Trang nhà LƯƠNG Y PHAN CÔNG TUẤN

Sinh phần anh cất nơi đây

Lan man y dược, cỏ cây quê nhà

Cám ơn người đã ghé qua !

ĐINH LĂNG tăng lực, giải độc, hỗ trợ điều trị bệnh lao

09/11/2023

 “ĐINH LĂNG bổ khí, lực tăng,

Giải độc, lợi sữa, ngon ăn, khỏe người”.

Kinh nghiệm dùng cho những bệnh nhân  đang điều trị bệnh lao mà vật vã suy kiệt, tưởng chừng không thể tiếp tục uống thuốc kháng lao, nếu bỏ dở liều điều trị thì gây kháng thuốc rất khó điều trị về sau. Trường hợp này nên dùng lá Đinh lăng tươi 150g (nếu khô thì 50g) nấu nước uống hàng ngày, sẽ có sức uống thuốc kháng lao đủ liệu trình.  Điều này chứng tỏ tác dụng tăng lực và giải độc của lá Đinh lăng là rất hiệu quả.

Một cây Đinh lăng trên 10 năm tuổi . Ảnh: P.C.T

Đinh lăng, còn gọi Đinh lăng lá xẻ, Cây gỏi cá – Polyscias fruticosa (L,) Harms (Tieghempanax fruticosus R Vig.), thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.

Đây là loài cây nhỏ dạng bụi, cao 1,5-2m, được trồng chủ yếu để làm cảnh ở các đình chùa, các vườn gia đình, có thể lấy lá non làm rau ăn sống hay trộn gỏi. Từ năm 1961, do biết tác dụng bổ dưỡng của rễ Đinh lăng, người ta trồng nhiều ở các bệnh viện, trạm xá, vườn thuốc. Thường trồng bằng cách giâm cành; chọn những cành già, chặt thành đoạn ngắn 15-20cm, cắm nghiêng xuống đất. Trồng vào tháng 2-4 hoặc tháng 8-10. Đinh lăng ưa đất cao ráo, hơi ẩm nhiều màu. Thu hoạch rễ của những cây đã trồng từ 3 năm trở lên (cây trồng càng lâu năm càng tốt), đem rửa sạch phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió để đảm bảo mùi thơm và phẩm chất. Khi dùng, đem rễ tẩm nước gừng tươi 5% sao qua, rồi tẩm 5% mật ong hoặc mật mía. Lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Toàn cây Đinh lăng đều có thể làm thuốc. Trong rễ có glucosid, alcaloid, saponin triterpen, tanin, 13 loại acid amin, vitamin B1. Trong thân và lá cũng có nhưng ít hơn.

Những gốc Đinh lăng trên 10 năm tuổi . Ảnh: P.C.T

Tóm tắt tác dụng dược lý quan trọng của Đinh lăng

Tác dụng dược lý Chủ trị
1.      Tăng thể lực, chống nhược sức

2.      Kích thích các hoạt động não bộ

3.      Tác dụng kiểu nộ tiết tố sinh dục

4.      Antistress, giải lo âu, chóng trầm cảm

5.      Tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào gan

6.      Giảm cholesterol huyết, giảm lipid

7.      Chống oxy hóa (antioxidant)

8.      Gia tăng sức đề kháng không đặc hiệu

 

1.   Suy nhược cơ thể

2.   Suy nhược thần kinh

3.   Suy nhược sinh dục

4.   Các bệnh lý gây bởi stress

5.   Xơ gan, giải độc gan

6.   Xơ vữa động mạch

7.   Sự lão hóa

8.   Suy giảm miễn dịch

 

Theo Đông y,  Rễ Đinh lăng có vị ngọt, tính bình; lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng bổ khí, giải độc, lợi sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm. Đinh lăng dùng làm thuốc bổ, trị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, tiêu hoá kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, sản hậu huyết xông nhức mỏi. Còn dùng làm thuốc chữa ho, ho ra máu, thông tiểu tiện, chữa kiết lỵ. Thân và cành dùng chữa phong thấp, đau lưng. Lá dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú.

Thường sử dụng ở dạng bột, ngày dùng 2g trở lên. Cũng có thể thái miếng phơi khô, ngày dùng 1-6g dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Lá Đinh lăng phơi khô đem lót gối hoặc trải giường cho trẻ em nằm để đề phòng bệnh kinh giật. Phụ nữ sau khi sinh uống nước sắc lá Đinh lăng khô, thấy cơ thể nhẹ nhõm, khoẻ mạnh có nhiều sữa. Lá tươi 50-100g băm nhỏ cùng với bong bóng lợn trộn với gạo nếp nấu cháo ăn cũng lợi sữa. Lá dùng xông làm ra mồ hôi và chứng chóng mặt. Dùng tươi giã nát đắp ngoài trị viêm thần kinh và thấp khớp và các vết thương. Lá nhai nuốt nước với một chút phèn trị hóc xương cá. Vỏ cây nghiền thành bột làm thuốc uống hạ nhiệt.

 PHAN CÔNG TUẤN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *