Góp ý tham vấn xây dựng LUẬT Y DƯỢC CỔ TRUYỀN
25/09/2024
Như chúng ta đã biết, Quốc hội Trung Quốc ngày 25/12/2016 đã biểu quyết thông qua “Luật Y dược học cổ truyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa“, có hiệu lực từ 01/7/2017. Là bộ luật mang tính tổng hợp đầu tiên thể hiện toàn diện và hệ thống đặc điểm y học cổ truyền Trung Quốc, Luật Y dược học cổ truyền Trung Quốc lấy bảo vệ, hỗ trợ và phát triển y dược học cổ truyền Trung Quốc làm tôn chỉ, đã tháo gỡ nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển y dược học cổ truyền Trung Quốc, có ý nghĩa đánh dấu tạo đà phát triển ngành y dược học cổ truyền Trung Quốc trong thời kỳ mới.
Không phải chạy theo Trung Quốc, tại Việt Nam, từ 2005, theo Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg, ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có dự án xây dựng luật Y dược học cổ truyền, dự kiến hoàn thành năm 2010, ngay sau khi ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng do nhiều lý do, chúng ta đã không hoàn thành đúng tiến độ xây dựng dự Luật này.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó tiếp tục giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện đề án xây dựng luật Y, Dược cổ truyền, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Lần này, ngày 6/3/2018, Bộ Y tế đã ra Quyết định 1624/QĐ-BYT 2018 Chương trình hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW 2017 về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã đặt quyết tâm giao Cục Quản lý YDCT cùng các cơ quanvụ cục hữu quan xây dựng luật Y, Dược cổ truyền.
Nhắc qua một số dấu mốc như trên, chúng tôi muốn nói một điều. nếu cho rằng việc xây dựng luật YDCT là cơ sở pháp lý để bảo tồn, chấn hưng nền y học cổ truyền, thì việc chậm trễ trong xây dựng luật 10 năm qua có thể nói đã góp phần kìm hãm sự phát triển đó. Hy vọng lần này chúng ta sẽ không phải để lỡ hẹn thêm 10 năm nữa. Mong Cục QLYDCT, Bộ Y tế, Quốc hội sớm xây dựng và thông qua luật YDCT như kế hoạch lần này.
Đến với Hội thảo tham vấn một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật YDCT hôm nay, từ Bệnh viện YHCT thành phố Đà Nẵng, chúng tôi xin mang đến một vài góp ý sau đây:
1. Nên thống nhất tên gọi ngành YDCT là Đông y/ Đông y dược.
Hiện nay trong hệ thống y tế và hội nghề nghiệp, chúng ta chưa thống nhất danh xưng (tên gọi) về ngành YDCT. Ở Bộ có Cục quản lý YDCT, ở Sở đã có chủ trương thành lập Phòng Quản lý YDCT, các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương phổ biến vẫn gọi là Bệnh viện YHCT.
Trong khi đó, sau nhiều lần thay tên đổi họ, từ Đại hội Trung ương lần thứ X, Hội Đông Y Việt Nam đã chính thức lấy lại tên cũ vốn có từ ngày đầu thành lập.
Theo chúng tôi được biết, từ năm 2013 đã từng có Hội thảo bàn về tên gọi chuyên ngành YHCTVN, ngoài báo cáo đề dẫn, có 3 trong 5 báo cáo đề xuất lấy tên Việt y, 01 báo cáo đề nghị không đặt tên mới mà vẫn gọi YHCT để thống nhất với thuật ngữ tiêu chuẩn quốc tế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tên gọi Đông y được du vào Việt Nam khá sớm cùng bộ sách Đông Y Bảo Giám của ngự y Hứa Tuấn của TriềuTiên từ thế kỷ 17. Bằng chứng là trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Sách chi cũng có trong nhà / Nội Kinh đã sẵn, Ngoại Khoa đã mầu / Trước xem Y Học là đầu / Sau coi Thọ Thế, thứ cầu Đông Y”.
