Tuệ Tĩnh theo Đất Việt Trời Nam và Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
03/12/2023
Biết tôi đang sưu tầm các tài liệu về Thiền sư Danh y Tuệ Tĩnh, thầy Thích Huệ Đăng, tăng sinh năm cuối của Học viện cao cấp Phật học ở Huế có cho tôi mượn cuốn sách Đất Việt Trời Nam của tác giả Thái Văn Kiểm, do nhà xuất bản Nguồn Sống in năm 1960 ở Sài Gòn. Đọc sách này, trong bài khảo cứu Gốc tích cổ tục và nghề nghiệp Việt Nam, mục Y khoa dành trọn giới thiệu về Tuệ Tĩnh. Xin trích nguyên văn như sau:
Nguồn gốc của y-khoa ở vào thế-kỷ thứ X. Nhà dược-sĩ đầu tiên của ta là vị sư Tuệ-Tĩnh, chánh quán làng Văn-Thái, huyện Cẩm-Giàng, phủ Ninh-Giang, tỉnh Hải-Dương.
Vị sư này là một người hiếu học, thông minh và nhẫn nại. Ông ta làm nghề dạy học lúc còn trẻ. Vua Đinh-Tiên-Hoàng muốn bổ dụng ông vào làm quan trong Triều. Nhưng sau khi xem xét cuốn sấm truyền Thái-ất, Tuệ-Tĩnh biết rõ tính cách tạm thời của triều đại nhà Đinh nên ông từ chối, viện cớ muốn sống thanh nhàn trong nghề giáo học. Nhà vua không chịu và trước sự khẩn khoản của vua, nhà thông thái này chỉ biết trốn đi lập chùa ở Hồng-Vân, phủ Đa-Phúc, tỉnh Phúc-Yên bây giờ. Nhà vua bất bình liền sai quân lính đến nơi ông sinh trưởng để bắt phạt nhưng không gặp. Về sau dân làng bị quân lính doạ nạt chỉ chỗ cho ông ẩn trốn, nên nhà sư phải sang Trung-Hoa. Sau bao ngày công lao mệt nhọc, ông đến chùa Vạn-Phúc, đất của Đức Khổng-Tử và ở luôn đấy. Tuệ-Tĩnh một ngày kia gặp một khách cao sang. Nhận thấy tính cách đặc biệt của nhà sư Tuệ-Tĩnh, khách vấn ông: “Hình như ngài không phải là người xứ này. Vậy ngài có thể cho tôi biết chủng tộc của ngài không?” Nhà sư trả lời : “Tôi là người Việt Nam. Vì đạo nghĩa tôi đến đây”.
Khách không là ai xa lạ, chính là Vương-Quan-Thanh nhà nha-y nổi tiếng đương thời. Thông hiểu tài trí của Tuệ-Tĩnh, nhà nha-y hứa dạy lại nghề này cho ông. Tuệ-Tĩnh hết nỗi vui mừng được gặp sự may mắn bất ngờ liền xin làm môn đệ ông khách quý hoá. Mười năm kiên nhẫn trong sự học hành, Tuệ-Tĩnh đã vượt qua cả thầy mình nữa. Ông thành công chắc chắn những nơi ông đến cứu. Bấy giờ ông muốn trở về nước và được thầy cho phép. Lời tiên đoán của ông đã tỏ ra thật: nhà Lê lên thay thế nhà Đinh. Ông khỏi phải bị đuổi bắt nữa, trở về chùa cũ Hồng-Vân làm nghề nha-y. Tiếng tăm vang lừng và khách hàng rất đông, ông phải chiêu tập môn đồ.Những người này thâu thập được rất nhiều kinh nghiệm của ông, đã trở nên những nha-y tiếng tăm. Cũng chính Tuệ-Tĩnh đã chữa lành bịnh răng cho vua Lê-Trung-Tôn.
Sau khi Tuệ-Tĩnh mất vua truyền lệnh lập đền thờ để tưởng nhớ linh hồn ông. Tuệ-Tĩnh chính là người đầu tiên đã dạy ngành y khoa cho nước nhà. Ông có nghiên cứu rất nhiều thứ thuốc và ghi rõ những nhận xét trong một cuốn sách ông đã viết với đầu đề “Nam Dược” hay là những phương thuốc miền Nam.
