Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Tĩnh đối với Y học Việt Nam
22/11/2023
(Tham luận tại Hội thảo HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC – THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG)
PHAN CÔNG TUẤN* – NGUYỄN VĂN ÁNH*
* Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một nhà Y học, một danh nhân văn hóa Việt Nam ở Thế kỷ XVIII. Tác phẩm “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” (HTYTTL) không những là bộ bách khoa toàn thư về y dược cổ truyền có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền y học Việt Nam, mà còn hàm chứa nhiều áng thơ văn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Trải qua hơn 250 năm ra đời (bản thảo cơ bản hoàn thành năm 1770), bộ sách đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử y học nước ta, đã tổng kết từ lý luận cơ bản đến thực tiễn ngành Y học cổ truyền một cách nghiêm túc, giải thích các hiện tượng bệnh lý cũng như kế thừa các phương thuốc hay của nhân dân một cách khoa học.
Học tập, kế thừa, phổ biến các giá trị khoa học, nhân văn của bộ sách HTYTTL là công việc nhiều thế hệ thầy thuốc Đông y và các nhà văn hóa Việt Nam đã thực hiện trong hơn hai thế kỷ qua, từ việc sao chép phổ biến trong lúc sinh thời của tác giả, đến tổ chức khắc in nguyên bản chữ Hán Nôm (hoàn thành năm 1885, gần 100 năm khi tác giả qua đời) và biên dịch toàn văn ra hai văn bản tiếng Việt quốc ngữ (1964-1972) được tái bản nhiều lần ở hai miền Nam, Bắc.
Tham luận này xin tổng hợp một số ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông và bộ sách HTYTTL đối với Y học cổ truyền Việt Nam và đề xuất một số hướng nghiên cứu ứng dụng, phát huy các giá trị di sản văn hóa y dược cổ truyền trong tình hình mới.
- GIỚI THIỆU NỘI DUNG BỘ SÁCH HTYTTL
Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng là Đại danh y, Y tổ của Việt Nam vì ông đã hết lòng vì sự nghiệp y học nước nhà. Ông đã biết thừa kế học thuật của những bậc danh y đời trước và nêu cao tinh thần độc lập sáng tạo, tiếp thu học thuật nước ngoài có phê phán, có phát triển, luôn luôn độc lập suy nghĩ, vận dụng linh hoạt vào thực tế lâm sàng, đúc rút kinh nghiệm làm sáng tỏ nhiều điều ngờ vực, bổ sung những chỗ người xưa chưa nói tới. Ông đã coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu; ông rất thận trọng trong khi khám bệnh chữa bệnh cũng như viết sách để lại.
- Thể lệ biên tập sách HTYTTL
Trong Phàm lệ (thể lệ biên soạn) đầu bộ sách “tâm lĩnh” của mình, Lãn Ông cho biết: “Tôi vào nghề y đã hai chục năm, dốc tâm cầu đạo, những mong theo đuổi đến cùng không để hổ thẹn. Song vốn không phải người sinh ra đã biết, lại không có thầy rèn cặp, càng học tập càng thấy cô đơn hẹp hòi, những mong khơi thác đến nguồn cội, mới bỏ công lội khơi hỏi bến. Tuy vậy, kiến thức nông
nhưng ý nguyện sâu, chỉ biết dốc hết sự ngu đần của mình mà thành thực tìm tòi. Vậy nên lấy sách Nội kinh làm gốc, lấy sách Cẩm nang (của Phùng Triệu Trương) và Cảnh nhạc (của Trương Giới Tân) làm cương lĩnh chủ yếu, tham khảo thêm các sách của các y gia tiên triết, hoặc có chỗ thì tuân theo phần ý chính, hoặc giải thích rõ những chỗ còn khó khăn ngờ vực, hoặc biên chép thêm những chỗ chưa đủ, hoặc là nghiệm theo những chỗ tâm đắc. Hơn mười năm dốc hết can tràng mới thành sự nghiệp. Sách hoàn thành chia làm 28 tập, gồm 66 quyển, mỗi tập đều có đầu đề, tiểu dẫn, thứ tự riêng biệt từng môn, từng mục…” [6].
Như vậy bộ HTYTTL bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, v.v… cả về những giáo huấn đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.
Tuy trong Phàm lệ nêu rõ bộ sách bao gồm 28 tập, 66 quyển, nhưng thực tế theo mục lục (thứ tự các quyển, tập) khắc in trong quyển thủ (in năm 1885) thì bộ sách chỉ còn 27 tập và 63 quyển (nếu không tính 8 quyển Bách bệnh cơ yếu bị mất hoàn toàn, bản khắc in chính thức chỉ bao gồm 27 tập và 55 quyển).
Như vậy bản khắc in 1885 còn thiếu 01 tập mới đủ 28 tập như tác giả đã viết trong Phàm lệ. Theo nhà sử học, thư tịch học Trần Văn Giáp, tập thiếu đó là Vấn sách tập, chép về lối vấn đáp về nghĩa lý và thực tế chữa bệnh khi giảng dạy (Tạp chí Đông y, Đặc san kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông, số 110-111, tháng 10-12, 1970, tr. 17).
Còn theo Lê Trần Đức chuyên viên nghiên cứu lịch sử y học cổ truyền thì đã tìm thấy 3 tập Vệ sinh yếu quyết (theo bản sao của cụ Nguyễn Tảo và Đỗ Xuân Sức), Nữ công thắng lãm (do cụ Nguyễn Hiệt Chi sưu tầm được giao cho cụ Phó Đức Thành) và Bảo thai chủng tử quốc âm toản yếu được khắc in theo nguyên bản của Hải Thượng năm 1854 (giới thiệu và khảo chứng Vệ sinh yếu quyết, đã in trong các bộ HTYTTL của NXB Y học). Nếu không tính hai tập đầu và cuối (vì không thuộc nội dung chuyên môn) thì cộng 3 tập mới tìm thấy là đủ 28 tập.
Tuy nhiên, theo GS. Hoàng Bảo Châu, đầu mỗi tập Hải Thượng đều có viết tiểu dẫn, song trong Vệ sinh yếu quyết, Nữ công thắng lãm và Bảo thai chủng tử quốc âm toản yếu đều không có tiểu dẫn. Như vậy, chúng ta cần thận trọng hơn trong việc xếp chính thức 3 tập mới tìm thấy vào HTYTTL, vì thực tế chưa đủ chứng cứ khách quan, và cần có nghiên cứu đầy đủ hơn [10].
