Chuyện Lão Lười: CÁCH NGÔN Y ĐỨC
31/01/2024
Chuyện Lão Lười 12: CÁCH NGÔN Y ĐỨC
Đáng chú ý trong tác phẩm của mình, ngoài các nội dung Y đạo, Y triết, Y lý, Y thuật, Lãn Ông đã chú trọng nêu gương sáng và giáo huấn bồi dưỡng về Y đức (có thể gộp chung là Cách Ngôn Y Đức) cho môn sinh và hậu thế.
Trong bộ sách y học toàn thư của mình, Lãn Ông đã đưa lên hàng đầu mục Y Huấn Cách Ngôn, ghi rõ “thuật cổ”, nghĩa là thuật lại lời người xưa, nêu rõ những phẩm chất đạo đức, bổn phận, phép tắc ứng xử đối với bệnh nhân, đồng nghiệp của người thầy thuốc.
Theo tra cứu của người soạn bài này, Y Huấn Cách Ngôn cơ bản được biên tập lại từ bản Lương Y Cách Ngôn trong sách Phùng Thị Cẩm Nang Bí Lục của Phùng Triệu Trương, người từng được Hải Thượng Lãn Ông thành kính vẽ tượng, thờ làm tôn sư của mình.
9 điều Y Huấn Cách Ngôn đã được Bộ Y tế Việt Nam lấy làm quy định đạo đức hành nghề y dược cổ truyền (theo Quyết định số 3923/QĐ-BYT ngày 9-12-1999), nhưng nội dung đã lược bỏ 2 chữ “thuật cổ”, khiến cho nhiều người lầm tưởng Lãn Ông là tác giả của Y Huấn Cách Ngôn.
Xin được nói thêm, nguyên văn Y huấn cách ngôn đã được dịch theo lối diẽn ca rất dễ nhớ dễ thuộc đăng trên Tạp chí Y học Cổ Truyền Việt Nam số 312 năm 2000 đã được phổ biến trong một số giáo trình đại học và sau đại học của Đại học Y Hà Nội như: Lý Luận Y Học Cổ Truyền (NXB Y học, Hà Nội, 2002); Nhi Khoa Y Học Cổ Truyền (NXB Y học, Hà Nội, 2006)…
Ngoài phần Y Huấn Cách Ngôn, rải rác trong tác phẩm của mình, Lãn Ông còn nêu lên và truyền lại nhiều nhận định, quy tắc, bài học ứng xử đã được rút ra từ thực tiễn hành nghề. Giáo sư Ngô Gia Hy trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức”, đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y Huấn Cách Ngôn, 24 điều từ Y Dương Án, Y Âm Án, 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh Ký Sự).
Dưới đây xin đơn cử trong Y âm án số 10, Lãn Ông đã nêu lên 8 tội thầy thuốc cần tránh (Lười biếng, Keo kiệt, Tham lam, Dối lừa, Bất nhân, Hẹp hòi, Thất đức, Dốt nát) (*) và 8 đức tính người thầy thuốc cần bồi đắp: Nhân (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ, khôn ngoan), Lượng (rộng lượng, bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (cần mẫn, siêng năng).
Có thể soạn thành văn vần cho dễ nhớ, dễ thuộc nằm lòng như sau:
Lười, Keo, Tham, Dối, Bất nhân
Hẹp hòi, Thất đức, Dốt cần tránh xa ;
Nhân, Minh, Trí, Đức sáng lòa
Khiêm, Cần, Thành, Lượng y gia đắp bồi .
Rõ ràng cuộc đời sự nghiệp và tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương sáng về Y đức. Theo Lãn Ông, nghề y là “nghệ thuật giữ gìn sinh mạng con người”, nhưng cũng đồng thời là một nghề mà “một tay đem lại phúc họa khôn lường” cho người bệnh, do đó người thầy thuốc không những cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp của mình, mà còn thường xuyên nâng cao Y đức theo hướng vừa kế thừa Y huấn của người xưa, vừa bổ sung những đức tính cần xây dựng, chỉ rõ những tội lỗi cần phải tránh như Lãn Ông đã chỉ ra (2).
P.C.T
PHỤ CHÚ:
(1). Trong Y âm án số 10, Hải Thượng Lãn Ông nêu ra 8 tội mà người thầy thuốc cần tránh và 8 đức tính cần tu dưỡng :
- Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thǎm mà đã cho phương, đó là tội lười;
- Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội keo kiệt;
- Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam;
- Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội dối trá;
- Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu tạ, nên không chịu chữa, đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân;
- Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi;
- Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức;
- Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.
