Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

Nói lại về THẬP TAM PHƯƠNG GIA GIẢM

23/12/2023

NÓI ĐI CÒN  NGẠI…

Trong bài viết Tuệ Tĩnh lan man ký trên tạp chí Cây Thuốc Quý (CTQ) số 31-32 (2005), tôi có ghi nhận rằng mình rất tâm đắc với phần Thập tam phương gia giảm (TTPGG), đánh giá đây một tuyển tập phương thang không tiền khoáng hậu trong Đông y cổ kim, bởi tính chất cực kỳ tinh giản trong việc dùng 13 phương thang với phép gia giảm linh hoạt có thể đối trị hầu hết các loại tạp bệnh nội thương ngoại cảm thường gặp của dân ta.

TTPGG là một bộ phận trong tác phẩm Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư (HNGTYT) của Tuệ Tĩnh. Sách HNGTYT theo nguyên bản được chia làm 2 quyển thượng, hạ.

Quyển thượng gồm Nam dược quốc âm phú , Trực giải chỉ nam dược tính phú, Y luận (gồm cả Tạng phủ Kinh lạc), Thương hàn cách pháp trị lệ (tức Thương hàn tam thập thất chuỳ).

Quyển hạ gồm: Thập tam phương gia giảm, Phương pháp biện chứng luận trị, Các phương thuốc gia truyền hiệu nghiệm được chọn lọc mà Hoàng triều ban bố cho nhân dân, Các đơn thuốc (Như ý đơn, Hồi sinh đơn, Bổ âm đơn).

Theo lời nhà xuất bản Y học Hà Nội ở trang 3 sách dịch cho rằng “qua nghiên cứu nguyên bản, thấy có lẫn lộn vài sai sót” như “tập Thập tam phương gia giảm là tập chủ yếu lại để xuống quyển hạ sau tập Thương hàn tam thập thất chuỳ”, nên nhà xuất bản đã “tạm sắp xếp lại”.

Nhưng theo nhận xét của chúng tôi khi đọc HNGTYT thì  trong 8 phần của bộ sách, ngoài  phần Y luận (gồm cả Tạng phủ Kinh lạc) nguyên văn chữ Hán trích từ các sách y học Trung Quốc như Vạn Bệnh Hồi Xuân, Thọ Thế Bảo Nguyên; phần các phương thuốc gia truyền hiệu nghiệm được chọn lọc mà Hoàng triều (Lê) ban bố cho nhân dân tác giả hẳn là của Thái Y viện triều Lê; 2 phần Thương hàn cách pháp trị lệPhương pháp biện chứng luận trị do một người hiệu là Lão Mai soạn; cũng như phần Các đơn thuốc do Tráng Nho lão soạn đã nói ở trên.

Như vậy chỉ còn lại 3 phần là Nam dược quốc âm phú, Trực giải chỉ nam dược tính phúThập tam phương gia giảm có nhiều khả năng đích thực là những tác phẩm của Tuệ Tĩnh. Nếu đúng như thế, ta sẽ thấy sắp xếp theo nguyên bản mỗi quyển thượng- hạ có 1-2 phần đầu do Tuệ Tĩnh soạn kèm với một số phần sau do người khác hoặc đời sau trích dẫn hoặc soạn thêm là hoàn toàn hợp lý chứ không hề có sự lẫn lộn hay sai sót nào.

Trong loạt bài Tìm hiểu Thập tam phương gia giảm đăng 3 kỳ trên CTQ số 46, 47, 48 sau đó, chúng tôi tiếp tục khẳng định đây là một tác phẩm y học rất độc đáo. Tính độc đáo trước hết thể hiện ở hình thức. Toàn văn tác phẩm là một bản thơ Nôm lục bát dài 1190 câu. (Xin mở ngoặc nói thêm ở bản in Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư của Nxb Yhọc, Hà Nội, 1978, không rõ do lỗi nhà in sắp chữ hay lỗi phiên âm, biên tập, mà đã nhập 2 câu 745-746 thành một câu: “Công trừ chướng ngược, tiêu đàm hòa trung”. Tôi đã đối chiếu với bản chữ Hán sách HNGTYT số hiệu A162 của Viện Hán Nôm, nên khôi phục đầy đủ 2 câu đó là: “Công trừ chướng ngược sơn lam/ Khoan trường, tiến thực tiêu đàm hòa trung”).