Tên gọi Đông y khá phổ biến và thuận tiện cho giao lưu quốc tế, chỉ chung cho nền y học cổ truyền “tứ quốc đồng văn” gồm cả Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản, tránh sự độc tôn như tên Trung y, mà bao hàm được các đặc trưng văn hóa của y học phương Đông.
Cho hay, đổi mới và cải cách nhiều khi chỉ là sự quay trở về với nguồn cội của mình. Không đơn giản là thay đổi tên gọi, thực chất đây là sự chính danh, nhằm định hướng nhận thức đúng về cả một nền y học. Như người xưa từng nói “danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành”.
Không gò bó hạn cuộc trong phạm vi “dân tộc” hay “cổ truyền”, chúng ta cần trả lại cho ĐÔNG Y tầm vóc lớn lao vốn có của nó. Đó là một nền y học nhân văn, bắt nguồn từ nền tảng triết học phương Đông, trải qua hơn 5000 năm phát triển, chiếm cứ cả khu vực á Đông rộng lớn, bao trùm nhiều quốc gia, ngự trị hơn 1/4 nhân loại; và dặc biệt là dù có bề dày tuổi tác cổ kính nhưng không già nua, vẫn dai dẳng đầy sức sống qua bao biến thiên dâu bể, sóng dập gió vùi, vẫn song hành hiện đại cùng nhân loại, phục vụ mục tiêu con người và sức khoẻ.
Nếu thống nhất được tên gọi Đông y/ Đông y dược trong quá trình xây dựng luật, chắc chắn sẽ tác động sâu sắc đến nội hàm bộ luật, tạo nhiều bước phát triển đột phá và vững chắc cho Hội và ngành Đông y Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
2. Bảo tồn và đề cao yếu tính văn hóa trong Đông y:
Đông y hay YHCT là di sản văn hóa của dân tộc, đây là quan điểm nhất quán của Nhà nước ta, phù hợp với nội dung điều 4 luật Di sản văn hóa (2001), cần bảo tồn, phát huy, phát triển di sản văn hóa YHCT phải là quan điểm xuyên suốt bộ luật YHCT đang xây dựng.
Cơ sở văn hóa Đông y cần được đúc kết, xây dựng thành bộ môn trong đào tạo bồi dưỡng song song các bộ môn chuyên môn, chuyên ngành khác.
Cần nghiên cứu, chỉ rõ các yếu tính văn hóa chung, các đặc thù mang tính bản địa riêng có trong cấu trúc văn hóa Đông y Việt Nam để lưu giữ, bảo tồn, phát huy, phát triển.
Cần có kế hoạch sưu tầm, phân loại, tổng hợp, lưu trữ, bảo tồn, bảo tàng kỹ thuật số các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Đông y Việt Nam.
Cần tôn trọng, đề cao bản quyền/ quyền sở hữu trí tuệ với các di sản văn hóa Đông y trong và ngoài nước, tránh một số ngộ nhận nhầm lẫn không đáng có, rất dễ dàng phát hiện sau vài cú “nhấp chuột” trong thế giới phẳng hiện nay.
3. Về một số vấn đề trọng tâm khác trong dự án luật YDCT
Trên đây là một vài góp ý cho nội dung công tác thừa kế, bảo tồn về YDCT; công tác sở hữu trí tuệ, thuật ngữ về YDCT. Với các chủ đề còn lại theo gợi ý của Ban tổ chức Hội thảo, xin góp ý như sau:
*Về công tác quản lý:
– Tăng cường trách nhiệm cung cấp chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện đảm bảo cho sự phát triển YDCT của các cấp chính quyền.
– Hoàn thiện hệ thống Phòng quản lý YDCT tuyến tỉnh/ thành phố trực thuộc TW.
