCH HUYỆT

Khích là khe, khí tụ nương.
Phế ở Khổng tối, Đại trường Ôn lưu.
Địa cơ Tỳ, Vị Lương khâu,
Âm khích, Dưỡng lão – Tâm giao Tiểu trường
Thủy tuyền Thận, Kim môn Bàng (Q.)
Khích môn Bào lạc, T.Tiêu tràn Hội tông.
Bệnh phát cấp tính có công,

Trung đô Can khích, Đởm đồng Ngoại khâu./.

7. KỲ KINH BÁT MẠCH GIAO HỘI HUYỆT

Công tôn Xung mạch thông Tỳ,
Nội quan : Bào lạc – Âm duy liên kề.
Tiểu trường – Đốc mạch : Hậu khê,
Bàng quang – Thân mạch quy về Kiều dương.
Lâm khấp Đởm – Đới thông thương,
Ngoại quan chấn nữ T.Tiêu – Dương duy đồng.
Liệt khuyết chủ Phế thông Nhâm,

Chiếu hải khách Thận nối Âm kiêu hòa./.

8. NGŨ DU HUYỆT

TỈNH chủ tâm hạ, đầy hơi
VINH trị mình nóng, DU thời khớp đau,
KINH ho, nóng lạnh phải cầu,

HỢP huyệt nghịch khí, bụng đau rầy rà,

TỈNH huyệt kinh khí xuất ra
VINH trôi chảy xiết, DU ta tụ dồn.
Huyệt KINH kinh khí qua luôn,

Nhập vào huyệt HỢP. Ây luồng khí đi./.

Thiếu thương, Ngư tế, Thái uyên

Kinh cừ, Xích trạch nối liền PHẾ KINH.

Trung xung, Lao cung, Đại lăng

Giản sử, Khúc trạch thuộc băng TÂM BÀO.

Thiếu xung, Thiếu phủ, Thần môn,

Linh đạo, Thiếu hải đổ dồn về TÂM.

Thiếu trạch, Tiền cốc, Hậu khê,

Dương cốc, Tiểu hải đồng quê TIỂU TRƯỜNG.

TAM TIÊU Thiên tỉnh, Quan xung,

Dịch môn, Trung chữ nối cùng Chi câu.

Thương dương kinh ĐẠI TRƯỜNG đề

Nhị – Tam gian tiếp Dương khê, Khúc trì.

Dũng tuyền, Nhiên cốc, Thái khê

Phục lưu, Âm cốc thuộc về THẬN KINH.

TỲ KINH Ẩn bạch, Đại đô,

Thái bạch tiếp với Thương khâu, Âm tuyền.

Đại đôn, Hành giản, Thái xung,

CAN KINH liền dãy Trung phong, Khúc tuyền.

VỊ KINH Tam lý, Lệ đoài,

Nội đình, Hàm cốc phía ngoài Giải khê.

ĐỞM Túc khiếu âm, Hiệp khê,

Lâm khấp, Dương phụ hợp về Dương lăng.

Thông cốc, Thúc cốt, Côn lôn,

Ủy trung giữa nhượng, tiền đồn Chí âm. (KINH BÀNG QUANG)

(PHAN CÔNG TUẤN soạn, 7-1992)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *