Đông y điều trị chứng SẨY THAI LIÊN TIẾP
14/11/2023
L.Y PHAN CÔNG TUẤN
Sẩy thai liên tiếp là một chứng bệnh thường gặp trong điều trị hiếm muộn. Có khá nhiều độc giả sau khi đọc báo cáo chuyên đề “Kết hợp cứu lò ngải và phương dược điều trị vô sinh” (CTQ66-69) đã đề nghị chúng tôi tiếp tục tư vấn sâu hơn về kinh nghiệm điều trị chứng sẩy thai liên tiếp theo Đông y. Nay xin viết theo yêu cầu của bạn đọc.
Sẩy thai hay đẻ non phát sinh liên tục từ 3 lần trở lên, Đông y gọi chung là chứng “hoạt thai”, còn gọi là “sổ đoạ thai”, Tây y gọi là chứng sẩy thai liên tiếp. Có tài liệu báo cáo cho rằng tự nhiên sẩy thai từ 2 lần cũng liệt vào chứng “hoạt thai”. Cần lưu ý trong một số sách Đông y cổ có dùng từ “hoạt thai” để chỉ phương pháp thúc giục sinh nhanh khi lâm sản, không thuộc phạm vi chứng “hoạt thai” của bài viết này.
NGUYÊN NHÂN CƠ CHẾ BỆNH:
Theo Đông y, sẩy thai liên tiếp chủ yếu là do xung nhâm tổn thương, thai nguyên bất cố (thai không vững chắc), hoặc do thai kém phát triển, không thể thành hình, do đó cứ có thai là sẩy. Lâm sàng thường gặp hai thể bệnh chính của sẩy thai liên tiếp là Thận khí hao tổn và Khí huyết đều hư.
1.Thận khí hao tổn:
Do bẩm sinh tiên thiên bất túc, thận khí kém sung, hoặc do có thai mà phòng sự không tiết chế gây tổn thương, làm thận khí hao tổn, hai mạch xung nhâm bất cố (không vững chắc), không gĩư chặt thai, nên cứ có thai là bị sẩy, dẫn đến chứng hoạt thai.
2.Khí huyết đều hư:
Thể tạng vốn hư nhược, khí huyết bất túc; hoặc do ăn uống, làm lụng, lao nhọc làm tổn thương tỳ, nguồn sinh hoá khí huyết không đầy đủ; hoặc do bệnh nặng lâu ngày làm hao tổn khí huyết đều dẫn đến khí huyết lưỡng hư, xung nhâm bất túc, không thể nuôi dưỡng và giữ chắc được thai, vì vậy có thai liền sẩy, gây nên chứng hoạt thai.
CHẨN ĐOÁN:
1.Bệnh sử: Sẩy thai hoặc đẻ non liên tục 3 lần hoặc trên 3 lần, đa số rơi vào cùng một tháng tuổi thai, cũng có khi không cùng tháng nhất định.
2.Chứng trạng: Trước khi có thai hay đau mỏi vùng eo lưng, mỏi mệt, yếu sức. Sau khi mang thai không thấy chứng trạng, hoặc thấy đau lưng, đau bụng, hoặc có một ít huyết xuất ra âm đạo. Miệng cổ tử cung lỏng lẻo đối với bệnh nhân sẩy thai vào giai đoạn giữa và cuối thai kỳ , phần lớn không hay biết triệu chứng, đột nhiên bụng phát đau từng trận, rồi bào thai bị tống xuất ra.
3.Kiểm tra:
-Kiểm tra phụ khoa: Tử cung dị dạng, u xơ tử cung, miệng trong cổ tử cung nới rộng là nguyên nhân của sẩy thai muộn (ba tháng cuối thai kỳ).
-Xét nghiệm: Thiểu năng hoàng thể (tiết không đủ progesteron), suy chức năng thuỳ thể (thuỳ não, tuyến yên, định lượng LH và FSH không đủ), nhiễm sắc thể dị thường, tinh trùng khiếm khuyết là nguyên nhân của sẩy thai giai đoạn sớm (ba tháng đầu). Nhóm máu của mẹ và thai nhi không hợp là nguyên nhân sẩy thai muộn.
-Kiểm tra khác: Các phương pháp siêu âm chụp chiếu quan sát rõ hình dạng tử cung, trạng thái phôi thai, chiều rộng miệng trong cổ tử cung đều có giá trị chẩn đoán. Như bệnh nhân từng sẩy thai, miệng trong cổ tử cung rộng 19mm có ý nghĩa chẩn đoán miệng trong cổ tử cung giản rộng.
