Tiễn biệt Giáo sư Bác sĩ TRẦN VĂN KỲ
03/11/2023
Cách đây vài ngày, thấy tin buồn đăng trên FB một “phây hữu” về GS.TS.BS TRẦN VĂN KỲ từ trần hồi 20h30′ ngày 30.10.2023. Biết đây có thể là sự thật, nhưng tôi không vội chia sẻ, có ý chờ thông tin chính thức từ Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, là cơ quan Thầy từng công tác với cương vị Phó Viện trưởng.
Chợt nhớ đến lần gặp gỡ tại văn phòng làm việc của Thầy vào một ngày mùa Đông năm 1995. Anh bạn học phổ thông học bác sĩ đang nội trú tại Viện đã dẫn tôi đến tận của phòng làm việc của Thầy rồi về, để mình tôi gõ cửa bước vào. Lúc ấy, dù mới học Đông y vài ba năm, nhưng tôi vẫn cả gan tìm gặp thầy chỉ để hỏi một câu tại sao trong tập sách DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN vừa xuất bản tập 1, trong chương THUỐC THANH NHIỆT lại không có nhóm THANH NHIỆT TÁO THẤP như các tài liệu khác mà tôi đã học. (Sau này, đến năm 2005, khi DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN tái bản nhập 2 tập thành toàn tập, nhóm thuốc đó mới được bổ sung vào).
Vì rất hâm mộ những cuốn sách của Thầy, có một sự khác biệt rất đáng kể về kiến thức Đông Tây y kết hợp, cập nhật nhiều kết quả nghiên cứu lâm sàng mà các tác giả khác không có, nên tôi đã mua đủ hầu hết các cuốn sách của Thầy để đọc, và thầm xem Thầy như một ân sư của mình trên con đường y nghiệp dù chưa được học một buổi nào với Thầy.
Dù chưa biết thông tin thực hư thế nào, tôi vội lục lại tủ sách ở nhà, cả một số sách đưa con mang ra Hà Nội học, kiểm sơ (chưa đầy đủ) đã thấy đến 25 cuốn.
Sau đó tôi vào mạng tìm kiếm thông tin về Thầy, được biết Giáo sư bác sĩ Trần Văn Kỳ, nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM sinh ngày 02/12/1930, quê quán xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (xã Hải Chữ, huyện Triệu Hải, tỉnh Bình – Trị – Thiên cũ).
Thật bất ngờ, một bậc thầy hàng “cây đa, cây đề” của ngành y học cổ truyền, tác giả hàng chục đầu sách liên tục tái bản trên thị trường, mà lại có quá ít thông tin dữ liệu trên mạng như vậy.
Rất may, nhờ đọc cuốn “Di sản ký ức của nhà khoa học”, tập 1 doTrung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức biên soạn, NXB Tri Thức xuất bản năm 2011, trong đó có bài “Những vòng khuyên trên con đường học vấn” (tr.57) viết về GS. Hoàng Bảo Châu, tôi mới được biết GS. Trần Văn Kỳ (còn có tên Trần Văn Khi, hoặc Trần Văn Khy), cùng với nhiều bác sĩ khác như Hoàng Bảo Châu, Trần Đình Xiêm, Nguyễn Tài Thu, Lê Văn Bích, Cù Nhẫn Nại, Vũ Văn Tiên, Trần Hữu Tuân, Nguyễn Thu Nhạn, Nguyễn Hòa Đức, Bùi Xuân Bách, Phạm Duy Mai… trong số khoảng 150 “cán bộ tương lai” từ cuối năm 1953, đã được sang Trung Quốc học các chuyên ngành tại Hoa Nam Y học viện, sau đó là Bắc Kinh Y học viện.
Đến hết niên học 1957-1958, Trần Văn Kỳ cùng Nguyễn Thu Nhạn, Bùi Xuân Bách được phân học chuyên khoa Nhi, trong khi Hoàng Bảo Châu chuyên khoa Thần kinh, Trần Hữu Tuân, Vũ Văn Tiên, Lê Văn Bích chuyên khoa Tai Mũi Họng, Trần Đình Xiêm chuyên khoa Tâm Thần, Phạm Duy Mai chuyên Dược lý.
Đến năm 1959, sau khi tốt nghiệp cả đoàn về nước, mỗi người về các khoa trong các bệnh viện của mình học để chuẩn bị nhận công tác. Sau đó hầu hết thành viên trong đoàn (trừ Trần Đình Xiêm, Lê Văn Bích, Bùi Xuân Bách, Phạm Duy Mai) lại được giao nhiệm vụ tiếp tục sang Trung Quốc học thêm 3 năm, một năm thực tập chuyên khoa mình đã học tập, hai năm trham gia học lớp “Tây y học tập Trung y khóa II” của Học viện Trung y Bắc Kinh mở vào hai năm 1960-1961 và 1961-1962. Đến tháng 8.1962 cả đoàn mới hoàn thành khóa học về lại đất mẹ.
Có lẽ nhờ quá trình học tập theo chương trình đào tạo “cán bộ tương lai” căn bản như nói trên, mà GS.BS Trần Văn Kỳ đã có một khả năng biên soạn, biên dịch tài liệu chuyên ngành Đông y và Đông Tây y kết hợp hết sức chỉn chu, ít ai so bì được. Rất mong các nhà xuất bản sẽ sớm xuất bản một công trình toàn tập của GS.TS.BS Trần Văn Kỳ để lưu lại hậu thế.
Không đến tận nơi viếng Thầy, bài viết này thay cho nén tâm hương tri ân của một kẻ hậu học từ miền Trung. Xin bái biệt một cội đa cội đề còn sót lại của một thế hệ đã trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, “khi được đi đào tạo, họ cũng học hết mình với mục tiêu học để trở về phục vụ Tổ quốc, xây dựng đất nước” (sđd, tr. 57)!
Đà Nẵng ngày 3 tháng 11 năm 2023
PHAN CÔNG TUẤN
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 31
- Tất cả: 38155