Đi tìm di cảo của cụ LƯU THỦY
31/10/2023
Lần đầu tôi nghe danh cụ Lưu Thủy là nhờ thầy Thái Đờn, Chủ nhiệm CLB Đông y Đà Nẵng nhắc đến. Đó là một danh y rất giỏi về Thương hàn luận, vào những năm 50 thế kỷ trước, đích thân BS.Nguyễn Văn Ba, Hội trưởng Hội Y Dược Việt Nam ở Sài Gòn đã ra Đà Nẵng mời cụ Lưu Thủy vào Đông y Học viện Sài Gòn (BS.Ba là Giám đốc) để giảng dạy về Thương hàn luận. Sau này tôi được thầy Thái Đờn cho sao lại một tập bản thảo (150 trang) có ghi tựa đề “Sách dạy về học luận Thương hàn Á Đông”, phần tác giả ghi là “Người Việt Nam, Cụ Lưu Thủy soạn”. Bản này do chính thầy Đờn đánh máy lại từ bản dịch của cụ Hương Nhự do cụ Phạm Châu Tuân, chủ nhà thuốc Mặt Trăng ở Đà Nẵng cho mượn.
Một dịp tình cờ, một đồng nghiệp là L.Y Trầm Quang Bá cho tôi xem một tập bản thảo đánh máy (87 trang) do cô Quách Thị Phong Vân sao tặng vào tháng 5/1987. Tôi phát hiện ra đây chính là bản dịch khác của sách trên (nguyên bản cụ Lưu Thủy soạn bằng Hán văn, có tựa đề “Á Đông Thương Hàn Giáo Khoa”), do hai học trò của Cụ là Phương Thế Minh và Trương Chứng dịch xong ngày 8/4/1963. Xem cả hai bản dịch, tuy chưa thể lãnh hội hết ý nghĩa tác phẩm, nhưng tôi thấy có nhiều kiến giải hết sức mới lạ, nhiều đề xuất cách tân mạnh bạo nhằm chấn hưng việc học và hành Đông y theo tôn chỉ của Trương Trọng Cảnh. Vì vậy tôi bắt đầu lưu tâm tìm hiểu nhân thân và sưu tầm di cảo của cụ Lưu Thủy để học tập và khi có thời cơ sẽ giới thiệu rộng rãi cho mọi người.
Biết ý định của tôi, thầy Thái Đờn rất ủng hộ. Thầy đã nhiều lần cùng tôi đến nhà thuốc Mặt Trăng, nơi sinh thời cụ Lưu Thủy trú ngụ dạy y cho học trò. Tiếp chúng tôi, cô Phạm Thị Láng, ái nữ của cụ Phạm Châu Tuân, cho biết khi cụ Lưu Thủy mất, ba cô đã thiết lập bàn thờ có di ảnh của Thầy trong nhà. Khi cụ Tuân mất, cô Láng vốn cũng là Đông y sĩ vẫn tiếp tục thờ tự. Nhưng hiện nay do tuổi cao sức yếu, việc leo lên gác phụng sự hương khói hàng ngày khó bề chu đáo, nên cô có ý muốn tìm kiếm người nhà cụ Lưu Thủy để giao lại di ảnh cho con cháu thờ cụ, nhưng chưa liên hệ được, mong chúng tôi tìm giúp.
Rất may, ở đầu bản thảo “Á Đông Tạp Bệnh Luận Bản Nghĩa” (5 tập, 680 trang chép tay) mà cô Láng cho xem có bản tiểu sử cụ Lưu Thủy soạn bằng chữ Nho (tôi có dịch dưới đây), nhờ đó mà biết quê Cụ ở làng La Thọ (Điện Bàn). Khi nghe địa danh này, một người bạn là L.Y Đinh Thanh Tường vốn từng hành nghề ở đó, đã tình nguyện đưa tôi tìm về quê Cụ. Nghe hỏi đến cụ Học Ngôn, tên thường gọi của cụ Lưu Thủy, hầu hết các cụ cao niên trong làng đều biết. Việc cụ soạn sách thì họ không rõ, nhưng nói đến tài xem mạch chữa bệnh, quyết đoán sinh tử như thần của Cụ thì ai cũng sẵn sàng kể cho chúng tôi nghe vài chuyện. Có cụ sốt sắng hướng dẫn chúng tôi đến thăm nhà thờ tộc Nguyễn Văn, gặp các cụ cao niên trong tộc, và một số nhân chứng như cụ bà Nguyễn Thị Châu (88 tuổi, thuở thiếu thời thường đến giúp việc nhà cụ Học), ông Nguyễn Văn Tân (tức Tốc), 75 tuổi, là cháu gọi Cụ là ông nội chú,… (Còn một người cùng vai gọi ông nội chú khác là thầy giáo Long, nhưng rất tiếc khi chúng tôi đến thầy đi vắng. Về sau, có dịp gặp vợ thầy tôi mới biết cô Phong Vân tặng sách cho L.Y Bá là chị dâu của thầy Long).