Đọc đoạn trích trên đây, mặc dù tư liệu có nhiều điểm đáng ngờ, cách xa về niên đại cũng như truyền thuyết so với các tư liệu khác về Tuệ Tĩnh, tác giả lại không chú rõ nguồn gốc trích dẫn từ đâu, nhưng chúng tôi cũng xin giới thiệu với mong muốn cung cấp cho bạn đọc có thêm một tài liệu tham khảo, đối chiếu và phản biện loại trừ khi thấy đủ lập luận chứng cứ.
Dưới đây lại là một tư liệu khác cho biết niên đại của Tuệ Tĩnh có độ chênh đến 6 thế kỷ so với niên đại xác định của tư liệu trên. Mời bạn đọc tham khảo tiếp:
Thiền sư Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ mười sáu. Sách Hải Dương Phong Vật Chí nói ông có pháp tự là Vô Dật, pháp hiệu là Thận Trai. Ông người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông tu ở chùa Hộ Xá, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Ông cũng là một dược sư giỏi. Ông là tác giả các sách:
-Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục, bản dịch bằng chữ Nôm
-Nam Dược Thần Hiệu
-Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư
Bài tựa sách Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục được viết năm 1631 cho nên ta biết ông sinh vào cuối thế kỷ thứ mười sáu. Sách Nam Dược Thần Hiệu cũng còn truyền đến ngày nay. Sách Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư được tái bản năm 1717 sau khi chúa Trịnh Cương sai các quan ở Nội phủ và Y viện hiệu đính những chữ viết sai và khắc lầm của bản in trước. Người viết chữ để khắc bản in năm 1717 là một thiền sư pháp danh là Pháp Thịnh. Chính sách này cho biết Tuệ Tĩnh ở chùa Hộ Xá. Một phần của sách này được viết bằng Nôm lục bát. Không rõ thiền sư Tuệ Tĩnh tịch vào năm nào. Hiện còn di tích đền thờ ở nguyên quán là làng Văn Thai ở Hải Dương. Dân làng và các làng lân cận còn tiếp tục trồng những dược thảo do ông chỉ dạy.
Sách Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục hiện có là một bản chép tay, có bài tựa của thiền sư Tuệ Duyên chùa Sùng Quang huyện Giao Thuỷ viết, đề năm Đức Long thứ ba (1631). Để có một ý niệm về văn dịch của Tuệ Tĩnh trong Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục, ta hãy đọc một đoạn trong “Bài tựa Bốn Núi”:
“Nguyên chừng vốn không có tứ đại, chẳng có ngũ ấm. Bởi cái không lại tự tính dấy nhuộm vọng tình, vọng tình bèn hoá nên sắc tướng, tuy đã có sắc tướng, sau lại bại hoại về đường chân không; ấy sự vọng tưởnglà theo tính chân không mà tính chân không lại hoá hiện sắc tướng.
“Quen lấy tính chân không, bèn hoá sinh mọi sắc tướng. Đã trái chưng trong nghĩa vô sinh vô hoá, bèn mới làm chưng sự luân hồi hữu hoá hữu sinh. Trong lòng đã được nghĩa vô sinh vô hoá, ấy thì chưng sau chẳng có hoá lại chẳng có sinh. Bây giờ chứng minh có làm sự hoá sinh đấy, thì về sau lại phải có sinh cùng hoá…”
(Nguyên văn của Trần Thái Tông: “Nguyên phù tứ đại bản vô, ngũ uẩn phi hữu. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không; thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chủng sẵc. Ký bội vô sinh vô hoá, vĩnh vi hữu hoá hữu sinh; vô sinh hoá tắc vô hoá vô sinh, hữu hoá sinh vô hữu sinh hữu hoá…”).
Đoạn trên trích từ bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang, một bút danh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, do nhà xuất bản Văn học, Hà Nội tái bản. Bước đầu cung cấp các tư liệu sưu tầm cho nhiều người cùng đọc, xin chân thành cám ơn quý bạn đọc đã hưởng ứng sưu tầm giới thiệu và góp bàn các ý kiến nhận định của mình trên diễn đàn CTQ. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của quý bạn đọc gần xa.
P.C.T (st)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089