Bưởi bung hay Bí bái
12/11/2023
Phương hay thuốc quý tuần trước có giới thiệu về cây Cơm rượu. Một số bạn đọc phản hồi cho biết nhiều tài liệu vẫn gọi cây Cơm rượu – Glycosmis pentaphylla và Cơm rượu hoa nhỏ – G. citrifolia là Bưởi bung. Xin được tiếp tục giới thiệu cây Bưởi bung – Bí bái để phân biệt với Bưởi bung – Cơm rượu.
heo Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ, Bưởi bung còn có tên Bí bái, Bai bái…; tên khoa học Acronychia pedunculata (L.) Miq. (đồng nghĩa A.laurifolia Blume), thuộc họ Cam – Rutaceae.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Bưởi bung là loài cây gỗ nhỏ cao 5-10m. Cành già màu nâu đỏ, vỏ có mùi xoài. Lá mọc đối phiến hình trái xoan thuôn dài 5-15cm, rộng 2,5-6cm, có những điểm tuyến tiết tinh dầu; lá non có lông, lá già nhẵn; cuống dài phình ở hai đầu, cũng thơm mùi xoài.
Cụm hoa hình ngù, mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa trắng xanh xanh, thơm, có 4 lá đài, 4 cánh hoa, 6 nhị và bầu 1 ô. Quả hạch hình cầu nạc, có múi, khi chín màu vàng nhạt hay trắng hồng, ngọt, thơm thơm, ăn được; hạt dài, cứng, đen.
Cây ưa sáng, thường mọc ở trong rừng thứ sinh, rừng còi, ven rừng và trảng cây bụi vùng trung du và miền núi nước ta từ các tỉnh phía Bắc đến An Giang. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia.
Tại Đà Nẵng có gặp rải rác ven rừng ở Bà Nà, Nam Hải Vân và Sơn Trà. Thỉnh thoảng mọc ở lùm bụi quanh làng hoặc bờ ao. Bưởi bung được trồng bằng hạt hay cành chiết, cây không kén đất, chịu hạn tốt, không chịu úng, ít sâu bệnh. Cây ra hoa tháng 4-6; có quả tháng 6-8.
Để làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận rễ, lõi thân, lá của cây quanh năm, thái phiến, phơi khô. Quả thu hái vào mùa thu – đông, đồ với nước nóng rồi phơi.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy: Lá chứa 1,25% tinh dầu; còn có alcaloid acronycine. Vỏ than chứa bauerenol và kali oxalate. Lõi thân chứa β-sitosterol 0.003%.
Theo Trung dược đại từ điển, đã có một số nghiên cứu tác dụng dược lý cho thấy thành phần acronycine có tác dụng chống ung thư, phổ chống ung thư khá rộng. Thử nghiệm trên động vật có hiệu quả chữa bệnh bạch cầu myeloid C-1498, khối u tế bào tủy plasma X-5563, ung thư biểu mô Adenocarcinoma 755 và các loại tương tự. Thành phần Nitroacronycine có tác dụng giống như estrogen trên chuột.
Theo Đông y, Bưởi bung có vị ngọt, thơm, hơi cay, tính bình. Vỏ đắng và chát. Rễ, gỗ, lá có tác dụng khư phong hoạt huyết, hành khí giảm đau. Quả kiện tỳ tiêu thực. Lá non có thể dùng làm rau gia vị.
Các bộ phận của cây được dùng trị: Ðau thấp khớp, đau dạ dày, đau thoát vị; Chán ăn, đầy bụng, khó tiêu; Cảm mạo, ho. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài chữa ghẻ chốc, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương, lấy vỏ thân, lá nấu nước cho đặc để tắm, xát.
Nhân dân ta thường dùng lá sắc uống chữa đau dạ dày và các chứng sưng đau. Còn dùng lá sao vàng, nấu nước cho sản phụ uống thay chè giúp ăn ngon cơm và thông huyết ứ. Lại có tác dụng trị phù thũng. Ở Indonesia vỏ thân được dùng trị lỵ và lợi tiểu. Lá non cũng dùng ăn. Ở Ấn Độ, rễ, chồi và quả dùng chế nước tắm kích thích. Nhựa của rễ cũng được dùng xoa kích thích trong bệnh thấp khớp.
Ðơn thuốc:
1. Chữa phong thấp, gối lưng đau mỏi, bị thương sưng đau: 15-20g rễ hay lõi gỗ Bưởi bung sắc uống hoặc tán bột uống. Cũng dùng lá tươi đắp chỗ đau.
Hoặc dùng bài thuốc: Rễ bưởi bung 20g, Rễ xấu hổ 20g, Rễ cúc tần 20g, Rễ và lá đinh lăng 10g, Rễ và lá cam thảo dây 10g. Tất cả sao qua, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Dùng một đợt 3-5 ngày.
2. Cảm sốt và ho: 20g lá Bưởi bung sắc uống.
3. Chữa chán ăn, kém tiêu hóa: 15g quả Bưởi bung sắc uống.
4. Ghẻ lở, chốc đầu: 30-50g vỏ thân Bưởi bung sắc đặc rửa.
5. Đòn ngã tổn thương: Dùng lá tươi giã đắp ngoài.
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 12
- Tất cả: 38169