Trích trang 152 sách HNGTYT, nhà xuất bản Y học, HN, 1978
Trích sách HNGTYT bản chữ Hán ký hiệu A162 tại Viện Hán Nôm

Ngoài phần mở đầu (42 câu) và kết luận (30 câu), còn lại 1112 câu tập trung giới thiệu 13 phương thuốc với toàn bộ nội dung chủ trị, thành phần, liều lượng, bào chế và đặc biệt trình bày rất kỹ lưỡng cách gia giảm linh hoạt tuỳ theo triệu chứng bệnh lý. Bài viết này không đi vào chi tiết, xin chỉ lướt qua trong một cái nhìn bao quát và dừng lại ở một vài điểm nhấn quan trọng theo nhãn quan tác giả.

Có lẽ chưa có tác phẩm nào tinh tuyển cô đọng tới mức kỷ lục còn 13 bài thuốc như TTPGG. “Thấy trong tiên giác y gia / Quốc âm đằng thảo mười ba phương này”. Đó là câu 17-18 trong phần mở đầu TTPGG.

Tác giả cho chúng ta biết 13 bài thuốc này được chép lại rõ ràng (đằng thảo) bằng quốc âm  vốn có xuất xứ từ trong các tác phẩm của tiên hiền đời trước, cụ thể gồm 3 bài thuốc trong Thương Hàn Tạp Bệnh Luận của Trương Trọng Cảnh đời Hán và 9 bài trong sách Cục Phương (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tể Cục Phương) và 1 bài trong sách Dị Giản Phương đều thuộc đời Tống.

Đọc lại phần kết luận trong TTPGG, câu 1161-1162 viết: “Xem cho biết phép bổ công / Mười ba phương ấy no trong đủ ngoài”, tôi chợt ngộ ra một điều là  tác giả TTPGG có ý thức rất rõ ràng khi chỉ chọn 13 bài thuốc cơ bản để đối trị đầy đủ tất cả các loại bệnh nội thương ngoại cảm thường gặp.

Đã có một sự gặp gỡ lý thú giữa trường phái y học Tuệ Tĩnh Việt Nam với trường phái Hán phương Nhật Bản. Một danh y Nhật bản là Đông Động tiên sinh cũng từng chủ trương: “Dùng phương thuốc càng đơn giản, y thuật ngày càng tinh tế; dùng phương thuốc càng phức tạp, y thuật ngày càng thô thiển” (Dụng phương giản giả, kỳ thuật nhật tinh; dụng phương phồn giả, kỳ thuật nhật thô).

Đây phải chăng là một đặc trưng của trường phái Tuệ Tĩnh mà chúng ta cần nghiên cứu phát huy? Bởi lẽ thầy thuốc ngày nay  có không ít người vẫn  quan niệm sai lầm rằng đơn giản là biểu hiện của sự thô thiển và phức tạp mới là biểu hiện của sự tinh vi.

NÓI LẠI CHO… TƯỜNG

Sau gần 20 năm đọc lại các bài viết cũ, quan điểm cơ bản của chúng tôi về tác phẩm TTPGG gần như không thay đổi, ngoại trừ một chi tiết nay buộc phải… nói lại.

Đó là trước đây tôi chúng tôi cho rằng TTPGG là tác phẩm sáng tác của Tuệ Tĩnh, tuyển chọn và biên soạn từ các tác phẩm y học như Thương Hàn Tạp Bệnh Luận của Trương Trọng Cảnh đời nhà Hán, Cục Phương (Thái Bình Huệ Dân Hoà Tể Cục Phương) và Dị Giản Phương đều thuộc đời Tống.

