Cỏ sữa lá lớn
25/09/2024
Cỏ sữa có 2 loài: lá lớn và lá nhỏ, đều thuộc họ Thầu dầu, đều có tính năng tác dụng thanh nhiệt táo thấp, kháng khuẩn tiêu độc. Phạm vi bài này xin được giới thiệu trước về cây Cỏ sữa lá lớn (CSLL).
CSLL là cây thảo sống hằng năm, mọc hoang khắp nơi, có thân mảnh cao 15-40cm, toàn cây có lông nhám và có nhựa mủ trắng. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác, dài 4-5cm, rộng 7-15mm, mép có răng cưa nhỏ. Gốc cuống lá có 2 lá kèm nhỏ hình lông cứng. Nhiều cụm hoa hình chén nhỏ ở các nách lá. Mỗi chén mang các hoa đơn tính. Quả rất nhỏ, đường kính khoảng 1,5mm, khi già nứt thành 3 mảnh vỏ mang 3 hạt rất nhỏ. Ra hoa quanh năm. Để làm thuốc, thường thu hái toàn cây rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, CSLL có vị hơi đắng và chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa; cây còn có tính làm dịu, chống co thắt và làm dễ thở.
Người ta dùng CSLL để chữa: lỵ trực khuẩn, lỵ amíp; viêm ruột cấp, khó tiêu, viêm ruột non do Trichomonas; viêm khí quản mạn tính; viêm thận, viêm bể thận. Dùng ngoài trị eczema, viêm da, hắc lào, zona, ap-xe vú, viêm mủ da. Còn dùng cho phụ nữ đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa.
Ở Ấn Ðộ, CSLL được dùng trị bệnh giun ở trẻ em, bệnh đường ruột và ho; dịch lá dùng trị lỵ và cơn đau bụng, nước sắc cây dùng trị bệnh phế quản và hen; nhựa cây đắp trị hột cơm, mụn cóc.
Ở phương Tây, CSLL được dùng trị bệnh đường hô hấp (hen, sổ mũi, khí thũng, ho mạn tính), còn dùng chữa bệnh về mắt (viêm kết mạc, loét giác mạc). Thuốc có tính gây xót đối với niêm mạc dạ dày nên cần uống thuốc trước các bữa ăn.
Đơn thuốc dùng CSLL:
1. Chữa xích bạch lỵ – đại tiện nhiều lần, mót rặn, bụng đau quặn, giang môn nóng rát, tiểu tiện sẻn đỏ, phân như óc cá, hôi tanh, mủ máu lẫn lộn: Dùng CSLL 15-20g khô hoặc 60g tươi sắc uống. Nếu phân không có máu thì pha thêm đường đỏ, có máu pha thêm đường trắng uống.
2. Chữa lỵ trực khuẩn, hội chứng lỵ, tiêu chảy: CSLL, Cỏ mực, Rau sam, Búp ổi, Lá nhót mỗi thứ 10g, sấy khô tán bột hoặc làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 15g.
3. Chữa tiểu không thông, nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu: CSLL 40g, Rễ tranh 30g, sắc nước chia 2 lần uống trong ngày.
4. Chữa tiểu ra máu: CSLL tươi 30g, Cỏ bờm ngựa tươi 30g, Ô quyết (Ô cửu, Hành đen) tươi 15g, sắc lấy nước pha đường đỏ uống trong ngày.
5. Viêm phế quản mạn tính: CSLL tươi 120g, Kiết cánh 12g. Sắc 2 lần, mỗi lần khoảng 2 giờ, lọc bỏ bã, cô đặc thuốc còn 60ml, thêm đường cát chia uống 3 lần trong ngày. Uống liên tục 20 ngày.
6. Phế ung (áp-xe phổi): CSLL 1 nắm, giã nhuyễn, thêm nước sôi nguội vắt lấy nửa chén nước cốt uống.
7. Trẻ em cam tích (suy dinh dưỡng, bụng ỏng đít beo): CSLL tươi 30g, Gan heo 100g, chưng cách thủy lấy nước uống.
8. Chữa nấm chân, ngứa chân: Dùng CSLL 90g, rửa sạch, cắt nhỏ, cho ráo nước ngâm trong nửa lít cồn 75o, sau 5-7 ngày dùng bông thấm cồn thuốc bôi vùng da ngứa.
9. Nấm da, nấm đầu: CSLL tươi vừa đủ, giã vắt lấy nước bôi ngày 3 lần. Hoặc dùng: CSLL, Cỏ sữa lá nhỏ, Cỏ mực, Dầu giun đều 30g tươi, ngâm trong cồn 90o, sau 20 ngày lấy bôi vùng da bệnh, ngày 3-4 lần.
10. Chữa viêm tuyến vú cấp tính: CSLL tươi 60g, Đậu phụ 100g. Cả hai hấp chín nhuyễn, vắt lấy nước uống. Đồng thời lấy CSLL tươi giã nhuyễn với chút muối, đắp lên vú (chừa đầu vú).
11. Thấp chẩn (eczema), trẻ em đầu mặt ung nhọt lở loét, rỉ dịch vàng: CSLL lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nhuyễn, đắp lên chỗ đau hoặc vắt nước cốt bôi vào chỗ đau.
12. Mụn rộp (zona): CSLL lượng vừa đủ giã vắt nước, trộn 2g bột hùng hoàng, bôi vào chỗ đau.
13. Đinh sang (ung nhọt): CSLL tươi 30g, thêm chút muối ăn và đường đỏ, giã nhuyễn đắp lên ung nhọt.
14. Chắp lẹo: Ngắt đoạn thân CSLL, lấy mủ chấm vào mụt lẹo.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Apple Store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 2
- Hôm nay: 44
- Tất cả: 38047