Dưới đây là bảng tổng hợp thứ tự các quyển, các tập và nội dung, số điều mục của bộ sách theo mục lục sách đã khắc in năm 1885 [6], [7], [12].
- Thứ tự các quyển, tập, nội dung, số điều mục trong bộ sách HTYTTL
Tập | Nội dung | Số điều/ mục | |
Thủ | Y huấn cách ngôn, Y nghiệp thần chương
Phụ tập thơ: Y lý thâu nhàn lái ngôn |
Ngoài các phần đầu sách (Tiểu dẫn, Tự tựa, Lễ nghi, Thể lệ biên tập, Mục lục …), tập này khái quát nội dung cơ bản của y học, thái độ tư cách mà người làm thuốc cần biết. | 7 điều |
1 | Nội kinh yếu chỉ | Tóm tắt những điểm thiết yếu của lý luận kinh điển trong Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn. | 7 điều |
2 | Y gia quan miện
|
Lý luận cơ bản thầy thuốc cần nắm về âm dương, ngũ hành, bát quái, can chi, tạng phủ, kinh lạc, mạch học, bệnh lý, trị pháp… | 57 mục |
3-4-5 | Y hải cầu nguyên | Những qui luật chung về sinh lý và nguyên tắc trị liệu do các bậc tiên triết truyền lại cần thuộc lòng. | 9 mục |
6 | Huyền tẫn phát vi | Nói về bí ẩn Âm Dương Thủy Hỏa, cơ năng sinh lý và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, cùng phép chữa theo học thuyết Tâm Thận. | 36 mục |
7 | Khôn hóa thái chân | Bàn về hậu thiên Tỳ Vị, là gốc của vạn vật, là nguồn của khí huyết, bệnh lý và phép chữa. | 38 mục |
8 | Đạo lưu dư vận | Biện luận và bổ sung thêm những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa. | 23 mục |
9 | Vận khí bí điển | Nói rõ và gọn về khí vận trời đất, nóng lạnh mưa gió liên quan đến bệnh tật hàng năm. | |
10-11 | Dược phẩm vựng yếu | Tuyển chọn 150 vị thuốc thiết yếu, căn cứ khí vị công năng mà phân loại quy nạp theo ngũ hành. | 13 bài luận+150 vị thuốc |
12-13 | Lĩnh nam bản thảo | Giới thiệu tính vị thuốc Nam chép 496 vị thừa kế cùa Tuệ Tĩnh, chia làm 22 nhóm. Quyển hạ chép 305 vị mới phát hiện hay bổ sung về công dụng. | 496 +
305 vị |
14 | Ngoại cảm thông trị | Bàn riêng đặc tính bệnh ngoại cảm ở nước ta và các phương thuốc sáng chế để điều trị theo các thể bệnh cảm nhẹ, nặng. | 44 mục |
15-24 | Bách bệnh cơ yếu | Bệnh học nội khoa 10 quyển, mới sưu tầm và khắc in 2 quyển Bính, Đinh, (còn thiếu 8 quyển: Giáp, Ất, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). | 16 mục |
25 | Y trung quan kiện | Tóm tắt các điều quan trọng cần thiết trong điều trị các bệnh. | 91 mục |
26-27 | Phụ đạo xán nhiên | Chuyên về bệnh Phụ khoa, quyển đầu 26 mục, quyển sau 83 mục. | 109 mục |
28 | Tọa thảo lương mô | Chuyên về hộ sinh và bệnh Sản khoa. | 27 mục |
29-33 | Ấu ấu tu tri | Chuyên về chữa bệnh Nhi khoa. | 142 mục |
34-43 | Mộng trung giác đậu | Chuyên bàn về chữa bệnh đậu mùa (10 quyển). | 201 mục + 365 phương |
44 | Ma chẩn chuẩn thằng | Chuyên bàn về bệnh sởi. | 21 mục |
45 | Tâm đắc thần phương | Chú giải phương thuốc chọn lọc trong sách Cẩm nang của Phùng thị. | 70 phương |
46 | Hiệu phỏng tân phương | Giới thiệu 29 phương thuốc hiệu nghiệm do Lãn Ông sáng chế. | 29 phương |
47-49 | Bách gia trân tàng | Phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong nhân dân và thừa kế của ngoại tổ là Bùi Diệm Đăng. | 111 mục |
50-57 | Hành giản trân nhu | Phương thuốc tiện dùng trong các bản thảo đời trước, như Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh hay thu nhập trong dân gian (8 quyển) | 130 mục |
58 | Y phương hải hội | Tập hợp các bài thuốc thông thường tiện tra cứu | 234 phương |
59 | Y dương án | Bệnh án kinh nghiệm chữa khỏi các bệnh khó | 17 án |
60 | Y âm án | Bệnh án bệnh khó không chữa được (đã tử vong) | 12 án |
61 | Truyền tâm bí chỉ (Châu ngọc cách ngôn) | Cách ngôn thâu tóm các điều cốt yếu nhất về quy tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh trong các sách thuốc | 2 thiên |
Vĩ | Thượng kinh ký sự | Ký sự văn học ghi lại hành trình lên kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán năm 1782 |
- ẢNH HƯỞNG CỦA LÃN ÔNG VÀ BỘ SÁCH HTYTTL ĐỐI VỚI Y HỌC VIỆT NAM
Hải Thượng Lãn Ông và bộ sách HTYTTL của Lãn Ông được đánh giá cao trong nước và ngoài nước. Bộ sách này đánh dấu một bước tiến mới của sự nghiệp y học cổ truyền Việt Nam, góp phần xây dựng, phát triển nền y học đất nước ta.
- Danh y đương thời và Y tổ hậu thế
Bộ “Lãn Ông tâm lĩnh” ngay khi mới hoàn thành bản thảo, chưa khắc in đã được học trò của Lãn Ông sao chép học tập và lưu truyền trong y giới đương thời. Trong Thượng kinh ký sự có kể một chuyện khá thú vị. Một người học trò của Lãn Ông cho biết có biếu một bản sao bộ sách Tâm lĩnh cho người bạn tên Sự, người Hoa ở kinh đô. Anh ấy ngày đêm học tập, qua đó học thuật ngày một tiến bộ, trở thành thầy thuốc nổi tiếng ở kinh đô. Mặc dầu chưa gặp mặt bái sư, nhưng thầy thuốc này đã lập bàn thờ thờ sống Lãn Ông, nay nghe tin thầy lên kinh, đã mời thầy về nhà cảm tạ.