Chẩn đoán chứng sẩy thai liên tiếp (hoạt thai ) nên chú ý đặc điểm phát sinh có tính liên tục và tự nhiên.Đặc điểm này giúp chẩn đoán phân biệt với chứng sẩy thai, đẻ non thông thường ( thuộc phạm vi chứng đoạ thai, tiểu sản hẹn có dịp sẽ giới thiệu tiếp sau)
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ:
Bệnh này lấy chứng sẩy thai liên tiếp và các triệu chứng toàn thân cũng như rêu lưỡi, mạch tượng để làm căn cứ biện chứng. Trên lâm sàng có nhiều trường hợp bệnh biểu hiện không điển hình, phải nhờ phương tiện kiểm tra phụ khoa và các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, từ đó đề ra phương pháp trị liệu thích hợp.
Nguyên tắc điều trị chủ yếu đối với bệnh chứng hoạt thai là “bệnh hư thì dùng bổ” (hư tắc bổ chi), đồng thời nên nắm vững nguyên tắc “dự phòng là chính, kết hợp phòng bệnh với trị bệnh” (dự phòng vi chủ, phòng trị kết hợp). Trước khi có thai nên lấy phép bổ thận kiện tỳ, ích khí dưỡng huyết, điều cố xung nhâm làm chủ. Sau khi có thai liền dùng thuốc bảo dưỡng thai ngay, không chờ đến lúc có những triệu chứng báo trước sẩy thai mới vội dùng. Uống thuốc cho đến khi qua khỏi thời điểm những lần trước đó hay sẩy thai, nếu không thấy các triệu chứng thai lậu , thai động bất an (như xuất huyết khi có thai, đau bụng, đau lưng, thai động trì xuống), thì có thể ngưng dùng thuốc để quan sát theo dõi.
1.Thể thận khí hao tổn:
-Chứng trạng chủ yếu: sẩy thai liên tiếp, váng đầu ù tai, đau thắt lưng, mỏi gối, tinh thần uỷ mị, tiểu đêm nhiều lần, tròng mắt thâm quầng, vẻ mặt ám tối, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm nhược.
-Phân tích chứng trạng: Thận hư xung nhâm không kiên cố, thai không giữ vững nên sẩy thai liên tiếp; Thận hư bể tuỷ không đủ, các khiếu mất nuôi dưỡng, nên đầu váng tai ù; Thận hư mệnh môn hoả bất túc, dương khí không thể đạt ra ngoài, nên tinh thần uỷ mị, tròng mắt thâm quầng hoặc vẻ mặt ám tối; Thận hư bàng quang không ước thúc nên tiểu tiện liên tục, nhất là ban đêm; Thắt lưng là phủ của thận, thận chủ cốt, thận hư thì thắt lưng đau, gối mỏi. Lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm nhược đều là triệu chứng của thận hư.
-Phép trị : Bổ thận, cố xung (làm vững mạch xung), an thai.
-Phương thuốc điển hình: Bổ thận cố xung hoàn (Trung y học tân biên):
Thố ty tử, Tục đoạn, Ba kích thiên, Đỗ trọng, Đương quy, Thục địa, Lộc giác sương, Câu kỷ tử, A giao, Đảng sâm, Bạch truật, Đại táo, Sa nhân.
Trong bài này có Thố ty tử, Tục đoạn, Ba kích thiên, Đỗ trọng, Lộc giác sương tác dụng bổ thận, ích tinh tuỷ, cố xung an thai; Đương quy, Thục địa, Câu kỷ tử, A giao tác dụng tư thận, điền tinh, dưỡng huyết mà an thai; Đảng sâm, Bạch truật, Đại táo kiện tỳ ích khí giúp cho nguồn sinh hoá; Sa nhân lý khí an thai, khiến thuốc bồi bổ mà không nê trệ. Toàn phương hợp dùng khiến thận khí mạnh mẽ, thai trụ vững vàng, bảo dưỡng chính thường, thì chẳng phải lo bị sẩy thai nữa.
2.Thể khí huyết đều hư:
-Chứng trạng chủ yếu: Sẩy thai liên tiếp, đầu váng mắt hoa, thần thái mệt mỏi, yếu sức, hồi hộp, hơi thở ngắn, sắc mặt trắng xanh, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược.
-Phân tích triệu chứng: Khí huyết đều hư, xung nhâm bất túc, không thể dưỡng thai, mang thai, nên sẩy thai liên tiếp; Khí huyết đều hư, không vinh nhuận thanh khí ở trên nên váng đầu hao mắt, không vinh nhuận cơ phu ở ngoài nên sắc mặt trắng xanh, không vinh dưỡng tạng phủ bên trong nên thần thái mỏi mệt yếu sức, hồi hộp, thở ngắn. Lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược là chứng trạng của khí huyết đều hư.
-Phép trị: ích khí , dưỡng huyết, an thai.
-Phương thuốc điển hình: Thái sơn bàng thạch tán (Cảnh Nhạc toàn thư):
Nhân sâm, Hoàng kỳ, đương quy, Tục đoạn, Hoàng cầm, Xuyên khung, Thục địa, Bạch thược, Bạch truật, Chích cam thảo, Sa nhân, Nhu mễ.
