BÁO HẠI – TẠI ĐÂU ?
20/11/2023
(Nhân vụ việc báo đưa tin sai “ăn bưởi gây ung thư” – năm 2007)
Văn phòng Chính phủ ngày 29-8 đã có công văn gửi Bộ Thông tin – Truyền thông truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc xử lý thông tin thất thiệt “ăn bưởi gây ung thư vú”. Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT làm rõ và xử lý nghiêm cơ quan báo chí, ban biên tập và phóng viên đã viết, đăng thông tin sai sự thật nêu trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-9. Công văn nêu rõ: Vừa qua một số báo đưa tin không đúng về việc “ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ”. Thông tin này đã làm thiệt hại lớn cho nông dân trồng bưởi và gây tâm lý bất an trong xã hội.(NLĐ-30/8)
Thông tin mà một số báo chí Việt Nam đăng đã được dịch từ BBC News và báo Daily Mail (Anh) ngày 16/7, vốn có xuất xứ từ một nghiên cứu đăng trên tập san Ung thư của Anh (British Journal of Cancer) ngày 10/7/2007. Theo các bài báo đó, một số nhà khoa học ở hai trường đại học Nam California và Hawaii (Mỹ) đã khảo sát trên gần 50.000 phụ nữ tuổi mãn kinh và nhận thấy, những phụ nữ ăn từ 1/4 trái bưởi trở lên mỗi ngày sẽ tăng 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Mặc dù một số nhà khoa học ở Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận: ăn bưởi Việt Nam (tiếng Anh gọi là POMELO, tên khoa học Citrus maxima) không bị ung thư. Loại bưởi mà báo chí nước ngoài đưa tin gây ung thư là bưởi chùm (tên tiếng Anh là GRAPEFRUIT tên khoa học là Citrus paradisi) chỉ có ở Mỹ, Brazin, Mexico…Tuy nhiên, theo GS.Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Đại học New South Wales, Sydney, Úc), thì một phần do “báo chí Tây phương hiểu không đúng dữ liệu khoa học mới gây nên nhầm lẫn nghiêm trọng”, nhưng chủ yếu do “nghiên cứu này có nhiều vấn đề về phương pháp có thể làm cho kết quả rất khó diễn dịch”, vì vậy “kết quả của công trình nghiên cứu này không có giá trị khoa học cao, và cũng không đáng tin cậy”. “Bởi vì đây là một công trình khoa học theo mô hình nghiên cứu quan sát (observational study) chứ không phải nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized clinical trial), cho nên kết quả chỉ có giá trị khoa học trung bình và chỉ gợi ý, chứ không thể nói bưởi là nguyên nhân gây ung thư vú”.
Nói về những sai lầm của các nghiên cứu quan sát, GS. Tuấn còn nhắc lại một sai lầm mang tính kinh điển trong y khoa, mà tác giả công trình lại là người đã từng 2 lần giật giải Nobel. Phần kết bài viết, GS còn nói thêm rằng một nghiên cứu khác do các nhà khoa học thuộc Đại học Chicago (công bố chỉ 1 tuần sau nghiên cứu của Đại học Nam California) cho thấy bưởi có tác dụng phòng chống ung thư. Từ đó tác giả nhắc lại và nhấn mạnh một lần nữa: bưởi không gây ung thư vú. Ngược lại, nếu ăn bưởi điều độ và tránh can thiệp với thuốc, bưởi có lợi cho sức khỏe (bạn đọc có thể xem thêm toàn văn bài viết của GS. Nguyễn Văn Tuấn đăng trên ykhoa.net).
Người dẫn lại các thông tin trên đây rất tán thành ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Tuấn cho rằng “giới báo chí và phóng viên trong nước hoàn toàn là nạn nhân của những bản tin báo chí tây phương mà họ dịch và đăng chứ không phải là thủ phạm trong việc này”. Tất nhiên Ban biên tập của các tờ báo kia rất đáng bị khiển trách, vì thiếu cân nhắc cho đăng một thông tin nhạy cảm dẫn đến hậu quả khôn lường cho bà con nông dân nước ta. Đây là một “tai nạn nghề nghiệp” đáng để những người làm báo rút ra bài học nhớ đời. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc xử lý nghiêm đối với cơ quan báo chí chưa phải là giải pháp căn bản để tránh những sự cố tương tự trong tương lai. Việc kiểm soát hay định hướng đầu ra thông tin dù chặt chẽ đến đâu cũng khó mà thực hiện trong xã hội bùng nổ thông tin ngày nay, điều quan trọng chúng ta cần nâng cao được kiến thức và trí xét đoán tinh nhạy của những người tiếp nhận thông tin, không chỉ cho các phóng viên, biên tập viên , mà cho đến từng bạn đọc các báo. Để trụ vững trong một thế giới đa cực, luôn đầy rẫy những thông tin đa chiều, chúng ta không chỉ cần nương tựa vào sự thẩm định kỹ lưỡng của các nhà chuyên môn, mà còn cần tự tin vững vàng nơi lương tri bản thân mình.
Từ sự vụ đăng tin “báo hại, báo đời” này, tôi chợt nhớ lại một lời dạy của Đức Phật cách đây 2.600 năm : “Này các bạn, các bạn đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều mà người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thấy hợp với lý trí của các bạn, những điều được các bậc hiền nhân đồng ý, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới những kết quả tốt đẹp cho đời sống. Còn những điều không hợp với lý trí, những điều bị các bậc hiền nhân chê trách, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới khổ đau và đổ vỡ, những điều đó các bạn nên bác bỏ, đừng chấp nhận.”
Lời dạy vốn được xem là tuyên ngôn đầu tiên về tự do tư tưởng của loài người, nếu được ghi xương khắc tủy cho mỗi cá nhân, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tác hại của các tin đồn thất thiệt gây nên trong xã hội, mà vụ việc “bưởi gây ung thư” chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.
L.Y PHAN CÔNG TUẤN
(Đã đăng Tạp chí Cây Thuốc Quý và chuyên trang TUẦN VIỆT NAM- VietNamNet)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089