Chuyện nghề và chuyện về chó
16/02/2024
Năm Đinh Dậu khép lại, chuyên mục “Phương hay thuốc quý” của Báo Đà Nẵng cuối tuần vừa tròn 5 năm. Trước thềm năm mới Mậu Tuất, xin có đôi điều tản mạn về chuyện nghề, chuyện chó để hầu chuyện bạn đọc trong số Tất niên này.
Chuyện nghề
Tôi vốn học thuốc rất trễ (gần tuổi “tam thập nhi lập”), hay tự nhận mình là “thầy thuốc 3 không”: không gia truyền (gia đình không có ai làm nghề thuốc cả); không chính quy (chỉ có bổ túc, nâng cao, chuẩn hóa…); không thầy (xin nói ngay kẻo hiểu lầm, học không thầy là “học vô thường sư”, không học theo một ông thầy nhất định nào, nghĩa là… gặp ai cũng học, ai cũng là thầy).
Trong ngành y, người ta thường nói bệnh nhân là người thầy lớn nhất của y, bác sĩ. Suy diễn theo câu này, tôi vô cùng biết ơn “người thầy – bệnh nhân” đầu tiên của mình, dù đó chỉ là… một con chó.
Nhớ lại vào nửa cuối năm 1992, khi tôi mới bắt đầu học khóa bổ túc Đông y dược do tỉnh hội Y học cổ truyền Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức, được một sư huynh tặng cho một bộ kim châm cứu (thời đó rất quý, mỗi thầy thuốc chỉ sắm 1 hộp kim dùng đi dùng lại chứ không có kim châm một lần hủy như bây giờ), đi đâu cũng kè kè mang theo. Một lần về quê, thấy con chó nhà tôi bỗng dưng gầy sọm hẳn. Tôi vuốt ve nó, chợt phát hiện dưới cổ có cục bướu cỡ bằng quả chanh.
Liền “hy sinh” một cây kim dùng châm cho chó. Rất lạ, con chó không hề biết đau lại tỏ ra khoan khoái, nằm sải cả 4 chân cho tôi thoải mái vê kim. Tôi lấy thêm mấy cây hương trên bàn thờ thay điếu ngải đốt hơ lên đốc kim và cả vùng chân quanh cục bướu.
Một tuần sau về lại nhà, con chó có vẻ mập lên trông thấy. Sờ cục bướu thấy xẹp hơn một nửa. Châm và đốt một lần nữa, rồi tôi đi. Một tháng sau tôi về lại, con chó hoàn toàn trở lại bình thường. Sờ cục bướu không còn tăm dạng. Kinh nghiệm này sau đó được tôi áp dụng trên hàng chục bệnh nhân có những u cơ, u mỡ và các dạng chai chân, mụt cóc trên cơ thể. Hầu hết đều cho kết quả mỹ mãn.
Có lẽ cũng nhờ bắt nguồn từ kinh nghiệm ban đầu đó, trong ¼ thế kỷ làm nghề Đông y của mình, bên cạnh việc dùng châm, tôi luôn mày mò nghiên cứu ứng dụng cứu và đã phổ biến một số phương pháp cứu cải tiến như cứu lò ngải (2011), cứu lò ngải kết hợp phương dược điều trị vô sinh nữ (2006), tốc cứu hay hỏa long cứu (2008). Đặc biệt từ năm 2014, khi về công tác ở Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, tôi đã mạnh dạn ứng dụng hỏa long cứu kết hợp điện châm và thuốc nam điều trị cai nghiện ma túy.
Từ kết quả bước đầu, chúng tôi đã đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đề tài này cùng với đề tài điều tra đánh giá thực trạng tài nguyên cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của nhóm nghiên cứu chúng tôi đã được Sở KH&CN nghiệm thu cuối năm 2017.
Lại nói chuyện vui về chó.
Không biết do duyên nợ gì mà nhiều con chó vô gia cư hay tìm đến nhà tôi ẩn náu. Có con chó hoang đầy ghẻ lở, sau một thời gian được vợ con tôi chăm sóc đã trở nên phổng phao, láng mượt và lần lượt sinh con đẻ cháu đầy đàn.
Chẳng rõ do âm đức chữa bệnh cho chó ngày xưa hay hơi hướng của đàn chó nhà vận vào người bây giờ, mà nhiều lần đang đi điều tra cây thuốc giữa núi rừng trên đỉnh Bà Nà, Sơn Trà và cả trên núi Ngọc Linh ở Quảng Nam nữa, không biết từ đâu có những đàn chó lạ xông ra vừa sủa nhặng xị vừa quẫy đuôi đón mừng tôi rối rít. Tôi vừa ngồi thụp xuống là chúng nhảy xổ vào… liếm mặt liếm mũi, thân thương như đàn chó nhà mình.
Ông bà mình hay nói “giỡn chó, chó liếm mặt”, quả thiệt không sai! Riêng tôi, tôi hay cả nghĩ lẩn thẩn có lẽ có một kiếp trước nào đó chăng, mình đã từng là đồng loại của… chó ?
P.C.T
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089