Trong bài thuốc có Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Chích thảo bổ trung ích khí để giữ thai; Đương quy, Thục địa, Xuyên khung, Bạch thược bổ huyết để dưỡng thai; Sa nhân, Nhu mễ điều dưỡng tỳ vị để an thai; Tục đoạn bổ thận, mạnh lưng để giữ chắc thai; Bạch truật phối Hoàng cầm là thuốc chủ yếu để an thai. Toàn bài hợp dùng có công hiệu song bổ khí huyết, vững chắc mạch xung để an thai.
MỘT VÀI KINH NGHIỆM:
Ngoài hai thể bệnh chính của sẩy thai liên tiếp (viết theo giáo trình Trung y Phụ khoa học dạy cho bậc Cao đẳng chuyên nghiệp Đông y của Trung quốc) trên đây, trên lâm sàng thường gặp một số biểu hiện kết hợp các chứng trạng tỳ hư, âm hư, huyết nhiệt, huyết ứ… Tuỳ từng bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc tiến hành đối chứng lập phương, gia giảm (thêm bớt) vị thuốc, phối ngũ liều lượng (quân thần tá sứ), lựa chọn dạng thuốc bào chế (thang, hoàn, tán, cao…)… cho thích hợp từng cơ địa thể tạng, điều kiện kinh tế, văn hoá, đời sống bệnh nhân thì việc điều trị mới duy trì ổn định và đem lại kết quả. Bệnh nhân cũng phải kiên trì và tích cực hợp tác với thầy thuốc, dùng thuốc đúng liều và ăn uống sinh hoạt theo y lệnh, có vậy mới sớm thoả ước nguyện.
Theo kinh nghiệm riêng của người viết bài này, trong việc dùng thuốc điều trị sẩy thai liên tiếp, cần trọng dụng vị thuốc Tang ký sinh tức Chùm gửi cây dâu để tăng cường tác dụng an thai. Theo Thần Nông Bản thảo kinh (viết cách nay khoảng 2000 năm) thì Tang ký sinh là dược liệu “thượng phẩm” có tác dụng an thai rất tốt, bên cạnh nhiều công dụng khác. Đây là vị thuốc cực kỳ quý hiếm, mặc dù không đắt tiền. Các tài liệu cổ đều thống nhất cho rằng không được dùng Chùm gửi trên các loài cây khác vì có độc, nhưng trên thị trường dược liệu xưa nay hầu hết “Tang ký sinh” đều là Chùm gửi của các loại cây khác, như cây mít chẳng hạn. Bởi vậy, theo chúng tôi, muốn có Tang ký sinh thật sự để dùng phải tự trồng dâu và nuôi cấy Chùm gửi, hoặc nếu phải đi mua thì phải tìm đến tận nơi tự tay thu hái Chùm gửi trên cây dâu mới đáng tin dùng. Để tránh nhầm lẫn với hàng “dỏm”, tôi tạm đặt tên loại thuốc này là Tang ký sinh T.T.T (có thể hiểu là thuốc tự trồng, tự tay thu, toàn thứ thiệt…).
Một kinh nghiệm khác, như chúng tôi đã nêu trong báo cáo chuyên đề trước đây, phối hợp phương pháp cứu bằng lò ngải cho bệnh nhân vô sinh nói chung và sẩy thai liên tiếp nói chung cho kết quả rất khả quan. Bên cạnh các huyệt vị có công năng bổ thận, ích khí, dưỡng huyết như Thận du, Mệnh môn, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Huyết hải, Tam âm giao…, nên đặc biệt chú ý đến 2 huyệt vị đặc trị chứng sẩy thai liên tiếp là Bào môn và Tử hộ. Điều này đã được ghi nhận trong sách Thế Y Đắc Hiệu Phương 世醫得效方 của Nguy Diệc Lâm (1277-1347) đời nhà Nguyên, TQ. Nguyên vă như sau: “Đàn bà có mang sẩy thai liên tiế thì cứ huyt Bào môn, Tử hộ mỗi bên 50 mồi, Bào môn tại huyệt Quan nguyên lấy qua bên trái 2 thốn, Tử hộtại Quan nguyên lấy qua bên phải 2 thối, Tử hộ còn gọi là Khí môn- 婦 人 姙 子 不 成 數 墮 胎 灸 胞 門 子 戶 各 五 十 壯 .胞 門 在 關 元 左 邊 二 寸,子 戶 在 關 元 右 邊 二 寸,子 戶 一 名 氣 門”.
Trưng dẫn mấy dòng y văn trên đây để kết thúc bài này, người viết mong muốn nhắc lại một cứ liệu để quý bạn đọc và đồng nghiệp thêm phần tin tưởng vào phương pháp điều trị của Đông y đã đựợc đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn hàng ngàn năm lịch sử.
Chúc các bạn ứng dụng thành công!
Đây là bản gốc đã đăng
Bản rút gọn hơn đăng
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 5
- Tất cả: 38089