Nhiều chuyện nghe được tôi chưa thể kể hết, chỉ muốn nói ở đây là nhờ chuyến đi ấy mà tôi biết Cụ không chỉ là lý thuyết gia mà còn là thầy thuốc lâm sàng cực kỳ giỏi, nhiều bệnh thập tử nhất sinh nhưng Cụ chữa vài ba thang thuốc là lành. Ngoài ra, được biết thêm nhiều chuyện về gia cảnh Cụ, về nơi an táng mà bản tiểu sử ghi “hoa viên” chính là vườn nhà của Cụ và người viết tiểu sử cụ Lưu Thủy, cụ Giáo Nhự, chính là cụ Hương Nhự.
Khi tôi ngỏ ý muốn tìm đến thắp hương mộ Cụ, ông Tốc cho biết cách đây ba năm, các cháu nội đích tôn của Cụ đã về cải cát đưa vào hỏa thiêu để thờ trong một ngôi chùa ở TP.HCM. Tuy biết mộ Cụ không còn, nhưng chúng tôi vẫn tìm đến khu vườn xưa, trước cánh đồng lúa làng La Thọ, bên một dòng sông nhỏ rợp bóng tre xanh,… Đứng lặng hồi lâu, ngước nhìn những đám mây trắng lơ lửng trên bầu trời xanh thẳm, tôi bất giác mỉm cười với ý nghĩ không biết trong cõi vô hình xa xăm nào đó, liệu Cụ có biết đến tôi, một kẻ hậu sinh không bà con thân thích lại vượt bao dặm đường đến đây tìm Cụ, và sẽ còn tiếp tục đi tìm những di cảo tản mác đó đây, mặc dù chưa được xuất bản, nhưng tôi biết vẫn âm thầm len lỏi ngấm vào dòng chảy Đông y dược nước nhà.
Sẽ có người hoài nghi, nhưng riêng tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó như tin ở định luật bảo toàn năng lượng. Gần đây, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam có cho tôi một tập ghi chép cách đây ba mươi năm khi còn học thuốc với Đông y sĩ Võ Hoán. Thì ra đó là bài giảng Thương hàn của cụ Lưu Thủy do cụ Võ Hoán biên soạn lại, đặt tên là “Việt Quốc thương hàn bệnh giải nghĩa”, nhưng vẫn ghi tên Cụ là đồng tác giả (“Lưu Thủy và Phước Long”) ở cuối lời tựa. Tôi tin rằng học trò của cụ Lưu Thủy không chỉ có một số ít người được nhắc tên trong bài này, mà chắc là còn nhiều hơn nữa, và di cảo của Cụ được lưu trữ sao chép rải rác ở nhiều nơi. Để sưu tầm toàn bộ, tiến tới thẩm định, biên tập, giới thiệu các di cảo quý báu đó cho nhiều người cùng học tập thảo luận là một chuỗi công việc hết sức khó khăn mà sức lực một vài người khó bề kham nổi. Nên chăng chúng ta cần huy động thật nhiều tập thể, cá nhân cùng đóng góp công sức trí tuệ trong một tổ chức thống nhất?
Tạp chí CTQ đã sẵn sàng cho công việc này, còn bạn đọc, gia đình dòng họ và học trò của học trò cụ Lưu Thủy cũng như các danh y khác thì nghĩ sao? Tòa soạn CTQ mong nhận được ý kiến phản hồi từ quý vị!
Đà Nẵng, 21/7/2008
PHAN CÔNG TUẤN
Tiểu sử Cụ LƯU THỦY (1888-1964)
Cụ Lưu Thủy tên thật Nguyễn Văn Ngôn, sinh giờ Thìn, ngày mồng 3 tháng 5 năm Mậu Tý (1888 – nguyên văn viết nhầm là 1887- BT). Quê quán tại làng La Thọ, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau đổi lại là: thôn La Thọ, xã Thanh Phong (hiện nay là xã Điện Hòa – BT), quận Điện Bàn.
Thân sinh của Cụ là Nguyễn Văn Ý, xuất thân Nho giáo, học vấn uyên bác, thi hương đậu Tú tài 3 khoa, thọ 76 tuổi. Bình sinh ông có rất đông học trò theo học, trong đó có nhiều người thành đạt. Khi về già, ông được học trò cung kính tổ chức lễ mừng thọ. Bấy giờ, có một người bạn của ông, cũng đậu Tú tài, người tỉnh Quảng Bình, tinh thông địa lý phong thủy, có đi đôi liễn mừng thọ rằng:
La Thọ thọ tinh la, công cái văn chương huyền đẩu Bắc;
Quảng Bình bình địa quảng, khách tằng phong thủy lịch ư Nam.
(Thầy Ngô Văn Lại tạm dịch:
La Thọ thọ tuổi trời, nức tiếng văn chương ngời cõi Bắc;
Quảng Bình bình thế đất, nổi danh phong thủy khắp miền Nam)
Khi ông quy tiên, văn thân trong huyện Điện Bàn đã viếng câu đối:
Ất bảng nhị tam cao phổ vọng
Giáp hoa thất lục uyển hoàn nhân.