Sống sau Hải Thượng chừng 50 năm, tác giả Phạm Đình Hổ (1768-1839), trong tác phẩm Vũ trung tùy bút (Nguyễn Hữu Tiến dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001), trong mục Y học có bình luận: “Nước ta về đời Lê có danh y Lãn Ông người làng Liêu Xá, ngụ cư ở Nghệ An, chúa Trịnh Tĩnh Vương thường đón ông về kinh đô để chữa bệnh. Ông có làm ra sách Lãn Ông toàn tập, Mộng trung giác đậu, Ma chẩn chuẩn thằng,… học lực thâm thúy, nghị luận xác đáng, song cũng ít dùng thuốc công tán. Học giả bấy giờ vẫn cho đó là châu ngọc cách ngôn. Tiếc rằng ta chưa được xem hết bộ sách của ông”. Xem như vậy đủ biết bộ sách Lãn Ông đã có tiếng vang và ảnh hưởng ngay với người đương thời.
Đường My Vũ Xuân Hiên, người có công sưu tầm để chuẩn bị khắc in bộ sách, vào năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức (1866) đã nhận xét: “Nội dung sách nói về phong thổ nam bắc khác nhau, cách chữa bệnh xưa nay cũng khác nhau, phân tích rõ ràng lời lẽ đều là những ý tứ bổ sung vào những chỗ thiếu sót của người xưa, mở đường thành nấc thang cho kẻ hậu học, thật đáng học tập sao! Của cải ngàn vàng, châu báu muôn lộc, lẽ nào vứt bỏ giữa đường, huống chúng ta trong thời gian ngắn muốn vào cửa Hiên Kỳ để học nghề y chữa bệnh cứu người không có tiên sinh thì biết theo ai?”.
Trong lời giới thiệu về bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh”, tiến sĩ Lê Cúc Linh đã viết: “Diên tôi lúc còn trẻ đã được nghe nói có Hải Thượng Lãn Ông giỏi về nghề thuốc, thường viết sách bàn luận về thuốc,… những sách đó lẫn lộn khó tìm được toàn bộ mà chỉ thấy mỗi nhà chỉ có một vài cuốn… Tôi xem nội dung cuốn sách thấy chia ra từng tập, xếp loại kỹ càng, bàn luận dẫn chứng gọn và rõ, đã gom được những tinh túy của các bậc tiền bối làm thành một pho sách đầy đủ lý luận lại nói được điều cốt yếu mà dễ nhớ, rõ mà dễ thực hành, thật đáng đem truyền bá cho mọi người.”
Nhà sư Thanh Cao, người tổ chức quyên góp khắc in bộ sách từ năm 1839- 1885, tức sau khi Lãn Ông qua đời gần 100 năm nhận xét: “Đem so với nhân thuật của ngày xưa, rõ ràng Lãn Ông là một bậc danh y nước Nam”.
Nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã dịch Thượng Kinh Ký Sự và viết bài “Một nhà danh nho và danh y của nước ta – Cụ Lãn Ông” đăng trên Nam phong tạp chí từ những thập niên đầu thế kỷ XX cho rằng Lãn Ông “là một nhà kiêm cả đại-y-học, đại-văn-hào, đại-thi-hào, đại-cao-thượng”.
Trong Tạp chí Đông y, Đặc san kỷ niệm 250 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông, số 110-111, tháng 10-12, 1970 đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về Lãn Ông và tác phẩm.
Giáo sư Hồ Đắc Di nhận xét: “Cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông là một bài học lớn về truyền thống bảo vệ sức khoẻ của dân tộc ta, đạo đức của người Việt Nam, ý chí xây dựng một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng” (tr. 118). Còn nhà sử học Trần Văn Giáp cho rằng: ” Sách Lãn Ông tâm lĩnh là một bộ sách thuốc của một môn phái y học riêng của Việt Nam” (tr. 26.)
Người nước ngoài cũng có đánh giá cao về Lãn Ông và tác phẩm của ông. Học giả Trương Tú Dân, người Trung Quốc ở Thư viện Bắc kinh viết: “Sách Lãn Ông tâm lĩnh vừa phong phú vừa phát huy thêm học thuyết của Phùng Triệu Trương, có thể gọi ông là người đã tập hợp được kết quả tốt của mọi nhà làm thuốc, phát huy được nhiều điều mà người trước ông chưa phát hiện, có thể gọi ông là Thánh thuốc của Việt Nam, ta có thể ví Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân của Việt Nam” (Bắc kinh đồ thư quán, quý san số 334, ngày 1-3-1963) [3], [10].
Các nhà nghiên cứu người Pháp trước đó cũng đánh giá cao vị thế Hải Thượng Lãn Ông. Bác sĩ A. Sallet nói “Hải Thượng Lãn Ông là một đại danh y Việt Nam” (Bulletin de la société francaise – Histoire de la Médecine 1930) [3].
Giáo sư Y khoa P. Huard và M. Durand nhận xét: “… Không để bị choáng lộn bởi khoa học cổ truyền Trung Hoa, Lãn Ông đã nêu lên những điểm yếu của nó và xây dựng một nền y học thích hợp với các loại hình phong tục và dược liệu địa phương” và nền y học ấy “đã có một thành quả rộng lớn và lâu bền ở Việt Nam” (tr.146) [10].
Các thế hệ thầy thuốc Đông y Việt Nam từ bao đời nay đã suy tôn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Đại y tông (người thầy thuốc lớn) và là Y tổ, được thờ ở Y miếu Hà Nội cũng như tại các cụm di tích lịch sử ở quê nội (Yên Mỹ, Hưng Yên), quê ngoại (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và nhiều địa phương khác. Vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, giới y dược cả nước lại tổ chức tưởng niệm Y tổ.
Tại Đà Nẵng, Tỉnh hội Hội Y-Dược Việt Nam (tương đương hội Đông y hiện nay) tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng do Cử nhân, lương y Lương Trọng Hối làm Chủ tịch từ năm 1956 đã vận động hội viên đóng góp mua đất xây dựng Nhà thờ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông (hiện nay ở tại địa chỉ số 10 đường Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê). Hằng năm, đến ngày Rằm tháng Giêng luôn được các cấp hội và người hành nghề Đông y dược trên địa bàn tề tựu tham gia tế lễ long trọng.