Đến tháng 9/2018, có một bạn làm luận án tiến sĩ về lịch sử Đông y Việt Nam có sang Nhật sưu tầm tài liệu, bạn này nguyên là cộng tác viên tạp chí Cây Thuốc Quý, biết tôi quan tâm đến tác phẩm của Tuệ Tĩnh, nhất là tập TTPGG nên đã chụp gởi cho tôi xem một số file ảnh tài liệu cuốn sách thấy ở thư khố bên Nhật. Đó là cuốn sách Bí Truyền Gia Giảm Thập Tam Phương của tác giả Từ Dụng Hòa đời nhà Nguyên (1279-1368) soạn, do Nhật bản sao lục (chép tay), gần đây Công ty xuất bản Tân Văn Phong ấn hành vào tháng 10/1987.

Về nội dung chính cuốn sách này soạn đúng như 13 phương trong sách Tuệ Tĩnh, tuy thứ tự sắp xếp có thay đổi, và cuối sách có thêm 3 phụ phương là Phòng phong thông thánh tán, Tiểu tục mệnh thangBình vị tán. Thực ra Bình vị tán chính là bài thứ 7 Đối kim ẩm tử, nên chúng tôi nghi phần phụ phương do người sau thêm vào, chứ không phải của tác giả.

Vốn nhập tâm câu ngạn ngữ Latin: “Hãy cẩn thận với người chỉ đọc một cuốn sách” ! Nên hơn 5 năm qua chúng tôi chưa vội công bố tài liệu này. Gần đây tôi được một nhà nghiên cứu văn hóa (vốn là Trưởng ban Ban vận động Xây dựng Hồ sơ danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trình UNESCO vinh danh vào năm 2024) mời tham gia Nhóm Nghiên Cứu Thiền Sư Danh Y Tuệ Tĩnh, nên đã nổ lực tìm kiếm thêm được vài tài liệu có ghi nhận trên mạng tiếng Trung cũng như thư tịch Trung Quốc.

Tài liệu trên mạng https://baike.baidu.com/ cho biết bản khắc mới sách Bí Truyền Gia Giảm Thập Tam Phương do Từ Dụng Hòa đời Nguyên biên soạn gồm 1 quyển thuộc loại sách trước tác phương tể Trung y, khắc in vào năm Vĩnh Lạc thứ 11 đời Minh (1413) [(新刻官板)秘传加减十三方》是·徐用编著的一部方书类中医著作,不分卷。刊于明永乐十一年(1413)].

Chưa yên tâm với tài liệu trên mạng, tôi đã xác định lại chính xác nội dung tài liệu trên xuất xứ từ bộ sách Trung Quốc Trung Y Dược Học Thuật Ngữ Tập Thành (中国中医药学术语集成 là bộ sách đồ sộ gồm 5 chuyên đề với 10 tập sách ngót gần vạn trang với gần 10 vạn thuật ngữ do nhà xuất bản Trung Y Cổ Tịch xuất nản năm 2007), tại chuyên đề Trung Y Văn Hiến tập hạ (中医文献 ,下册), trang 986.

Như vậy, từ các cứ liệu trên đây, có thể xác định sách TTPGG của Tuệ Tĩnh là  phần diễn dịch từ sách chữ Hán sang chữ Nôm (quốc âm), chứ không phải do tác giả tuyển chọn và biên soạn, đúng như tác giả đã viết: “Thấy trong tiên giác y gia / Quốc âm đằng thảo mười ba phương này” mà trước đây chúng tôi lại đọc và hiểu nhầm.

Hy vọng với phát hiện trên đây của chúng tôi, sẽ là một đầu mối mới để tiếp tục tìm kiếm góp phần vào việc sáng tỏ thêm niên đại tác giả Tuệ Tĩnh, một chủ đề đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Đà Nẵng, mùa Noel 2023.

PHAN CÔNG TUẤN  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *