Học giả Hoàng Xuân Hãn với bản dịch dang dở sách thuốc Tuệ Tĩnh
29/11/2023
Đọc lời bạt sách Văn bản Truyện Kiều- nghiên cứu và thảo luận của Đào Thái Tôn do Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây in lần thứ hai năm 2003, tôi mừng như được vàng khi bắt gặp một thông tin viết về học giả Hoàng Xuân Hãn đã từng phiên dịch tác phẩm của Tuệ Tĩnh. Xin trích lại như sau:
“Cụ Hãn sinh ngày 8/3/1908 tại Hà Tĩnh và mất ngày 10/3/1996 tại Paris. Cụ là một nhà bác học thông kim bác cổ, hiểu rõ khoa học hiện đại của Phương Tây, vận dụng phương pháp khoa học đó vào nghiên cứu các môn khoa học xã hội nước ta và nhờ thế đạt được những thành tựu vượt trội. Vào cái thời chưa mấy ai biết đến giá trị của những tư liệu cổ, những văn bản gốc, Cụ đã sưu tầm được nhiều tư liệu quý trước khi chúng bị huỷ hoại trong chiến tranh và các biến cố xã hội. Khi thì mua, khi thì mượn chép, khi thì cho rập các văn bia quý, khi thì chụp lại…để chuẩn bị cho một cuộc nghiên cứu lâu dài. Bởi thế Cụ có hàng chục bản Kiều, gần chục bản Chinh phụ ngâm, một bản Truyện Song Tinh...(…).Người nước ta bây giờ không ai có kiến thức sâu rộng và vững chắc như Cụ. Cụ là Kỹ sư Cầu cống (năm 1934), Thạc sĩ Toán học (năm 1936), Kỹ sư Năng lượng nguyên tử (năm 1958), nhưng hơn hết Cụ là một nhà Việt Nam học số Một với 16 cuốn sách, 160 bài báo trên nhiều lĩnh vực rất khác nhau: Lịch sử, Khoa học, Giáo dục, Ngôn ngữ học, Lịch pháp, Văn học cổ…
Cụ làm việc bền bĩ với một tinh thần tự do và khoa học. Cụ không bị ràng buộc bởi một thiên kiến chính trị nào, không bị câu thúc bởi bất cứ ai hoặc một thời hạn nào, chỉ những gì cụ cho là có lợi cho dân trí, cho nền khoa học nước nhà là Cụ làm. Cụ chỉ công bố kết quả nghiên cứu khi nó đã chín mùi, hoàn chỉnh với một tinh thần thận trọng và khoa học.
(…)
Có lần Giáo sư Tạ Trọng Hiệp cho chúng tôi biết, Cụ còn đang phiên âm chú giải Hồng Nghĩa giác tư y thư của danh y Tuệ Tĩnh; tới nay chắc cũng chưa hoàn thành. Công việc đó rất lớn, rất phức tạp, rất cần đến bàn tay khối óc của những người như Cụ. (Vừa rồi, nhân muốn tìm hiểu về “ngũ hoá”, phải tìm đọc 2 trang sách trong Vận khí bí điển của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tôi mới giật mình khi thấy trong 2 trang này, ở bản in chữ Hán, có sai sót không ít mà cả 2 nhóm dịch giả đều không phát hiện ra, chẳng những thế họ còn chấm câu sai, dịch sai hoặc tuỳ tiện bỏ một đoạn mà không ghi chú gì. Tôi e rằng các tác phẩm kinh điển của hai vị tổ của nền y học nước ta cũng chưa được khảo cứu kỹ về văn bản học trước khi dịch).
Cụ Hãn được nhà nước ta truy tặng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Phải chăng Cụ là một Lê Quý Đôn, một Phan Huy Chú của thế kỷ XX?…”
Cần lưu ý tác giả của lời bạt (đã đăng trên Tạp chí Hán – Nôm số 6 năm 2002) mà chúng tôi trích dẫn trên đây là Lê Thành Lân, PGS-TS Viện Công nghệ thông tin, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lịch cổ Việt Nam và thời châm cứu. Đọc đoạn trích trên, người biên tập chuyên mục này cũng không khỏi giật mình. Giật mình không phải vì những sai sót khó bề tránh khỏi khi phiên dịch các tác phẩm kinh điển, như chúng tôi đã từng vài ba lần góp ý phủ chính trên Đặc san NCTQ số 12 (tr.17) và các số Tạp chí CTQ13 (tr.7), CTQ31 (tr.8). Mà giật mình bởi vì lần đầu tiên được nghe thông tin nhà học giả lừng danh Hoàng Xuân Hãn đã từng chú tâm phiên âm chú giải tác phẩm HNGTYT của Tuệ Tĩnh. Nếu công trình này hoàn tất, chắc hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu tác giả tác phẩm Tuệ Tĩnh đời sau. Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng tôi thiếu tin tưởng vào các bản dịch sách Tuệ Tĩnh và Lãn Ông của Viện Đông y Hà Nội trước đây. Ngược lại, chúng tôi không những ngưỡng mộ vốn tri thức thâm hậu về Hán Nôm và kinh nghiệm lịch lãm về Đông y của các dịch giả phần lớn là các lão y khả kính, mà còn rất trân trọng công ơn của các cá nhân, tập thể, tổ chức nhà nước và xã hội nghề nghiệp đã góp phần biên soạn, phiên dịch, xuất bản các bộ sách đông y kinh điển. Đúng như lời phát biểu của DS. Tổng thư ký hội DLVN kiêm Tổng biên tập Tạp chí CTQ tại Hội thảo Kế thừa và phát huy y đức, y thuật của HTLÔ Lê Hữu Trác do UBND tỉnh Hưng Yên và Hội Đông y VN tổ chức ngày 31-1-2004 tại Hưng Yên: “Để có được bộ sách đến tay chúng ta học tập ngày nay, chúng ta không chỉ khắc ghi công đức Y Tổ đã dành tâm huyết trí tuệ và kinh nghiệm một đời để biên soạn nên, mà còn vô cùng biết ơn các bậc tiền bối hữu danh và vô danh đã đóng góp công sức tiền bạc để lưu truyền, sưu tập, chỉnh lý, khắc in, hiệu đính, phiên dịch qua bao nhiêu thế hệ, giữ gìn bộ sách quý giá cho muôn đời sau”. Cũng chính vì thế mà nếu có thêm được một bản dịch mới của các tác phẩm kinh điển, nhất là khi được thực hiện bởi các học giả có uy tín, thì đó không chỉ là niềm vui riêng của y giới cổ truyền mà còn là thành tựu chung của cả nền văn hoá dân tộc.
Trở lại với thông tin về công trình phiên dịch dang dở sách HNGTYT của học giả Hoàng Xuân Hãn, tác giả Lê Thành Lân còn cho biết thêm: “Một điều đáng tiếc là, sau khi Cụ mất không lâu, thì người học trò gần gũi nhất của Cụ, người có thể hoàn tất một vài công việc của Cụ là giáo sư Tạ Trọng Hiệp cũng mất”. Chúng tôi thiết nghĩ, đối với các di sản tài liệu nghiên cứu và sưu tập về vốn quý văn hoá cổ truyền của Cụ để lại, cần được xem là tài sản của quốc gia; và hoàn toàn tán thành với ý kiến đề xuất và thỉnh nguyện của tác giả Lê Thành Lân về việc xử lý các di sản đó là: “Cần gấp phân loại, sao chụp lại làm nhiều bản, CD hoá phần viết trên máy tính. Mong rằng có lúc di sản đó sẽ đến tay những người có tâm huyết, có tài năng, có thời gian và họ đảm nhận hoàn tất công việc của cụ”.
Riêng Tạp chí CTQ, mong có điều kiện sẽ góp phần hoàn tất công trình phiên dịch sách thuốc Tuệ Tĩnh của Cụ.
P.C.T.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089