Rau chua – bụp giấm
05/04/2024
Bạn Võ Văn Tuy ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng có đem đến cho tôi mấy nhánh cây trồng lấy lá ăn sống có vị chua, làm món khai vị khá ngon miệng, nhưng không biết tên cây gì. Sau khi trồng chừng 3 tháng, cây bắt đầu ra hoa. Qua tra cứu, tôi xác định được đó là một giống cây Bụp giấm, tên khoa học Hibiscus sabdariffa L., thuộc họ Bông – Malvaceae.
Bụp giấm là tên chính thức trong ngành dược liệu Việt Nam, nhưng trong nhân dân thường gọi phổ biến là Rau chua (do trồng lấy đọt, lá và đài hoa làm rau ăn, có vị chua), ngoài ra có nhiều tên khác Bụt giấm, cây Giấm, Đay Nhật, Giền cá, Giền chua…; ở Trung Quốc cây này có tên Hồng kim mai, Hồng mai quả, Lạc thần hoa, Lạc thần quỳ, Mân côi gia, Sơn gia, Lạc tế quỳ,…
Theo tài liệu nước ngoài, tùy theo mục đích sử dụng, người ta phân loại bụp giấm thành hai thứ: Hibiscus sabdariffa L. var. sabdariffa (trồng để lấy đài ăn và làm thuốc) và Hisbiscus sabdariffa L. var. altissima (chủ yếu để lấy sợi bện thừng).
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Huệ (Trung tâm tài nguyên thực vật Việt Nam), hiện tại trong Ngân hàng gene cây trồng Quốc gia có 14 giống Rau chua. Các giống này được phân thành 3 nhóm chính: thân tía, lá xanh, hoa vàng; thân đỏ tía, lá đỏ tía, hoa đỏ; thân đỏ tía, lá xanh, hoa đỏ tía (cây mà bạn Võ Văn Tuy cho tôi trồng thuộc nhóm thân đỏ tía, lá đỏ tía, hoa đỏ – P.C.T). Ba nhóm giống khác nhau về thời gian ra hoa, độ phân nhánh và năng suất lá cũng như năng suất quả. Hiện có 2 giống tốt nhất là có thân tía, lá xanh cho năng suất quả và lá cao hơn so với giống có thân và lá màu tía hoặc đỏ.
Rau chua là loại cây đa dụng, được sử dụng hầu hết các bộ phận của cây với nhiều công dụng khác nhau: hoa làm dược liệu chữa nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, suy tim, hạn chế cholesterol trong máu…; lá và chồi non dùng làm rau xanh nấu canh chua, là gia vị, ăn sống, xào nấu rất ngon, hoa có thể sản xuất thành nước giải khát giải nhiệt, chế rượu vang, trà túi Hibiscus thanh nhiệt; hạt ép lấy dầu ăn, sản xuất nhiên liệu thay xăng, làm thức ăn chăn nuôi gia cầm rất tốt; thân có thể lấy sợi để dệt vải, bện thừng. Cây Bụp giấm tuy là cây nhập ngoại, nhưng nó hợp với đất đồi núi Việt Nam (đất tận dụng) mà nơi đó trồng cây khác kém hiệu quả. Cây dễ trồng, ưa nắng, có sức sống mãnh liệt, lại mang đến cho chúng ta biết bao nhiêu lợi ích, mở ra một tiềm năng lớn trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.
Theo Trung Hoa bản thảo, Bụp giấm (Mân côi gia) vị chua tính lương, quy kinh thận; công năng liễm phế, chỉ khái, giáng huyết áp, giải rượu; chủ trị phế hư khái thấu, cao huyết áp, say rượu. Liều dùng 9-15g sắc thang hoặc hãm trà uống.
Dưới đây là vài ứng dụng làm thuốc đơn giản:
– Chữa bệnh gan mật, cao huyết áp: Lấy đài hoa bụp giấm 9 – 15g, sắc hoặc hãm nước uống.
– Chữa cao huyết áp: Dùng cao của đài hoa bụp giấm trộn cùng hydroxyd nhôm làm viên hoàn tương đương khoảng 0,64g dược liệu. Mỗi lần uống 3 – 5 viên, ngày 2 – 3 lần.
– Hỗ trợ trị xơ cứng động mạch: Dùng đài hoa 9 – 15g hãm lấy nước uống hằng ngày thay nước trà.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 7
- Tất cả: 38164