– Thống nhất đầu mối quản lý thuốc YHCT và thuốc từ dược liệu là Cục quản lý YDCT, xây dựng quy trình thủ tục đăng lý, thẩm định, cấp phép thuốc YHCT mang tính đặc thù, dễ thực hiện; tránh 2 thái cực đơn giản hóa và phức tạp hóa; tránh để thuốc YHCT vì khó đăng ký thuốc nên đội lốt đăng ký TPCN, tránh phân công các chuyên viên thiếu hiểu biết về thuốc YHCT lại thẩm định đăng ký thuốc YHCT.
*Về công tác Hội nghề nghiệp:
-Hiện tại trong ngành Đông y dược có đến 3-4 Hội nghề nghiệp như Hội Đông y, Hội Dược liệu, Hội Châm cứu, Hội Nam y… nên chăng hợp nhất hay tổ chức thống nhất trong một Tổng hội Đông y dược Việt Nam để tập hợp đoàn kết hơn trong xây dựng và phát triển, tránh manh mún trong hoạt động, nhất là ở tuyến dưới TW, tránh chồng chéo trong quản lý.
-Trong xu hướng tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân, nên thẩm định cấp phép các đơn vị cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Hội mà đủ điều kiện có thể tham gia khám chữa bệnh bằng BHYT.
*Về công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền:
– Bên cạnh các cơ chế chính sách để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững dược liệu Việt Nam; phát triển thương hiệu sản phẩm từ dược liệu, thuốc YHCT trong nước; theo chúng tôi, một yếu tố then chốt trong kế hoạch hành động cần ưu tiên số một là cần khôi phục, đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nam, thuốc bản địa trồng/ khai thác tại địa phương, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thường gặp tại y tế tuyến cơ sở.
-Giao cho các khoa dược bệnh viện YHCT tuyến tỉnh hay các đơn vị doanh nghiệp đủ điều kiện có khả năng tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến, cung ứng cho các trạm y tế các chế phẩm bài thuốc nam thông dụng chữa bệnh thông thường có hiệu quả (Bộ Y tế có thể ban hành danh mục 10-12 bệnh thường gặp thay cho 7 bệnh thông thường trước đây). Có cơ chế khuyến khích trong thanh toán BHYT đối với các loại thuốc tươi, thuốc chế biến từ nguồn dược liệu tại chỗ.
– Cần có chế độ khuyến khích, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và phát triển thuốc YHCT mới dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, y học thực chứng và cơ sở lý luận YHCT.
*Về giải pháp trong đào tạo, chương trình đào tạo:
– Nên đa dạng hóa các hình thức đào tạo, dạy nghề; kết hợp phương pháp dạy nghề truyền thống với phương pháp giáo dục đào tạo hiện đại;
– Bên cạnh trọng điểm đào tạo nhân lực chất lượng cao, nên duy trì hệ y sĩ YHCT và sớm ban hành mã ngành lương y cho các cơ sở dạy nghề;
– Định kỳ bồi dưỡng, kiểm tra trình độ, nâng cấp, có cơ chế phân hạng ngạch lương y, tránh đánh đồng cào bằng.
*Về giải pháp đặc thù trong khám chữa bệnh:
– Có kế hoạch ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích người bệnh chọn lựa phương pháp khám chữa bệnh bằng YHCT
– Có giải pháp thông tuyến cho người dân tự lựa chọn cơ sở trong hệ thống khám chữa bệnh YHCT từ xã/phường, huyện/quận lên tỉnh/TP.
– Bản chất của YHCT là Y học dự phòng, cần chuyến khích công tác dự phòng, phòng bệnh, phục hồi chức năng trong YHCT, chú trọng các phương pháp dưỡng sinh, thực dưỡng bên cạnh các phương pháp chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc của YHCT.
Trên đây là một số góp ý cho Hội thảo tham vấn một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật YDCT, cũng là những suy tư trăn trở, những nguyện vọng, tâm đắc của chúng tôi sau mấy mươi năm học và hành nghề YDCT, mong được các nhà quản lý và những nhà làm luật chú ý lắng nghe.
L.Y PHAN CÔNG TUẤN
Bệnh viện YHCT Đà Nẵng
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089