Nghĩa như vậy thì thầy thuốc nếu không có những đức tính Nhân (Nhân ái, thương người), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ, khôn ngoan), Lượng (rộng lượng), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (cần mẫn, siêng năng)
(2). Tổng hợp 8 đức tính cần xây dựng, 8 tội cần phải tránh và Y huấn cách ngôn tạm gọi là Cách Ngôn Y Đức:
CÁCH NGÔN Y ĐỨC
Nhớ lời các bậc tiên hiền
Cách ngôn Y đức đã tuyên trong ngành
Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành,
Khiêm, Cần tám chữ vinh danh trau dồi;
Lười, Keo, Tham, Dối, Hẹp hòi,
Bất nhân, Thất đức, Dốt thời tránh xa
Trích Y âm án chép ra
Lãn Ông tâm lĩnh y gia tỏ tường.
Tổ truyền Y huấn cách ngôn
Lãn Ông “thuật cổ” vẫn còn khắc ghi
Chín điều Y huấn là gì ?
Quy tắc ứng xử chi li dặn dò:
- Muốn học thuốc lý Nho thông tuệ,
Đạo Nho thông càng dễ học Y.
Thời giờ nhàn rỗi đôi khi
Sách luôn tay đọc chẳng nề cổ kim.
Bao nghĩa lý dò tìm rành rẽ,
Biết dung hòa, thấu lẽ tùy cơ…
Sáng lòng rõ mắt sờ sờ,
Ra tay cảm ứng khỏi ngờ lạc sai.
- Người mới khám tùy nơi bệnh thế
Gấp khám liền, hoãn trễ khám sau.
Chớ nên phân biệt nghèo giàu
Cao sang nhào đến, cơ cầu ngoảnh lưng.
Việc dùng thuốc cũng đừng phân biệt
Giàu thuốc hay, nghèo kiết thuốc xoàng.
Nếu không thành thực trong lòng
Làm sao cảm ứng mà hòng thu công?
- Khi vào khám trong phòng bệnh nữ,
Mời người theo, tránh sự nghi ngờ,
Dù là kỹ nữ lẳng lơ
Coi như lương thiện, chẳng mờ lòng ngay.
Chớ bỡn cợt, tiếng tai bất chính
Tội tà dâm nhất định tránh xa.
Giữ tâm đoan chính sáng lòa,
Người người tôn kính, nhà nhà tin yêu.
- Là thầy thuốc nhớ điều tâm niệm
Phải chăm lo trách nhiệm cứu người.
Chớ nên tùy hứng ham vui
Lên non nhắp rượu, quen mùi nghêu ngao.
Nhỡ có kẻ ốm đau bạo phát
Thầy vắng nhà, phó thác ai đây?
Phụ lòng người cậy, thương thay!
Người nguy tính mệnh, phận thầy nên chăng?
- Khi gặp chứng khó khăn nguy cấp,
Dù tận tâm muốn dốc sức mình,
Cũng nên nói rõ tình hình
Cho gia đình biết, mới trình thuốc thang.
Lại dốc vốn sẵn sàng bốc thuốc,
May bệnh lui, quyến thuộc tạc lòng,
Chẳng may bệnh biến nguy vong,
Ta không hổ thẹn, người không oán hờn.
- Mua sắm thuốc chớ ham loại rẻ,
Khéo trữ tàng, bào chế thật nghiêm,
Theo phương ứng bệnh truy tìm
Tùy mùa, tùy chứng bớt thêm tinh tường.
Thuốc nên phỏng cổ phương lĩnh ý,
Chớ lập bừa thử trị người ta,
Thang hoàn chế sẵn trong nhà
Kịp thời chữa bệnh hẳn là nên công.
- Gặp đồng nghiệp hòa đồng khiêm tốn,
Chớ có nên ngả ngốn khinh nhờn.
Kính người có tuổi lớn hơn,
Với người học rộng nên tôn làm thầy.
Kẻ kiêu ngạo ta đây nhân nhượng,
Người kém hơn rộng lượng dắt dìu.
Đắp vun cội đức sớm chiều
Có ngày quả phúc trổ nhiều báo ơn.
- Với người bệnh neo đơn nghèo khổ,
Càng chăm lo cứu độ hết lòng.
Nhà giàu lắm kẻ mặn nồng,
Nhà nghèo ta gắng chút công sống người.
Với những hạng chơi bời phóng đãng
Dù đau nằm chẳng đáng xót thương;
Nhà nghèo hiếu thảo hiền lương
Đã đem biếu thuốc, lại nhường cháo rau.
- Khi bệnh khỏi chớ cầu quà cáp,
Nhận chi rồi nơm nớp sợ lo…
Kẻ giàu tính khí khó dò
Mua vinh chuốc nhục làm trò thế gian.
Chiều ý người mưu toan trục lợi
Thường biến sinh trăm mối lao đao.
Nghề Y là thuật thanh cao
Giữ tròn phẩm tiết ngọc châu sáng ngời.
PHAN CÔNG TUẤN
dịch và tổng hợp
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 1
- Tất cả: 38158