Theo sách THƯƠNG HÀN TRỊ LIỆU của soạn giả Lương Trọng Hối do Hội Y- Dược Việt Nam – Tổng chi Trung phần Tỉnh hội Quảng Nam Đà Nẵng xuất bản năm 1958, tại các trang 51, 52, 53 có phụ lục bài “Văn tế Y tổ Hải Thượng Lãn Ông”, có ghi chú dưới tựa đề là “Hội Y- Dược Việt Nam Trung Việt tế vào ngày 24 tháng 2 năm 1956. Soạn giả: Đông y sĩ Nguyễn Mẫn”. Điểm độc đáo của bài văn tế ca ngợi hành trạng, công ơn của Y tổ bằng các từ ngữ đồng thời là tên của rất nhiều vị thuốc Đông y (xem nội dung bài Văn tế ở Phụ lục I).
Nhìn chung, những nhận xét đánh giá Lãn Ông và tác phẩm của ông của người đời xưa và người đời nay, ở trong nước và ngoài nước đã nói lên một cách khách quan: Lãn Ông là người thầy thuốc lớn, đã dựng ngọn cờ đỏ thắm trong y học và đã có ảnh hưởng sâu xa đến nền y học cổ truyền Việt Nam.
- Phát huy, phát triển học thuyết Thủy Hỏa
Lãn Ông soạn “Y tông tâm lĩnh” muốn “đúc trăm sách thành một bộ“, cũng đã tóm thâu những kiến thức y học cần thiết. Nhưng trong những phần chung, chúng ta có thể thấy vài điểm đặc thù trong lập luận và nghiệp vụ của Lãn Ông, đó là làm thuốc theo lốỉ “vương đạo” và thiên về “học thuyết thủy hỏa”.
Thuyết Thủy Hỏa không phải đã có sẵn từ xưa mà là một thuyết được các danh y đời sau xây dựng nên, thành bước tiến bộ trong Đông y. Trong chuyên luận “Huyền tẫn phát vi”, Lãn Ông đã nói “nếu không hiểu thuyết Thủy Hỏa sẽ không biết cách vận dụng hai bài thuốc thánh Lục vị và Bát vị”.
Trong bài tựa của tập Tâm đắc thần phương, Lãn Ông có nhắc đến hai con gái tên là An và Hoàn bị bệnh nặng, may nhờ vận dụng thuyết Thủy Hỏa cứu sống, đó “chính nhờ sự hiểu biết được cái hay của Chân thủy, Chân hỏa và chỗ bí ẩn của Nguyên âm, Nguyên dương”. Lãn Ông đã đánh giá cao và nghiên cứu sâu học thuyết Thủy Hỏa. Thuyết này là công trình trí tuệ cao của nhiều danh y từ Trương Trọng Cảnh, Tiền Ất, đến Tiết Lập Trai, Triệu Hiến Khả… Đặc biệt đến Phùng Triệu Trương (cuối đời Minh – đầu đời Thanh) soạn quyển Phùng Thị cẩm nang bí lục, bàn sâu về thuyết Thủy Hỏa, ghi nhiều bệnh án điều trị theo thuyết Thủy Hỏa, Âm Dương, đóng góp nhiều kinh nghiệm đặc sắc. [13]
Về thuyết Thủy Hỏa, Lãn Ông đặc biệt tâm đắc, dành riêng một quyển chuyên luận gọi là “Huyền tẫn phát vi“. Trong quyển này, nhiều lần Lãn Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Thủy – Hỏa: “Nhà y mà không hiểu rõ chân tướng của tiên thiên thái cực, không nghiên cứu tác dụng thần hiệu của Thủy – Hỏa vô hình, không trọng dụng được những bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì đạo làm thuốc còn thiếu sót đến hơn một nửa“.
Lại nói: “Đại bệnh chữa Thủy – Hỏa, tiểu bệnh chữa Khí – Huyết“. Lãn Ông dùng hai bài Lục vị, Bát vị rất rộng rãi, biện luận nhiều chỗ, rốt cuộc quy vào Thủy – Hỏa. Lãn Ông cũng có chú trọng đến thuyết Âm Dương, đã có những luận điểm về điều hòa âm dương, bổ dương tiếp âm, bổ âm tiếp dương và sáng chế ra những bài thuốc tương ứng, song nổi lên vẫn là thuyết Thủy – Hỏa. Học tập và làm theo Lãn Ông, trên lâm sàng, nhiều lương y hậu thế cũng đã thu được nhiều hiệu quả thực tế, vô hình chung đã thành một học phái gọi là “Học phái Thủy – Hỏa“. Như vậy, thuyết Thủy – Hỏa đã được nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam áp dụng.
Có một điều lý thú là không chỉ thầy thuốc y học cổ truyền mà nhiều thầy thuốc y học hiện đại đã sớm nghiên cứu đánh giá cơ sở khoa học trong y lý của Hải Thượng Lãn Ông.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (1921-2014), tốt nghiệp bác sĩ khoa y Đại học Hà Nội, năm 1952 bằng luận án Les Secrets des Reins révéles (tr. 150) bình dịch Huyền tẫn phát vi của Hải Thượng Lãn Ông, so sánh Tây y với Đông y (âm dương, thủy hỏa, hàn nhiệt, hư thực…). Về thận, ông cho rằng ngoài hai quả thận tương ứng với hai quả thận theo Tây y, Đông y còn có mệnh môn tương ứng với các hạch thượng thận (capsules surrénales) trong Tây y. Mệnh môn gồm ba phần: (1) chân thủy: chủ điều hòa huyết dịch, tương ứng với vùng đới cầu (zone glomérulée) sinh ra các chất minéralo-corticoides trong Tây y; (2) chân hỏa: chủ điều hòa khí lực, tương ứng với vùng chùm (zone fasciculée) sinh ra các chất glucocorticoides trong Tây y; (3) mệnh môn ở giữa chủ sinh dục, tương ứng với vùng võng đới (zone réticulée) sinh ra các chất hạch sinh dục (hormones sexuelles) của Tây y. Giáo sư Pierre Huard, trong La médecine chinoise au cours des siècles, tán thưởng luận án này, cho rằng Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ có công bắc được nhịp cầu nối Đông và Tây y. Luận án được giải thưởng năm 1952. [5].
Giáo sư Ngô Gia Hy (1916-2004), một chuyên gia hàng đầu thế giới về niệu học, thành viên Hội Phẫu học Hoa Kỳ, Hội Niệu học Quốc tế, Hội Niệu học Pháp, và là sáng lập viên Hội Niệu học Đông Nam Á, cho rằng quan niệm trong Thận bao gồm tuyến thượng thận hay Mệnh môn của Đông y là có cơ sở vật lý lẫn sinh lý.
Thận và tuyến thượng thận có một số liên hệ. Tuyến thượng thận như danh từ đã chỉ, trùm lên cực trên của thận như một phần của thận .
Trong các động mạch nuôi dưỡng tuyến thượng thận, có một động mạch xuất phát từ động mạch thận.
Bây giờ nếu quan niệm Thận bao gồm cả tuyến thượng thận tức Mệnh môn của Đông y thì :
Đối với tim: adrenalin của tuyến thượng thận tăng nhịp và sức co bóp tim.
Đối với phổi: adrenalin làm giãn khí quản và giúp thở dễ dàng.
Đối với gan: cortison của vỏ tuyến thượng thận kích thích chuyển hóa glycogen thành glucoze và tăng năng lượng cho cơ thể.
Đối với tụy và dạ dày:
– Adrenalin gián tiếp kích thích hoạt tính của tụy bằng cách tăng glucoze huyết.
– Cortison kích thích dạ dày bài tiết acid chlohydric và có thể làm thủng loét dạ dày hay tá tràng.
Thủy Hỏa là hai nhân tố thiết yếu của cơ thể, chúng hiện diện khắp mọi nơi và trong mọi tế bào. Thủy cạn thì người khô đét, Hỏa tàn thì người giá lạnh. Thủy Hoả tàn đưa đến tử vong.
Tính xung khắc mà lại hài hoà nhận thấy rõ giữa Thận Thủy và Tâm Hỏa.
Về Dịch học, Thận Thủy thuộc quẻ Khảm, Tâm Hỏa thuộc quẻ Ly. Mất quân bình Thủy – Hỏa, Thận – Tâm là đầu mối của bệnh tật.
Phân tích hai quẻ Ly (Hỏa) – Khảm (Thủy) thấy một số tính chất phản ánh những quy luật Âm – Dương :
Cả trong hai quẻ, đều có cả Âm lẫn Dương. Trong quẻ Ly thì Âm nằm trong Dương; còn trong quẻ Khảm thì ngược lại Dương nằm trong Âm. Âm của Ly dễ đắp đổi với Dương của Khảm, khắc đấy mà hợp đấy (Hình dưới).
Theo Y học Tây phương, thận và tim có mối quan hệ chặt chẽ. Tim giảm chức năng, gây thiếu máu vào thận sẽ kéo theo sự suy giảm chức năng thận, đưa đến thiểu niệu hay vô niệu, huyết áp cao do tim mạch lâu ngày làm biến thể huyết mạch của Thận, đưa đến tổn thương chủ mô thận và suy thận.
Qua đào thải nước và muối, thận giữ dung lượng huyết không tăng cao và gián tiếp trợ giúp tim. Thận rất nhạy cảm với huyết áp, chỉ cần huyết áp tăng một vài mm thủy ngân là dung lượng nước do thận đào thải sẽ tăng gấp đôi bình thường.
Thận giảm chức năng ngoài rối loạn kiềm toan gây độc hại cho tim, còn đưa đến phù nề do tăng nước ngoại bào với kết quả là tăng huyết áp và bắt tim phải gia tăng hoạt động. Thận thiếu máu cục bộ sẽ bài tiết renin quá mức đưa đến tăng huyết áp do thận qua hệ thống renin-angiotensin và gây ảnh hưởng tới tim.
Như vậy có thể nói phương pháp chữa bệnh theo học thuyết Thủy Hỏa của Đông y: “Nếu Hỏa dư vì Thủy không đầy đủ, sẽ phải bổ Thủy, tức làm vượng chân Thủy, chứ không thể bớt Hỏa được, nếu Hỏa không đầy đủ bởi chân Thủy dư ra, sẽ phải bổ Hỏa ở trong thủy và cũng không thể bớt Thủy được” hoàn toàn tương đương nguyên tắc điều trị hen suyễn bằng Adrenalin để làm hưng phấn giao cảm, và lập lại quân bình giao cảm – đối giao cảm của Tây y. [1]
- Xây dựng nền y học phù hợp thực tiễn, con người Việt Nam
Đánh giá về các giá trị tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông, trong đó có các giá trị tư tưởng về nhận thức của người thầy thuốc đối với sự phát triển của nền Y học Việt Nam, GS. Hồ Đắc Di – nhà khoa học kiêm lâm sàng học tiêu biểu của nền Y học, Y tế Việt Nam viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự giao lưu giữa các nước mở rộng. Chúng ta tiếp đón biết bao nhiêu là trào lưu khoa học. Mỗi nước mỗi khác. Trường phái này, trường phái khác thường đến với ta qua sách vở, báo chí hàng ngày. Nhưng Y học Việt Nam phải nhằm phục vụ cho con người Việt Nam với những đặc điểm riêng biệt của dân tộc. Cơ thể của con người Việt Nam không giống với cơ thể con người nước khác. Môi trường, hoàn cảnh sinh sống và lao động cũng khác. Do đó, chúng ta không thể tiếp thu một cách thụ động mọi kiến thức của nước ngoài mà không có phê phán, nhận xét một cách thận trọng và tỷ mỷ như Hải Thượng Lãn Ông. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ càng khi kê đơn, chữa bệnh để tuyệt đối tránh những sai lầm đáng tiếc trong điều trị” [10].
- a) Phương pháp chữa bệnh ngoại cảm sáng tạo
Về loại bệnh ngoại cảm, Lãn Ông cũng có những lập luận độc đáo. Tiếp thu luận điểm “Lĩnh Nam vô thương hàn” của Phùng Triệu Trương, Lãn Ông nhận định do thổ nghi khí hậu khác nhau mà về hình thái chứng bệnh ngoại cảm ở Việt Nam không giống như ở Trung Quốc.
Trong tập Ngoại cảm thông trị, Lãn Ông nhận định: “Nước ta ở vào khu vực đông nam gần mặt trời, giữa mùa đông mà lá cây không rụng, nước không thành băng, trời không có tuyết rơi, mùa đông thường ấm, hơi lao động một chút đã toát mồ hôi. Mồ hôi dễ toát như vậy nên trung khí sẽ do đó mà hư. Nên hơi gặp rét, cũng có thể cảm nhiễm được ngay. Như vậy thời cái sự cảm nhiễm đó chỉ nông thôi, chứ có đâu mà sâu được bằng người ở phương Bắc. Do đó mà suy thời chứng gọi là thương hàn ở nước ta quyết không phải giống hệt như chứng chân thương hàn có tính chất nặng, mà chỉ là chứng do hư mà cảm mạo thuộc tính nhẹ. Cho nên phàm những bệnh phát sinh về mùa đông ở nước ta đều có thể gọi là cảm hàn. Và những chứng bệnh phát sinh ở ba mùa còn lại đều có thể đoán định là cảm mạo thời khí mà thôi… Nước ta tuyệt không có thương hàn thuộc loại chân chính như các sách Trung Quốc đã chép”.
Từ đó sáng Lãn Ông chế ra ba bài giải biểu: 1- Hòa Vinh bảo vệ tán tà phương; 2- Điều khí thư uất phương; 3- Lương Huyết tán tà phương. Ông cho rằng “phàm gặp loại chứng hậu cần phát tán chỉ dùng các bài chữa về khí huyết, thêm một vài vị có tính chất phát dương nhẹ nhàng… cũng có thể giải tán bệnh tà (ngoại cảm). Khí, huyết, vinh, vệ là một phần chính khí. Trong bệnh ngoại cảm ông vẫn chú trọng đến chính khí. Ông nói: “Lúc nào cũng phải để ý đến chính khí làm đầu. [cứ nhằm chữa chính khí dù] không phát hãn mà hàn tự ra, không công tà mà tà tự rút”. Lập luận của ông nhất trí với kinh văn: “Sở dĩ tà khí [bên ngoài] xâm nhiễm gây hại được cho cơ thể là do chính khí [vốn có ở bên trong] đã có phần suy yếu [rối loạn không thích ứng nổi]” – (Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư).
Đến thời kỳ cuối của bệnh ngoại cảm, ông vẫn chú trọng đến chính khí, đặc biệt là vẫn vận dụng thuyết Thủy – Hỏa : “Đến khi tà đã lui, thời nên dùng những loại thuốc chính về Thủy – Hỏa để tiếp bổ thêm, không cần phải phân tích vụn vặt mà công hiệu rất mau chóng” – (Ngoại cảm). Ông sáng chế thêm sáu bài hòa lý nhằm bồi dưỡng tạng khí, Thủy – Hỏa, Khí – Huyết: 1- Gia giảm lục vị địa hoàng thang; 2- Gia giảm bát vị địa hoàng thang; 3- Gia giảm Tứ vật thang; 4- Gia giảm Tứ quân tử thang; 5- Bổ tỳ âm phương; 6- Bổ vị dương phương.
Như trên, rõ ràng là về bệnh ngoại cảm cũng như bệnh nội thương, Ông đều chú ý đến bồi bổ chính khí. Chú trọng mặt bồi bổ trong khi chữa bệnh là đường lối của phái “Vương đạo”, khác với đường lối của phái “Bá đạo”, thiên về phép công tả. Đường lối chữa bệnh “Vương đạo” trong bệnh nội thương, cả trong loại bệnh ngoại cảm của Lãn Ông đều trọng dụng thuyết Thủy – Hỏa. Đó là đặc điểm nổi bật của trường phái y học Hải Thượng Lãn Ông. [8], [9].
- b) Nhấn mạnh yếu tố thấp nhiệt trong bệnh tật ở nước ta
Nghiên cứu vận dụng y lý của Lãn Ông trong kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, Bác sĩ Lê Nguyên Khánh chỉ ra Lãn Ông đã cho thấy, ngoài nhóm bệnh ngoại cảm, Lãn Ông còn nhấn mạnh về nguyên nhân “thấp nhiệt” (nóng ẩm) trong nhiều bệnh viêm nhiễm thường gặp trên lâm sàng. Thấp nhiệt là nguyên nhân chính gây ra các chứng viêm nhiễm ở đường tiêu hóa và sinh dục, tiết niệu, bệnh ngoài da,… cũng như các bệnh thấp khớp tái phát. Qua đó đã ứng dụng các bài thuốc nam trong Bách gia trân tàng, Hành giản trân nhu,… với các tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, kết hợp tăng cường thúc đẩy tiêu hóa của tỳ vị, để chữa bệnh thấp khớp cấp thể thấp nhiệt rất hiệu quả. [2].
- c) Chú trọng chăm bón cái gốc sinh mệnh cho cả trẻ em
Nét độc đáo trong bộ sách “Lãn Ông tâm lĩnh“ là ngoài việc trình bày có hệ thống từ lý luận đến thực tiễn điều trị chung các khoa chữa bệnh, tác giả luôn có những sáng tạo riêng biệt. Về nhi khoa trong các tập “Ấu ấu tu tri” (Yêu trẻ nên biết), sau phần trình bày chi tiết gồm 90 mục chữa bệnh trẻ em, Lãn Ông đã đúc kết kinh nghiệm soạn chế 4 phương thuốc có thể gia giảm chữa mọi chứng bệnh thông thường của trẻ em. Đó là:
– Tiếp tục vô âm phương (tức Lục vị địa hoàng thang gia giảm): Phương thuốc này để làm mạnh phần thận thủy của tiên thiên; dùng chữa hết thảy các bệnh nóng, bệnh mới cảm của trẻ con, không nơi nào là không thích hợp, thực là phương thuốc rất hay về nhi khoa. Nhờ bổ mạnh chân âm, thủy vượng nên hỏa dẹp xuống, âm được tư dưỡng thì hỏa tự giáng, hỏa không hao thì nguyên khí không tổn, hỏa trở về vị trí của nó thì mọi chứng trạng được yên ổn.
– Tư bồi trĩ dương phương (tức Bát vị địa hoàng thang gia giảm): Chữa các chứng trẻ con ngoài giả nhiệt mà trong thực hàn, cùng với các chứng lâu ngày, bệnh nặng và mệnh môn hỏa rất hư. Bổ mạnh nguyên dương lại kiêm tư âm để làm cho nguồn tinh huyết đầy đủ. Trẻ em tiên thiên bẩm thụ yếu đuối thì phương thuốc này là đơn thần hộ mệnh, thuốc tiên cứu sinh.
– Vinh dưỡng tâm can phương (tức Tứ vật thang gia giảm): Chữa các chứng trẻ con bỗng nhiên nóng dữ (do tà nhiệt mới xâm vào), các chứng có nóng vừa, vì nóng thì hại huyết, phải bồi dưỡng cơ năng thống huyết (của Tâm) và tàng huyết (của Can) để cứu âm huyết hậu thiên.
– Điều bổ tỳ phế phương (tức Tứ quân tử thang gia giảm): Chữa chứng tỳ hư thấp trệ không thể vận hóa được, vị hư không thu nạp được và phần dương của vị hư mà vệ khí kém thiếu, phần âm của tỳ hư mà vinh khí hao tổn biến sinh các bệnh. Đó là điều bổ tạng tỳ, chuyển xấu làm tốt để bổ nguyên khí của hậu thiên và bồi thêm nguồn gốc sinh hóa. [6], [7].
