Giới thiệu bộ sách NAM PHƯƠNG GIA TRUYỀN
02/12/2023
GIỚI THIỆU BỘ SÁCH NAM PHƯƠNG GIA TRUYỀN
Với tôi, sách là quà tặng quý giá nhất. Mỗi lần tiếp nhận một quyển sách quý là có thêm một niềm vui. Nhưng niềm vui thường chỉ thoáng qua phút chốc, sau đó lại nhường chỗ cho sự lao tâm khổ tứ ở lại suốt nhiều ngày nhiều tháng, khiến lòng canh cánh suy nghĩ, tìm tòi , băn khoăn, trăn trở, nếu không đem chia sẻ bằng cách nói ra, viết ra, luôn thấy bất an, cảm giác như là mắc nợ cuộc đời mà chưa trả được. Trường hợp dưới đây là một ví dụ.
Mới đây, đến thăm bệnh ở chùa Thọ Quang (Đà Nẵng), Thượng toạ Thích Huệ Chỉnh có đem biếu tôi một bộ sách thuốc. Thầy cho biết bộ sách này do một đạo hữu cúng dường cố Hòa thượng trụ trì nguyên là Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng. Đại lão Hòa thượng Thích Quang Thể thì tôi có biết, có tiếp kiến vấn an thăm bệnh nhiều lần trong khoảng thời gian 10 năm, nhưng chưa bao giờ nghe nhắc đến món quà này. Mãi đến lễ Đại tường 2 năm sau ngày Hòa thượng viên tịch, lục lại tủ sách của cố Hòa thượng, Thượng tọa đương kiêm trụ trì mới phát hiện và đem biếu tôi để tham khảo ứng dụng.
Được sở hữu bộ sách thuốc khá đồ sộ (xem ảnh), mà một người thường để tâm sưu tầm sách thuốc như tôi trong bao nhiêu năm nay nhưng chưa nghe đến bao giờ, quả là một niềm vui không nhỏ. Sau khi đọc lướt qua, tôi thấy thật thiếu sót nếu như không viết bài này giới thiệu sơ lược cho nhiều bạn đọc và đồng nghiệp cùng quan tâm nghiên cứu tìm hiểu.
Người sưu tầm bộ sách là Hòa thượng Thích Từ Huệ, thế danh là Tạ Văn Phụng, 79 tuổi, trụ trì Tịnh xá Mỹ Đức, phường 2, TP.Mỹ Tho.
Lời nói đầu của soạn giả viết vào ngày 1/6/1988 in ở đầu sách, có đoạn viết:
“Vốn truyền thống Đông y thừa kế từ ông nội và cha tôi tại xã Tân Hương huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, đến năm 1946 tôi xuất gia, mặc dầu tu hành, tôi vẫn luôn quan tâm đến thuốc dân tộc. Sau ngày giải phóng vào năm 1976-1982, chấp hành chủ trương của Nhà nước dưới sự hướng dẫn của ngành Y tế Tiền Giang, tôi đã thành lập và điều hành phòng thuốc Y học dân tộc số 1 tại số 69 đường Nguyễn An Ninh phường 2, để giúp ích chữa trị cho đồng bào xa gần, không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo.
(…) Kính mong quyển sách này được đến tay người có tâm chí giúp đời để rút thêm kinh nghiệm mà phục vụ cho bà con ta.”
Lời nói đầu còn cho biết sách được Sở Y tế, Giáo hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang cùng các nhà hảo tâm đã giúp đỡ in thành 400 bộ để ấn tống, nghĩa là chỉ biếu tặng chứ không bán ra trên thị trường. Chính vì mục đích xuất bản không vụ lợi này mà bộ sách đã quý lại càng hiếm. Nhờ cơ duyên may mắn tôi mới có được một bộ như đã kể ở trên.
Tuy soạn giả nói khiêm nhường đây là bộ sách đơn giản, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, xét về lượng, thì đây là bộ sách chuyên về thuốc nam gia truyền quy mô bậc nhất từ trước đến nay. Toàn sách bao gồm 3 quyển, gần 1700 trang in khổ 13x19cm, có 3433 điều mục, phân nhóm chia loại thứ tự khá rõ ràng, từ lý luận chẩn đoán điều trị, tính dược thuốc nam, bệnh chứng, bài thuốc kinh nghiệm, có sắp xếp bảng tra, mục lục chi tiết cuối mỗi quyển, khi cần tra cứu dễ dàng, nhanh chóng.
Quyển nhất ngoài phần giới thiệu sơ lược lịch sử y dược cổ truyền, tiểu sử các y tổ, lý luận chẩn đoán, nguyên nhân bệnh, nguyên tắc điều trị chung của Đông y, đáng chú ý có phần phương thang và tánh dược thuốc nam. Phần phương thang chung có 96 thang thuốc nam xếp theo chủ trị và 77 thang có đặt tên theo tác dụng. Ngoài ra có những phương thang chuyên trị bệnh trẻ em, phụ nữ. Tánh dược bao gồm 638 vị sắp xếp theo bộ phận sử dụng như rễ, cây, vỏ, nhánh, lá, bông, trái, hột, dây, củ, rau, cỏ, linh tinh v.v… Mỗi bài thuốc, vị thuốc phần lớn được trình bày dưới dạng một bài văn vần 4 câu, nêu tên gọi, tính vị, công năng, chủ trị, kiêng kỵ nếu có. Sau đó có kèm theo bảng phân loại chi tiết tánh dược theo 136 nhóm tác dụng điều trị. Các bài thuốc, vị thuốc này mang nhiều dấu ấn đặc sản vùng đất phương Nam. Ngoài ra trong quyển nhất còn giới thiệu các bài thuốc đơn phương tạp trị và toa thuốc nam căn bản dưới tên gọi là Thập bổn thang.
Các phương thuốc chủ yếu dùng thuốc nam, thỉnh thoảng có thêm thuốc bắc, ngoài ra cũng dùng thủ thuật như châm cứu, xông chườm, cắt lễ…, thảng hoặc sưu tầm cả những bài thuốc có tính phù chú, hay chữa mẹo theo cách dân gian, tuy cơ chế tác dụng chưa rõ ràng và hiệu quả thất thường, nhưng vẫn được ghi nhận để nghiên cứu.
Vì là sách sưu tầm trích lục, nên các phương thuốc khó mà kiểm chứng hiệu quả chắc chắn hoàn toàn, có lẽ do vậy nên trong lời nói đầu sách, người soạn đã thận trọng nêu rõ: “Cũng xin quý vị lưu tâm, đừng lạm dụng sách này mà mỗi khi chữa trị phải cân nhắc thật kỹ từng bài thuốc cho phù hợp với bệnh, chứng và thể trạng của mỗi người mới có kết quả”.
Tuy người sưu tầm biên soạn không ghi chú rõ các nguồn tư liệu trích dẫn (đây là lỗi rất phổ biến ở nước ta từ xưa đến nay), theo hiểu biết của tôi, trong bộ sách có một số mục được chép từ sách Đông Y Dược Học Khóa Toát Yếu của Phạm Văn Điều và nhiều bài thuốc có trong sách Thần Phương Diệu Dược của L.y Nguyễn Văn Xứng, nhưng phần lớn còn lại có lẽ sưu tầm y văn truyền khẩu (dạng ca vè thơ phú) nên không tránh khỏi những sai sót khác biệt về câu chữ, nội dung, nếu đem so sánh đối chiếu với những văn bản khác.
Hầu hết các cây thuốc vị thuốc gọi theo địa phương miền Nam, nhiều cây đặc chủng chỉ có ở vùng đất phương Nam, nên người vùng khác học thuốc nam theo tài liệu này sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Một số bài thuốc viết theo thể “phương thi” cô đọng kiểu như bài Khu hàn bổ thận thang:
Điều kinh, bạch đới, mộng tinh yên
Soạn giả không giải thích rõ từng vị thuốc thì thật khó cho người đọc.
Nêu vài khó khăn như trên, không có ý phê bình khiếm khuyết của bộ sách, mà chúng tôi thành thật mong muốn có sự góp sức thêm của nhiều thầy thuốc nam, lương y, dược sĩ, học giả tiếp tục tìm hiểu, khảo sát, hiệu đính, nghiên cứu về các cây thuốc, bài thuốc này nêu trong sách này, nhằm thừa kế phát huy phát triển tốt hơn vốn quý y dược dân tộc. Tạp chí CTQ của Hội Dược Liệu Việt nam xin tự nguyện làm cầu nối, làm chỗ dựa cho tất cả những ai có tâm huyết với cây cỏ làm thuốc cùng chung sức thực hiện.
Để tìm hiểu thêm về người có công sưu tầm và ấn tống bộ sách, tôi đã vào mạng tìm kiếm, và may thay, đọc được ngay trong sách “Tiểu sử danh tăng Việt nam thế kỷ XX”, tập II (Thích Đồng Bổn chủ biên, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội), xin lược trích vài nét chính dưới đây:
Hòa thượng Thích Từ Huệ (Tăng tín đồ thường gọi là Sư Cả), thế danh Tạ Văn Phụng, sinh năm Canh Tuất – 1910, tại làng Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 23 tuổi (1933), Ngài quy y thọ giới , trải qua đời sống của người cư sĩ tu học tại gia. Năm 37 tuổi (1947), ngài xuất gia và trở thành một trong những vị Tăng xuất gia đầu tiên trong hàng đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang, người sáng lập hệ phái Khất sĩ Việt Nam.
Đối với xã hội, Ngài thành lập Hội từ thiện tại thành phố Mỹ Tho, làm Chủ tịch danh dự của Hội, và mở phòng thuốc Nam trị bệnh miễn phí cho tất cả mọi người.
Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Những năm cuối đời, Ngài vẫn một lòng lo cho đạo pháp và xã hội mặc dù tuổi già sức yếu. Ngài dành hết thời gian cho việc dạy dỗ Tăng chúng, Phật tử; hốt thuốc chữa bệnh cho mọi người. Ngài biên soạn và ấn tống bộ sách thuốc “Nam phương gia truyền” cùng ấn tống các kinh sách đọc tụng phổ thông đến các Phật tử ở những vùng xa xôi hẻo lánh.
Đọc đến câu cuối bản tiểu sử trên, tôi chợt giật mình vì một phát hiện ngẫu nhiên đầy ý nghĩa, bài viết này may mắn hoàn thành đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm mười năm ngày viên tịch của Hòa thượng Thích Từ Huệ.
Xin được dâng bài báo này thay nén tâm hương thành kính tri ân giác linh Hòa Thượng, một danh tăng đã kế tục xuất sắc sự nghiệp cứu nhân độ thế của Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh, đã bỏ hơn mười năm khó nhọc, sưu tầm trích lục viết nên bộ sách Nam Phương Gia Truyền để lại cho đời mà chúng tôi có cơ duyên thừa kế đem ra giới thiệu hôm nay.
Bài viết mới nhất
Ứng dụng Google store
Cây thuốc Đà NẵngLượt truy cập
- Đang online: 0
- Hôm nay: 36
- Tất cả: 38039