(Bảng hổ đôi ba phen để tiếng
Tuổi đời bảy sáu lượt nên người- NVL)
Cụ Lưu Thủy nhờ truyền thống gia đình, học hành tấn tới, 16 tuổi đã vào trường tỉnh, 19 tuổi trong khoa thi hương năm Ngọ, Cụ vào đến trường nhì, rồi kế tiếp làm Học sanh tại trường tỉnh (nên được gọi là Học Ngôn-BT). Học lực xuất chúng, nhưng chẳng gặp thời. Lúc bấy giờ, văn hóa nước nhà có nhiều khuynh hướng, Âu Á lẫn lộn, hoặc theo nền nếp cũ, hoặc đua trào lưu mới, phân vân chưa xác định… Cụ bèn du lãm vào Nam, trải khắp các núi non, mong tìm đường giải thoát. Giai đoạn này Cụ chuyên tâm lễ lạy, trì niệm hồng danh chư Phật. Có để lại câu đối rằng:
Mộ cổ thần chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách
Thánh kinh Phật kệ , hoán hồi trần thế mộng mê nhân.
(Chuông sớm trống chiều, thức tỉnh kẻ đắm say danh lợi;
Kinh Nho kệ Phật, lay gọi người mê mộng trần ai)
Cụ quyết tâm nghiên cứu triết lý nhà Phật, có lúc nghiên cứu Duy thức học trên báo Từ Bi Âm, có lúc giảng kinh ở Nam bộ, cũng có lúc về Quảng Nam thuyết pháp. Cụ thường vân du đến chùa Chúc Thánh Hội An và chùa Phổ Thiên Đà Nẵng. Các chùa ở Quảng Nam thỉnh Cụ đăng đàn thuyết pháp. Cụ ăn chay, tập thiền, thường khảo cứu chuyên sâu kinh Phật và đạo Nho, thấy được cái thâm ý của Thánh hiền thưở xưa, đó là lấy sự cứu người làm mục đích, và lấy sự giúp đời làm phương châm. Từ đó Cụ lưu tâm đến nghiên cứu Đông y học.
Cụ thường tâm niệm lời cổ nhân: Người dạy y phải thương người, biết người, người học y phải thương thân biết mình; trên để chữa bệnh cho vua chúa, mẹ cha, dưới để cứu nguy những người nghèo khổ, vừa có thể phục vụ xã hội, vừa có thể tự chăm sóc bản thân. Trong việc thực học, thì y học là môn thực dụng hơn cả. Từ Nho học hướng sang Y học, Cụ hết sức chuyên tâm vào Y đạo. Trải 36 năm công phu miệt mài, ngoài việc nghiên cứu thấu đáo ý chỉ Nội kinh, Nạn kinh, Cụ dồn hết tinh thần sức lực một đời để nghiên cứu xiển dương những ý chỉ sâu xa trong sách Thương Hàn Tạp Bệnh Luận của Thánh y Trương Trọng Cảnh.
Cụ khái quát lấy 2 chữ Thương hàn trong kinh văn để trực giải Thương hàn luận, Tạp bệnh luận. Cụ lại quả quyết cho rằng giống như các bậc y thánh xưa căn cứ vào kinh lạc để châm cứu, Trương Trọng Cảnh cũng căn cứ vào kinh lạc để bàn luận thương hàn, tạp bệnh và đề ra phép chữa, phương dược điều trị truyền lại cho đến đời nay. Cụ theo lý luận của thầy Trọng Cảnh, lấy 2 chữ truyền kinh làm mục đích, căn cứ vào bệnh tình để phân ra bộ vị, theo bộ vị mà định rõ bệnh danh, do đó phương thức nhận bệnh, trị bệnh, chẳng khác nào phương thức của các nhà giải phẫu. Cụ chú giải Thương hàn luận 9 quyển, Tạp bệnh luận 9 quyển. Nương theo sinh lý để đoán biết bệnh lý, nương theo bệnh lý để ấn chứng sinh lý. Đó là pháp môn định bệnh, trị bệnh hết sức giản tiện.
Cụ đã hoàn thành việc chú giải các bộ sách, nhưng việc thẩm định và in ấn chưa thành. Vì tuổi cao, sức yếu, nên Cụ đã giao phó hai bộ sách cho các vị hậu học ở miền Nam (Nam dương học phái) gia công nghiên cứu và từ từ sẽ xuất bản sau. Đó chính là hoài bão lớn lao của Cụ.
Cụ đã vĩnh viễn ra đi về miền Cực lạc vào giờ mùi ngày 21 tháng 9 năm Giáp Thìn (1964). An táng tại Hoa viên (vườn nhà) vào giờ thìn ngày 23 cùng tháng.
Đau đớn thay!
Di cảo Thương hàn Tạp bệnh, còn đó chưa in
Ai người hữu chí đồng tâm, hãy cùng giúp sức !
Ngày mồng 1, tháng 11, năm Giáp Thìn
Cháu: Nguyễn Văn Định
(tức Giáo Nhự, hiệu Như Sanh)
Cung kính biên chép tiểu sử này.
(P.C.T sưu tầm và dịch)
(Đã đăng Tạp chí CTQ số 116)
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 7
- Tất cả: 38164