Đọc trong phần phụ lục phụng tiên sư lễ nghi trong quyển đầu bộ Lãn Ông tâm lĩnh, HTLÔ đã viết: “Tôi bỏ công danh, theo học nghề y, đã hơn mười năm khổ tâm cầu đạo, ở chốn núi rừng hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để thờ, dưới không có bạn hiền để cậy, một mình ra sức tìm tòi, đến khi đọc bộ Cẩm nang bí lục mới thấu ngộ được diệu dụng âm dương, chân cơ thuỷ hoả. Rồi gặp cảnh nhà hai đứa con gái đều ốm nặng ngặt nghèo, mạng sống dường như treo trên sợi tóc, tưởng chừng không còn cách nào cứu chữa, tôi chỉ đem phương thuốc thuỷ hoả dốc sức vãn hồi, cuối cùng đều được cứu sống. Từ đó ứng dụng chữa bệnh rộng rãi trong gia đình cũng như ngoài làng xã đều thành công. Cảm kích vô cùng nên tôi đã dùng giấy bút vẽ thần tượng của Trương Công (tức Phùng Triệu Trương, tác giả bộ Cẩm nang bí lục), dọn một phòng sách để sớm tối lo hương đèn báo đáp ân đức sâu nặng của ngài. Lại lưu tiền lễ của học trò mỗi người một quan giao người giữ lấy lãi, cộng với khoản thu một phần sáu mươi trong số tiền thuốc bệnh nhân hậu tạ, hằng năm chọn ngày đầu xuân cùng với học trò sắm lễ cúng tế.” [7]
Cũng cần nói thêm, đường lối trị bệnh vương đạo luôn biết chăm bón cái gốc của sinh mệnh, điều trị đúng cái gốc sinh ra bệnh mà Y tổ Lãn Ông đề cao không chỉ là vấn đề lý luận mà là kinh nghiệm thực tiễn thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, có khi trả giá bằng sinh mạng của những người thân yêu nhất, đã được Lãn Ông truyền lại cho nhiều thầy thuốc đời sau thực hành theo và gặt hái nhiều thành công.
Qua trước tác HTYTTL của Lãn Ông, chúng ta thấy yếu tố thực tiễn luôn thường trực trong đường hướng chữa bệnh của ông. Tư tưởng đó đã được ông luôn chú trọng và nhấn mạnh trong hầu hết các trước tác do ông biên soạn. Chính vì vậy mà trong cuốn sách “Lãn Ông và nền Đông y Việt Nam”, hai tác giả người Pháp là Huard và Durand đã so sánh và đánh giá các giá trị tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông là “thực tiễn và không trừu tượng”. [10]
- Biểu tượng nền Y học cổ truyền, tấm gương sáng về Y đức
Theo Trương Thìn, Lãn Ông và tác phẩm của mình thể hiện toàn bộ cấu trúc của nền Y học cổ truyền cho mục tiêu con người và sức khỏe [4]:
1- Lãn Ông là người theo đạo Y, đạo nhân nghĩa, nhân văn, nhân bản: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương” .
2- Lãn Ông là một triết nhân, một nhà tư tưởng năm được Đạo Trời đất, thông hiểu dịch lý, quán triệt Y Đạo, chiến lược toàn diện của Y học Đông Phương.
3- Lãn Ông là một y nhân, một nhà khoa học lỗi lạc của Y học Việt Nam: – Y lý rốt rão mọi lãnh vực; – Y thuật toàn diện từ việc nâng cao nền tảng sức khỏe qua các phương pháp dưỡng sinh, vệ sinh, đến việc phòng trị bệnh tật nội ngoại phụ nhi lão.
4- Lãn Ông là một hiền nhân, một người biết ứng xử trước thời buổi nhiễu nhương loạn lạc, biết chọn con đường Y học làm sự nghiệp vĩnh cửu của mình.
5- Lãn Ông là một nghệ nhân, một người thầy thuốc của y học tâm hồn với đầy đủ khả năng cầm, kỳ, thi, họa để tu tâm dưỡng tánh, điều trị tâm bệnh.
6- Lãn Ông là tấm gương sáng của Y hạnh (đức hạnh) đối với bệnh nhân, đối với đồng nghiệp, đối với bản thân. [4]
Đáng chú ý trong tác phẩm của mình, ngoài các nội dung Y đạo, Y triết, Y lý, Y thuật, Lãn Ông đã chú trọng nêu gương sáng và giáo huấn bồi dưỡng về Y đức cho môn sinh và hậu thế.
Trong bộ sách HTYTTL, Lãn Ông đã tuyển chọn đưa phần Y Huấn Cách Ngôn lên hàng đầu, nêu rõ những phẩm chất đạo đức, bổn phận, phép tắc ứng xử đối với bệnh nhân, đồng nghiệp của người thầy thuốc. 9 điều Y Huấn Cách Ngôn đã được Bộ Y tế nước ta lấy làm quy định đạo đức hành nghề y dược cổ truyền (theo Quyết định số 3923/QĐ-BYT ngày 9-12-1999).
Có điều chúng tôi xin góp ý, mặc dù Hải Thượng Lãn Ông ghi rõ “thuật cổ” (chép lại lời người xưa) trong nguyên bản chữ Hán cũng như bản dịch của Nhà xuất bản Y học, nhưng trong Quyết định nói trên cũng như một vài văn bản trích dịch khác đã vô tình hay cố ý lược bỏ hai chữ đó, khiến hậu thế lầm tưởng Lãn Ông là tác giả của Y Huấn Cách Ngôn.
Theo tra cứu của chúng tôi, Y Huấn Cách Ngôn cơ bản được biên tập lại từ bản Lương Y Cách Ngôn trong sách Phùng Thị Cẩm Nang Bí Lục của Phùng Triệu Trương [13], người từng được Hải Thượng Lãn Ông thành kính vẽ tượng, thờ làm tôn sư của mình. Vì vậy, theo chúng tôi khi nhắc đến Y Huấn Cách Ngôn thì cũng cần nêu rõ xuất xứ “thuật cổ” để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc trong y giới cũng như bạn bè quốc tế.
Xin được nói thêm, nguyên văn bản dịch văn vần dễ nhớ dễ thuộc mà chúng tôi phỏng dịch và gọi là Y Huấn Cách Ngôn Diễn Ca đăng trên Tạp chí Y học Cổ Truyền Việt Nam số 312 năm 2000 đã được đưa vào một số giáo trình như: Lý Luận Y Học Cổ Truyền (NXB Y học, Hà Nội, 2002); Nhi Khoa Y Học Cổ Truyền (NXB Y học, Hà Nội, 2006) của Đại học Y Hà Nội và nhiều trang mạng internet đã góp phần phổ cập giáo dục y đức trong ngành, rất tiếc có nhiều tài liệu trích dẫn nhưng không ghi rõ nguồn. (Xem hình ảnh liên văn bản Y Huấn Cách Ngôn ở Phụ lục II).
