Lá đắng giải rượu
02/01/2024
Lá đắng là loài cây mới du nhập vào nước ta vào thời điểm bài này đăng lần đầu chưa thấy mô tả trong sách báo cũng như tài liệu dược học, thực vật học của Việt Nam. Bài báo này (trên báo Đà Nẵng) là phiên bản rút gọn của bài trên tạp chí Cây Thuốc Quý đầu năm 2013 có lẽ bài báo tiếng Việt đầu tiên giới thiệu cây thuốc này tại Việt Nam, trước khi cây thuốc này trở thành huyền thoại xôn xao một thời sau đó.
Đầu năm 2013, Lương y Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng, lấy từ nhà bà thím ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) mang đến cho tôi một mẫu cây đang ra hoa, nhờ xác định là cây gì. Thoạt nhìn, tôi nhận ra ngay đó là cây thuốc mà cách đây 3 – 4 tháng, từng có mấy người mang đến hỏi và tôi đã đem một nhánh cây trồng trong vườn. Cây này rất dễ sống, phát triển cao quá đầu người, nhưng vẫn chưa ra hoa nên chưa thể gửi mẫu đi định danh được.
Nay nhờ mẫu cây có hoa, tôi đã thử lên Internet tìm kiếm. May thay, vừa vào một trang mạng thực vật học của Singapore, tôi đã nhận diện cây này với các tên là Gymnanthemum amygdalinum [Bitter Leaf, Vernonia Tree] thuộc họ Cúc – Asteraceae. Tra cứu với các tên đã biết, tôi biết thêm tên đồng nghĩa Vernonia amygdalina. Một tài liệu của các nhà khoa học Malaysia cho biết cây Bitter Leaf (tôi tạm dịch là Lá Đắng, do vị đắng đặc biệt của lá cây này) là một loại cây bụi cao từ 2-10m. Nó được sử dụng rộng rãi như một loại rau xanh hằng ngày hoặc thảo dược để điều trị bệnh sốt rét và tiểu đường.
Tiềm năng cây Lá đắng được ghi nhận lần đầu tiên khi các nhà khoa học quan sát loài tinh tinh biết dùng cây này ăn để trị bệnh ký sinh trùng đường ruột. Sau đó có nhiều nghiên cứu tiếp theo công bố nhiều hoạt chất sinh học khác nhau của loài cây này có tác dụng trị đái tháo đường, sốt rét, kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, bảo vệ gan và các hiệu ứng giải độc tế bào có lợi cho sức khỏe. Thành phần cây này bao gồm glucosides steroid, sesquiterpene lactones và flavonoid, là các hợp chất góp phần cho vị đắng và hoạt tính sinh học của nó. Nghiên cứu độc tính cho thấy Lá đắng có độc tính thấp hoặc không có độc, do đó có thể sử dụng lâu dài rất an toàn.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết y học dân gian ở nhiều quốc gia đã dùng cây này chữa bệnh. Ở Ấn Độ, dùng lá chữa tiểu đường, dùng cành, rễ hỗ trợ điều trị HIV, hạ sốt, giảm ho, phát ban, cảm cúm, viêm vú. Ở Congo, dùng lá và vỏ rễ chữa kiết lỵ, viêm dạ dày, ruột, sốt rét, viêm gan, nhiễm giun. Ở Nam Phi, dùng rễ chữa sán máng (huyết hấp trùng), vô sinh, bế kinh. Ở khu vực Tây Phi, dùng lá làm trà lợi tiểu, chữa táo bón, nhiễm trùng da, đái đường, bệnh chuyển hóa liên quan đến gan…
Đặc biệt, mặc dù Lá đắng mới du nhập vào nước ta (hiện nay chưa thấy trong sách báo cũng như tài liệu dược học, thực vật học của Việt Nam), nhưng qua tiếp xúc một số “đệ tử Lưu Linh” ở các xã Hòa Khương, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), tôi được biết thêm một kinh nghiệm “chưa từng thấy trong y văn thế giới” là dùng 5 – 7 lá cây này ăn sống hay hãm lấy nước uống sau các trận rượu bia quá chén, thì sáng hôm sau thấy người “khỏe tưng”, “uống rồi như hồi chưa uống”…
Nhân mùa xuân mới, xin truyền “bí kíp” này cho quý ông thử ứng dụng và mong ngành Dược nước nhà có chiến lược phát triển nhân trồng, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm hữu ích đa dụng từ cây thuốc mới này để góp phần bảo vệ sức khỏe cho bà con.
Lương y PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 1
- Tất cả: 38101