Ngoài phần Y Huấn Cách Ngôn, rãi rác trong tác phẩm của mình, Lãn Ông còn nêu lên và truyền lại nhiều nhận định, quy tắc, bài học ứng xử đã được rút ra từ thực tiễn hành nghề. Giáo sư Ngô Gia Hy trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức”, đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y Huấn cách Ngôn, 24 điều từ Dương Án, Âm Án, 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh Ký Sự) [11].
Dưới đây xin đơn cử trong Y âm án số 10, Lãn Ông đã nêu lên 8 tội thầy thuốc cần tránh (Lười biếng, Keo kiệt, Tham lam, Dối lừa, Bất nhân, Hẹp hòi, Thất đức, Dốt nát) và 8 đức tính người thầy thuốc cần bồi đắp: Nhân (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (rộng lượng), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng). Chúng tôi tạm đúc kết vần vè cho dễ nhớ :
Lười, Keo, Tham, Dối, Bất nhân
Hẹp hòi, Thất đức, Dốt cần tránh xa
Nhân, Minh, Trí, Đức sáng lòa
Khiêm, Cần, Thành, Lượng y gia đắp bồi
Rõ ràng cuộc đời sự nghiệp và tác phẩm của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là tấm gương sáng về Y đức, mà còn là biểu tượng của nền Y học Cổ truyền Việt Nam. Theo Lãn Ông, nghề y là “nghệ thuật giữ gìn sinh mạng con người”, nhưng cũng đồng thời là một nghề mà “một tay đem lại phúc họa khôn lường” cho người bệnh, do đó người thầy thuốc không những cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp của mình, thường xuyên nâng cao Y đức, nhận thức lý luận đối với nghề nghiệp, nhưng đồng thời khi lâm sàng còn phải biết vận dụng lý luận đó hết sức sáng tạo. Đó cũng chính là yêu cầu và phẩm chất không thể thiếu được của người thầy thuốc chân chính trong truyền thống Y học xưa nay.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Hải Thượng Lãn Ông là nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền y học cổ truyền Việt Nam. Bộ sách HTYTTL là một công trình khoa học vĩ đại đã tổng kết một cách cơ bản Y học cổ truyền phương Đông từ xa xưa đến thế kỷ XVIII. Nói như Trương Thìn, “bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh xuất hiện như một vì sao lấp lánh, như một đỉnh cao vời vợi, như ngọn cờ đỏ thắm tung bay trên lĩnh nam đất Việt! Mà 200 năm qua chưa ai vượt qua đỉnh cao đó!” [4].
Việc truyền bá tác phẩm, nghiên cứu, học tập y thuật, y đức của Hải Thượng Lãn Ông là công việc được nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện trong mấy trăm năm qua, nhất là hơn 50 năm gần đây. Tuy nhiên, phải thừa nhận là kết quả còn hạn chế, chưa tương xứng với những cống hiến của vị Y tổ hàng đầu của Y học cổ truyền Việt Nam. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về công dụng các bài thuốc sáng tạo của Lãn Ông, hàm lượng kiến thức trong tác phẩm của Lãn Ông chưa đưa được nhiều vào các giáo trình căn bản đào tạo y dược cổ truyền. Việc phổ cập tác phẩm chủ yếu là tái bản các bản dịch cách đây 4,5 thập kỷ mà chưa đầu tư biên tập, nhuận đính kỹ lưỡng, nhiều phần cắt xén trong quá trình biên dịch trước đây (như phần phụ lục Phụng tiên sư lễ nghi) chưa được khôi phục đầy đủ…
Trong thời đại hội nhập tri thức toàn cầu hiện nay, Nhà nước nên chăng cần đầu tư tổ chức biên dịch thẩm định, xuất bản lại toàn bộ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông dưới nhiều hình thức truyền thông đa phương tiện: sách in giấy, sách điện tử, nguyên bản Hán nôm, bản dịch tiếng Việt, bản dịch tiếng Anh, phần mềm tra cứu,… để bạn đọc trong nước, ngoài nước có cơ hội tiếp cận học tập và nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu và rộng rãi hơn nguồn di sản tư liệu quý báu này, qua đó góp phần nâng cao uy tín và quảng bá hình ảnh Y dược học cổ truyền Việt Nam ra bạn bè quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ngô Gia Hy (1999), Thử kết hợp Đông Tây y qua Dịch lý và Thận, NXB Đồng Nai.
- Lê Nguyên Khánh (1982), Kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại trong lâm sàng, NXB Y học, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Thang (2001), Hải Thượng Lãn Ông – nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Trương Thìn (2003), Phát triển lý thuyết cơ bản Đông y, Trung tâm Thông tin YHCT, Viện YDHDT TP. HCM.
- BS. Nguyễn Văn Thọ (1952), Nghiên cứu về y thuật của Lãn Ông, tạp chí Phương Đông, số 17, tháng 11-1972, chủ đề Y Lý Đông Phương. – Bài này phỏng theo chương Étude critique du livre «Les Secrets des Reins révélés» trong Les Secrets des Reins révélés, luận án y khoa của tác giả, đệ trình tại Y Khoa Đại Học Đường Hà Nội, tháng 12-1952.
- Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2005), Hải Thượng y tông tâm lĩnh (toàn bộ 4 tập), nhiều người dịch, NXB Y học, Hà Nội, tái bản 2005 (2 tập).
- Lãn Ông Lê Hữu Trác (1972), Hải Thượng y tôn tâm lĩnh (toàn bộ 5 tập), Đình Thụ Hoàng Văn Hòe dịch, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1972.
- GS.TS. Hoàng Tuấn (1990), Học thuyết tâm thận trong y học cổ truyền, NXB Y học.
- GS.TS. Hoàng Tuấn (1994), Học thuyết âm dương và phương dược cổ truyền, NXB Y học.
- Viện YHCT Việt Nam (1997), Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông với y tế cộng đồng, Kỷ yếu Hội thảo.
- Ngô Gia Hy (1999), Y đức và Đức sinh học – nguồn gốc và sự phát triển, NXB Y học.
- 新镌海上醫宗心領全帙 (1885).
- 馮兆张医学全书 (2005), 中国中医葯出版社, 北京, 2005.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089